Từ vụ nghi vấn xuất xứ Asanzo: Hiểu thế nào về hàng hoá “Made in Việt Nam”?
Giadinhnet – Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu doanh nghiệp mang những sản phẩm không làm chủ ý tưởng, không làm chủ công nghệ, không sở hữu độc quyền thiết kế… sản xuất ở nước ngoài mà tự ý “biến hoá” thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, thì doanh nghiệp, nhãn hàng đó làm ăn “chộp giật”, vi phạm đạo đức kinh doanh.
“Cơn địa chấn hàng Việt” mang tên Asanzo đã gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, bởi nghi vấn các mặt hàng điện gia dụng, điện tử mang nhãn Asanzo có xuất xứ từ Trung Quốc và được “hóa phép” trở thành hàng sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về xuất xứ hàng hoá của nhãn Asanzo nhưng trên thị trường nội địa hiện nay, có rất nhiều sản phẩm gia dụng, điện tử gắn “ made in Việt Nam”, được sản xuất ở nước ngoài.
PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội) về vấn đề trên.
Tivi mang nhãn Asanzo đang được bày bán tại siêu thị Điện máy Xanh.
Ông Phú cho hay: “Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp đều gia công sản phẩm tại nước ngoài như tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… vì chi phí nhân công rẻ, tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều loại hàng hoá có mặt tại Việt Nam cũng tương tự, rất nhiều sản phẩm điện tử, gia dụng cũng được sản xuất tại các nước kể trên với công nghệ từ nước thứ 3. Tuy nhiên, để sản phẩm được gắn “made in Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” thì doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản là: Làm chủ được ý tưởng thiết kế sản phẩm, làm chủ được công nghệ, sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ độc quyền trên thế giới…”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thẳng thắn cho rằng Asanzo đang vi phạm đạo đức người kinh doanh.
Ông Phú giải thích: “Làm chủ công nghệ có thể hiểu đơn giản là làm chủ công nghệ chế tạo, công nghệ phối trộn các chất cấu tạo nên các thành phần linh kiện… để kết cấu sản phẩm có độ bền nhất định.
Nếu doanh nghiệp không có được 3 yêu cầu cơ bản trên, ta có thể khẳng định, hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài là phải mang danh sản xuất ở nơi làm ra sản phẩm. Nếu doanh nghiệp mang những sản phẩm không làm chủ ý tưởng, không làm chủ công nghệ, không sở hữu độc quyền… sản xuất ở nước ngoài mà tự ý “biến hoá” thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thì doanh nghiệp, nhãn hàng đó làm ăn “chộp giật”, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Ở góc độ đạo đức kinh doanh mà nói thì nhãn hàng, doanh nghiệp đó không những đánh lừa người tiêu dùng, mà còn lừa dối cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp đó cũng có dấu hiệu trốn thuế. Bởi vì, doanh nghiệp nhập nguyên chiếc sản phẩm điện tử sẽ phải chịu thuế thu nhập đặc biệt nhưng nếu chỉ nhập riêng linh kiện thì chỉ phải chịu thuế VAT”.
Ấm siêu tốc mang nhãn Asanzo đang được bày bán tại BigC.
Video đang HOT
Cũng theo ông Phú: “Chúng ta cũng cần xem lại chính các tiêu chí để doanh nghiệp, sản phẩm được cấp mã số mã vạch trong nước. Bởi vì hiện nay, rất nhiều nhãn hàng điện tử, gia dụng sản xuất ở Trung Quốc nhưng trên nhãn lại có mã vạch Việt Nam.
Những thực trạng tôi kể trên có nguy cơ ngăn chặn sự phát triển của hàng Việt chân chính, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận và khó có thể hiểu được đâu là hàng Việt thực sự.
Quan điểm của tôi là người tiêu dùng thông thái thôi chưa đủ, mà cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng trước khi họ phải tự tìm cách “biến” mình thành người tiêu dùng thông thái.
Tôi nói vậy là bởi một chiếc tivi, chỉ có cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước mới biết được nó là thật hay giả, còn người tiêu dùng thì không dễ để nhận biết”.
Về sự cố của Asanzo, ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn, dư luận rất hoan nghênh cơ quan quản lý Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc trong vụ việc và cũng “ nóng lòng” chờ đợi từng ngày kết quả được công bố.
Vụ việc rất cần được sớm đưa ra ánh sáng bởi trong thời điểm này, chắc chắn không ít người tiêu dùng là khách hàng đã từng mua sản phẩm mang nhãn Asanzo hoang mang như ngồi trên đống lửa. Nếu sự cố hỏng hóc chẳng may xảy đến với sản phẩm của họ thì sẽ được bảo hành ra sao?
Ngoài ra, trong sự cố Asanzo, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khu vực phụ trách địa bàn. Chính quyền địa phương cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Bảo Loan
Theo giadinh.net
Vụ Asanzo : DN phải "chạy" tiền được cấp nhãn hiệu hàng chất lượng cao?
Trước thông tin nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo nhập hàng Trung Quốc rồi đội lốt hàng Việt và được cấp nhãn hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC)
Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC về nghi vấn doanh nghiệp phải "chạy" tiền thì mới được cấp nhãn hiệu HVNCLC.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Huân Cao
Bà có thể cho biết tiêu chuẩn để được cấp nhãn hiệu HVNCLC cho Asanzo nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung?
- Chúng tôi điều tra người tiêu dùng mỗi năm một lần, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng. Cách thức là phỏng vấn trực tiếp với tiêu chí giá cả, mẫu mã, thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối... Sau đó tiến hành chạy máy đếm dữ liệu, doanh nghiệp nào đạt được tỉ lệ bình chọn thì được đưa vào danh sách.
Trường hợp của Asanzo, sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đối chiếu lại hồ sơ họ nộp thì rõ ràng sai phạm, vì trong điều lệ của Hội, gia công ở nước ngoài là không được cấp HVNCLC. Xét thấy Asanzo vi phạm, chúng tôi đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu.
Như vậy Asanzo đã gửi hồ sơ gian dối đến Hội?
- Họ đăng ký hồ sơ với Hội là sản xuất tại Việt Nam, nhưng khi thực hiện thì không đúng với những gì đã đăng ký, thực tế là sản xuất bên Trung Quốc.
Đến nay, Hội đã cấp giấy chứng nhận cho bao nhiêu doanh nghiệp và Asanzo được cấp từ năm nào?
- Hội thực hiện cấp giấy chứng nhận được hơn 20 năm, trung bình mỗi năm có khoảng 600 doanh nghiệp được bình chọn. Asanzo được cấp nhãn hàng HVNCLC trong 4 năm liên tiếp từ 2016 đến 2019.
Có ý kiến cho rằng việc bình chọn này chỉ xuất phát từ Hội, chứ không phải từ người tiêu dùng?
- Hội đặt ra bộ tiêu chí để có thể cấp giấy chứng nhận này. Dựa trên tiêu chí đó, người tiêu dùng bình chọn. Hội đưa ra sân chơi với các tiêu chí và người tiêu dùng bình chọn.
Doanh nghiệp được bình chọn là do họ đề nghị hay Hội tự đề xuất?
- Chúng tôi tự khảo sát, khi doanh nghiệp lọt vào danh sách bình chọn thì lúc đó mới thông báo đến doanh nghiệp biết và bảo họ làm đơn đăng ký.
Khi được bình chọn, doanh nghiệp có phải đóng phí không?
- Tuyệt đối không. Ví dụ Asanzo từ khi nhận danh hiệu tới giờ, tôi chưa thấy "mặt mũi" Asanzo hay gặp họ lần nào hết.
Hội có tuyên truyền việc không thu phí để doanh nghiệp biết?
- Doanh nghiệp quan tâm tham gia thì tự tìm hiểu, chứ chúng tôi không có phổ biến quy định này vì không có kinh phí.
Nhưng có nghi ngờ phải "chạy" tiền thì mới cấp nhãn hiệu?
- Hội đã nhiều lần gọi điện cho các tỉnh, thành khi nghe có thông tin rằng phải có vài trăm triệu mới công nhận. Thực tế có những công ty tư vấn truyền thông tự đến mời doanh nghiệp, cam đoan đưa vài ba trăm triệu đồng là đậu, đã có doanh nghiệp đưa tiền và nhận giấy chứng nhận giả.
Những nhãn hiệu được cấp giả và cả những nhãn hiệu được cấp thực nhưng hoạt động không đúng thì kiểm soát thế nào?
- Chúng tôi đề cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ Hội không thể đi kiểm tra, xác minh cụ thể được.
Không được nhà nước cấp kinh phí, không nhận tiền doanh nghiệp thì kinh phí để Hội hoạt động từ đâu?
- Hội sống bằng sự tin cậy của doanh nghiệp, thể hiện qua việc đóng hội phí đầy đủ nhất. Hội tôi nghèo hơn các hội khác, một chương trình điều tra phải đi vay nợ và cho không người ta cái nhãn hiệu đó; thế nhưng vẫn bị nghi là Hội ăn tiền của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp được bình chọn, đương nhiên trở thành hội viên và đóng phí?
- Họ phải đăng ký để tham gia, nếu như họ không đóng hội phí đàng hoàng, không đi họp đàng hoàng là bị loại.
Vậy khoản phí đấy là bao nhiêu, có căn cứ vào năng lực tài chính giàu nghèo của doanh nghiệp?
- Khoản phí đóng thì đều giống nhau. Hội đưa ra một khoản phí mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Tất cả những khoản phí đó so với khoản mua danh hiệu thì chẳng bõ bèn gì.
Ở các nước có chuyện bình chọn hàng chất lượng cao không?
- Các nước có hay không thì chúng tôi không biết. Đây là sáng kiến của Hội lập ra, chứ không đi theo mô hình của nước nào cả.
Việc bình chọn này là có khách quan không?
- Khi chúng tôi đi điều tra thì tất cả dữ liệu đều nhập vào máy tính và nó chạy ra một phần mềm, không ai biết là ai đậu, ai rớt. Đến khi in ra tên ai thì doanh nghiệp đó đậu, còn không thấy tên thì doanh nghiệp đó rớt.
Phần mềm chạy danh sách đó ai kiểm soát? Có can thiệp được không?
- Chúng tôi có nguyên Phòng Kỹ thuật, Hội chịu trách nhiệm nhập dữ liệu, kiểm tra thông tin các doanh nghiệp và kiểm soát phần mềm này.
Chúng tôi chỉ cho phép một người nào đó được tham gia vào một công đoạn, chứ không biết hết toàn bộ nên không thể có việc can thiệp gian lận.
Cảm ơn bà.
HUÂN CAO - PHẠM DUNG
Theo LĐO
Xin đừng để Thủ tướng phải phiền lòng! Trên "nóng" thì dưới cũng phải "nóng". Các cơ quan cấp dưới mà sát sao, nắm chắc và xử lý cẩn trọng thì đâu đến nỗi vướng chuyện, ùn tắc lại để Thủ tướng phải bận tâm, phiền lòng. Mấy hôm rồi, loạt bài điều tra những nghi vấn về doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ điện tử Asanzo chủ yếu dùng...