Từ vụ Công Vinh ‘lật kèo’ bầu Hiển giá 14 tỷ đến Tuấn Anh trọn đời yêu HAGL
Tuấn Anh tuyên bố gắn bó trọn đời với CLB HAGL, đó thực sự là một câu chuyện đẹp để thấy đội bóng phố Núi giống như một gia đình thực thụ.
“Tôi muốn toàn tâm ý chơi bóng tại HAGL. Tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tập luyện mỗi ngày, mỗi tuần được ra sân cỏ thi đấu, chiến đấu vì màu cờ sắc áo HAGL”.
Đó là chia sẻ của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh khi nói về sự gắn bó với CLB HAGL. Một lời hứa, cũng có thể được xem là sự cam kết trọn đời thi đấu cho HAGL của Tuấn Anh.
Không chỉ Tuấn Anh, những Minh Vương, Văn Toàn… đều có chung suy nghĩ dành tình cảm và gắn bó cả sự nghiệp với đội bóng phố Núi. Minh Vương từng nói về tin đồn chia tay CLB HAGL: “Tôi chọn CLB HAGL”.
Những trụ cột hứa gắn bó trọn đời với CLB HAGL thực sự là một câu chuyện hết sức ý nghĩa trong bóng đá. Điều đó cho thấy đội bóng phố Núi giống như một gia đình với các cầu thủ. Bởi không chỉ bóng đá Việt Nam hay bóng đá thế giới, chuyện cầu thủ yêu trọn đời một đội bóng là không nhiều, nhất là trong thời đại bóng đá bị cuốn trong vòng xoáy kim tiền.
Tuấn Anh cam kết gắn bó trọn đời với CLB HAGL.
Câu chuyện Công Vinh từng “lật kèo” bầu Hiển là ví dụ. Tháng 9/2011, làng bóng đá Việt Nam xôn xao với chuyện Công Vinh chia tay CLB Hà Nội T&T (bây giờ là CLB Hà Nội). Lúc đó, ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch CLB Hà Nội T&T) phát biểu Công Binh bày tỏ nguyện vọng ở lại đội bóng. Nguyên nhân không xuất phát từ tiền bạc, mục tiêu chinh phục đỉnh cao.
Sự việc về sau được tiết lộ, bầu Hiển gặp Công Vinh trả cho 3 năm là 10 tỷ tiền phí lót tay, lương 60 triệu. Công Vinh muốn nhận lương cao nhất nên bầu Hiển gật đầu trả 80 triệu/tháng. Nhưng một ngày sau thì Công Vinh tuyên bố về với bầu Kiên, chia tay đội bóng của bầu Hiển.
Cú lật kèo của Công Vinh được chính anh lý giải trong tự truyện là bầu Hiển nhắc đến Thủy Tiên: “Vinh này. Chú quên nói là nếu ở lại với chú, con phải cân nhắc lại quan hệ yêu đương với Thủy Tiên. Chú quý con, chú muốn mày lấy một người vợ giống vợ chú, ở nhà lo việc nhà, làm hậu phương cho mình”.
Video đang HOT
Nhưng mất chốt hợp đồng của Công Vinh về với bầu Kiên cần phải nói đến con số. Công Vinh được bầu Hiển trả 10 tỷ nhưng bầu Kiên ra giá đến 14 tỷ cho 3 năm, chênh lệch lên đến 4 tỷ.
Dù với lý do gì thì Công Vinh cũng mang tiếng lật kèo bầu Hiển nhưng chẳng trách được anh, kể cả không có lý do liên quan đến Thủy Tiên thì anh cũng có quyền lựa chọn ra đi nếu đội bóng khác trả giá cao hơn. Tất nhiên, các ông chủ đã có thêm góc nhìn về cầu thủ trong phương diện tình cảm và tiền bạc.
Thế mới thấy rằng, chuyện các cầu thủ “cam kết” yêu trọn đời đội bóng là một điều không hề đơn giản, nhất là cầu thủ nổi tiếng có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhưng khi mọi thứ vượt qua khuôn khổ chuyện tiền bạc thì sự chung thủy trong bóng đá là có thật.
Điển hình là Tuấn Anh “yêu” HAGL trọn đời thực sự tạo nên điều đáng suy ngẫm. Tuấn Anh gắn bó với HAGL từ thuở nhỏ, sau này anh nhiều lần bị chấn thương, trải qua cả chục ca phẫu thuật khác nhau thì có một điều không bao giờ thay đổi, đó là niềm tin và tình yêu của bầu Đức dành cho Tuấn Anh. Từ phương diện cuộc sống đến niềm tin thì bầu Đức vẫn giữ quan điểm: Tuấn Anh là cầu thủ hay nhất HAGL.
Nên nhớ, ngày Tuấn Anh trở lại V.League 2019 thì anh được trao chiếc băng đội trưởng CLB HAGL. Một vinh dự rất lớn, đì kèm theo là sự tin yêu tuyệt đối của bầu Đức dành cho anh. Bởi không ít cầu thủ dính chấn thương liên tục thì “chết chìm”, không còn nhận được sự quan tâm từ các đội bóng.
Bầu Đức còn gặp riêng Tuấn Anh để động viên. Ông chủ đội bóng phố Núi tâm sự và động viên như một người cha đối với người con. Một thứ tình cảm rõ ràng vượt xa chuyện ông chủ với cầu thủ trong bóng đá.
Lẽ đó, không ngạc nhiên khi Tuấn Anh nói lời yêu trọn đời với CLB HAGL. Tuấn Anh thừa hiểu anh nhận được những gì từ đội bóng phố Núi, từ tình cảm đến niềm tin và sự cưu mang trong suốt 13 năm qua.
Đường Bá Hổ
Bóng đá Việt Nam lo 'sức khỏe' những ông bầu
Trong khi các quốc gia đều có điểm chung là làm sao để các CLB hạn chế thiệt hại trong mùa dịch COVID-19 để tồn tại thì bóng đá Việt Nam lại có chung mối lo "thể trạng" những ông bầu.
Dù quy định rất rõ mỗi CLB bóng đá chuyên nghiệp phải đứng dưới sự quản lý của một công ty cổ phần bóng đá nhưng ai cũng biết chưa một công ty cổ phần bóng đá nào đủ lực để nuôi sống CLB của mình.
Có thể thấy rất rõ phần thủ của một CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam (VN) chỉ gói gọn trong vài "món":
- Bán vé (con số rất ít, không đáng kể trừ vài CLB có khán giả).
- Tài trợ (cũng chẳng đáng là bao, thậm chí là nhiều CLB gắn ngực áo tên doanh nghiệp của ông bầu CLB).
- Bản quyền truyền hình (con số mà thời bầu Kiên lập VPF các CLB còn được chia nhưng nay thì có CLB lại mất tiền cho công tác truyền hình).
- Tiền lãi từ cổ phần VPF (không đáng kể nhưng bù lại lãnh đạo CLB hằng năm đều có chuyến đi học bóng đá nhưng thực chất là du lịch).
Nếu các CLB của nhiều quốc gia lo mùa dịch COVID-19 làm bóng lăn khiến nhiều hoạt động tài chính bị ảnh hưởng thì các CLB của VN chỉ lo dịch làm ảnh hưởng đến "công ty mẹ", đến doanh thu từ công ty của các ông bầu rồi từ đó phần chi vài chục tỉ đồng cho đội bóng bị cắt giảm.
CLB Thanh Hóa đang rất lo cho "sức khỏe" của bầu Đệ, đặc biệt là khi bóng lăn trở lại sau dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC DUNG
Ngoại trừ một số CLB chắc chân với ông chủ nhận ôm đội bóng địa phương như bầu Đức với HA Gia Lai, bầu Hiển với Hà Nội... nhiều đội bóng địa phương tồn tại theo kiểu tỉnh giao cho doanh nghiệp nhận lo đội bóng và bù lại tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đấy có những ưu ái riêng như dự án thơm hay đất vàng... Những khoản được ví von là "giao cả cần câu lẫn vùng có nhiều cá" rồi doanh nghiệp có nghĩa vụ lo cho đội bóng tỉnh nhà.
Cũng có những doanh nghiệp tự tìm đến đội bóng rồi qua mối quan hệ xin tỉnh cho được có nghĩa vụ đầu tư vào đội bóng để lấy tiếng thơm và lấy những phần ưu ái. Điều mà nếu không có bóng đá thì đừng hòng chạm vào những dự án, những miếng bánh khai thác từ tỉnh.
Đặc thù của bóng đá VN là khi hình thành các CLB chuyên nghiệp thường phải "gối đầu" vào đấy. Tất nhiên, trong những khoản "gối đầu" đấy có cả sự nhập nhằng giữa phần tỉnh và phần doanh nghiệp. Điển hình như cái sân riêng (gần như là bắt buộc của các CLB chuyên nghiệp) thì đa phần CLB VN đều dựa vào tỉnh. Thế nên chuyện cái sân xuống cấp về lý là thuộc về CLB nhưng bản chất thì lại hay được đẩy qua địa phương, qua tỉnh và rồi lại lấy kinh phí của tỉnh, kinh phí Nhà nước đắp vào.
Đấy cũng là lý do khiến nhiều CLB chuyên nghiệp vẫn được tỉnh bao tiêu một phần kinh phí và phần lớn còn lại thuộc về các doanh nghiệp.
Nó khác hẳn với danh nghĩa đúng của bóng đá chuyên nghiệp là tiền từ bóng đá nuôi bóng đá.
Thế nên, ngay từ nhiệm kỳ II LĐBĐ VN khi nhóm nghiên cứu bóng đá chuyên nghiệp sang Hàn Quốc và Nhật học làm chuyên nghiệp về đề xuất VN nên chỉ có sáu CLB chuyên nghiệp đứng sau là những tập đoàn lớn để phát triển đúng nghĩa chuyên nghiệp rồi nhân rộng dần. Cách làm được lấy từ mô hình của Hàn Quốc ban đầu chỉ có sáu CLB chuyên nghiệp và đỡ đầu cho sáu CLB đấy là sáu tập đoàn lớn như Samsung, Daewoo, Hyundai...
Chính với cách làm và cách tồn tại chưa sang hẳn kênh tiền bóng đá nuôi bóng đá mà những CLB VN hiện nay bước vào mùa "đứng hình" vì dịch thường lo "sức khỏe" của ông bầu, ông chủ CLB nhiều hơn lo chuyện làm ăn, tài chính của đội bóng.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương từng cảnh báo: "Điều đáng lo nhất của bóng đá VN là các CLB trong và sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ bị cắt giảm rất nhiều từ khó khăn của các ông chủ. Nhiều CLB đã quen sống và thở từ túi tiền của ông bầu bơm vào thì trong cơn đại dịch này sẽ không ít ông chủ không còn dồi dào tiền để bơm và từ đấy các CLB sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy".
Nguy hiểm cho bóng đá VN là sức khỏe đội bóng hay lệ thuộc vào những cái hắt hơi, sổ mũi của ông chủ.
Thai-League lên bản quyền truyền hình hơn 9.500 tỉ đồng
Bóng đá Thái Lan thông báo gói bản quyền truyền hình Thai-League từ năm 2021 đến 2028 với giá hơn 400 triệu USD, tức hơn 9.500 tỉ đồng.
Để có được gói bản quyền truyền hình khủng này, ban tổ chức Thái Lan đã buộc các CLB phải nâng cấp CLB của mình theo chuẩn Thai-League, đồng thời mở ra những chính sách để đưa bản quyền truyền hình của mình đến nhiều quốc gia.
Với gói bản quyền khủng đấy, phần lợi đầu tiên thuộc về các CLB chuyên nghiệp Thái Lan. Họ được ban tổ chức Thai-League chia lợi nhuận theo thứ hạng, theo tầm ảnh hưởng của CLB nhưng ngược lại, các CLB phải có trách nhiệm xây dựng hình ảnh CLB nói riêng và hình ảnh Thai-League nói chung qua việc đầu tư sân bãi, hệ thống cổ động viên, quy định CLB... Đó cũng là quyền lợi song song mang tính hai chiều mà cụ thể là Thai-League từ đứng sau V-League nay đã là giải đấu số một Đông Nam Á và số bốn châu Á sau J-League của Nhật, K-League của Hàn Quốc và C-League của Trung Quốc. Song song đó, trong tốp 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, các đội bóng Thai-League chiếm đến bảy vị trí với tổng số tiền lên đến gần 45 triệu euro.
NGUYỄN NGUYÊN
Ngỡ ngàng với gia tài bàn thắng đồ sộ của Công Phượng sau 6 năm xuống núi Sau hơn 6 năm xuống núi và thi đấu chuyên nghiệp, Công Phượng có được một gia tài bàn thắng đồ sộ mà bất cứ một chân sút nội nào cũng phải thèm thuồng ghen tị. Từ một cậu bé còi cọc bị lò đào tạo SLNA khước từ, Công Phượng thi đậu vào Học viện bóng đá HAGL JMG của bầu Đức...