Từ vụ bé trai đi học bơi mà khóc ngằn ngặt vì sợ, bác sĩ Nhi lên tiếng: “Học bơi khác chơi với nước”
Ít giờ qua, cư dân mạng, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ đã vô cùng phẫn nộ khi xem clip học bơi của 1 bé trai tại một trung tâm dạy bơi cho trẻ nhỏ.
Mặc dù được học bơi theo kiểu 1 giáo viên kèm 1 học sinh và có mẹ tham gia cùng nhưng điều đáng chú ý hơn cả là biểu hiện sợ hãi, gào khóc của bé trai khi tham gia. Không dừng lại ở đó, cho dù thấy bé phản ứng dữ dội không muốn học bơi nhưng thầy giáo thấy thế đã đẩy thẳng bé xuống bể, tiếp đó là cảnh vùng vẫy vừa bơi vừa tìm về hướng mẹ như cầu cứu của em bé khiến ai cũng thương xót.
Dưới 1 tuổi, “học bơi” chỉ là chơi với nước
Hiện nay ở Việt Nam, có nhiều trung tâm dạy bơi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiều khóa học “bơi sinh tồn” được quảng cáo dành cho học sinh từ vài tuần tuổi. Vậy độ tuổi nào cho trẻ học bơi là phù hợp? Về điều này, bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn (quản lý page Chăm con chuẩn Mỹ) cho biết:
“ Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, “học bơi” ở trẻ dưới 1 tuổi không được coi là học bơi do không cải thiện được kĩ năng sinh tồn bơi. Trẻ có thể có phản xạ bơi nhưng chưa thể ngửa cổ để lấy hơi hay thở. Tất nhiên, bố mẹ có thể tham gia các buổi chơi với nước cùng trẻ nhũ nhi (trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi) để con quen với môi trường nước hơn, và đó chỉ đơn thuần là những buổi chơi với nước vui vẻ mà thôi.
Bố mẹ cần lưu ý rằng: Ở tuổi này, xuống bể bơi là CHƠI VỚI NƯỚC với phản xạ tự nhiên chứ không phải HỌC BƠI. Phản xạ này sẽ mờ dần và trẻ phải học bơi bài bản lại“.
Phản ứng sợ hãi của bé trai khi bị đẩy xuống bể bơi (Ảnh cut từ clip).
Vậy khi nào nên cho con học bơi?
Học bơi (learn-to-swim lesson) tức học bơi bài bản nhờ các huấn luyện viên chuyên nghiệp là bước đầu tiên để phòng tránh đuối nước ở trẻ em. Đây là một trong các kĩ năng sinh tồn quan trọng nhất, mà TẤT CẢ trẻ em đều phải được học.
Nhưng có một lưu ý quan trọng: “ Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, với mức độ phát triển tinh thần – vận động – cảm xúc khác nhau, không phải mọi đứa trẻ đều sẵn sàng học bơi khi đến tuổi. Khi quyết định cho con đi học, bố mẹ hãy xem xét đến khả năng vận động, hạn chế, khuyết tật, mức độ thoải mái khi con xuống nước của chính con mình“.
Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn nhấn mạnh: “ Không phải cứ thích là xô xuống nước! Những ám ảnh sợ hãi ấu thơ có thể theo con suốt đời“.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ hướng dẫn: trẻ từ 1 tuổi đã có thể học bơi. Các nghiên cứu quan sát thấy các khoá học nổi (học “đứng nước”) và học bơi giảm hẳn tỉ lệ tai nạn nước ở lứa 1-4 tuổi.
Tròn 4 tuổi – đó là thời điểm phần lớn trẻ đều đã sẵn sàng xuống nước. Ở tuổi này, con trẻ đã sẵn sàng để học các kĩ năng cơ bản như học nổi (đứng nước), học bơi theo trớn nước và định hướng bơi được tới điểm an toàn.
Cho tới tròn 5 – 6 tuổi, phần lớn tụi nhỏ được đi học bơi đều có thể thành thạo bơi sải. Nếu đã đi bơi, bạn có thể thấy tuổi này bọn nhỏ học bơi sải nhanh hơn bất kì ai.
Con bạn 6 tuổi rồi nhưng chưa đi học bơi? Hè này hãy đăng kí một lớp học bơi chuyên nghiệp ngay đi thôi!
Chọn lớp học bơi cho con như thế nào?
Ngoài căn cứ vào độ tuổi, tính cách của con thì việc lựa chọn lớp học bơi, huấn luyện viên dạy bơi cũng vô cùng quan trọng. Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn gợi ý các bố mẹ một số lưu ý khi chọn nơi học bơi cho con như sau:
1. Huấn luyện viên không cần là một vận động viên xuất sắc, cần chọn một huấn luyện viên có hiểu biết rộng về các kĩ năng sinh tồn với nước. Có thể huấn luyện con tập nổi, tập trớn nước và bơi được một khoảng cách nhất định.
2. Huấn luyện viên phải có chứng chỉ tiêu chuẩn về huấn luyện bơi và cấp cứu cơ bản.
3. Đảm bảo dạy cho trẻ các quy tắc khi chơi với nước: không bao giờ tự ý bơi khi không có ai kiểm soát.
4. Huấn luyện viên có khả năng dạy những tình huống đặc biệt như: ngã xuống nước, bơi với nguyên quần áo, hỗ trợ cứu nạn (trẻ lớn).
5. Bố mẹ hãy xem thử lớp học trước khi đăng kí. Tốt nhất hãy tham gia cùng con để đảm bảo con được kiểm soát liên tục trong khoảng cách không quá một tầm tay.
6. Chọn bể bơi nước ấm, sạch, thân thiện, không quá đông đúc. Các huấn luyện viên chuyên nghiệp luôn yêu cầu trẻ mặc áo bơi liền thân.
“ Các bố mẹ nên nhớ: Học bơi không giúp loại trừ nguy cơ đuối nước, vì phần lớn ca đuối nước lại không xảy ra trong giờ bơi hay khi gần ao hồ, sông biển. Đuối nước có thể xảy ra ở bất kì lúc nào, bất kì ai, ở bất kì gia đình nào đó“, bác sĩ Đỗ Tiến Sơn nhắn nhủ các bố mẹ.
H.Thanh
Dân mạng phẫn nộ vì đoạn clip em bé gào thét, vùng vẫy khi bị đẩy xuống nước để học bơi, thầy giáo dạy bơi lên tiếng
Xem xong những đoạn clip này, cư dân mạng cho rằng đây là một phương pháp học bơi đáng sợ, đồng thời không ít người cũng chỉ trích người mẹ quá vô tâm khi có thể đứng im nhìn con gào khóc như vậy.
Bé trai gào khóc, sợ hãi khi bị đẩy thẳng xuống bể bơi
Mới đây, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ những đoạn clip ghi lại các buổi học bơi của một em bé còn khá nhỏ tuổi. Trong những đoạn clip này, em bé được học bơi cùng thầy giáo và mẹ. Khi mẹ gọi bé xuống bể bơi thì bé khóc rất lớn, sau đó thầy giáo đã đẩy em bé xuống bể. Ngay lập tức em bé này bơi dưới nước với tư thế bơi ngửa, cố gắng thở, liên tục vùng vẫy để nổi trên mặt nước và cố gắng kêu gào khi có thể đồng thời tìm về hướng mẹ đang đứng.
Thầy giáo dạy bơi tiếp tục hướng dẫn người mẹ lật em bé úp xuống và đẩy bé xuống sâu dưới đáy bể. Người mẹ làm theo hướng dẫn của thầy giáo, sau khi bị dìm sâu xuống nước, em bé này lại đạp chân và vài giây sau lại nổi được trên mặt nước song miệng cũng không ngừng gào khóc. Thầy giáo còn yêu cầu người mẹ đứng xa bé ra.
Đoạn clip em bé bị đẩy xuống bể bơi để tập bơi khiến nhiều người phẫn nộ.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy thẳng em bé xuống bể bơi còn mẹ đứng trên bờ để cổ vũ cho con. Cậu bé vẫn đạp chân liên tục để bơi song miệng vẫn không ngừng gào thét.
Những đoạn clip này đã ngay lập tức khiến cư dân mạng phẫn nộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Số đông cho rằng đây là một phương pháp dạy bơi đáng sợ, tàn nhẫn, là hành động ép buộc bé phải học bơi chứ hoàn toàn không tôn trọng mong muốn của trẻ. Việc em bé gào khóc được cho là do bé sợ hãi, không muốn xuống bể bơi. Cũng có những người đánh giá người mẹ của em bé này vô tâm khi chứng kiến con sợ hãi, liên tục tìm mẹ để cầu cứu nhưng mẹ không hề có phản ứng gì.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại cho vấn đề sức khoẻ của em bé bởi khi bé vừa khóc vừa bị đẩy xuống nước như thế sẽ rất dễ bị sặc nước, thậm chí còn có khả năng gặp phải tình trạng chết đuối trên cạn.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy em bé xuống bể bơi một mình còn thầy và mẹ đứng trên bờ hướng dẫn và cổ vũ bé.
Thầy giáo dạy bơi nói gì về clip đang gây phẫn nộ?
Chúng tôi đã liên hệ với anh Trương Thanh Tùng là thầy giáo dạy bơi trong đoạn clip được chia sẻ trên mạng để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp dạy bơi của anh.
Anh Tùng cho biết anh có bằng Cử nhân Y học của trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội và đã dạy bơi được khoảng 5-6 năm. Anh cũng là người sáng lập ra Trung tâm dạy bơi Le Ping, chuyên dạy bơi cho trẻ từ 0-5 tuổi được 2 năm nay.
" Phương pháp dạy bơi của mình có tên là "Phương pháp giáo dục đặc thù từng cá nhân". Phương pháp này do mình tự nghiên cứu từ sách nước ngoài. Sau đó mình học thêm và soạn giáo án của riêng mình" - thầy giáo tiết lộ.
Nói về đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội, anh Tùng chia sẻ: " Cậu học sinh này tên Tin (lúc học bơi là bé 16 tháng, hiện đã 25 tháng tuổi) và đó là buổi học thứ 7 của Tin chứ không phải buổi đầu tiên như nhiều người lầm tưởng. Khi các bé bắt đầu vào học sẽ được hướng dẫn các kỹ năng như: Làm quen, lặn, đạp chân, nín thở, nổi người trong nước, phản xạ, biết cách ngã xuống nước an toàn... Khi đã thành thạo các kỹ năng này thì bé mới được xuống nước để thực hành. Và trong những đoạn clip này là bé Tin đang học bài cuối cùng: "Mô phỏng ngã từ trên cao xuống nước".
Anh Trương Thanh Tùng đã có 5-6 năm minh nghiệm dạy bơi.
Về phản ứng gào khóc của Tin, anh Tùng giải thích: " Mình có nghiên cứu giáo án cấp độ 3 đó là Sinh trắc vân tay. Ở đây, mình tạm chia ra làm hai dạng là "Phản ứng" và "Cảm xúc". Đối với những bé thuộc dòng "Cảm xúc", khi xuống nước bé sẽ chỉ mếu máo thôi. Với những bé này, thầy cô chỉ cần hát, đọc truyện cho các con nghe là có thể trấn an các con. Những bé thuộc dòng này thường biết bơi rất nhanh.
Còn các bé thuộc dòng "Phản ứng" như bé Tin thì thường gào thét, chân tay đập liên hồi. 16 tháng tuổi Tin mới đi học bơi nên phản ứng rất rõ ràng. Đó là những phản ứng tự nhiên, não bộ của các bé như vậy nên sinh ra những phản ứng phản kháng như vậy. Với các bạn dòng "Phản ứng" như thế này, nếu có bố mẹ ở bên mà thể hiện các hành động tình cảm là các bé càng phản ứng dữ dội.
Vì vậy giáo viên và phụ huynh của bé phải lờ đi những phản ứng của bé và không được phản ứng lại thì bé sẽ biết bơi. Các bậc phụ huynh có con thuộc dòng "Phản ứng" đều rất điềm tĩnh và họ không hề phản ứng lại hay tiếp nhận những phản ứng của con mình vì họ biết con mình như nào và phải giáo dục thế nào là tốt nhất cho con. Chứ không phải là họ vô cảm như nhiều người đang mắng mỏ". Anh cũng cung cấp thêm một số đoạn clip khác của Tin. Sau một vài buổi học nữa thì tâm lý của Tin đã thay đổi, thích thú và tự tin hơn. Bé vui vẻ, hào hứng tập bơi cùng mẹ chứ không còn sợ hãi, gào khóc nữa.
Anh Tùng cung cấp video cho rằng sau 10 buổi học thì Tin đã tự tin hơn khi bơi cùng mẹ tại nhà.
Còn về vấn về sức khoẻ của trẻ khi học bơi theo phương pháp này, anh Tùng nói: " Mặc dù chết đuối cạn là rất hiếm gặp nhưng trung tâm luôn ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khoẻ cho các bé.
Khi bắt đầu học các bé đã được học cách nín thở để không bị sặc nước. Sau mỗi buổi học trẻ sẽ được giữ lại tại trung tâm 30 phút để kiểm tra y tế. Khi trẻ không có các triệu chứng của chết đuối cạn và khỏe mạnh trở lại thì được phụ huynh đưa về.
Sau khi về phụ huynh được hướng dẫn phải để ý xem con có bị buồn nôn, mệt mỏi, có ăn uống bình thường không? Môi của trẻ có tím tai do thiếu oxi hay lồng ngực của trẻ khi thở có gặp khó khăn không? Nếu bé gặp phải tình trạng này thì cần đưa ngay bé đến bệnh viện. Điều này cũng được trung tâm hướng dẫn kỹ càng cho phụ huynh".
Tuy nhiên đây mới chỉ là thông tin từ phía anh Tùng, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các thầy cô giáo dạy bơi cho trẻ và bác sĩ Nhi khoa để có thông tin đa chiều hơn.
V.V.
Cậu bé cụt tay chân cố gắng học bơi gây xúc động Tuy bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ nhưng Henry Van Putten (4 tuổi) vẫn luôn lạc quan và tươi cười. Khoảnh khắc cậu bé tập bơi cùng thầy hướng dẫn khiến nhiều người cảm động. Cát Lâm - Phương Thảo