Từ vụ bé gái 5 tuổi treo cổ tự tử nghi do học theo YouTube: Hết “Cá voi xanh” rồi “Momo”, từ khi nào internet lại trở nên nguy hiểm đến thế?
Các trào lưu, video với nội dung độc hại trên YouTube và internet nói chung có phải đang là những thứ không thể kiểm soát?
Như thông tin ghi nhận thời gian gần đây, đã có một sự việc thương tâm xảy ra ở TP.HCM. Đó là trường hợp một bé gái 5 tuổi đã tự treo cổ đến bất tỉnh vào ngày 12/10. Dù được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn. Cô bé tử vong vào lúc 18h10 phút cùng ngày.
Cô bé 5 tuổi tử vong, nghi do bắt chước YouTube
Đáng chú ý là theo chia sẻ của người thân trong gia đình nạn nhân, họ nghi ngờ hành động của cô bé dường như là vì học theo trò chơi treo cổ trong video nào đó trên YouTube, và đã có một lần từng treo cổ hụt.
Chưa rõ tính xác thực của thông tin này như thế nào, nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp trẻ em gặp nguy hiểm vì học theo YouTube. Tại Việt Nam, tháng 11/2019 đã có một cháu bé 7 tuổi tại TP.HCM học theo trò thắt cổ mà suýt tử vong, hay một trường hợp khác đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ cửa kính giống như các clip trên mạng.
Còn trên thế giới, đây cũng chẳng phải chuyện quá mới nữa, khi các nội dung trên YouTube và internet nói chung gây nguy hiểm cho trẻ em, thậm chí là cả thanh thiếu niên.
Thử thách “ Cá voi xanh” và “Momo” – Những nội dung độc hại chết người
Cách đây 5 năm, cư dân mạng xôn xao về một trò chơi trên internet, với cái tên “ Thử thách Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge).
Đây là một “trò chơi” được cho là bắt nguồn từ Nga. Người tham gia sẽ phải thực hiện một chuỗi thử thách trong 50 ngày, với độ khó tăng dần. Ban đầu chỉ là các nhiệm vụ đơn giản: ngủ ở một nơi được chỉ định, đi dạo buổi tối… dần dần đòi hỏi người chơi phải tự gây tổn thương như rạch tay, khắc hình cá voi lên tay. Và đến ngày 50, bạn cần phải tự tử – theo đúng nghĩa đen luôn, để được công nhận là người chiến thắng.
Minh họa về thử thách Cá voi xanh
Video đang HOT
Sự nguy hiểm của trò chơi này nằm ở chỗ nó nhắm đến đối tượng là các thiếu niên tuổi teen – độ tuổi vẫn chưa có được sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Chính vì chưa nhận thức đủ, họ dễ dàng bị những kẻ cầm đầu thao túng, dọa nạt, để rồi phải theo đuổi thử thách đến tận cùng và để lại những hậu quả thương tâm. Theo thống kê, các nạn nhân của “Cá voi xanh” xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Nga năm 2016, ít nhất đã có 130 thanh thiếu niên thiệt mạng vì thử thách này.
Qua thời gian, “Cá voi xanh” dần cũng lắng xuống. Nhưng rồi cách đây 2 năm, cư dân mạng lại một lần nữa xôn xao vì một trào lưu khác. Nó có tên là “Momo Challenge” – hay “ Thử thách Momo”.
Thời điểm ấy, các thông tin về “Momo Challenge” như sau: đây là một trào lưu cũng tương tự như “Cá voi xanh”, và độ nguy hiểm cũng không kém cạnh. Nó xuất hiện lần đầu trên ứng dụng Whatsapp, từ một tài khoản lạ có hình ảnh là một bức tượng điêu khắc của Nhật có tên MotherBird. Đó là một bức tượng quái dị, với hình thù là một con chim mang đầu người, với khuôn mặt ghê rợn cùng một nụ cười ám ảnh đến kinh hoàng.
Hình tượng gây ám ảnh của Momo
Theo lời thách thức, người chơi sẽ phải nhắn tin với tài khoản này, sau đó sẽ bị dẫn dụ đến các video có nội dung hướng dẫn tự hủy hoại bản thân. Và khác với “Cá voi xanh”, đối tượng của Momo lại nhắm đến trẻ em.
Sau khi gây xôn xao trong dư luận, các nhà điều tra đã vào cuộc và phát hiện ra một sự thật: cái gọi là “Thử thách Momo” thực chất chỉ là một trò bịp, một câu chuyện đính kèm hình ảnh ghê rợn được ai đó nghĩ ra để khiến cộng đồng hoang mang về sự an toàn của con trẻ khi sử dụng internet. Nhưng dẫu Momo có là trò bịp, thì đằng sau nó lại là một vấn đề đáng lo ngại hơn thế nữa. Đó là khi các nội dung xấu vẫn đang ẩn nấp trên những nền tảng mạng xã hội, đơn cử như YouTube và YouTube Kids.
Nội dung độc hại ẩn nấp ngay cả trong nền tảng video cho trẻ em
YouTube là một sân chơi khá rộng, đồng nghĩa với việc nội dung đăng tải ở đó sẽ khó kiểm soát hơn và dễ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Thấu hiểu điều này, YouTube đã đưa ra nền tảng YouTube Kids, với mong muốn tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người dùng nhỏ tuổi.
Nhưng thực tế thì họ có làm được không? Đã từng xuất hiện những video có nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát xuất hiện trên YouTube Kids, được nguỵ trang bằng các nhân vật hoạt hình bắt mắt, dù không phải Momo. Nó cho thấy một thực tại, đó là các nội dung độc hại vẫn đang hiện hữu ở ngay giữa nền tảng video tưởng như tươi sáng nhất.
Trong nhiều năm qua, YouTube đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong thầm lặng. Nhưng tới năm 2017, nhà văn James Bridle đã giúp công chúng nhận ra vấn đề nghiêm trọng đến thế nào, thông qua một vài câu chuyện về các video kinh dị được tìm thấy trên YouTube Kids. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, bạn sẽ thấy ngay cảnh chú lợn Peppa bị tra tấn trong phòng khám nha khoa, hoặc chuột Mickey chịu nhục hình, hay vô số các video với nội dung quái đản liên quan đến các nhân vật của Disney. Tất cả đều tồn tại trên nền tảng video dành cho trẻ em của YouTube.
Hình ảnh rất thường, nhưng nội dung trong video thì cực kỳ độc hại
YouTube đã cố gắng gỡ bỏ rất nhiều video có nội dung thô tục, nhưng chúng liên tục xuất hiện, với nhiều mánh khóe lọt qua thuật toán của họ. Như gần đây theo báo cáo của The Verge, scandal mới nhất của YouTube là về những bình luận dưới video mang tính chất khiêu khích, dụ dỗ trẻ em để thực hiện mưu đồ xa hơn, bao gồm cả ấu dâm.
Nhưng tại sao YouTube không thể giải quyết triệt để được vấn đề này? Theo Keza MacDonald, hiện đang là phóng viên video tại The Guardian, sai lầm của họ là quá phụ thuộc vào hệ thống flagging (gắn cờ) – vốn để người dùng báo cáo về các video có nội dung sai trái.
Điều này đồng nghĩa với việc phải có người thực sự nhìn thấy video đó, thấy nó phản cảm rồi báo cáo và chờ đợi hệ thống làm việc. Với ngần ấy công đoạn thì hiển nhiên sẽ có độ trễ, và hoàn toàn có khả năng video ấy tiếp cận được với người dùng là trẻ em.
Trong bản mô tả của ứng dụng YouTube Kids có đoạn: “We work hard to offer a safer YouTube experience, but no automated system is perfect.” (tạm dịch: Chúng tôi rất cố gắng để đem đến trải nghiệm YouTube an toàn hơn, nhưng không hệ thống nào là hoàn hảo). Nhưng với Keza, ông không tin vào điều đó. YouTube với ông chưa bao giờ là một nền tảng phù hợp cho trẻ em, và cũng không có khả năng để tự nó thay đổi.
Để tạm thời giải quyết câu chuyện này, giải pháp duy nhất hiện nay là buộc cha mẹ phải quản lý nội dung mà trẻ con theo dõi trên YouTube, và phải là trên mọi nền tảng: từ điện thoại, TV, máy tính, tablet… Hoặc, chúng ta cần nhắm đến những nền tảng giải trí an toàn, lành mạnh hơn, phân cấp độ tuổi rõ ràng như Netflix, BBC iPlayer…
Học theo trò chơi "treo cổ" trên Youtube, bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong thương tâm
Cháu V.T.D. đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến việc tử vong thương tâm.
Mới đây, cư dân mạng, đặc biệt là các ông bố bà mẹ đã vô cùng sửng sốt trước bài chia sẻ của chị Ngô Nguyệt (hiện đang sống ở TP.HCM) về cái chết thương tâm của cô cháu gái 5 tuổi của chị.
Theo chia sẻ của chị Nguyệt, cháu gái của chị là V.T.D. (5 tuổi) vì học theo trò chơi treo cổ trên Youtube nên đã tử vong thương tâm.
Chị Nguyệt cho biết, sự việc xảy ra lúc 14h10 ngày 12/10 vừa qua, trong khi bố mẹ đi làm, cháu D. ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ một vài phút người lớn không để ý, D. đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi cả gia đình phát hiện thì D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Mọi người lập tức đưa D. đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, đến 18h10 phút thì cháu D. qua đời. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.
Bé V.T.D (5 tuổi) đã tử vong thương tâm sau khi học theo trò chơi "treo cổ" trên Youtube.
" Trẻ con rất hiếu động và nghịch nghợm, đôi khi không biết được chỉ 1 chút hiếu kì mà dẫn đến hậu quả quá nặng nề. Cháu mình mất do nghịch dại theo mấy clip trên Youtube mà cháu đã vài lần vô tình xem được, gia đình cũng không thể kiểm soát hết.
Chỉ có mấy phút không để mắt tới cháu mà một đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng ấy đã ra đi mãi mãi. Cháu của mình rất ngoan, thông minh, lễ phép, cháu không đáng phải nhận kết thúc bi thảm này. Cháu chỉ nghĩ rằng mình đang chơi một trò chơi vô hại mà thôi.
Cả một tương lai vẫn còn dài, cháu chỉ mới đi học được những nét chữ đầu tiên, vậy mà bây giờ cháu ra đi, để lại cho người thân ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác niềm đau mất mát, xót xa.
Tất cả không kịp, không thể chiến thắng được tử thần để rồi mang 1 đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn xa vòng tay gia đình, xa bố mẹ, ông bà mãi mãi..." - chị Nguyệt nói.
D. được dì nhận xét là ngoan ngoãn, thông minh, lễ phép.
Chia sẻ thông tin này đến mọi người, chị Nguyệt hy vọng sẽ không còn đứa trẻ nào gặp phải tình huống đau thương như cháu gái của chị. Đồng thời, chị muốn cảnh tỉnh tất cả các bậc phụ huynh cần chú ý đến những thứ mà con xem trên Youtube hàng ngày. Bởi bây giờ chỉ vì vài cái view, vài lượt đăng ký kênh mà các kênh Youtube bất chấp dạy trẻ những điều làm hại bản thân trong khi các cháu còn chưa nhận thức được mọi thứ.
Bài đăng của chị Ngô Nguyệt đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng và thực sự khiến nhiều bậc phụ huynh sửng sốt, giật mình, hoang mang vì tình trạng trẻ nhỏ nghiện xem các chương trình trên Youtube đang diễn ra hiện nay.
Đây cũng là bài học lớn cho các gia đình có con nhỏ, tuyệt đối không để trẻ chơi một mình và bố mẹ cũng cần phải kiểm soát nội dung con xem trên Youtube. Hy vọng những câu chuyện đau lòng như thế này sẽ mãi mãi không bao giờ xảy ra nữa.
Vui thôi đừng vui quá, dân mạng Việt Nam tấn công tài khoản Facebook Jonathan Galindo quá đà khiến anh chàng bức xúc ra "tối hậu thư" Không tin vào thuyết âm mưu, dân mạng Việt Nam còn mạnh dạn nhắn tin trêu chọc tài khoản Facebook bí ẩn Jonathan Galindo. Ban đầu thì cũng vui đấy, nhưng quá đà thì chắc chắn không! Suốt những ngày gần đây, hễ lướt Facebook chắc chắn mọi người đều thấy ít nhiều hình ảnh gã đàn ông mặt chó mỉm cười cùng...