Tử vong vì uống viên tiểu đường bị cấm lưu hành 40 năm
Bệnh nhân 63 tuổi ở Hà Nội bị đái tháo đường 3 năm, không điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà uống viên tiểu đường hoàn.
Người phụ nữ được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 15/2, trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin – một loại thuốc đã bị cấm 40 năm nay.
Bà bị đái tháo đường cách đây 3 năm, không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà uống thuốc tiểu đường hoàn mỗi ngày uống 8 viên.
Mới đây bà mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa vào Bệnh viện 354 điều trị. Bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, bác sĩ chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng.
Bà phải lọc máu 4 lần nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Mai Cường, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Đêm 19/2, bệnh nhân không qua khỏi.
Viên tiểu đường hoàn màu xanh hoặc đỏ chứa phenformin đã bị cấm sử dụng.
Video đang HOT
Theo phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây khoa liên tục tiếp nhận 5 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng thuốc tiểu đường hoàn. 4 người trong số họ đã tử vong.
Các bệnh nhân trên vào viện với bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao. Họ bị đái tháo đường nhiều năm, không điều trị bằng thuốc tây mà uống viên tiểu đường hoàn màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác. Loại thuốc này được bán tràn lan ngoài thị trường, mua rất dễ.
Kết quả xét nghiệm các viên tiểu đường hoàn mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết phenformin là hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người. Loại thuốc này đã bị thế giới cấm sử dụng từ năm 1978. Hiện nay nhiều người đã trộn loại thuốc này, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu biến chứng nếu bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, phối hợp với chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều người tự dùng thuốc đông y hoặc chữa theo kinh nghiệm dân gian dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Lê Nga
Theo VNE
Hai người tử vong do uống viên trị tiểu đường chứa chất cấm
Uống viên Tiểu đường hoàn không rõ nguồn gốc, 3 người phải nhập viện cấp cứu trong đó 2 tử vong, người còn lại qua cơn nguy kịch.
Ngày 6/11, bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết kết quả xét nghiệm thuốc mà 2 trong 3 bệnh nhân này sử dụng phát hiện có thành phần chất Phenphormin. Đây là hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.
Cả 3 bệnh nhân đều bị đau bụng, tiêu chảy, suy tim, suy thận... Khi nhập viện, các bệnh nhân phải liên tục lọc máu.
Bệnh nhân đầu tiên nhập viện là người đàn ông 57 tuổi ở Lạng Sơn. Bệnh nhân này bị tiểu đường nhiều năm và thường xuyên sử dụng thuốc đông y. Bệnh ngày càng nặng, ông vào bệnh viện tỉnh cấp cứu sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, có dấu hiệu viêm phổi, suy đa tạng...
Các bác sĩ tìm hiểu tiền sử bệnh nhân đã uống sản phẩm trị tiểu đường tên Tiểu đường hoàn. Sau 4-5 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân qua đời.
Viên Tiểu đường hoàn có chứa chất cấm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Ngay sau đó, Khoa Hồi sức tích cực lại tiếp nhận một bệnh nhân nam 66 tuổi ở Hà Nội bị tiểu đường, tăng mỡ máu. Người này có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... tương tự bệnh nhân trên. Ngoài ra, bệnh nhân này còn có tình trạng sốc, huyết áp tụt, suy hô hấp, suy tim, suy thận cấp, xét nghiệm thấy lượng axit lactic trong máu tăng vọt. Bệnh nhân phải lọc máu 3 ngày liên tục, bệnh vẫn không giảm.
Trước đó, bệnh nhân này dùng khá nhiều viên Tiểu đường hoàn. Vài ngày sau sức khỏe bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, tiên lượng không qua khỏi, gia đình xin đưa về nhà lo hậu sự.
Đầu tháng 11, một người đàn ông 70 tuổi ở Hà Nội cũng được đưa vào viện với các dấu hiệu tương tự. Người này đau bụng, đau ngực, suy đa tạng, axit lactic trong máu tăng, nhồi máu cơ tim cấp, hôn mê và phải thở máy... Sau nhiều lần hội chẩn liên khoa và nỗ lực cấp cứu, lọc máu, may mắn người bệnh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển và không phải thở máy.
Theo gia đình, bệnh nhân bị tiểu đường, vẫn đang sử dụng thuốc tây theo toa của bác sĩ nhưng gần đây liên tục sử dụng thêm Tiểu đường hoàn.
Xét nghiệm viên thuốc màu xanh và màu vàng cùng một số thực phẩm chức năng khác do gia đình hai bệnh nhân ở Hà Nội mang đến, các chuyên gia phát hiện trong một loại thuốc Tiểu đường hoàn dương tính với Phenphormin.
Kết quả xét nghiệm sản phẩm Tiểu đường hoàn có chứa chất fenformin. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy, Phụ trách Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Phenphormin là hoạt chất thuộc nhóm sử dụng trong điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, thuốc có chứa hoạt chất này gây nhiều biến chứng, đặc biệt là nhiễm toan lactic, gây rối loạn chuyển hóa tất cả các cơ của người bệnh nên thế giới đã cấm dùng thuốc có chứa hoạt chất này.
Cũng theo tiến sĩ Bảy, điều trị tiểu đường theo đặc điểm bệnh của từng người bệnh, chứ không phải chữa chung chung, do đó người bệnh không thể dùng chung đơn của người khác. Người bệnh nên dùng thuốc theo đơn và chỉ định của bác sĩ, mua thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần mập mờ, đặc biệt có những chất cấm sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, sau một thời gian sử dụng bệnh nhân có thể bị tổn thương gan, mạch máu, tim, thận...
Cục Y dược học cổ truyền, Bộ y tế cũng đã yêu cầu thu hồi và xử lý về sản phẩm có nhãn ghi là Viên thuốc màu xám (thuốc trị bệnh tiểu đường) dương tính với Phenformin. Mẫu Viên thuốc màu xám được lấy tại Cần Thơ do Nhà thuốc Vạn Tế Sanh bán và không có thông tin về số lô, hạn dùng, số đăng ký.
Lê Nga
Theo VNE
Cảnh báo tình trạng lây nhiễm liên cầu lợn Vào dịp Tết Nguyên đán, không ít gia đình đã mổ heo để ăn tết và nhiều nơi có tập tục ăn tiết canh heo vào dịp đầu năm để lấy may mắn. Tuy nhiên, đây lại là nguy cơ rất cao của việc lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn sang người, khiến người bệnh thường phải nhập viện điều trị trong tình...