Từ vệt đen trên ảnh vệ tinh đến thảm họa ở Ấn Độ Dương
Tàu MV Wakashio của Nhật mắc cạn trên rạn san hô ở Mauritius ngày 25/7. Con tàu bắt đầu vỡ ra 13 ngày sau đó vào ngày 6/8, rò rỉ 1.000 tấn nhiên liệu vào Ấn Độ Dương.
Đây là vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử đảo san hô và có thể gây ra sự tuyệt chủng của nhiều loài thực vật, chim quý hiếm và động vật hoang dã chỉ có trên đảo.
Thủ tướng Mauritius, ông Pravind Jugnauth đã ban bố “ tình trạng khẩn cấp môi trường” vào đêm 7/8 khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy vệt đen loang rộng trong vùng nước xanh lam gần những khu vực môi trường được chính phủ đánh giá là “rất nhạy cảm”.
Hình ảnh dầu từ tàu MV Wakashio bị rò rỉ xuống Ấn Độ Dương ở Mauritius. Ảnh: Associated Press.
Mauritius cho biết con tàu MV Wakashio của Nhật chở gần 4.000 tấn nhiên liệu và các vết nứt xuất hiện ở phần thân tàu.
Các tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên và chính phủ đang chạy đua với thời gian để giải cứu thảm họa giữa lúc tình hình đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết khi tàu có nguy cơ bị gãy làm đôi.
Các câu hỏi đang được đặt ra về việc điều này đã xảy ra thế nào, có thể được ngăn chặn hay không, và quan trọng hơn là bây giờ phải làm gì để ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra ở các nơi khác trên thế giới.
Cuộc cách mạng từ không gian
Một phần câu trả lời cho những câu hỏi này có thể đến từ không gian. Mười năm vừa qua đã chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ trong các vệ tinh hình khối nhỏ và nano.
Hiện có hơn 50 nhà khai thác tư nhân trong không gian, vận hành các vệ tinh theo dõi, hình ảnh, radar khẩu độ tổng hợp xuyên qua các đám mây, cũng như một loạt dữ liệu môi trường quan trọng đối với biến đổi khí hậu.
Cho đến năm 2020, có đến 2.666 vệ sinh trong không gian, và con số vẫn tăng lên từng tháng. Ảnh: Getty.
Từ không gian, tàu MV Wakashio được nhìn thấy đã vượt qua Ấn Độ Dương và đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Mauritius vào ngày 23/7 trước nửa đêm theo giờ địa phương, 2 ngày trước khi nó dừng lại vào lúc 19h15 ngày 25/7, theo giờ địa phương.
Dữ liệu vệ tinh cũng tiết lộ con tàu đang di chuyển với tốc độ 11 hải lý/ giờ – tiêu chuẩn cho các con tàu chở hàng trên biển. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là dữ liệu không cho thấy bất kỳ sự giảm tốc nào trước khi va chạm.
Dữ liệu vệ tinh cũng tiết lộ các tuyến đường vận chuyển toàn cầu đã trở nên đông đúc đến nỗi không thể quản lý chỉ bằng mắt thường. Lưu lượng tàu thuyền đã tăng gấp bốn lần trong 20 năm qua, theo Forbes.
Chỉ trong tháng 7, hơn 2.000 tàu thuyền đã đi qua gần bờ biển Mauritius – một trong những tuyến đường tập trung nhiều tàu vận chuyển nhất trên thế giới nối giữa các châu lục Á, Phi, Âu và Mỹ Latin.
Hình ảnh vệ tinh về lưu lượng tàu thuyền (được đánh dấu màu đỏ) cho thấy mức tăng 400% lượng vận chuyển trong 20 năm qua. Ảnh: Gloltech.
Cộng đồng vận tải biển quốc tế thường kêu gọi tự do đi lại giữa các đại dương, nhưng điều này gây ra rủi ro lớn cho đường bờ biển của các quốc gia ven biển.
Với tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, điều này đặt ra câu hỏi liệu có nên hỗ trợ nhiều hơn cho các cộng đồng ven biển như vậy bởi các hãng tàu quốc tế đi qua vùng biển quốc gia tạo ra rủi ro cao hơn, như trường hợp của MV Wakashio.
Một ngư dân Tây Ban Nha thu thập dầu từ tàu chở dầu MV Prestige bị chìm vào ngày 11/12/2002. Ảnh: AFP.
Vụ tràn dầu năm 2002 của tàu chở dầu MV Prestige của Liberia khiến 80% trong số 77.000 tấn dầu trên tàu bị rò rỉ dọc theo bờ biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Chi phí dọn dẹp ước tính lên đến hơn 1 tỷ USD, và mất 16 năm để yêu cầu bồi thường các thiệt hại.
Các chi phí như vậy là gánh nặng đối với các quốc đảo nhỏ và dữ liệu vệ tinh có thể cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn về trách nhiệm của các bên liên quan.
Các nỗ lực giải cứu cũng có thể được theo dõi qua vệ tinh.
Dữ liệu vệ tinh cũng có thể hữu ích trong việc hiển thị tốc độ phản ứng của chính phủ.
Sự kết hợp của dữ liệu vệ tinh (bao gồm cả radar khẩu độ tổng hợp) đã mở ra một kỷ nguyên mới về tính minh bạch trên đại dương.
Với khối lượng giao thương lớn ở Ấn Độ Dương, các vệ tinh kết hợp với thuật toán máy học có thể dễ dàng xác định các khu vực của vùng biển quốc gia có nguy cơ cao, cũng như bất kỳ tàu nào gây ô nhiễm biển khi đi qua.
Nó cũng sẽ giúp đánh dấu sự phát triển của các công ty điều hướng kỹ thuật số cho an toàn hàng hải.
Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của Windward, Ami Daniel, chia sẻ: “Gần như bất khả thi để con người theo dõi được tất cả các chuyển động trong vùng biển quốc gia của họ – khai thác công nghệ là rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động quản lý kinh tế biển hiện đại nào.
Ami Daniel, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập của Windward. Ảnh: Windward.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “những công nghệ này có thể gửi các chỉ số cảnh báo sớm cho giới quản lý cảng biển về bất kỳ mối nguy tiềm ẩn nào trước đó, giảm mọi sự chậm trễ hoặc sai sót của con người trong việc đánh giá hàng triệu dữ liệu”.
Trong cùng tuần, một tàu chở dầu ngoài khơi Yemen gây ra mối đe dọa sinh thái lớn cho toàn bộ Biển Đỏ. Ecuador và bán đảo Triều Tiên cũng phải đối mặt với các tàu đánh cá công nghiệp mà họ không thể kiểm soát hiệu quả.
Việc đầu tư vào cơ sở công nghệ và dữ liệu phù hợp có thể ngăn chặn những cuộc khủng hoảng như vậy.
Công nghệ dọn dẹp tự động không lái
Ngoài việc ngăn chặn khủng hoảng bằng cách sử dụng vệ tinh, một loạt các công nghệ mới khác có thể biến đổi thành các cơ chế dọn dẹp.
Nhà sản xuất tàu viễn dương chạy bằng năng lượng mặt trời Saildrone hợp tác với NOAA để tiến hành các nghiên cứu độc lập trên khắp các đại dương trên thế giới. Ảnh: Associated Press.
Đối với các nhiệm vụ như dọn dẹp dầu tràn, các đội máy bay không người lái có thể được sử dụng để ngăn chặn các tàu đi chệch khỏi tuyến đường thỏa thuận. Trong trường hợp thảm họa xảy ra, chúng sẽ được sử dụng cho các hoạt động dọn dẹp mà không để công nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc và những hậu quả về sức khỏe.
Máy bay không người lái có thể được điều khiển độc lập hoặc giám sát bởi nhà khai thác bằng camera từ xa.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên đại dương.
Trong khi cuộc cách mạng công nghệ bền vững đang được phát triển bởi nhiều công ty công nghệ sáng tạo, thì việc hoạch định chính sách lại bị tụt hậu rất nhiều.
Mặc dù luôn có những lo ngại xung quanh vấn đề an ninh mạng khi nói đến việc tăng cường công nghệ cho bất kỳ hệ thống vận tải nào, các phản ứng an ninh mạng ngày càng trở nên phức tạp hơn và lịch sử cũng chỉ ra rằng có nhiều rủi ro là do lỗi của con người.
Những cải cách này đã được kêu gọi suốt nhiều năm, nhưng thảm họa hàng hải và ô nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra hàng tuần.
Chuyên gia Liên Hợp Quốc đến Mauritius hỗ trợ xử lý sự cố tràn dầu
Nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đến quốc đảo Mauritius để hỗ trợ ngăn chặn sự cố tràn dầu.
Khoảng 1.180 tấn nhiên liệu đã bị rò rỉ từ tàu chở hàng MV Wakashio.
Theo đó, các đội cứu hộ đang tiến hành bơm hút nhiên liệu từ tàu chở hàng MV Wakashio thuộc sở hữu của Nhật Bản, bị mắc cạn trên một rạn san hô vào tháng trước và bắt đầu rò rỉ dầu cách đây 5 ngày.
Giới chức địa phương cảnh báo, con tàu có thể bị gãy làm đôi bất cứ lúc nào do các vết nứt trên thân ngày một lớn.
Văn phòng LHQ tại Mauritius mới đây cho biết, sẽ hỗ trợ giảm thiểu tác động của sự cố tràn dầu đối với tài nguyên thiên nhiên và người dân.
Trước đó, Nhật Bản đã cử một nhóm 6 thành viên, bao gồm cả các thành viên của lực lượng tuần duyên để hỗ trợ. Trong khi đó, Pháp gửi hơn 20 tấn thiết bị kỹ thuật, bao gồm 1,3 km dây ngăn dầu loang, thiết bị bơm và đồ bảo hộ. Ngoài ra, các cố vấn kỹ thuật từ đảo Reunion thuộc Ấn Độ Dương cũng được điều đến để hỗ trợ.
Tàu Wakashio bị mắc cạn cùng với 4.000 tấn nhiên liệu, trong đó khoảng 1.180 tấn nhiên liệu đã bị rò rỉ ra vùng nước xung quanh.
Giáo sư sinh thái và bảo tồn tại Đại học Mauritius, Vashist Seegobin cho biết, mặc dù lượng nhiên liệu thấm ra từ con tàu dường như đã chậm lại, song vẫn còn rò rỉ.
Đại diện công ty Mitsui OSK Lines thì nói rằng: "Chúng tôi xác nhận vết nứt bên trong thân tàu đã mở rộng. Do tàu không thể tự định hướng nên nó được neo vào một tàu kéo để không bị trôi".
Được biết, thuyền trưởng người Ấn Độ và một số thành viên thủy thủ đoàn đã bị thẩm vấn vào ngày 11/8 để xác định lý do vì sao con tàu lại tiến gần bờ Mauritius như vậy.
Quốc đảo Mauritius với 1,3 triệu cư dân phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên biển để cung cấp thực phẩm và phát triển du lịch sinh thái.
Ảnh vệ tinh cho thấy vệt đen ở nơi nhạy cảm trên Ấn Độ Dương Mauritius tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp môi trường' sau khi tàu thuộc sở hữu của Nhật mắc cạn ngoài khơi nước này bắt đầu bị tràn hàng tấn nhiên liệu. Thủ tướng Mauritius, ông Pravind Jugnauth đã ban bố "tình trạng khẩn cấp môi trường" vào đêm 7/8 khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy vệt đen loang rộng trong vùng...