Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập
Quyền dân tộc, quyền con người luôn luôn và mãi mãi là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta vì sự vẹn toàn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, tác giả Nguyễn Duy Xuân gửi tới tòa soạn bài viết nói lên cảm nhận của mình về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc độ về quyền dân tộc, quyền con người .
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ đó đến nay, 70 năm đã trôi qua, những thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước đã minh chứng cho những tư tưởng bất hủ và giá trị văn hóa – lịch sử – thời đại của Tuyên ngôn độc lập.
Một trong những tư tưởng lớn được Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc, đầy sức thuyết phục trong Tuyên ngôn độc lập là tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc.
Ngược dòng lịch sử 70 năm về trước, tại thời điểm ra đời của Tuyên ngôn và trước đó, cục diện chính trị thế giới đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Ở châu Âu, ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng không điều kiện phe Đồng minh. Bốn tháng sau, ở châu Á – Thái Bình Dương, ngày 2/9/1945, phát xít Nhật cũng buộc phải ký văn kiện đầu hàng không điều kiện.
Bản Tuyên ngôn độc lập là áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách Hồ Chí Minh và tâm hồn dân tộc Việt Nam (Ảnh: vietnamnet.vn)
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đây là thời cơ ngàn năm có một để giành độc lập cho dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, giành độc lập tự do cho đất nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ lầm than.
Thành quả vĩ đại mang tính lịch sử và thời đại mà Cách mạng tháng Tám đem lại là quyền con người và quyền dân tộc.
Ta hiểu vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn độc lậpcủa nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh lại trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được ghi nhận trong hai bản văn nổi tiếng: Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp
Lời trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[1]
Còn đây là lời trích dẫn trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.[2]
“Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, Hồ Chí Minh khẳng định.
Vậy mà những “lời bất hủ”, “những lẽ phải không ai chối cãi được” ấy lại bị thực dân đế quốc chà đạp hàng thế kỉ nay ở các nước thuộc địa trên khắp thế giới.
Điều trớ trêu là, chính họ – con cháu của những người đã nêu lên chân lí sáng ngời về quyền con người ấy lại chà đạp không thương tiếc, tước bỏ hết quyền làm người đối với hàng triệu triệu dân thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Ở Việt Nam, trong suốt hơn tám mươi năm thống trị, thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.”.
Tội ác chà đạp quyền con người của thực dân đã được Hồ Chí Minh dẫn chứng bằng một đoạn văn giàu hình ảnh và nhịp điệu, vang lên như một lời kết án hùng hồn:
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.”[3]
Video đang HOT
Hơn hai mươi năm trước (1925), trong “ Bản án chế độ thực dân Pháp” Hồ Chí Minh cũng đã luận tội thực dân đế quốc bằng những dẫn chứng và lí lẽ đầy sức thuyết phục.
Có lẽ trong suốt những năm dài bôn ba khắp bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, điều khiến Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong lòng là quyền sống của đồng bào đang rên xiết dưới gót giày của đế quốc thực dân.
Bởi thế, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, Người trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được thể hiện qua hai bản văn Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp.
Người xem đó là những cơ sở pháp lí không thể chối cãi để khẳng định quyền con người của dân Việt Nam – một dân tộc từ bùn đen nô lệ đã vùng lên chiến đấu giành cho mình “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Không ai, không một thế lực hắc ám nào có thể tước đi những quyền lợi chính đáng ấy mà tạo hóa đã ban cho con người.
Nhưng bối cảnh chính trị thế giới ở thời điểm ra đời của Tuyên ngôn độc lập không cho phép Hồ Chí Minh chỉ nghĩ đến quyền con người. Trước Chiến tranh thế giới hai, phần lớn đất đai và dân số trên thế giới là thuộc địa của các nước thực dân, đế quốc.
Chỉ tính riêng đế quốc Anh, đến năm 1922 đã cai trị khoảng 458 triệu người, chiếm 1/5 dân số thế giới và bao phủ hơn 33.700.000 km, chiếm gần một phần tư tổng diện tích toàn cầu[4].
Có câu ví von “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh” để nói đến sự bành trướng cương thổ ra toàn địa cầu của nước này.
Khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái là khát vọng muôn đời của con người từ ngàn xưa đến nay. Nhưng sang nửa đầu thế kỉ XX, bối cảnh thời đại đã khác bởi sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa Mác-Lê nin trên trường quốc tế.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bắt đầu được nhen nhóm để rồi bùng phát mạnh mẽ sau đại Chiến thế giới lần thứ hai.
Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ đối với nhân loại không chỉ là quyền con người. Bởi làm sao có được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc khi ách thống trị của thực dân đế quốc vẫn quàng lên đầu lên cổ các dân tộc thuộc địa trên thế giới?
Cho nên đấu tranh giải phóng dân tộc là mục đích tối thượng để đảm bảo cho quyền con người. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa hai thời đại cách nhau gần hai thế kỉ: thời đại của cách mạng tư sản Pháp 1791 và chiến tranh giành độc lập của Mỹ 1776 với thời đại của Cách mạng tháng Tám Việt Nam năm 1945.
Hồ Chí Minh trích dẫn những tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹvà Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp để khẳng định quyền con người là cao cả, nhưng quan trọng hơn, thiêng liêng hơn đối với Người lúc này là quyền dân tộc.
Bởi thế, mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, ngay sau khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Người đã cụ thể hóa và khẳng định một cách dứt khoát tư tưởng lớn của thời đại từ một câu “suy rộng ra”:
“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Đó có thể nói là đóng góp xuất sắc của Hồ Chí Minh cho tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã nâng lên một cấp độ cao hơn: Quyền dân tộc.
Tư tưởng ấy cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Tám đã mở màn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh nửa sau thế kỉ XX.
Lịch sử Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược ngày 1/9/1858 cho đến trước ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra đã minh chứng cho một thực tế rằng, một khi quyền dân tộc bị tước đoạt thì quyền con người mà bọn thực dân rêu rao chỉ là bánh vẽ để mị dân.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã vạch trần chân tướng ấy của thực dân Pháp, “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.
Cho nên, ta hiểu vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh lấy việc khẳng định quyền con người là tư tưởng lớn của nhân loại để đấu tranh cho quyền dân tộc của nước Việt Nam mới.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhà nước cộng hòa dân chủ còn non trẻ đang bị vây bọc giữa những nanh vuốt của quỷ dữ: Phía Bắc quân Tàu Tưởng, phía Nam quân Anh-Pháp, thì đó là lập luận sắc bén, đập tan những luận điệu xằng bậy của kẻ thù hòng áp đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa.
Trong phần sau bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền dân tộc bình đẳng mà dân Việt Nam có quyền được hưởng như là một sự thật hiển nhiên, bởi nó đã được đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ người Việt kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược cho đến khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai mà các nước đồng minh không thể không công nhận.
Bởi thế, Hồ Chí Minh khẳng định một cách trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Và thể hiện quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc đã ý thức được sâu sắc quyền thiêng liêng ấy: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.[5]
Quyết tâm ấy của cả dân tộc đã được hiện thực hóa trong suốt ba mươi năm sau đó bằng hai cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ và giải phóng đất nước.
Một trận Điện Biên “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”[6] và một Đại thắng mùa xuân 1975 đã đưa dân tộc ta lên ngang tầm thời đại.
Một dân tộc từ đêm trường nô lệ đã vùng lên “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”[7] làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định vị thế bình đẳng cùng các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.
Trong một lần trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.[8]
Câu nói ấy của Người đã hàm chứa hai tư tưởng lớn của thời đại mà Người đã đề cập trong Tuyên ngôn độc lập: Quyền con người và quyền dân tộc.
Quyền dân tộc đã được giải quyết bằng cuộc Cách mạng tháng Tám còn quyền con người thì phải trải qua một quá trình lâu dài mới có thể xác lập và thực thi một cách đầy đủ thông qua việc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, trong mỗi con người; thông qua việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời ngày 3/9/1945, một trong sáu vấn đề cấp bách mà Hồ Chí Minh nêu ra là tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm càng tốt với mục đích để nhân dân thực hiện quyền tự do chính trị của mình bầu ra một Quốc hội, và Quốc hội này có quyền thông qua một bản Hiến pháp ghi nhận quyền tự do và dân chủ cho nhân dân.
Bản Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua một năm sau đó đã xác lập quyền con người của dân Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản của con người: Quyền được bình đẳng về mọi phương diện; quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín và nhà ở; quyền tư hữu tài sản, quyền học hành; quyền bầu cử, ứng cử, quyền phán quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia; …
Kế thừa và phát triển các quy định và các nguyên tắc của Hiến pháp 1946, các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 tiếp tục làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.
Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người, đánh dấu một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành; …
70 năm đã trôi qua, kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta đã tiến những bước dài trên con đường đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Nhân kỉ niệm những ngày lịch sử trọng đại này, đọc lại Tuyên ngôn độc lập, suy ngẫm về quyền dân tộc và quyền con người, chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết những giá trị tư tưởng mang tầm vóc thời đại của Hồ Chí Minh.
Quyền dân tộc, quyền con người luôn luôn và mãi mãi là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta vì sự vẹn toàn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
[1,2,3,5]Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Báo Cứu quốc 5/9/1945.
[4]Bách khoa toàn thư mở: https://vi.wikipedia.org/wiki/Đế_quốc_Anh.
[6]Tố Hữu Thơ, NXB Giáo dục, 1997.
[7]Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, 1983.
[8] Báo Cứu Quốc, số ra ngày 21/1/1946.
Nguyễn Duy Xuân
Theo giaoduc
Cuộc cách mạng "rung chuyển trời đất, thay đổi con người"
Hồi ức của cậu thiếu niên tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi hiện về. Cụ ông ở tuổi 85 vẫn rưng rưng "Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi...".
"Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi".
85 tuổi, ông Hà Văn Tải (trú xã Hưng Lộc, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn còn viết báo, viết sách lịch sử. Ông hồ hởi chia sẻ, cuốn sách lịch sử ông viết sắp xong nhưng chưa tìm được "nhà tài trợ" để in. Trong cuốn sách đó ắt hẳn không thể thiếu những ngày đầu tham gia cách mạng của cậu học sinh Trường quốc học Vinh.
Bước ngoặt cuộc đời
14 tuổi, từ xã Giai Lạc (nay là xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), cậu bé Hà Văn Tải thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Những ngày trọ học, cậu bé Hà Văn Tải tận mắt chứng kiến cuộc sống cực khổ của người dân lao động nghèo ở thị xã miền Trung này.
"Cuối năm 1944, đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra ở thị xã Vinh. Ở góc đường nào cũng có những người dân đói khát đến cùng cực, dật dờ chờ chết. Có những người mẹ vì đói quá phải bán đứa con gầy đét của mình để lấy 1-2 đồng bạc Đông Dương, thậm chí là cho không người ta để con còn có miếng ăn.
Người đói nằm la liệt dưới hè đường còn trên ban công, những ông Tây, bà đầm lớn tiếng chửi bới, đuổi đi vì sợ chết trước cổng nhà, nhưng họ làm gì có sức mà đi? Cứ sáng sáng lại thấy những chiếc xe cải tiến chất 2-3 người chết đói đi chôn. Có chứng kiến những điều đó mới thấy dân ta dưới ách phong kiến, thực dân đói khổ vô cùng, đau đớn vô cùng tận", ông nhớ lại.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3, cậu bé Hà Văn Tải cùng các bạn vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đã bị Nhật chiếm, các thầy giáo trong trường cũng không biết đi đâu. Mất trường, Hà Văn Tải cùng mấy người bạn ôm quần áo, sách vở về quê.
"Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm"...
Ở quê, cảnh đói khát vẫn hiện hữu, không kém khốc liệt như thị xã. Người dân phải lấy lá rau lang, rau má nấu cháo cầm hơi, vào rừng đào củ mài, kiếm hoa chuối để ăn. Nhà nào khá hơn thì còn lúa lép để giã làm lớ, làm cám để ăn. Và chính trong những ngày này, câu bé Hà Văn Tải đã bén duyên với cách mạng, khi mới tròn 15 tuổi.
"Cán bộ Việt Minh xã gọi mấy anh em học sinh lên nói chuyện. Sau khi được giác ngộ, tôi được giao làm liên lạc cho Việt Minh xã. Nhiệm vụ của anh em học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là viết khẩu hiệu "Ủng hộ người bị đói" dán ở đình làng, ngọn cây đa hay bờ tường của các gia đình địa chủ trong vùng", ông Hà Văn Tải kể tiếp.
Tháng 7/1945, tổ chức Việt Minh xã Giai Lạc họp, Hà Văn Tải được giao nhiệm vụ tập hợp các bạn thiếu niên trong xã để "làm chuyện chi rồi bây sẽ biết". Sau một thời gian ngắn luyện tập đội hình đội ngũ, Hà Văn Tải vỡ òa khi được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8/1945.
Ngày 25/8, nhân dân các xã dưới sự chỉ huy của Việt Minh từ 3 hướng ùn ùn kéo về dinh quan huyện Lưu Văn Xân. Hà Văn Tải dẫn đầu đội thiếu niên, hòa cùng dòng người hừng hực khí thế bước đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm".
Ông Tải nhớ lại ngày trọng đại: "Khi đoàn chúng tôi tới nơi thì thấy quan huyện Lưu Văn Xân đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4-5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện đứng lên tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó, Lưu Văn Xân đứng lên, cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng".
"Tiếng gọi của vàng"
Trong khí thế của người làm chủ vận mệnh, những người ăn xin, những người nông dân cùng khổ suýt bỏ mạng vì chết đói... đã hăng say lao động sản xuất, trên những thửa ruộng mà trước kia họ chỉ là những người làm thuê cho địa chủ. Đó thực sự là những ngày không thể nào quên của những người đã sống qua thời kỳ chuyển mình lớn lao của đất nước.
Ngày 3/9, tin tức truyền về, ở ngoài Hà Nội có cuộc mít tinh lớn lắm, hàng vạn người tham gia. Ở cuộc mít tinh đó Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thể giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, cậu bé Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Với những cống hiến cho cách mạng, ông Hà Văn Tải được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba (ảnh chụp lại).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào "diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" và "Tuần lễ Vàng", Hà Văn Tải say sưa hòa mình vào dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng. Với kiến thức đã học được ở trường Quốc học Vinh, Hà Văn Tải tham gia vào các lớp bình dân học vụ dạy chữ cho người dân trong vùng.
Khi cuộc vận động "Tuần lễ Vàng" diễn ra, nhiều người dân xã Giai Lạc đã hiến vàng cho cách mạng. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của cuộc vận động vẫn cón nhiều nhà giàu chưa ủng hộ. Cậu bé Hà Văn Tải cùng 2 người bạn học xây dựng vở kịch "Tiếng gọi của Vàng" để vận động người dân quyên góp vàng cho chính quyền cách mạng non trẻ.
Hà Văn Tải chui vào cái bồ, hai bạn đồng môn gánh bồ ra giữa sân đình. Từ trong bồ, Hà Văn Tải hóa thân vào cục vàng. "Lời của vàng đây. Đồng bào nghe vàng nói. Tôi ở nhà ông En (tên húy của một nhà giàu trong vùng), làm giàu cho ông En. Giờ nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ra góp sức xây dựng đất nước nhưng không được ra. Tôi buồn lắm, tủi thân lắm".
"Sân đình dậy tiếng vỗ tay còn ông En thì ra về. Đến buổi chiều, ông En ra gặp đại diện Việt Minh, đích thân trao tặng con chạch bằng vàng để đóng góp cho cách mạng. Những nhà có của khác cũng vì thế mà làm theo", ông Tải vui vẻ kể.
"Nếu không có cách mạng, không có Đảng, tôi không thể có ngày hôm nay".
Chưa đầy 18 tuổi, Hà Văn Tải được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản được 2 tháng thì được điều lên làm chánh văn phòng huyện ủy và trở thành Huyện ủy viên khi tròn 19 tuổi. Ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau rồi giữ vị trí Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư khối cơ quan dân chính Đảng cho đến khi nghỉ hưu.
"Không có Đảng, không có Cách mạng, không có Bác Hồ thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Tôi nghĩ rằng, chỉ có sự tài tình, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc, chúng ta mới có một chiến thắng mà không phải đổ một giọt máu, không mất một viên đạn. Đó là bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi.
Nếu không có cách mạng thì tôi may mắn lắm cũng chỉ là anh giáo làng chứ không được như ngày hôm nay.
70 năm trôi qua rồi, tôi thấy mình thật may mắn khi chứng kiến sự đổi thay của dân tộc, sự đổi thay của con người, sự đổi thay từ thân phận nô lệ thành những người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.
70 năm trôi qua, nhiều khi nghĩ về những ngày đầu đi theo cách mạng tôi vẫn bật khóc. Nhờ có cách mạng, nhờ có Bác Hồ mà tôi đã trở thành con người biết đi theo cách mạng, làm việc vì dân, vì nước", ông Tải rưng rưng xúc động.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Những điều ít người biết về kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập 1945 Kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là công trình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (sau này là Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và họa sỹ Ngô Văn Đệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời...