Tự tử tại tòa để chứng minh sự vô tội
Sau gần 2 ngày xét xử, Lan vẫn một mực kêu oan, khẳng định mình không phạm tội.
Từ ngày 25 – 26/9, Tòa án Nhân dân thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Ngọc Lan (Sinh năm 1976, trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Tam Điệp, Phạm Thị Ngọc Lan có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Sỹ Ngọc – Sinh năm 1954, là Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp (Ninh Bình).
Tháng 2/2012, chị Nguyễn Thị Huệ – Sinh năm 1988, ở khu phố 3 (Phú Sơn, Bỉm Sơn), được tuyển vào làm hợp đồng tại Công ty này. Do nghi ngờ Huệ có quan hệ tình cảm với ông Ngọc nên Lan đã dùng điện thoại nhắn tin đe dọa, uy hiếp chị Huệ.
Bị cáo Lan. Ảnh: Quốc Tuấn
Tháng 3/2011, Lan có đi với chị Phạm Thị Tuyết ở Hòa Phú (Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) tới phòng của chị Bùi Thị Bích, ở trong khu tập thể Cty Xi măng Tam Điệp và ép chị Huệ phải thừa nhận có mối quan hệ bất chính với ông Ngọc.
Thời gian sau đó, Lan đã liên tục gọi điện cho chị Huệ nói là đã ghi âm được nội dung chị Huệ thừa nhận có quan hệ bất chính với ông Ngọc và được ông Ngọc cho tiền để bắt chị Huệ phải giao nộp số tiền 20 triệu đồng trên vào tài khoản của anh Đỗ Văn Khoa là cán bộ Cty xi măng Tam Điệp.
Sợ bị ảnh hưởng đến tính mạng, uy tín, danh dự nên chị Huệ đã kể lại sự việc trên cho gia đình và vay 20 triệu đồng để nhờ anh Lê Thanh Sơn và anh Nguyễn Mạnh Quyền, hiện đang công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bỉm Sơn (Thanh Hóa) chuyển vào tài khoản anh Khoa. Sau khi nhận được tiền, anh Khoa đã rút và chuyển cho Lan.
Tuy nhiên, tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Tam Điệp và tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Lan không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khẳng định những cáo buộc này là không đúng.
Video đang HOT
Rất đông người dân quan tâm đến theo dõi phiên tòa.
Sau gần 2 ngày xét xử, bị cáo Lan vẫn một mực kêu oan, khẳng định mình không phạm tội, bị cáo cho rằng khi nghe tin chị Huệ có tình cảm với ông Ngọc, bị cáo chỉ gặp gỡ nói chuyện tình cảm với tư cách những người phụ nữ với nhau.
Bị cáo cho biết số tiền 20 triệu đồng trên khi nhận được đã chuyển ngay cho ông Ngọc nhưng người đàn ông này phủ nhận. Theo giải thích của bị cáo Lan, việc trên trả số tiền trên nhằm khẳng định việc ông Ngọc có quan hệ và cho Huệ.
Khoảng 15 giờ 30 phút, HĐXX tuyên án, bị cáo Lan đã đập đầu vào vành móng ngựa tự tử. Mặc dù lúc này bị cáo đã được đưa lên xe chuyên dụng đi cấp cứu tại bệnh viện, thay vì dừng phiên tòa, HĐXX vẫn tuyên án. Theo đó, với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Ngọc Lan 12 tháng tù giam.
Theo 24h
Chiêu tống tiền kinh hoàng của tội phạm teen
Những kịch bản bắt cóc, tống tiền 'thót tim' như trên phim hành động được dàn dựng để đe dọa tống tiền chính bố mẹ đẻ của mình.
Nhiều người tỏ ra hoảng sợ tột độ khi biết được thông tin liên quan đến các vụ án đe dọa tống tiền của tội phạm hiện nay. Điều đáng báo động, trong loại hình tội phạm này đã ngày càng trẻ hóa về lứa tuổi. Thậm chí khi đọc hồ sơ, nhiều người tỏ ra bất ngờ trước hành vi táo tợn và có vẽ ngoài "ngớ ngẩn" của tội phạm tuổi teen này.
Phạm Văn Tuân và Nguyễn Đình Hải
Khủng bố tống tiền như phim xã hội đen
Đơn cử, vụ tống tiền 1 tỷ đồng vừa diễn ra tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội mấy ngày trước đây. Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, ngày 19/9 họ nhận được tin báo của người nhà của chị Trần Thị P. (SN 1994, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là chị P. đã bị bắt cóc. Các đối tượng đã nhắn tin vào điện thoại: "Sau ba ngày phải chuộc 1 tỷ đồng nếu không sẽ không bao giờ gặp được con gái".
Công an huyện Chương Mỹ đã vào cuộc điều tra thì phát hiện ra một sự thật đầy bất ngờ. Trần Thị P. không bị bắt cóc mà bỏ nhà đi theo trai. Theo cơ quan công an, giữa P. Và Dương Văn T. (SN 1986, trú cùng huyện) có quan hệ yêu đương từ trước. Hai người đã quan hệ với nhau dẫn đến P. có thai 7 tháng. Lo sợ bị gia đình phát hiện nên cả hai đã bàn nhau đi phá thai. Sáng sớm ngày 19.9, T. đã đi xe máy đến đón P. đi phá thai rồi về nhà nghỉ (ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để nghỉ ngơi. Tại đây, P. nhắn tin "bắt cóc" về cho cha mẹ. Kết cục "tin nhắn" đe dọa của cô đã bị cơ quan công an phanh phui.
Hành vi của P. đến giờ vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn là mục đích thực sự có phải là tống tiền hay không nhưng cho thấy một điều, để đạt được mục đích của mình P. đã khủng bố cha mẹ bằng một tin nhắn "khủng bố". Hành vi trên của P. khiến nhiều người "ngán ngẩm" bởi cách mà P. đối xử lại đối với cha mẹ của mình. Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp, thuộc công ty luật IPIC, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc khủng bố tống tiền bằng tin nhắn của P. được cơ quan công an phanh phui kịp thời. Nhưng không ai dám đảm bảo chắc là P. có thực sự chỉ vì sợ về nhà mà đã thực hiện hành vi trên hay không, nên không loại trừ trường hợp P. có ý định chiếm đoạt tiền của cha mẹ.
Luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp
Cũng trên địa bàn Hà Nội, mới đây công an huyện Từ Liêm đã bắt được một vụ án "tống tiền" của một nhóm đối tượng. Theo như cơ quan công an, đây là hành vi lừa đảo kiểu mới hết sức nguy hại. Theo hồ sơ, khoảng 20h, ngày 29.8, anh Trần Văn Hưng, nhân viên Công ty Coca Cola, tạm trú tại Hà Nội đang đi tại khu vực cổng trường ĐH Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi. Có 4 đối tượng lạ mặt tiến đến chặn đầu xe máy anh Hưng lôi vào vỉa hè nói chuyện.
Được biết, bốn đối tượng đó có tên là Đức, Nguyễn Đình Hải, Phạm Văn Tuân, cùng với một tên khác (hiện chưa rõ tên). Trước đó, bọn chúng đã ngồi uống nước tại một quán trước cổng trường. Khi đang ngồi uống nước, đối tượng Đức đã bàn với ba tên còn lại "có người nhờ chém một thằng trong trường". Sau khi nghe Đức nói vậy, ba đối tượng không có phản ứng gì và vẫn tiếp tục ngồi uống nước.
Sau khi lôi anh Hưng lên vỉa hè, Đức đã rất "lịch sự" nói với anh Hưng rằng: "Chúng em được một người thuê chém anh. Nếu anh đưa cho chúng em mấy triệu thì em sẽ tha và không đánh anh nữa. Anh chỉ việc băng bó tay, cổ, mặt, giả vờ như bị chém và xin nghỉ phép vài ngày là được". Nhưng hôm đó lại đúng ngày anh Hưng không mang theo tiền trong ví nên Hải và Đức đã "rộng lượng" gia hạn cho anh Hưng thêm một ngày và hẹn 30/8 đến cổng trường ĐH Hà Nội để giao tiền.
Ngày hẹn đến, anh Hưng tới cổng trường ĐH Hà Nội nhưng chỉ gặp đối tượng Tuân mà không có mặt những đối tượng còn lại. Anh Hưng đưa ra điều kiện phải có mặt cả Đức và Hải anh mới giao tiền. Tuân bắt buộc phải gọi điện thoại cho Đức và để anh Hưng nói chuyện, hẹn sẽ gặp nhau ở thị trấn Cầu Diễn để giao tiền. Đến ngày 9.9, Hải lại chủ động gọi điện thoại cho anh Hưng và hẹn trưa ngày 10.9 ra quán cà phê Hải An, tổ 13, thị trấn Cầu Diễn để nhận tiền. Đúng hẹn, khoảng 12h trưa ngày 10/9, khi Hải và Tuân đang nhận 2 triệu đồng từ anh Hưng thì bị cơ quan công an bắt quả tang, thu giữ vật chứng là 2 triệu đồng của nạn nhân.
Trên đây là hai vụ việc tống tiền vừa mới diễn ra trên địa bàn Hà Nội khiến dư luận hết sức lo lắng về diễn biến mới của tội phạm tuổi teen. Hai vụ việc trên đã cho thấy được hành vi táo tợn, liều lĩnh của các đối tượng tạo sự bất an trong dư luận.
Đừng chủ quan trước hành vi phạm tội "ngớ ngẩn" của tuổi mới lớn
Trao đổi với PV Người đưa tin, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Văn phòng luật sư Phượng Hoàng, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, cả hai hành vi trên nhìn qua có vẻ các đối tượng gây án "mang vẻ ngây ngô của tuổi mới lớn". Nhưng xét kỹ đây là những hành vi rất ngông cuồng và không thể lường hết được mức độ nguy hiểm mà chúng có thể gây ra.
Ông Hùng cho rằng: Hiện nay tâm lý tội phạm tuổi teen ngày càng máu lạnh hơn và xảo quyệt hơn. Nếu trong trường hợp của anh Hưng xét trên khía cạnh tâm lý thì bọn tội phạm này đã thực hiện hành vi đến cùng. Có nghĩa là muốn có tiền chúng bất chấp hậu quả có thể bị công an tóm gọn nhưng vẫn làm. Đồng tình với quan điểm của luật sư Hùng, luật sư Đỗ Nguyễn Hiệp cũng cho rằng hành vi của các đối tượng trên cần phải trừng trị nghiêm khắc.
Luật sư Hiệp khẳng định, nếu trong trường hợp anh Hưng không đưa tiền cho Đức và các đối tượng, không ai có thể lường trước được những gì chúng có thể gây ra. Thậm chí, kế hoạch đối với anh Hưng thất bại bọn chúng sẽ quay sang thực hiện kế hoạch mới. Không thể loại trừ trường hợp chúng sẽ dựng lên kịch bản táo tợn hơn và mức độ nguy hiểm có thể mạnh hơn.
Theo Luật sư Hiệp, hành vi của 4 đối tượng trong vụ án vừa diễn ra tại huyện Từ Liêm, Hà Nội đã phạm vào tội "cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 135 BLHS. Ông Hiệp phân tích trên cơ sở thông tin mà ông nắm được về vụ án này. Đối tượng Đức và đồng bọn đã "đe dọa sẽ dùng vũ lực..." làm gây hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai của anh Hưng nếu bọn chúng không được thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tiền.
Luật sư Hiệp cũng cho rằng, xét về hành vi của Đức và đồng phạm chưa thể khép vào tội "cướp tài sản" vì bọn chúng "không dùng vũ lực ngay tức thì". Nhưng, với việc bất chấp hậu quả, Đức và đồng bọn tiếp xúc với anh Hưng nhiều lần để lấy được tiền. Điều này đã chứng minh được bọn chúng quá liều lĩnh, sẵn sàng trả bất cứ giá nào để đạt được mục đích. Tội của bọn chúng sẽ khép vào tội "chiếm đoạt tài sản của người khác". Có thể khép hành vi của Đức và đồng bọn vào khung hình phạt từ 3 đến 10 năm.
Theo luật sư Hùng và luật sư Hiệp, với diễn biến phức tạp của tội phạm hiện nay nên điều chỉnh khung hình phạt để đủ sức răn đe. Thậm chí, trong trường hợp của Trần Thị P. nhắn tin tống tiền bố mẹ cũng nên truy tố trách nhiệm hình sự. Bởi hiện tại, chúng ta không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp của tâm lý tội phạm tuổi teen. Hai Luật sư này cũng khuyến cáo người dân, nên đề phòng với những chiêu trò mới của tội phạm tuổi teen trong giai đoạn này. Khi có vụ việc tương tự phải báo ngay cho cơ quan công an để được giúp đỡ. Không nên chủ quan trong bất cứ tình huống nào, bởi giờ đây tội phạm tuổi teen trước khi thực hiện hành vi chúng đã tạo cho mình một kich bản có sẵn.
Không thể xem thường
Gần đây trên địa bàn cả nước đang xuất hiện nhiều vụ án tống tiền "kiểu mới" liên quan đến tội phạm tuổi teen. Điều đáng lên án, để đạt được mục đích chúng đã nghĩ ra nhiều kịch bản hết sức táo tợn kiểu phim xã hội đen để uy hiếp người bị hại. Nhìn bề ngoài, hành vi của chúng có vẻ "ngớ ngẩn" nhưng nhiều chuyên gia tội phạm học đã cảnh báo không nên xem thường những hành vi phạm tội kiểu này. Bởi trên thực tế nhiều vụ án mạng kinh hoàng trước đây đã cho thấy tâm lý tội phạm tuổi teen giờ đã đến mức khó lường.
Theo VNN