Tử tù Hồ Duy Trúc: “Em đừng bỏ rơi con, tội lắm”
Trước khi chia tay người vợ không hôn thú, tử tù Hồ Duy Trúc dặn: “Em cố gắng nuôi con nên người, nếu không nổi hay muốn đi bước nữa hãy giao thằng bé cho ông bà nội chăm sóc..”.
Cuộc “đoàn tụ” ở nơi không mong đợi
Trong số những tử tù mà tôi từng có dịp tiếp xúc, Hồ Duy Trúc là một trong những người khiến tôi phải suy nghĩ và day dứt nhiều. Bản án của Trúc đến thời điểm này đã được tuyên, chỉ đợi ngày trả án. Và trong sâu thẳm những hy vọng mỏng manh, gia đình của tử tù này đang gửi đơn xin xem xét giảm án.
Sáng 10/12, tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), chúng tôi đón đôi vợ chồng ông Hồ Duy Tùng và bà Lê Thị Út vừa ngược từ quê Ninh Thuận vào Sài Gòn để đến thăm Trúc. Vợ chồng ông Tùng bảo, từ lúc con bị biệt giam, hàng tháng họ vẫn cố vay mượn, đi xe khách vào thăm. Ông bà hy vọng, những lần gặp gỡ ngắn ngủi và các cuộc trao đổi, họ càng có niềm tin hơn để sống nốt quãng đời còn lại. Hơn nữa, cũng một phần động viên Trúc cố gắng sống tốt hơn dù phải đếm từng ngày.
Nồi thịt kho bà Út- mẹ của Trúc mang từ quê Ninh Thuận vào thăm con trai.
Nói đoạn, hai ông bà không vội vàng xách theo đồ cùng với người con dâu – người vợ không hôn thú của Trúc và đứa cháu nội bắt xe buýt đến trại giam khám Chí Hòa đợi tới phiên gặp con trai.
Cuộc gặp gỡ kéo dài một giờ khiến những người xung quanh đều rơi nước mắt. Nhìn cha mẹ già mái tóc ngày càng bạc trắng, gầy gò, Trúc không nói nên lời, chỉ lặng im khóc.
Đứa con trai nhìn Trúc đầy hồn nhiên, đôi lúc e ngại. Thậm chí, khi bồng con, nỗi nhớ nhung trào dâng, Trúc ôm đứa bé vào lòng thật chặt, ánh mắt buồn tủi nhìn người vợ đang ngồi thất thần. Cuộc “đoàn tụ” không mong đợi diễn ra trong trại giam khám Chí Hòa của gia đình Trúc thật xót xa.
“Hy vọng Trúc được giảm án”
Vụ án chặt tay, cướp iPhone do Trúc cùng đồng bọn thực hiện ngày 24/11/2012 tại cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) đã khiến dư luận cả nước xôn xao suốt một thời gian dài. Và cho tới hôm nay, người dân vẫn theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc.
Có rất nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc nên giảm án hay giữ nguyên mức án tử đối với Trúc. Phóng viên báo Pháp luật & Xã hội đã có cuộc khảo sát ý kiến những người dân sống ở TP.HCM về vụ việc này.
Bà Nguyễn Thị Lý (43 tuổi) làm nghề bán hàng rong ở quận Phú Nhuận cho biết: “Tôi là người dân ít học nhưng ngày nào cũng theo dõi thời sự và đọc báo để biết tin tức. Hai năm về trước, tôi có nghe về vụ án Trúc cùng đồng bọn gây án trên cầu Phú Mỹ Hưng. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là hành động thiếu hiểu biết của chàng trai mới lớn ở quê lên thành phố, cộng thêm chút men rượu trong người nên mới làm liều để có tiền tiêu xài. Khi thấy tòa án kết luận mức án cao nhất cho Trúc, tôi cũng thấy tội cho hung thủ. Dù gì đi nữa, tôi vẫn mong hắn được giảm án nó có cơ hội chuộc lại lỗi lầm”.
Những ngày này, Hằng chạy ngược xuôi xin làm thủ tục đăng ký kết hôn với tướng cướp Hồ Duy Trúc. Người phụ nữ này khao khát được làm vợ đàng hoàng, cho dù chồng là tử tội.
Video đang HOT
Còn anh Trần Nhân (34 tuổi), nhân viên sửa xe ở quận Gò Vấp thì cho rằng: “Hành động của Trúc là xem thường mạng sống của người khác, xem thường pháp luật nên tử hình là đúng. Tôi đồng ý với phán quyết của HĐXX. Nếu như một trong những người thân của Trúc là người bị hại thì hung thủ sẽ nghĩ như thế nào. Đối với chị Thúy đang có cuộc sống vui vẻ, an lành, bỗng nhiên lại bị tàn phế vĩnh viễn, suýt nữa còn mất đi mạng sống, không phải vì bệnh tật mà là do những kẻ mất nhân tính như Trúc gây ra”.
Ông Tám (53 tuổi) hành nghề xe ôm ở quận Bình Thạnh nói: “Theo tôi mức tử hình là hơi cao so với hành vi mà Trúc cùng đồng bọn gây ra. Tôi là người theo dõi sát vụ án nên tôi cũng biết, lúc Trúc bị tuyên án tử, mẹ Trúc có chửi những câu khó nghe như người giàu ra đường khoe của nên mới bị cướp. Xét cho cùng, đó chỉ là hành động nhất thời của người mẹ có con tù tội. Nhiều người cho rằng bà không biết dạy dỗ con cái nhưng Trúc cũng đủ lớn để làm chủ được hành vi của mình. Giờ đây Trúc còn mẹ già cùng vợ trẻ và con thơ đang chờ đợi tin tức trong vô vọng. Tôi cũng mong Trúc có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Nạn nhân bị chặt tay không muốn tử hình Hồ Duy Trúc
Sau khi bản án của Trúc bị tuyên với khung hình phạt cao nhất, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy ( ngụ quận 2, TP.HCM) xin giảm án cho tướng cướp Hồ Duy Trúc, kẻ đã gây ra những vụ cướp ghê rợn ở TP.HCM và gây ra nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho chính bản thân chị Thúy.
Lá thư với những dòng như sau:
“Thư xin giảm tội tử hình cho Hồ Duy Trúc
Tôi tên là Nguyễn Thị Ngọc Thúy, 30 tuổi, ngụ ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM.
Tôi là cô gái bị Trúc chém đứt tay ở cầu Phú Mỹ vào cuối năm 2012. Ngày 23/3/2014, Tòa án TP.HCM đã y án sơ thẩm xử tử hình Trúc là kẻ đã gây ra vụ án vừa rồi. Lần xử phúc thẩm Trúc, tôi có kèm đơn xin giảm án cho Trúc, trước ngày xử 4 ngày vì thấy Trúc đã hối lỗi ăn năn về hành vi chém tay để nhằm cướp xe. Do thấy tuổi đời Trúc còn trẻ, không nhận thức và hiểu biết về pháp luật vì ít học nhưng không được tòa xem xét là tình tiết giảm tội vì cho là trễ hạn theo qui định.
Nay, một lần nữa trước sự hối hận ăn năn của Trúc và gia đình, tôi tha thiết mong cơ quan chức năng xem xét và cho Trúc một cơ hội, được ân huệ là giảm án tử hình để Trúc có cơ hội hoàn lương vì có một đứa bé cần có cha trong cuộc đời sau này. Kính mong cơ quan chức năng ân xá cho Trúc được giảm tội chết”.
Sau khi nguyên văn bức thư xin ân xá cho tử tù Trúc được lan truyền trên mạng, nhiều người bày tỏ quan điểm của mình. Nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ chị Thúy vì hành động đầy tính nhân văn. “Trước mỗi sự việc hãy tìm hiểu kỹ rồi hãy viết, phán xét. Cảm ơn chị Thúy nhiều. Em vẫn không đồng tình với việc làm của Trúc và đồng bọn, và cái gì cũng có giá phải trả, nhưng em biết chị đã tìm hiểu, và đã hiểu khá rõ hoàn cảnh của gia đình Trúc nên mới làm như vậy”, bạn đọc bày tỏ.
Sau khi tòa tuyên y án, thay vì có hành động chống đối như phiên xét xử sơ thẩm, người thân của tướng cướp Hồ Duy Trúc đã òa lên khóc nức nở.
Theo NTD
Người tình mù quáng của tử tội Hồ Duy Trúc: Muốn được làm vợ dù một ngày
Trong những ngày cuối cùng Trúc phải trả giá tội lỗi mình gây ra, thì người yêu của hắn đã ôm con của hắn chạy ngược chạy xuôi xin làm các thủ tục đăng ký kết hôn. Cô ấy khao khát được làm một người vợ đàng hoàng, cho dù chồng là một tử tội.
Tôi viết bài này không phải để bao biện cho hành vi phạm tội của Hồ Duy Trúc. Hãy cứ để cho cán cân pháp luật minh xét. Vụ án đã khép lại, án tử cũng được giữ nguyên trong phiên tòa phúc thẩm, dư luận đã nguôi ngoai và dịu lắng.
Nhưng trong khoảnh khắc tưởng như tuyệt vọng, trong những ngày cuối cùng Trúc phải trả giá tội lỗi mình gây ra, thì người yêu của hắn đã ôm con của hắn chạy ngược chạy xuôi xin làm các thủ tục đăng ký kết hôn. Cô ấy khao khát được làm một người vợ đàng hoàng, cho dù chồng là một tử tội.
Hằng ôm con vạ vật ở Công viên 23/9 chờ thăm nuôi Hồ Duy Trúc.
Lý lẽ của tình yêu
Một tử tù đang chờ ngày đền tội, có lẽ tất cả đã đánh dấu chấm hết cho một cuộc đời, một tương lai. Nhưng Hồ Duy Trúc để lại là đứa con không cha, một người vợ không hôn thú đang quằn quại khổ sở và nhục nhã ê chề. Những ngày này, Nguyễn Thu Hằng (22 tuổi) tất bật chạy ngược chạy xuôi để làm thủ tục đăng ký kết hôn với Hồ Duy Trúc, kẻ tội đồ từng gây ra hàng loạt vụ án chặt tay cướp của man rợ nhất từ trước đến nay.
Vì sao phải cố công làm cái việc lạ lùng như thế? Đâu có ai muốn làm vợ một tên tướng cướp, một tử tù sắp phải "dựa cột". Nhiều người đã ném vào mặt Hằng những lời như vậy. Hôm nay, ngày 4/4/2014, 10 ngày sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình Hồ Duy Trúc, tôi gặp mẹ con Hằng, ông bà Hồ Duy Tùng, Trần Thị Út tại công viên 23/9 (Tp Hồ Chí Minh) địa diểm quen thuộc họ từng vạ vật suốt thời gian chờ tòa xử án con trai.
Hằng ôm con ngồi bệt dưới đất, đứa bé khóc ngặt nghẽo bởi nắng nóng, đói khát. Hằng liên tục thúc bầu sữa vào miệng để hãm cơn khóc của con nhưng nó vẫn quấy, khóc chán chê, nó mệt quá thì lăn ra ngủ. Tại ghế đá công viên, nào là bọc, bịch, thùng, ba lô... mang từ quê lên cộng với ba thân xác rũ rượi, xơ xác không khác nào nhóm người đi hành khất. Hằng cho biết: "Em vừa gửi đồ ăn cho Trúc ở trong Khám Chí Hòa, giờ ra đây ngồi nghỉ rồi em bắt xe về Phan Rang (Ninh Thuận)".
Tôi không hiểu nguyên nhân nào tạo động lực cho Hằng miệt mài đi và về trong điều kiện và hoàn cảnh vô cùng bi đát của cô. Thì ra động lực của Hằng chính là được kết hôn với Hồ Duy Trúc. Đó là niềm khao khát duy nhất trước khi Trúc không còn trên đời này nữa. Để làm gì? Hằng bảo: "Để con em có cha, thế thôi!".
Xin điểm qua về cuộc đời của Hằng để thấy rõ hơn chuỗi bị kịch mà cô gái trẻ này đã và sẽ gánh suốt đời.
Mẹ Hằng mất cách đây 14 năm trong vụ tai nạn giao thông. Gia tài phải bán sạch để chạy chữa cho bà, khi chỉ còn đúng căn nhà hoang chuẩn bị cầm cố thì bà "đi", thế là nhà giữ lại được. Đang học lớp 7, Hằng phải nghỉ. Anh trai Hằng cũng nghỉ nốt và phải sang nhờ cậu ruột nuôi giùm. Hai cha con Hằng còm cõi bán bong bóng nuôi nhau. Hằng ra đời sớm, dạn dày hơn với cuộc đời, cứng cáp hơn những đứa trẻ cùng lứa.
Hồ Duy Trúc.
Hằng gặp Trúc trong một lần theo bạn đến Sài Gòn chơi cho biết. Hằng nhỏ thó, thấp lùn, da ngăm đen. Không hiểu có ma lực gì mà Trúc say như điếu đổ và Hằng cũng say theo. Rồi Hằng về Phan Rang, chỉ được 15 ngày, Trúc gọi điện hối thúc Hằng dọn lên Sài Gòn cùng chung sống. Hằng chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhập vai thành người lớn và sống cảnh vợ chồng với Trúc. Quy luật tất yếu của cuộc sống chung chạ, Hằng có thai thì vừa lúc Trúc sa lưới pháp luật.
Người đời có thể đang căm ghét, thù hằn với những tội ác mà Hồ Duy Trúc gây nên, nhưng với riêng Hằng, Trúc luôn là người đàn ông cô yêu suốt đời. Bởi lẽ đó mà khi vừa biết Trúc sa lưới pháp luật, lúc cái thai mới hai tuần tuổi, Hằng nằng nặc giữ lại. Người thân khuyên Hằng bỏ đi, nó mới chỉ là một cục máu, chưa tạo hình hài. Người dì đưa cho Hằng viên thuốc, nói dứt lòng: "Giải quyết đi và làm lại cuộc đời. Mày không thể giữ dòng máu của một tên tướng cướp".
Hằng vẫn chỉ là cô bé thiếu ăn, thiếu học, thiếu hiểu biết pháp luật, trước áp lực và sự kỳ thị của xã hội, Hằng giữ quan điểm của mình chỉ bằng thứ tình yêu đầu đời trong sáng. Hằng lý lẽ: "Em chưa bao giờ có ý định phá thai, bởi em yêu Trúc. Em muốn giữ lại chút tình yêu cuối cùng này". Mặc cho Hằng giải thích, người lớn không ai chịu nghe cả.
Cho đến bây giờ, điều Hằng ân hận nhất là nông nổi, bồng bột. Đã quá ngây thơ tin tưởng vào phẩm giá của Trúc, yêu hết mình và hiến dâng tất cả. Nhưng nếu biết trước Trúc là tướng cướp thì Hằng không bao giờ làm vậy. Đi thăm Trúc ở trại tạm giam, Hằng đã đay nghiến: "Anh lừa dối tôi để đi cướp, anh thật là ác độc". Còn Hằng vì ngu dại, mê muội, chạy theo thứ tình yêu non trẻ, mù quáng, dấu chấm hết cho một cuộc tình để lại là một mầm sống mang trong mình dòng máu bất hảo.
Còn một ngày được sống, xin cho em làm vợ
Hằng về quê, làm mướn trong cửa hàng nem chua được 35 ngàn đồng/ngày công. Số tiền ấy không đủ để bồi dưỡng bà bầu nên bác sĩ chẩn đoán đứa bé trong bụng bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Hằng ở với cha, người đàn ông 64 tuổi ít nói, chỉ khóc từ ngày con gái vác cái bụng bầu về. Ông làm nghề bán bong bóng dạo. Nay, mỗi trái bong bóng phải gánh thêm một nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Chưa kể nỗi nhục con gái "không chồng mà chửa".
Thai 5 tháng tuổi, cái bụng lùm lên không thể che giấu nổi nữa, Hằng bị hàng xóm phát hiện. Lúc này, danh tính Hồ Duy Trúc đã nổi đình nổi đám trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hằng không thể giấu được, chẳng lẽ nói dối là "đi hoang". Thôi đành nói thật, tác giả bào thai là của tướng cướp nổi tiếng Hồ Duy Trúc. Người ta nhìn Hằng cười khinh, miệt thị.
Ngày trở dạ, vì yếu quá, vì không có sức khỏe nên Hằng được chỉ định mổ. Hằng hỏi ý kiến của Trúc và quyết định đặt tên con là Nguyễn Hồ Duy Khoa. Hằng sinh con trên danh nghĩa không chồng, không hôn thú, đứa trẻ không có tên cha. Giữ họ Hồ Duy trong tên của con, Hằng muốn tặng một đặc ân cho Hồ Duy Trúc, bởi Trúc là con trai độc nhất trong dòng họ. Trúc chết, coi như tuyệt tôn. Trước lúc bị bắt, Hồ Duy Trúc không hề biết người yêu mình có thai, khi gặp lại đã thấy Hằng sắp đẻ, hắn thảng thốt và khóc rất nhiều. Đời hắn đã chẳng còn gì, nay biết tin có con, có giọt máu hương khói dòng họ Hồ Duy, hắn vùng vẫy muốn sống, muốn trở thành người lương thiện, muốn cưới Hằng. Đây chính là lời sau cùng hắn nói tại phiên tòa.
Ông Tùng, bà Út dắt díu nhau từ Ninh Thuận về TP Hồ CHí Minh chầu chực chở thăm con.
Biết tin Trúc nhận án tử, ông Tùng - bà Út hoang mang đột cùng, thay vì xa lánh Hằng, nay ông bà dang tay nhận con dâu, cháu nội. Một lời vợ thằng Trúc, hai lời con thằng Trúc. Hằng ghé sát tai tôi nói nhỏ: "Chỉ bây giờ thôi chứ ngày đang mang thai, chẳng ai dòm ngó đến em cả. Họ xỉ vả em kinh lắm. Cho em là đồ con gái hư hỏng".
Trời đứng bóng, nắng nóng ỏi bức, Hằng vẫn ầu ơ ru con, thằng bé ngủ ngon lành. Nó ngủ bất cứ đâu, ở công viên, ở trại giam, ở sạp bán trái cây. Đời nó mới sinh ra đã "đầu đường xó chợ", nên chỉ hy vọng sau này lớn lên đừng mang dòng máu lạnh lùng tàn nhẫn như cha của nó. Hằng chỉ mặt thằng con, hờn trách: "Con của tướng cướp đấy, ở quê em ai cũng nói như thế. Mới sinh ra đã mang tiếng, đã chết tên rồi".
Tám tháng tuổi, nó đã bị người đời chỉ mặt kêu là tướng cướp con. Nhưng có lẽ điều ấy bây giờ không làm cho Hằng buồn, không hơi sức đâu mà buồn mấy chuyện đó nữa. Hằng đang gõ cửa luật sư, nhờ gấp rút làm đăng ký kết hôn với Trúc. Nếu không nhanh, e rằng không có cơ hội, con Hằng mãi mãi là đứa trẻ ngoài giá thú.
Hằng khóc thật thảm thương, cô tâm sự: "Đi thăm Trúc lần nào anh ấy cũng khuyên em nên lấy chồng đi. Con thì để cho ông bà nội nuôi. Em thì nghĩ, giờ lo nuôi con khôn lớn trước đã, không biết có ai chấp nhận lấy em không, vì cùng với Trúc, đời em cũng quá nổi tiếng rồi". Thằng bé lớn lên mà biết được cha nó là tướng cướp nó càng buồn hơn, mà điều này là chắc chắn, liệu nó có sống nổi với miệng lưỡi người đời không?
Còn em đăng ký kết hôn thì mang tiếng gái đã có chồng, mà chồng như vậy cũng chẳng hãnh diện gì, lại một vết đen trong lý lịch. Đó là dự báo có thật trong tương lai, nhưng Hằng không quan tâm điều đó. Trong suy nghĩ của cô, thứ lớn lao nhất chính là đứa con có đủ cha mẹ, dù cha mẹ nó là ai. Hy vọng bây giờ chính là lá thư xin ân xá của Chủ tịch nước, Hằng tâm nguyện, chỉ cần Trúc không chết thì con trai cô có cơ hội nhìn mặt cha.
Ngày 24/12/2013, Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử băng cướp chặt tay cô gái, cướp xe SH tại chân cầu Phú Mỹ (Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) do Hồ Duy Trúc (20 tuổi, quê Ninh Thuận) cầm đầu. Trong vụ án có 8 bị cáo phải hầu tòa về các tội: "Cướp tài sản, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Theo đó, HĐXX tuyên phạt Hồ Duy Trúc mức án cao nhất là tử hình, các bị cáo khác cùng chịu mức án từ 9 năm đến chung thân. Ngày 24/3/2014, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp Hồ Chí Minh xét xử tuyên y án tử hình đối với Hồ Duy Trúc.
Theo Ngọc Thiện
Cảnh sát toàn cầu
Tướng cướp chặt tay cô gái đi SH lại hầu toà Ngoài bản án tử hình bị TAND TP HCM tuyên phạt vào cuối năm 2013, Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chặt tay cô gái đi xe SH - còn phải nhận 2 bản án khác của toà Ninh Thuận. Ngày 24/3, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sẽ xem xét đơn xin giảm án của băng...