Tử tù giết người cướp của mơ làm… Lục Vân Tiên
Em ước mình cũng sẽ trở thành một Lục Vân Tiên thực sự, nếu không cứu nhân, độ thế nơi cuộc đời rộng lớn ngoài kia thì cũng là một Lục Vân Tiên có thể lo lắng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
LTS: Với một cái án lơ lửng trên đầu, một cái chết cận kề trước mắt, phàm là con người, ai chẳng sợ hãi. Nỗi sợ hãi có dăm bảy đường biểu hiện, nhưng đối với tử tù, dường như họ đều chung một cách thể hiện: chống đối, phá phách, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Có lẽ “mặc định” suy nghĩ ấy trong đầu từ rất lâu, nên khi được các cán bộ quản giáo kể về trường hợp tử tù Lại Đức Thập (trại tạm giam Đắk Lắk, tôi đã rất ngạc nhiên, trong căn phòng nhỏ gắn chiếc cửa sổ cao chót vót trên tường chỉ đủ len lỏi nhẹ những tia nắng mồ côi đi lạc, Lại Đức Thập thú nhận, cậu ta đang run bắn người, bởi hơn 2 năm qua chưa gặp bất kỳ người phụ nữ nào lạ mặt. Ít giao tiếp, trò chuyện khiến cho Thập trở nên lúng túng – cái lúng túng rất thành thực của một tử tù mới vừa tròn 22. Đúng như lời cán bộ quản giáo nói, Lại Đức Thập rất ngoan, chấp hành tốt nội quy, luôn vui vẻ, hòa nhã với các tử tù khác – dù không biết mặt, ở buồng giam bên cạnh. Và bản thân tôi, trước đó đã đọc hồ sơ vụ trọng án Thập gây ra hơn 2 năm trước, song khi thực tế gặp mặt, vẫn không giấu nổi nỗi ngạc nhiên, sửng sốt và đầy nuối tiếc.
Nước mắt tử tù
Khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, khi chủ tọa hỏi em muốn nói điều cuối cùng gì không, em đã quay xuống phía sau lưng, thành tâm cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại. Em biết rằng xin họ tha thứ cho mình thật khó chấp nhận. Em đã tước đi quyền sống của mẹ họ, vợ họ bằng 28 nhát dao oan nghiệt, nên trong thâm tâm, em chỉ cầu mong gia đình bị hại bớt đau lòng, còn mong họ tha thứ cho mình là điều em không dám mơ tới.
Từ ngày tới thành phố Buôn Ma Thuột, đi làm về khuya, trong người em lúc nào cũng có một con dao Thái Lan với mục đích phòng thân. Sau hai lần bị “xin đểu” và đạp vào bụng vì không có tiền cống nạp, em mới mua dao. Đó là hôm 19/1/2010, trên đường từ chỗ làm tới nhà anh họ để vay 300 nghìn về quê ăn Tết, anh họ hẹn em qua lấy. Trên đường đi, lúc ngang qua nhà bà Nhạn, thấy bà ấy mới đi đâu về, dựng xe máy sát cổng không khóa, em đứng đó nhìn vào nhà rất lâu, ý nghĩ trộm xe bỗng dưng lóe lên.
Em đứng tần ngần khá lâu, chừng 20 phút sau, em quyết đi vào nhà dắt trộm xe. Bị bà Nhạn phát hiện và la toáng lên, hoảng hồn em rút dao đâm 2 nhát vào bụng bà ấy. Trong lúc giằng co, trong đầu em hoàn toàn mất kiểm soát, chỉ nghĩ làm thế nào để thoát thân khỏi hiện trường nên em cứ đâm liên tiếp vào người bà Nhạn cho tới khi không thấy bà ấy phản ứng gì nữa… Và hiện tại, em đang ở đây, trong 4 bức tường giam lạnh lẽo với đôi chân bị gông cùm để trả giá cho sai lầm, tội ác mình gây ra.
Em vẫn nhớ như in ánh mắt giận dữ, căm hờn của người nhà bị hại trong phiên tòa xét xử. Cũng đúng thôi, bởi em đã lấy đi mạng sống người thân, ruột thịt, máu mủ của họ. Bị đứt tay chảy máu còn thấy đau, nữa là vĩnh viễn cắt bỏ tình yêu thương, sự gắn bó của gia đình họ bằng 28 nhát dao sắc lạnh.
Em chấp hành tốt nội quy vì nghĩ thương ba má
Lần đầu tiên lên thăm em, má không nói được câu gì, ngoài nước mắt chảy dài. Ba em bảo sẽ không bao giờ bỏ rơi em. Chừng nào em còn sống, ba má sẽ ở bên cạnh em, sẽ tới thăm nom và động viên em “cho dù chỉ còn một ngày sống trên đời, con cũng phải sống cho tử tế, đàng hoàng”. Má bị say xe ô tô, nên cứ khoảng 2 – 3 tháng, ba chở má bằng chiếc Honda tàu cà tàng từ Khánh Hòa vào Đắk Lắk thăm em. Đó là chiếc xe cũ ba má được người ta bán lại với giá rẻ 2 triệu đồng và bảo khi nào có đủ tiền thì trả. Mấy lần ba má lên thăm, em quên chưa hỏi bá má đã trả xong chiếc xe tàu ấy chưa.
Người đời có câu “nước mắt chảy xuôi”, em không hiểu cho tới khi bước chân vào chốn tù tội, cận kề cái chết mới hiểu và thấm thìa. Lần nào lên thăm, má cũng tự tay làm bánh tét vì biết đó là món bánh em thích ăn nhất. Có lần nhìn em ăn, má ngồi khóc hoài còn ba len lén lau vội giọt nước mắt bằng chiếc vạt áo sờn bạc, cũ kĩ. Chỉ vì em mà ba vốn đã khổ lại càng thêm bất hạnh.
Tử tù Lại Đức Thập
Có lần anh chị em lên thăm, kể lại chỉ sau một đêm nhận hung tin em chính là kẻ giết người vụ án đình đám giữa trung tâm thành phố, ba và má già đi trông thấy. Cả đêm ấy, ba ngồi lặng người trên chiếc chõng tre đặt ở sân và im lặng như pho tượng, còn trong nhà, má ngất lên ngất xuống trong nước mắt. Sự lặng yên hoá đá ấy giống như bao lần ba ngồi trước hiên nhà, lẩm nhẩm tính toán bán con gà, con vịt lấy tiền đóng 125 ngàn học phí cho em, nhưng lần này cõi lòng ông đã tan nát thành trăm ngàn mảnh. Sau đêm ấy, anh chị em trong nhà ai cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy mái tóc của ba má em bạc đi quá nhiều.
Ba má vốn là những người nhà quê, cả đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm miếng cơm manh áo. Ở tuổi ngoài 50 nhưng cả ba và má đều trông già cả, gầy gò, tiều tuy. Một phần làm nên sự lam lũ, vất vả cho ba má chính là em.
Video đang HOT
Hồi đi học, em không biết chơi điện tử, không biết chát chít là gì, chỉ có thi thoảng trốn học ngồi la cà cà phê cùng tụi bạn. Em sinh ra là con nhà nghèo, nghe chúng bạn kể về những thú chơi xa xỉ, mặc những bộ trang phục là lượt, sành điệu, em tủi thân lắm. Nhiều lúc em tự hỏi, tại sao mình sinh ra trong một gia đình nghèo đến thế, tại sao các bạn có quần áo diện còn mình thì không? Thêm nữa, từ nhỏ, má chỉ cho em chơi cùng những người bạn ngoan ngoãn trong xóm mà má biết rõ ràng tính tình, gia đình của họ. Chỉ cần thấy em la cà cùng bạn bè xấu, má kiên quyết không cho giao tiếp, thành thử bạn bè của em hầu hết là anh chị họ hàng trong nhà. Nhiều khi, em thấy mình bị kiềm tỏa, bị bó buộc trong muôn vàn quy tắc của má.
Tại sao bạn bè em được thoải chọn bạn, được đi chơi về muộn lúc nửa đêm, còn em không có những quyền đó? Suy nghĩ bốc đồng của trẻ con hồi đó đẩy em đi tới quyết định bỏ học, trốn nhà lên thành phố kiếm việc khi vừa tròn 17 tuổi, xa rời vòng tay bao bọc kỹ lưỡng của má. Hai ngày sau, lúc công việc ổn thỏa, được làm nhân viên phục vụ bàn ở nhà hàng T.Đ ở thành phố Buôn Ma Thuột, em mới dám gọi điện về báo tin cho má. Má khóc nhiều, cầu xin em trở về với má. Má sẽ xin cho em đi học lại, nhưng em xin má yên tâm, em hứa sẽ làm ăn chỉn chu, không làm ba má phiền lòng.
Tháng lương đầu tiên em được trả 700 ngàn. Với một cậu bé từ nhỏ chỉ quen nhìn những đống tiền lẻ, ôm chiếc bụng đói, rỗng tuếch đến trường, họa hoằn lắm mơi có nắm xôi nhỏ lót dạ; quen nhìn cảnh ba má mở ra đếm vào những đồng tiền nhàu nát, cũ kĩ, vân vê chúng cho phẳng phiu rồi lại cất cẩn thận vào chiếc túi vải tự may bằng mảnh vải vụn xin được… thì số tiền 700 ngàn kia là cả một gia tài vĩ đại. Ngay khi cầm được số tiền lương tháng đầu tiên do tự tay làm ra, em gửi về cho ba má 600 ngàn, còn giữ lại 100 ngàn chi tiêu tháng kế tiếp, trong giấc mơ, em hình dung ba má mỉm cười hạnh phúc về đứa con trai ngoan biết kiếm tiền, phụ giúp gia đình.
Năm 2008, sau nhiều lần van vỉ em trở về má xin cho em đi học trở lại. Khi ông hiệu trưởng lắc đầu từ chối hồ sơ của em vì thời gian em nghỉ học quá lâu, má mới thôi hi vọng về cậu con trai học hành tới nơi tới chốn. Quay trở lại thành phố Buồn Ma Thuột, ao ước học được nghề làm tóc thôi thúc em mạnh dạn tới tìm hiểu thông tin ở một hiệu cắt tóc có tiếng ở thành phố cao nguyên, nhưng khi họ đưa ra mức giá 15 triệu một khóa học kéo dài 1,5 năm tới 2 năm, em cảm nhận rõ sự nuối tiếc, bần thần và mặc cảm của con nhà nghèo khi giấc mơ ngoài tầm với.
Giấc mơ Lục Vân Tiên tan thành mây khói
Hồi còn đi học, em thích mê tập thơ Lục Vân Tiên của thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu. Không biết bao đêm, em bay bổng cùng giấc mơ trở thành Lục Vân Tiên hiệp nghĩa giúp đời. Em ước mình cũng sẽ trở thành một Lục Vân Tiên thực sự, nếu không cứu nhân, độ thế nơi cuộc đời rộng lớn ngoài kia thì cũng là một Lục Vân Tiên có thể lo lắng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
Vào mỗi mùa mưa kéo đến, ngôi nhà tranh vách đất lại oằn mình nghiêng ngả. Cả ngôi nhà liêu xiêu nghiêng hẳn về phía sau nếu không có mấy cây gỗ chống tạm chắc đã đổ sụp lúc nào chẳng hay. Em vẫn bảo ba má, sau này con sẽ xây tặng ba má một ngôi nhà thật đẹp, thật khang trang, cả nhà mình không phải sống dưới ngôi nhà cũ nát này nữa. Nhưng, có lẽ, mong ước đó vĩnh viễn không thể trở thành hiện thực.
Vào trong này, thi thoảng đọc báo, theo dõi tình hình giá nông sản, thấy giá lúa thấp mà xót thương ba má. Nông dân như ba má cực lắm, làm quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn. Chắt chiu bán lúa được vài đồng lại “trăm dâu đổ đầu tằm”, đủ thứ tiền phân bón, giống lúa, công cán ùa vào, lại thêm nỗi vất vả nuôi đứa con trai tù tội. Khổ càng chồng chất khổ. Trong tột cùng của bi kịch do bản thân chuốc lấy, em vẫn có ba má ở bên cạnh với tình yêu thương đặc biệt cùng lời hứa: “Ba má không bao giờ bỏ rời con đâu” giúp em ấm lòng trong 4 bức tường giam lạnh lẽo. Chỉ mong, một phép màu kì diệu tới… để em có cơ hội báo hiếu với ba má.
Kết
Tạm biệt tôi, tử tù Lại Đức Thập nở nụ cười. Trong thoáng chốc ấy, tôi quên mất cậu ta từng gây nên án mạng nghiêm trọng thuở nào. Nụ cười tươi đến hồn nhiên của Thập làm tim tôi se lại. Tiếc cho một tuổi trẻ, một chàng trai 22 đáng lẽ phải tràn trề sức sống, hăm hở vào đời…
Theo ANTD
Giết người, cướp tài sản để báo hiếu cha mẹ!
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Nai vừa tiếp nhận hồ sơ cùng hai đối tượng từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền về hành vi giết người, cướp tài sản.
Trong vụ án này, hai anh em ruột Lương Thái Hiệp (16 tuổi) và Lương Thái Hòa (18 tuổi, cùng ngụ khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã gây án để... báo hiếu cha mẹ.
Máu chảy trong rừng tràm
Khoảng 19h ngày 22/7/2012, anh Nguyễn Văn Niên (24 tuổi, hành nghề lái xe ôm, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang ngồi chờ khách ở khu vực ngã ba Trị An (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thì được một thanh niên thuê chở về thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) với giá 90.000 đồng.
Đến khu phố 3 (thị trấn Vĩnh An), khách yêu cầu anh Niên chạy xe vòng vào một con hẻm rồi dừng lại trước một ngôi nhà. Người này bảo anh Niên đứng đợi bên ngoài, rồi bước vào nhà gọi thêm một thanh niên khác để "cùng đi công chuyện".
Tiếp đó, anh Niên chở hai vị khách ra Tỉnh lộ 768, hướng về xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Đến ngã rẽ vào khu rừng tràm, khách yêu cầu dừng xe để đi vệ sinh. Vừa chạm chân xuống đất, anh Niên bị khách dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào cổ và vai. Dù đã cố bỏ chạy nhưng anh Niên vẫn bị một tên rượt theo bồi thêm một nhát dao và ngã gục.
Tưởng anh đã chết, hai tên cướp lục soát người anh, lấy chiếc bóp da có đựng giấy tờ tùy thân, 65.000 đồng rồi cướp chiếc xe Yamaha Taurus, chở nhau tẩu thoát. Một lát sau, anh Niên tỉnh dậy, cố lê lết ra đường kêu cứu và được người dân địa phương đưa đi bệnh viện kịp thời nên may mắn thoát chết.
Nhận tin báo về vụ cướp, Công an huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với Công an thị trấn Vĩnh An và Công an xã Trị An khẩn trương rà soát, truy bắt hung thủ. Các điều tra viên đã tìm đến căn nhà mà nạn nhân đã ghé vào để đón thêm một tên cướp. Căn nhà này tọa lạc ở tổ 3, khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, chủ nhà là ông Lương Văn Công (56 tuổi).
Từ đây, danh tính hai tên cướp được làm rõ là hai anh em ruột Lương Thái Hiệp và Lương Thái Hòa, con của ông Công. Trong đó, Hòa bị bắt tại nhà, còn Hiệp bị bắt khi đang lẩn trốn tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) cùng tang vật cướp được.
Chiếc xe tang vật
Báo hiếu cha mẹ bằng... tội ác
Theo lời khai của Hiệp, anh em hắn đi cướp vì muốn trả nợ 25 triệu đồng giúp cha mẹ. Đây là số tiền cha mẹ hắn đã vay để mua nhà, nay không trả được nên liên tục bị chủ nợ hối thúc.
Nghĩ là làm, khoảng 17h ngày 22/7, Hiệp đem theo 2 con dao, đón xe buýt ra ngã ba Trị An (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Tại đây, Hiệp vào một quán nước ngồi chọn "con mồi" là tài xế xe ôm có xe máy đắt tiền, còn mới để thực hiện ý đồ. Khoảng 18h cùng ngày, Hiệp "chọn" anh Nguyễn Văn Niên và vờ thuê anh chở về thị trấn Vĩnh An.
Trên đường đi, Hiệp nhiều lần định sát hại anh Niên nhưng sợ một mình hắn không khống chế nổi "con mồi" to khỏe này. Thế là Hiệp yêu cầu anh Niên chở về nhà mình với mục đích để gọi thêm Hòa hỗ trợ. Về đến nơi, Hiệp trình bày ý định của mình cho anh trai nghe. Thay vì khuyên can em, Hòa đã... gật đầu đồng ý. Sau đó, Hiệp giao cho Hòa một con dao nhọn rồi cả hai ngồi lên xe của anh Niên. Tại khu rừng tràm nêu trên, cả hai tên đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào anh Niên với mục đích cướp cả tính mạng lẫn tài sản của nạn nhân.
Hoàn cảnh đáng thương của hai tên cướp
Vụ giết người, cướp tài sản do anh em nhà họ Lương gây ra không chỉ gây xôn xao dư luận về sự liều lĩnh, táo tợn của thủ phạm mà nó còn khiến người ta phải chạnh lòng khi biết hai thanh niên này vốn là người hiền lành, chịu thương chịu khó lao động và chỉ thực hiện tội ác vì cái nghèo, vì muốn... báo hiếu cha mẹ!
Trong căn nhà nhỏ nằm cuối con đường mòn nhỏ lầy lội ở khu phố 3 (thị trấn Vĩnh An), ông Lương Văn Công và bà Lê Thị Nam ngồi thẫn thờ như người mất hồn từ khi hai đứa con trai bị công an bắt giữ. Bị bệnh tim bẩm sinh nên mấy ngày nay bà Nam thường xuyên bị ngất xỉu vì cú sốc quá lớn.
Khổ sở hơn nữa khi trụ cột gia đình là ông Công nhiều năm nay đã trở thành "người cảnh" vì bị bệnh phổi không làm nặng được, đã vậy xương bả vai của ông còn bị gẫy khiến việc đi đứng rất khó khăn. Chỉ còn chút sức tàn, nay lại chịu thêm đau đớn nhục nhã, người đàn ông này cả ngày chỉ biết ngồi tựa vào góc tường, thở phì phò hắt ra thành tiếng.
Quệt nước mắt, bà Nam kể về cuộc sống bần cùng của gia đình: Khoảng 20 năm trước, gia đình bà sống ở xã Thạch Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Nhà nghèo nên anh em Hòa, Hiệp chỉ học đến lớp 5 đã phải bỏ ngang để đi làm thuê, mót điều, mót tiêu kiếm tiền phụ giúp cha mẹ không còn khả năng lao động. Do tiền kiếm được đều lo thuốc men cho vợ chồng bà, thế nến bao nhiêu năm nay cả nhà này vẫn phải lo ăn từng bữa mà còn khó khăn.
3 năm trước, cả gia đình bà quyết định bán nhà ở quê, khăn gói lên huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm ăn. Nhưng nơi đây không có điện, muốn đi chợ mua mớ rau củ hành cũng phải đi nửa ngày đường rừng núi mới đến nơi. Em gái út của Hiệp mới học tiểu học nhưng hàng ngày muốn đến trường phải đi bộ hàng chục cây số.
Không chỉ có vậy, mỗi ngày đi làm, mọi người còn phải... bơi qua hồ Đa Mi (hồ Hàm Thuận), một hồ nước lớn. Do tuổi cao sức yếu, đã nhiều lần vợ chồng bà Nam chết hụt dưới lòng hồ rộng mênh mông này. Biết không thể tồn tại ở vùng đất "khỉ ho cò gáy" này, thế là cả nhà bà lại ủ rũ kéo nhau quay về Đồng Nai.
Đầu năm 2012, vợ chồng bà Nam mua căn nhà nhỏ ở tổ 3 (khu phố 3, thị trấn Vĩnh An, Vĩnh Cửu) với giá 115 triệu đồng. Nhưng cả cuộc đời làm lụng, gia đình bà chỉ gom góp được 90 triệu đồng và còn thiếu nợ 25 triệu đồng còn lại. Theo giao kết, hàng tháng gia đình bà phải trả lãi suất 20% và phải trả hết vào cuối tháng 6/2012.
Để có tiền giúp ba mẹ trả nợ, Hiệp không đủ tuổi lao động nên đã mượn hồ sơ của anh trai để xin đi làm tại một công ty ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom), kiếm được đồng nào đều đưa hết cho mẹ trả nợ. Còn Hòa làm bốc vác ở cảng Đồng Nai, tuy nhiên công việc phải phụ thuộc vào thời tiết nên "bữa đực bữa cái" và thu nhập chẳng là bao.
Đã vậy, tiền kiếm ra vẫn phải cắt ra một phần không nhỏ để mua thuốc men, chữa trị bệnh cho ông Thu nhập lao động chính trong gia đình chẳng là bao nhưng vẫn phải đều đều hàng tháng phải thuốc men, chữa trị bệnh cho ông Công, bà Nam. Những cái khó ấy khiến gia đình này không thể thu xếp đủ tiền trả nợ theo đúng hạn định.
Có lần chủ nhà đến đòi tiền nhà, Hiệp liền hỏi mẹ: "Mẹ ơi, có phải là mình không có tiền là người ta lấy lại nhà, gia đình mình phải ra ngoài đường ở phải không mẹ?". Hỏi xong, Hiệp khóc. Bà Nam cũng rớt nước mắt nhưng vẫn cố trấn an con: "Không đâu con, nhà mình không có tiền thì vay mượn trả họ chứ không phải ra đường đâu con". "Chắc nó sợ cả nhà phải ra đường ở nên mới có suy nghĩ bồng bột mà gây ra tội như thế này", bà Nam nghẹn ngào.
Hơn 1 tháng trước, bà Nam qua tỉnh Đăk Lăk để thăm nuôi đứa con dâu lớn sinh cháu. Ở nhà, chủ nợ đến đòi tiền nên Hiệp gọi điện lên hỏi: "Mẹ có mượn được ít tiền nào không?". Bà Nam buồn bã trả lời: "Trên này đang vào thời điểm giáp hạt con à, nhà ai cũng khó khăn, mẹ chưa mượn được...".
Khoảng 1 tuần sau đó, chủ nợ lại đến đòi tiền, và Hiệp lại gọi điện hỏi mẹ như vậy, câu trả lời là vẫn như cũ. Sau cuộc gọi đó thì xảy ra chuyện buồn... "Lỗi là do vợ chồng chúng tôi bất lực, vô dụng, đã không cho con ăn học đàng hoàng lại còn phải để chúng phải gánh vác công việc gia đình, gánh nợ cho cha mẹ từ quá sớm...", bà mẹ tội nghiệp tự trách mình.
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", thế nhưng ở kiếp sống hiện tại, có nhiều người nghèo đã cố gắng vùng vẫy, đã cố gắng tìm mọi cách có thể mà không thể thoát khỏi "vũng bùn nghèo khó". Trong một phút chốc bị cái nghèo làm cho tuyệt vọng, hai anh em Hiệp và Hòa đã sa chân vào vũng bùn tội ác. Dẫu biết tội ác ấy là đáng lên án, nhưng khi tìm hiểu về cảnh đời của hai thanh niên "ăn chưa no, lo chưa tới" này, người viết chợt thấy cay cay nơi khóe mắt...
Theo Báo Công Lý
Bài 2: Rùng mình ngôn ngữ giới trẻ "Trưa nay vợ chồng mình đi ăn ở đâu nhỉ. Chồng đang ở cơ quan làm nốt một số công việc. Lúc nào vợ đến nơi thì gọi cho chồng nhé...", Tuấn Hải, cậu nhân viên thế hệ 8X, làm cùng cơ quan khiến tôi không khỏi ngạc nhiên vì cuộc nói chuyện trên điện thoại, bởi lẽ Hải vẫn là chàng trai...