Tử tù bị quản lý như thế nào?
Bộ Công an đã có Thông tư quy định cụ thể việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong giai đoạn từ khi họ bị tòa án đã xét xử sơ thẩm kết án tử hình đến khi có quyết định thi hành án, tại các trại tạm giam do Công an nhân dân quản lý.
Mỗi ngày được mở cùm chân 1 lần
Thông tư số 39/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình (tử tù) và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam tử tù phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Khu vực, buồng giam tử tù phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24h.
Trại tạm giam T16, nơi vừa xảy ra vụ đào tẩu của 2 tử tù. (Ảnh: Trần Thanh)
Trường hợp tử tù có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm 1 chân cả ngày, đêm; mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất 1 lần; mỗi ngày được mở cùm chân 1 lần, mỗi lần không quá 15 phút để tử tù làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.
Mọi sinh hoạt của tử tù đều được thực hiện trong buồng giam. Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ – kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời tử tù trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác.
Hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra suốt, móng cùm tử tù để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam tử tù. Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá. Phải có sổ theo dõi, kiểm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam tử tù.
Giám thị trại tạm giam phải có kế hoạch, biện pháp giáo dục, động viên tư tưởng đối với tử tù để họ chấp hành nghiêm nội quy trại tạm giam, nhận rõ tội lỗi, tích cực tố giác tội phạm để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Trường hợp tử tù bị bệnh, cán bộ y tế trại tạm giam phải khám và điều trị cho họ. Nếu phải chuyển đi bệnh viện, tử tù phải bị cùm chân, có buồng riêng để điều trị, phải được tổ chức quản lý, giám sát thật nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Bị giám sát chặt khi gặp người thân
Tử tù được gặp thân nhân theo quy định, trừ trường hợp vi phạm nội quy trại tạm giam. Thân nhân đến thăm gặp tử tù phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.
Tử tù được gặp không quá 5 người là thân nhân trong mỗi lần gặp. Số lần tử tù được gặp thân nhân tùy thuộc vào điều kiện của trại tạm giam và do Giám thị trại tạm giam quyết định, nhưng mỗi tháng không quá 1 lần, mỗi lần không quá 1 giờ.
Việc gặp thân nhân của tử tù phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để tử tù trốn, tự sát hoặc có các hành vi vi phạm khác. Buồng thăm gặp phải được xây dựng kiên cố, phù hợp với yêu cầu bảo vệ, có vách ngăn cách giữa tử tù với thân nhân và được trang bị các phương tiện nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Trong thời gian gặp thân nhân, tử tù không được trực tiếp nhận quà, tiền hoặc các đồ vật khác; không được ăn uống, hút thuốc, sử dụng chất kích thích tại buồng thăm gặp. Tử tù phải bị cùm 1 chân và phải có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ trại tạm giam trong suốt quá trình gặp thân nhân.
Tử tù được gửi đồ vật, tư trang không sử dụng về cho thân nhân, gia đình; được nhận quà, tiền lưu ký và những đồ dùng sinh hoạt của thân nhân, gia đình gửi mỗi tháng không quá hai lần; được nhận, gửi thư nếu được Giám thị trại tạm giam cho phép.
Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.
Video đang HOT
Việc trích xuất đưa tử tù ra khỏi buồng giam do Giám thị trại tạm giam quyết định và ra lệnh trích xuất, đồng thời phải bố trí cán bộ quản giáo, cảnh sát vũ trang bảo vệ dẫn giải và canh gác, giám sát chặt chẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn. Các trường hợp gặp chỉ được thực hiện ở buồng thăm gặp hoặc buồng làm việc của trại tạm giam và tử tù phải bị cùm chân trong suốt quá trình gặp.
Trong mọi trường hợp, khi được áp giải theo lệnh trích xuất, tử tù đều phải bị khóa tay, cùm chân (loại cùm chân dùng cho người bị áp giải).
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Chuyện chưa kể về cuộc phỏng vấn đặc biệt với tên tử tù trốn trại
Nếu Nguyễn Văn Tình được xếp vào danh sách nguy hiểm thì Lê Văn Thọ phải nói là một kẻ cực kì nguy hiểm. Bởi Thọ từng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản...
Ngày 13-9, hai tử tù đang bị giam tại Trại tạm giam T16 để chờ thi hành án đã bỏ trốn khỏi phòng biệt giam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai tử tù này đã bỏ trốn vào đêm 10-9 và ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trại tạm giam đã báo cáo lên Bộ Công an để xin phương án truy tìm.
Được biết, hai tử tù là Lê Văn Thọ (biệt danh Thọ "sứt"), 37 tuổi, trú tại xóm 6, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương và Nguyễn Văn Tình - 28 tuổi, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội.
Từ kẻ buôn ma túy...
Là một thành viên trong nhóm đối tượng buôn bán trái phép 490 bánh heroin giấu trong bình gas, bị lĩnh án tử hình tại phiên tòa sơ thẩm chiều 27-4, Nguyễn Văn Tình được đánh giá là một đối tượng khá nguy hiểm trong đường dây buôn bán ma túy số lượng lớn này.
Băng nhóm của Nguyễn Văn Tình bị tổ công tác Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an (C47) phát hiện và bắt giữ vào ngày 23-7-2015, khi đó các đối tượng đang chở 170 bánh heroin được giấu trong các bình gas công nghiệp đem đi tiêu thụ. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản đối với 6 đối tượng cùng toàn bộ vật chứng.
Căn cứ vào lời khai của các đối tượng bị bắt, C47 đã tiến hành khám xét khẩn cấp các đối tượng nói trên, thu giữ hai bình gas công nghiệp màu hồng, trong đó một bình gas có 153 bánh heroin. Ngoài ra còn thu giữ hai khẩu súng, trong mỗi khẩu có 8 viên đạn và 1 băng tiếp đạn, bên trong có 30 viên.
C47 đã mở rộng điều tra và xác định được đây là một đường dây buôn bán trái phép chất ma túy, có nhiều đối tượng, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia với thủ đoạn rất tinh vi, liều lĩnh. Các đối tượng đã móc nối với nhau tạo thành đường dây mua bán chất ma túy khép kín, xuyên quốc gia.
Thọ "sứt" tại phiên toà xét xử.
Đặc biệt, các đối tượng trong đường dây này đều rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí quân dụng mà chúng tự trang bị.
Theo như lời khai, từ năm 2004 đến tháng 11-2015, đường dây này đã buôn bán 1.182 bánh heroin, trong đó trót lọt 614 bánh, còn lại 568 bánh bị các cơ quan chức năng bắt giữ.
Sau khi bị phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử, đường dây mà Nguyễn Văn Tình tham gia với 13 đối tượng thì đã có 8 đối tượng bị tuyên án tử hình, 3 án tù chung thân, 1 án 18 tháng tù về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" và 1 án phạt 12 tháng tù (án treo) về tội "Không tố giác tội phạm".
Đến gã tội phạm giết người đặc biệt nguy hiểm
Nếu Nguyễn Văn Tình được xếp vào danh sách nguy hiểm thì Lê Văn Thọ phải nói là một kẻ cực kì nguy hiểm. Bởi Thọ từng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Vụ án bắt cóc gây rúng động dư luận do Thọ "sứt" và đồng bọn thực hiện xảy ra vào ngày 3-3-2012. Lê Văn Thọ đã cùng đồng bọn đi chiếc xe BMW 7 chỗ, ngang nhiên mang theo súng xông vào nhà anh Sồng A Dơ, ở bản Lũng Xá (thuộc xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La) để uy hiếp và bắt cóc cháu Sồng Thị Giang (6 tuổi) là con gái của anh Dơ rồi đưa lên xe phóng rất nhanh ra hướng quốc lộ 6.
Khi đó, ông nội cháu Giang là Sồng A Lứ và bố đẻ cháu Giang là Sồng A Dơ đang cúng ma ở nhà bên cạnh đã huy động anh em, bà con dân bản đuổi theo chiếc xe. Hai người anh em của anh Dơ là Sồng A Chư, Sồng A Dế đi xe máy đuổi theo nhưng đã bị một tên giơ súng bắn chặn.
Đến khu vực sân vận động thuộc bản Lóng Luông, chiếc xe khựng lại vì sự chốt chặn của anh Tráng A Pủa là Công an viên của bản Lóng Luông và anh Nguyễn Văn Đăng, một người dân địa phương. Anh Pủa dùng xe máy chặn ngang đường thì lúc ấy người nhà anh Dơ cũng ập tới. Một tên mở nóc cửa xe, chĩa súng về phía anh Sồng A Dơ nhả đạn, khiến anh Dơ thủng dạ dày.
Thọ "sứt" (ngoài cùng bên trái) cùng đồng bọn lúc mới bị bắt
Sau khi bỏ chạy thành công, trong tối hôm đó, Thọ "sứt" đã gọi điện cho gia đình cháu Giang yêu cầu gia đình cháu phải nộp cho hắn 500 triệu đồng và 5 bánh heroin loại "không số" cùng 5 lạng ma túy đá, bắt gia đình cháu Giang phải mang tiền và "hàng" xuống đoạn cách Hòa Bình 20km thì bọn chúng sẽ trả con, bằng không chỉ còn cách "nhặt xác con về".
Vụ việc này sau đó được xử lý bởi Ban chuyên án của Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục VI cũng như lãnh đạo Cục C45 và Công an nhiều tỉnh, thành.
Được biết, tất cả các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm này đều có hộ chiếu để sẵn sàng chuồn ra nước ngoài sau khi gây án. Đây là một nhóm tội phạm cực kỳ manh động và nguy hiểm, sử dụng vũ khí nóng, tất cả đều đã có tiền án, tiền sự và đều nghiện ma túy đá. Trong đó, đối tượng Thọ "sứt" được đánh giá là một tay anh chị có số má và vô cùng lì lợm. Sau đó, Thọ "sứt" và đồng bọn đã bị đưa ra xét xử, thụ án ở Trại giam Nam Hà.
Chỉ qua những bản cáo trạng dài dằng dặc kết tội Lê Văn Thọ, ai cũng có thể dễ dàng thấy được sự nguy hiểm của tên tội phạm này. Sự nguy hiểm của đối tượng này thể hiện ở việc dù là đối tượng bị án đang chấp hành án phạt tù có thời hạn tại Trại tạm giam Nam Hà của Bộ Công an nhưng Thọ vẫn tìm được cách gọi điện ra ngoài, thuê và chỉ đạo các đối tượng ngoài xã hội thực hiện hành vi giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy.
Theo đó, vào cuối năm 2014, khi đang ở trong tù, Thọ đã thuê hai đối tượng dùng súng hoa cải bắn anh Trần Mạnh Tiến gây tổn hại sức khỏe 33%, cháu Trần Mạnh Cường gây tổn hại sức khỏe 56%. Đến tháng 5-2015, Thọ lại gọi điện thuê Lê Quang Tuấn sử dụng mìn để giết anh Hoàng Quốc Đức và chị Lê Thu Hà ở tỉnh Sơn La với giá 300 triệu đồng, sau đó Tuấn đã chấm dứt hành vi và ra đầu thú.
Từ tháng 5 đến tháng 6-2015, Thọ tiếp tục chỉ đạo Vũ Văn Dũng lừa bán 6 bánh heroin giả cho Lê Văn Chín với giá hơn 1,1 tỷ đồng. Thọ còn chỉ đạo mua bán ma túy số lượng lớn cho nhiều đối tượng khác.
ối tượng Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ.
Vào tháng 5-2017, TAND tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Lê Văn Thọ mức án tử hình cho các tội danh mua bán trái phép chất ma túy, giết người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi xét xử, Lê Văn Thọ được đưa về giam giữ tại Trại giam T16 Bộ Công an và đêm 10-9-2017, hắn đã cùng Nguyễn Văn Tình trốn trại.
Được biết, Công an Hà Nội đã có phương án truy bắt hai đối tượng tử tù đặc biệt nguy hiểm này.
Ngày Thọ "sứt" mới sa lưới, chúng tôi cũng đã có cuộc tiếp xúc nhanh với tên này tại cơ quan Công an. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện với tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này:
- Trước khi bị bắt, anh làm nghề gì?
Dạ, em làm nghề than ở Uông Bí, Quảng Ninh.
- Than thổ phỉ à?
Dạ vâng.
- Anh có vợ con chưa?
Dạ, em có vợ rồi, vợ em mới tốt nghiệp cao đẳng trường T, bọn em chưa có con.
- Anh có thường xuyên lên xã Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La không?
Dạ, đây là lần thứ ba em lên đó.
- Những lần trước anh lên làm gì?
Dạ, có lần em lên mua ma túy đá nhưng họ chưa tin cậy nên chưa bán.
- Anh có thường xuyên sử dụng ma túy đá không?
Dạ, cũng thỉnh thoảng. Em chơi cùng bạn bè cho vui.
- Tại sao anh lại tổ chức cho các đối tượng khác lên bắt cóc cháu Giang?
Mục đích của em lên là để gạ mua ma túy rồi cướp "hàng". Lần trước có người cùng quê gọi em mang 86 triệu đồng lên Lóng Luông cho họ mượn, nhưng số tiền này không đến được tay người đó mà giờ em cũng không biết người đó ở đâu, tiền này ông Dơ cầm.
- Chiếc xe BMW 7 chỗ, anh và đồng bọn đi lên Lóng Luông là của ai?
Xe đấy là xe người ta cầm đồ.
- Thế còn vũ khí, mấy khẩu súng anh mua ở đâu?
Dạ, súng là thằng Mẽ nó mua, một khẩu AK, một khẩu K59, một khẩu K54 và một khẩu Colt tự chế.
Ngày 12-9-2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với hai đối tượng Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình. Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị cá nhân, tổ chức bắt hoặc phát hiện, tiếp nhận hai đối tượng này báo ngay cho cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, địa chỉ số 55 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điều tra viên thụ lý Lê Thế Vinh, số điện thoại 0983.993.113 để giải quyết.
Theo Đinh Hiền - Lê Phong
Cảnh sát toàn cầu
Tử tù đào tẩu, cán bộ trại giam bị xử lý ra sao? Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, căn cứ sai phạm của cán bộ trại giam trực tiếp quản lý, cán bộ này có thể phải chịu trách nhiệm về tội "Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn" hoặc bị truy cứu với vai trò đồng phạm của tội "Trốn khỏi nơi giam, giữ". Cần làm rõ sai phạm...