Từ truyện lên phim, Tứ Kỵ Sĩ của Apocalypse thay đổi như thế nào?
Trong “X-Men: Apocalypse”, ngoài sự xuất hiện của dị nhân cổ đại Khải Huyền, bên cạnh hắn luôn có sự hiện diện của 4 tay sai khác là Storm, Pyslocke, Angel và Magneto. Họ là ai và được cải biên từ truyện tranh như thế nào?
Trong tập phim mới nhất của X-Men, bên cạnh Apocalypse hùng mạnh luôn là nhóm Tứ Kỵ Sĩ thủ hạ. Đây nguyên là bốn dị nhân được Apocalypse thu nhận, gồm Storm, Psylocke, Angel và Magneto. Ý tưởng này vốn xuất phát từ Kinh Thánh, nhưng theo phim thì có thể chính Kinh Thánh lấy cảm hứng từ Apocalypse.
Chuyện về Tứ Kỵ Sĩ được viết trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Tân Ước, tên gọi là cuốn Khải Huyền, của Thánh Gioan. Theo đó, họ đi trên những con ngựa, không có tên và chỉ được gọi theo tai họa mà mình mang đến: Bệnh Dịch (Pestilence), Chiến Tranh (War), Nạn Đói (Famine) và Chết Chóc (Death).
Do cuốn Khải Huyền được viết trong thời La Mã, Tứ Kỵ Sĩ được xem là lời tiên tri cho lịch sử của đế chế
Tác giả Louise Simonson và họa sĩ Walt Simonson đưa khái niệm này vào truyện tranh từ năm 1986, trong tập X-Factor #10. Cũng tương tự như phim, Tứ Kỵ Sĩ gồm bốn thành viên (thường là người đột biến) phục vụ cho Apocalypse, có thể là tự nguyện hay bị ép buộc. Họ được gia tăng hoặc trao thêm năng lực, và nhận danh hiệu Bệnh Dịch, Chiến Tranh, Nạn Đói và Chết Chóc (giống trong Kinh Thánh). Dù Apocalypse có những tay sai khác, nhóm Tứ Kỵ Sĩ luôn nằm ở chiếu trên và thường giữ vai trò then chốt trong kế hoạch của hắn.
Nhóm Kỵ Sĩ cổ xưa nhất và thế hệ đầu tiên
Nhóm Tứ Kỵ Sĩ cổ xưa nhất trong lịch sử Marvel xuất hiện từ thế kỷ 11, bao gồm một dị nhân khá giống nhân vật Orb, một người nữ da đỏ, một dị nhân giống xác ướp và một dị nhân có cơ thể giống như không khí và giúp anh ta có thể bay. Họ được Apocalypse cử đi giết một người ngoại giáo tên Folkbern Logan ở London, nhưng rồi Thor đã xuất hiện và tiêu diệt cả bốn nhân vật này.
Đến thế kỷ 20, trong sự kiện Fall of Mutants, Apocalypse chiêu mộ Plague, một dị nhân thuộc băng Morlocks, cho vị trí Bệnh Dịch. Cựu binh Abraham Lincoln Kieros trở thành Kỵ Sĩ Chiến Tranh. Một cô gái mắc chứng biếng ăn tên Autumn Roflson trở thành Nạn Đói còn Angel đảm nhận vị trí cuối cùng trong nhóm Tứ Kỵ Sĩ.
Thế hệ đầu tiên
Trong một biến cố trước đó, Apocalypse đã cứu Angel (lúc này bị mất cánh) khỏi chiếc máy bay sắp phát nổ. Hắn đề nghị chữa lành đôi cánh cho Angel với điều kiện anh phải phục vụ hắn. Thế là Angel có đôi cánh bằng kim loại và trở thành Chết Chóc. Anh thậm chí còn đánh bại ba người kia và trở thành thủ lĩnh của nhóm Tứ Kỵ Sĩ.
Chi tiết “chữa lành cánh” được sử dụng lại trong tác phẩm vừa ra mắt, nhưng giữa phim và truyện có một khác biệt quan trọng. Trong truyện, Apocalypse phải kiểm soát tâm trí Angel mới có thể buộc anh hoàn toàn quy phục. Khi lên phim, Angel tự nguyện đi theo “anh Huyền”, sau khi được “cha nuôi” biến cánh thành kim loại, khuyến mãi thêm một quả đầu hoành tráng và hình xăm mặt cực chất.
Angel khi lên phim
Trở lại với truyện tranh, Tứ Kỵ Sĩ đánh nhau với đội X-Factor và Bệnh Dịch bị nhóm Power Pack vô tình sát hại. Khi Iceman giả chết, Angel đã tỉnh dậy và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Apocalypse. Hắn rút lui với những kẻ còn lại và một thành viên mới là Caliban. Nhân vật này có khả năng phát hiện và dò tìm những người đột biến khác, hắn tự xin Apocalypse khả năng để báo thù cho các thành viên của Morlocks. Caliban thay thế Angel làm Chết Chóc, còn sau đó Hulk trở thành Chiến Tranh trong một thời gian ngắn, trước khi tỉnh lại vì nhận ra anh đã làm tổn thương bạn mình là Rick Jones.
Hulk cực ngầu khi làm Chiến Tranh
Trong tập phim mới nhất về X-Men, Caliban cũng xuất hiện nhưng là một tên trùm của thế giới ngầm, còn Psylocke là vệ sĩ cho hắn. Khác với nguyên tác, hắn không trở thành Kỵ Sĩ mà vai trò đó thuộc về Psylocke. Cô nàng này chưa từng phục vụ cho Apocalypse trong truyện tranh (có là Kỵ Sĩ nhưng làm cho Archangel), song khi lên phim, sau khi nghe vài lời thề non hẹn biển của “anh Huyền”, tặng kèm một bộ đồ… cực kỳ mát mẻ, nàng đã ngay lập tức đổ cái rụp và đi theo đại gia.
Thế hệ thứ hai
Trong truyện tranh, Wolverine cũng từng một lần trở thành Chết Chóc, và cũng tương tự như Angel, Logan cũng bị Apocalypse tẩy não để điều khiển. Câu chuyện này thật ra khá phức tạp, khi đó Wolverine đã mất adamantium và bị Apocalypse bắt cóc.
Video đang HOT
Hắn cho Logan đọ sức với Sabretooth (lúc này có adamantium) và ai thắng sẽ là thủ lĩnh mới của Tứ Kỵ Sĩ. Wolverine biết chiến thắng đồng nghĩa với việc bị tẩy não để chống lại bạn mình, nhưng nếu Sabretooth trở thành Kỵ Sĩ mọi thứ còn tệ hại hơn vì hắn vốn đã là cỗ máy giết chóc.
Wolverine trở thành Chết Chóc
Cuối cùng Wolverine đã thắng và trở thành Chết Chóc, trong khi một tên Skrull giả dạng làm anh trong X-Men. Chính tay Logan đã giết chết tên giả dạng này, khi đó các đồng đội của anh mới biết được sự tình.
Bên cạnh Logan, Apocalypse chiêu mộ Deathbird của đế chế Shi’ar vào vai trò Chiến Tranh. Caliban giờ là Bệnh Dịch và một dị nhân có tên Rory Campbell trở thành Nạn Đói. Trong một trận chiến với X-Men, Chết Chóc đã bị rơi mặt nạ, danh tính Wolverine cũng bị tiết lộ. Sau đó anh lấy lại trí nhớ nhờ sự giúp sức của Jubilee, Shadowcat, Archangel và Psylocke.
Storm đối đầu với Cyclops trong phim
Wolverine đã từng là một trong Tứ Kỵ Sĩ, thế nhưng X-Men: Apocalypse lại không để anh Chồn rơi vào tay đại gia, mà thay vào đó lại là Storm, fan cuồng của Mystique. Sau khi được “cha nuôi” nhuộm tóc và lên đồ thời trang các kiểu thì chị Bão quyết định theo hắn đi khắp thế gian. Thế nhưng vì lòng trung thành to lớn như “bầu trời” với thần tượng, vào phút cuối cùng, Storm đã lật kèo để phản lại Apocalypse. Thật khổ cho anh Huyền nuôi được bốn đứa con thì hai đứa vô dụng, hai đứa làm phản.
Thế hệ thứ ba
Trở lại với truyện tranh, sau các sự kiện như House of M và M-Day, Apocalypse trở lại và Tứ Kỵ Sĩ đời thứ ba ngay lập tức được chiêu mộ. Hắn cho Gazer thành Chiến Tranh, Sunfire thành Nạn Đói, Polaris giữ vai trò Bệnh Dịch và cuối cùng Gambit là Chết Chóc. Gazer, Sunfire và Polaris lúc này đều đã mất năng lực và muốn có một cơ hội thứ hai, nên đồng ý đánh thuê dưới trướng của Apocalypse.
Nhóm tiếp theo của Apocalypse
Chỉ mỗi mình Gambit nghĩ rằng Apocalypse sẽ đem lại tương lai mới cho giống loài đột biến nên tình nguyện trở thành bầy tôi của hắn. Lại một trận chiến kinh thiên động địa nữa giữa nhóm X-Men và Apocalypse cùng Tứ Kỵ Sĩ diễn ra. Apocalypse lại bại trận và các Kỵ Sĩ của hắn thức tỉnh, chỉ có Gazer đã chết trong khi hết mình bảo vệ chủ nhân của mình.
Apocalypse đã tin tưởng nhầm người vì Magneto quá nặng tình với Xavier
Trong phim, vì sự vắng mặt của Polaris, X-Men: Apocalypse đã cho Magneto một đứa con gái khác là Nina (có khả năng điều khiển muông thú). Cái chết của cô bé cũng là nguyên nhân khiến Magneto quy thuận gã ngụy thần kia và trở thành tay sai đắc lực nhất của hắn, trong khi ba Kỵ Sĩ kia hình như chỉ đứng cho đẹp đội hình. Sau cùng, chính “gà cưng” của Apocalypse lại chọc gậy bánh xe, khiến hắn tan xác dưới tay “Phượng Hoàng” Jean Grey.
Các nhóm Kỵ Sĩ khác
Tứ Kỵ Sĩ tiếp theo trong truyện tranh mà chúng ta bàn đến là Sentry, Banshee, Grim Reaper và Daken, phục vụ cho Apocalypse Twins (hai đứa con của Archangel). Điều đặc biệt là bốn người này đều đã chết và được hồi sinh, và cả bốn đều giữ vai trò Chết Chóc. Sau khi Apocalypse Twins bị tiêu diệt, Banshee đã bị Avengers cầm tù, Sentry biến mất vào không gian, chỉ có Daken và Grim Reaper quay về Trái đất với xác của chủ nhân.
Các Kỵ Sĩ trong sự kiện Apocalypse Wars, khoan đã, có cả Deadpool kìa
Một nhóm khác được biết tới là Tứ Kỵ Sĩ Cuối Cùng, được tạo ra để triệu tập đến khi tất cả thất bại. Họ gồm Decimus Furius của Rome (Chiến Tranh), Ichisumi của Nhật Bản (Bệnh Dịch), Jeb Lee của Nhật Bản (Nạn Đói) và Sanjar Javeed của Ba Tư (Chết Chóc). Trong vài tháng tới, Apocalypse sẽ một lần nữa được hồi sinh, và Tứ Kỵ Sĩ của hắn sẽ là Colossus, Moon Knight, Venom và Deadpool . Trong nhóm này chỉ mỗi Colossus thực sự là người đột biến.
Tứ Kỵ Sĩ trong phim “X-Men: Apocalypse”
Trên màn ảnh rộng, đây là lần đầu tiên Tứ Kỵ Sĩ của Apocalypse xuất hiện và như thường lệ, Fox vẫn mạnh tay thay đổi khá nhiều chi tiết. Chẳng hạn như Angel được xem là một trong những Kỵ Sĩ mạnh mẽ nhất của Apocalypse từ trước đến nay, nhưng lên phim lại trở thành “cục tạ” của cả nhóm.
Các nhân vật còn lại thì chưa bao giờ được Apocalypse thu nhận trong truyện tranh, và cách bọn họ quy thuận dưới chân hắn khá đơn giản. Nếu như Fox và Bryan Singer trau chuốt thêm cho bốn kẻ có ngoại hình cực ngầu này thì có lẽ trận chiến giữa họ và X-Men sẽ gay cấn hơn rất nhiều.Theo Mai Phương Thảo – Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ
5 vấn đề gây tranh cãi trong "X-Men: Apocalypse"
Hoành tráng, mãn nhãn, nhưng "X-Men: Apocalypse" để lại cảm giác trống trải và thất vọng cho một số khán giả trung thành.
X-Men: Apocalypse thu về hơn 100 triệu USD sau ba ngày chiếu sớm tại các thị trường ngoài Mỹ. Tuy nhiên, bom tấn mới nhất về các dị nhân nhận danh hiệu "cà chua thối" trên Rotten Tomatoes - website phê bình phim chuyên nghiệp. Nhiều khán giả theo dõi loạt phim từ phần một cũng bày tỏ sự thất vọng sau khi suy nghĩ về những gì xảy ra trên màn ảnh. Điều này chắc chắn phải có lý do.
Cùng điểm danh 5 vấn đề không biết nên yêu hay nên ghét của X-Men: Apocalypse:
1. Tạo được nhiều khoảnh khắc xuất thần, nhưng quên mất câu chuyện cốt lõi
Quay trở lại 16 năm trước, X-Men (2000) được coi là tác phẩm điện ảnh hồi sinh thể loại phim siêu anh hùng. Đạo diễn Bryan Singer thay vì tập trung vào các màn hành động, các bối cảnh phim rộng lớn và tốn kém (dù X-Men vẫn ghi điểm ở khoản này), thì lại hướng khán giả tới sự giằng xé nội tâm và mâu thuẫn về quan điểm sống của các dị nhân trong thế giới loài người. Đối đầu với cả xã hội hay sống hòa thuận với họ? Giấu giếm về sự đột biến hay thừa nhận nó? Đứng bên bạn bè hay bảo vệ quan điểm cá nhân tới cùng?
Giáo sư X và Magneto đại diện cho hai quan điểm đối lập của người đột biến
Điều này ghi điểm cho loạt phim X-Men. X2 (2003) và X-Men: First Class (2011) đều được tán dương bởi cân bằng yếu tố hành động kịch tính với vấn đề của bản thân nhân vật. X-Men: Days Of Future Past cũng vậy, sứ mệnh cứu tương lai ngàn cân treo sợi tóc có lúc lại dịu đi nhờ câu chuyện giữa Giáo sư Xavier (James McAvoy), Magneto (Michael Fassbender) và Mystique (Jennifer Lawrence).
Với X-Men: Apocalypse, dường như các phân cảnh xây dựng tâm lý nhân vật đã bị cắt bớt để nhường chỗ cho hành động mãn nhãn. Không có câu chuyện chính ẩn sau 147 phút phim. Khán giả xem hết cảnh này đến cảnh khác mà không thấy được sự phát triển nhân vật hợp lý. Người duy nhất có sự giằng xé trong tâm lý là Magento thì phân cảnh lại khá sơ sài, thể hiện theo kiểu cũ kỹ "ngửa mặt lên trời khóc". Có vẻ bộ phim quan tâm trận chiến sẽ như thế nào hơn là vì sao họ phải đối đầu.
Sự thức tỉnh của Apocalypse, màn chiến đấu của nhóm X-Men với Tứ kỵ sĩ hay trường đoạn giáo sư X và Jean Grey hợp lực đấu trí đều để lại ấn tượng thị giác sâu đậm cùng cảm xúc ngộp thở trong rạp. Tuy nhiên, thiếu vắng tính nhân văn và thông điệp xã hội khiến X-Men: Apocalypse không được coi là tác phẩm nổi bật của loạt phim dị nhân.
2. Các dị nhân trẻ không gây thất vọng, nhưng nhóm Tứ kỵ sỹ thì ngược lại
Nhờ sáng kiến du hành thời gian, loạt phim X-Men đưa các dị nhân được yêu quý trở lại màn ảnh trong một diện mạo trẻ trung, tươi mới. Khán giả tò mò xem Bryan Singer sẽ xây dựng Jean Grey, Cyclops, Nightcrawler, Storm, Psylocke... thời trẻ như thế nào.
Đa phần họ đều rất tuyệt vời! Jean Grey trở thành nút thắt quan trọng trong trận chiến, phân cảnh cô giải phóng sức mạnh Phoenix Force ở cuối phim ghi dấu ấn sâu sắc. Cyclops có nhiều điều để bàn luận hơn hẳn các phần phim trước, mối tình của anh và Jean bước đầu được hé lộ. Nightcrawler nổi bật với sự trong sáng, rụt rè và nhiều lần cứu nguy cho cả đội.
Mối tình chớm nở giữa Cyclops và Jean Grey
Trái ngược với các dị nhân được đào tạo trong trường Xavier, Tứ kỵ sĩ do Apocalypse thu nhận ít nhiều gây thất vọng. Psylock và Angel được giới thiệu sơ sài, rất ít lời thoại, không có đất thể hiện cá tính riêng. Storm mở màn ấn tượng, nhưng cô gần như bị lãng quên cho tới tận cuối phim. Về động cơ khiến ba kỵ sĩ trẻ chấp nhận đứng chung hàng ngũ với tên ác nhân cổ xưa, khán giả không thấy rõ. Magneto được tập trung hơn cả, tuy nhiên, sự thay đổi trong tâm lý nhân vật khi về phe Apocalypse cũng như khi phản bội hắn lại không đủ thuyết phục.
Apocalypse và nhóm Tứ kỵ sĩ
Thêm vào đó, nhiều khán giả bày tỏ băn khoăn vì sao Apocalypse lại chọn Psylocke và Angel một cách ngẫu nhiên đến vậy? Tứ kỵ sĩ gần như không phải chiến đấu, chỉ xuất hiện bên cạnh Apoclypse cho... đẹp đội hình. Đây là những lỗ hổng dễ nhận ra trong câu chuyện của X-Men: Apocalypse.
3. Quicksilver chinh phục khán giả, nhưng anh chẳng có gì mới cả
Lấy bối cảnh năm 1983, tức 10 năm sau lần Quicksilver "trổ tài" cứu Magneto ra khỏi nhà tù, dị nhân tốc độ lại được dịp dụng võ khi xuất hiện đúng lúc trường Xavier phát nổ. Phân cảnh của anh kéo dài hơn lần trước và gây ấn tượng không kém. Nhiều khán giả về tới nhà phải bật ngay ca khúc Sweet Dreams của Eurythmics để hồi tưởng lại.
Tuy nhiên, đạo diễn Bryan Singer dường như không sáng tạo gì thêm cho Quicksilver. Màn vừa chạy đua vừa pha trò mất tới gần hai tháng quay phim của diễn viên Evan Peters lặp lại y xì phong cách X-Men: Days of Future Past. Có người còn chỉ trích tại sao lúc này anh đã 27 tuổi mà vẫn sống trong căn hầm của mẹ và không dám nói thẳng với Magneto rằng ông là cha của mình.
4. Oscar Isaac rất cố gắng, nhưng Apocalypse không được đánh giá cao
Apocalypse được giới thiệu là "ông tổ của các dị nhân", là người đột biến đầu tiên với nhiều siêu năng lực vượt trội. Sự thức tỉnh của một trong những ác nhân quyền lực nhất khiến người hâm mộ mong chờ các âm mưu hiểm ác hay cách mà Apocalypse tạo nút thắt cho phim.
Nam diễn viên Oscar Isaac được đánh giá cao khi vào vai Apocalypse. Chỉ hơi tiếc, nhân vật của anh khá "bề nổi" trong tính cách. Người ta vẫn luôn thắc mắc những siêu năng lực Apocalypse sở hữu cụ thể là gì, điểm mạnh và điểm yếu của chúng được phát huy tùy trường hợp ra sao? Nhưng họ không có câu trả lời thỏa đáng. Đó là chưa kể âm mưu thao túng thế giới, loại bỏ các công cụ, đưa vạn vật trở về thuở sơ khai để đón chờ sự tiến hóa mới lại không được hắn nhanh chóng ra tay. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Apocalypse để việc chính cho Magneto, còn mình thì quay sang... thu phục siêu năng lực của giáo sư X - một thứ hắn chưa sở hữu.
Việc kết nạp các dị nhân trẻ làm thành Tứ kỵ sĩ thoạt đầu rất thú vị. Nhưng khi đội hình đông đủ, người ta không thấy Apocalypse "truyền cảm hứng" cho các cận thần về mục đích mà cả nhóm đứng bên nhau. Vì sao Storm, Angel và Psylocke muốn thế giới bị phá hủy? Chịu thôi!
5. Mystique, Giáo sư X và Magneto - chuyện cũ nhắc lại:
Ba nhân vật trụ cột của X-Men có nhiều điểm mới để khai thác. Mystique trở thành thần tượng của các dị nhân trẻ học tập tại trường Xavier sau hành động hồi X-Men: Days of Future Past. Giáo sư X cuối cùng cũng mang mái đầu trọc huyền thoại, còn Magneto hé mở thêm một phần quá khứ khi cố hòa nhập với người bình thường và sống yên ấm bên gia đình nhỏ.
Mới nhưng chưa nới được cũ. Mystique vẫn dùng dằng giữa mối quan hệ với giáo sư X và Magneto. Có ý kiến cho rằng cô trở nên "Katniss Everdeen hóa", nói nhiều hơn làm, theo phong cách "female champion" gần như bị áp đặt cho Jennifer Lawrence. Còn với hai người đàn ông thủ lĩnh, những cuộc hội thoại giữa giáo sư X và Magneto gần như lặp lại y hệt sáu bộ phim trước. Tất nhiên, đây là mâu thuẫn căn bản giữa họ và cũng là sự giằng xé đại diện cho hai quan điểm điển hình của người đột biến, nhưng khán giả đã phải nghe đi nghe lại quá nhiều.
Mystique vừa ra trận đã bị Apocalypse "tóm cổ"
Còn một nhân vật mới xuất hiện ở hầu hết các khoảnh khắc quan trọng của X-Men: Apocalypse - Moira McTaggert, đặc vụ CIA, tình cũ của giáo sư X. Nhưng vai trò của nhân vật này hoàn toàn mờ nhạt, khiến kịch bản của bộ phim lại bị trừ thêm một điểm.
Nếu không quá khắt khe và bận tâm tới 5 vấn đề kể trên thì X-Men: Apocalypse thật sự đáng để ra rạp. Bộ phim 234 triệu USD đã làm tốt phần xử lý kỹ xảo, biên đạo hành động, giữ được mức độ kịch tính dồn dập. Giống như một cô gái có vẻ ngoài hấp dẫn, khán giả hãy ngắm nghía nàng thỏa thích trước khi đánh giá nàng có phải người thông minh hay sâu sắc không!
Theo Thanh Trần / Trí Thức Trẻ
Giải mã Phoenix Force - Sức mạnh bá đạo nhất trong thế giới X-Men Trong "X-Men: Apocalypse", dị nhân Jean Grey sở hữu sức mạnh mang tên Phoenix Force. Hãy cùng tìm hiểu xem nguồn gốc của thực thể hủy diệt này! Khoảnh khắc ấn tượng nhất trong X-Men: Apocalypse chắc chắn là khi Jean Grey sử dụng Phoenix Force để tiêu diệt dị nhân Apocalypse. Trong X3 cách đây hơn mười năm, chúng ta cũng từng...