Từ trồng để chơi, ông bố 8X kiếm thêm thu nhập nhờ vườn bonsai mini
Không chỉ tạo ra giá trị tinh thần, khu vườn bonsai mini còn giúp ông bố 8X ở TP.HCM có thêm được nguồn thu nhập.
Sam núi, một loại bonsai mini của ông bố 8X Nguyễn Doãn Hưng – TẤN ĐẠT
Anh Nguyễn Doãn Hưng, 36 tuổi, nhân viên văn phòng ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đang sở hữu một vườn cây bonsai mini tuyệt đẹp và có giá trị kinh tế cao.
Không thể mang tâm thế bực mình khi trồng bonsai
Chỉ vỏn vẹn 20 m 2, khu vườn bonsai mini nằm ở tầng 2 của anh Hưng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ và thích thú vì chúng không khác gì “vườn cổ thụ” thu nhỏ. Khu vườn có khoảng 300 cây bonsai với kích thước vô cùng bé chỉ từ 5 – 15 cm như: linh sam, hồng ngọc mai, mai chiếu thủy, sam hương, sam núi… Ngoài ra, anh còn trồng một số loại cây xanh khác như: Lan, phát tài, trầu bà… để giúp không gian được xanh hơn.
Khu vườn bonsai mini của anh Hưng – TẤN ĐẠT
Vô số loại bonsai mini – TẤN ĐẠT
Anh Hưng cho hay ban đầu anh muốn trồng các loại cây xanh để có không gian mát mẻ nhưng nhà không có diện tích rộng thế là anh bén duyên với loại cây có hình dáng nhỏ nhắn.
“Khoảng 7 năm trước, trong một lần tôi mua cây cảnh từ người bán dạo thì vô tình biết có những cây mini nhỏ nhưng lại sống rất khỏe và có hình dáng của cây trưởng thành nên mua về trồng thử và bắt đầu chơi luôn từ đó. Theo tôi, điểm khác biệt ở cây cảnh bên ngoài thị trường là cây ngắn hạn, thường xuyên phải thay. Còn các loại cây được dùng làm bonsai mini đều rất khỏe và có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm”, anh Hưng nói.
Những cây bonsai có hình dáng độc đáo – TẤN ĐẠT
Bonsai nhỏ vừa lòng bàn tay – TẤN ĐẠT
Anh Hưng chia sẻ thời gian đầu khó khăn vì các loại cây không thịnh hành ngoài thị trường. Song song đó, lúc mới tập chơi cây kiểng, anh không biết tỉa tót nên làm chết nhiều cây.
Ông bố 8X thông tin những cây bonsai mini của anh vốn là cây đã to nhưng được anh tỉa tót. “Nếu tôi “thả” các cây này ra ngoài vườn có không gian rộng, vài năm chúng sẽ cao hơn đầu người trưởng thành”, anh nói.
Video đang HOT
Ông bố 8X cho hay chơi cây giúp anh luyện được tâm – TẤN ĐẠT
Anh Hưng khẳng định chơi cây thì được luyện tâm. Anh luôn thấy thoải mái tinh thần mỗi khi bước ra khu vườn. “Nhiều khi tôi căng thẳng trong công việc hay bí bách ý tưởng thì tôi chọn cách ra vườn tỉa lá, nhìn cây phát triển ra sao. Những lúc ấy, ngắm nhìn những cây do chính tay mình ươm trồng khiến căng thẳng dần dần dịu đi và tâm trạng trở nên cân bằng hơn”, anh tâm sự.
“Từ khi trồng bonsai mini, tôi có được tính cẩn thận, cần mẫn cũng như tỉ mỉ hơn trong mọi công việc vì mỗi khi chăm sóc chúng tôi không thể nào mang tâm thế bực mình hay khó chịu một thứ gì đó vào, như thế sẽ dễ làm gãy cành, đứt mạch rễ. Vui nhất là khi tỉa lá cho cây thì con chạy đòi lặt lá phụ”, ông bố 2 con chia sẻ thêm.
Anh Hưng cho hay vườn cây bonsai tại nhà là góc nhỏ, sân chơi cho mấy bé – NVCC
Thêm thu nhập ngoài lương để lo cho gia đình
Không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, vườn bonsai mini của anh Hưng còn bất ngờ cho giá trị kinh tế cao. Anh Hưng chia sẻ anh thường hay giao lưu, học hỏi với mọi người tại các diễn đàn trồng cây trên mạng xã hội, cũng chính nhờ việc này nhiều người để ý đến cây anh và mua chúng. Từ đó anh có thêm nguồn thu nhập ngoài công việc văn phòng hiện tại.
Theo anh Hưng, mỗi cây bonsai mini của anh có giá từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng. Mỗi tháng anh bán được 10 – 20 cây. “Chúng tôi hay gặp mặt giao lưu, mua bán cây dịp cuối tuần. Nhờ kích cỡ, sự tiện lợi nên bonsai mini ngày càng thịnh hành tại TP.HCM và các tỉnh khác vì chúng không chiếm nhiều diện tích khi chơi hay có thể trưng bày trên bàn làm việc, văn phòng”, anh Hưng hào hứng nói.
Tuy nhiên, ông bố 8X khẳng định: “Tôi không đặt nặng vấn đề vườn cây tạo ra tài chính nhiều hay ít. Chỉ chơi cây trong phạm vi năng lực. Với tôi, vườn cây tại nhà là góc nhỏ, sân chơi cho mấy bé là chính. Còn việc giao lưu, mua bán cũng chỉ là phần nào để có thêm thu nhập nhỏ lo chi phí sinh hoạt cho gia đình”.
Nuôi phôi, chăm sóc cây… và mất khoảng 2 tháng, anh Hưng mới có được cây như ý muốn – TẤN ĐẠT
3 nguyên tắc cân bằng khi trồng bonsai mini
Theo anh Hưng, thường những cây bonsai mini của anh được người khác mua thì phải đạt 3 nguyên tắc cân bằng: Toàn diện, cấu trúc và hài hòa. Cân bằng trên tổng thể cảnh quan: tán cây, tầm cao, thảm đất, tiểu cảnh. Cân bằng trên cấu trúc cây: rễ (gốc) – thân – ngọn. Giữ sự hài hòa giữa cây và chậu. Và cuối cùng nhìn phải tương tự như 1 cây cổ thụ to ngoài tự nhiên mà không thấy được sự can thiệp của bàn tay con người chỉnh sửa.
Anh Hưng dùng dây nhôm để định hình tạo dáng cho cây – TẤN ĐẠT
Bonsai với hình dáng đơn giản – TẤN ĐẠT
Anh Hưng chia sẻ: “Trong giai đoạn trồng và chơi, khó nhất là công đoạn tạo hình dáng cho cây gần giống với các loại cây to, cổ thụ ở ngoài tự nhiên. Sau 2 tháng, cành cây xanh chuyển sang màu vàng, nâu tôi sẽ dùng dây nhôm để tạo dáng cho cây”.
… đến phức tạp
Những cây bonsai mini uốn lượn tuyệt đẹp – TẤN ĐẠT
Theo anh Hưng, không có lý thuyết cụ thể trong việc chăm sóc cây bonsai mini vì chỉ có những người người trồng cây lâu năm, họ sẽ biết cây nào khỏe, cây nào yếu… Nhưng theo kinh nghiệm của anh thì cắt cây phải “ngọt”, nên cắt lúc cây đang khỏe. Đất trồng không có tạp chất, phân bón.
Bonsai mini Hồng Ngọc Mai – TẤN ĐẠT
“Tôi hay dùng đất Akadama của Nhật trộn với đá pumic. Cát xây dựng trộn với trấu, xơ dừa, tùy cây trồng thì mình sử dụng thôi. Mỗi vùng miền hay vị trí đặt chậu đều có cách trộn đất khác nhau. Thí dụ, cây đặt nơi ít nắng thì mình chỉ cần đất Akadama. Nhưng cây mình đặt trên cao, gió nhiều với nắng gắt thì nên trộn thêm xơ dừa để đất giữ ẩm lâu hơn”, anh bật mí.
Bán thóc mua cây sanh "xấu xí", lão nông "hô biến" thành tác phẩm tiền tỷ
Sau nhiều năm miệt mài chăm sóc tạo tác uốn nắn tay cành, cây sanh cổ "xấu xí" đã có dáng thế độc đáo và tăng giá trị lên đến tiền tỷ, khiến nhiều người choáng váng.
Cây sanh được xem là loại cây ngoại cảnh với khả năng tạo dáng bonsai sinh động nhờ vào sự dẻo dai, sinh trưởng tốt của cây. Ngoài ra, loại cây này còn được yêu thích bởi ý nghĩa phong thủy mà nó đem lại. Bởi vậy nhiều năm trở lại đây, những cây sanh thế độc đáo luôn được những người yêu cây cảnh săn lùng.
Những tác phẩm sanh cổ dáng thế độc đáo thường được nhiều người yêu cây cảnh chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cây sanh cổ thu hút khá đông du khách, giới chơi cây chiêm ngưỡng. Ảnh: Dân Việt.
Từng xuất hiện tại triển lãm cây cảnh ở Tam Chúc, Hà Nam vào năm 2019, cây sanh cổ của ông Nguyễn Đăng Khải gây được sự chú ý của du khách bởi cây nhiều năm tuổi, có dáng thế độc đáo.
Nhìn từ xa, cây có thế "khủng", tay cành phóng khoáng. Bộ rễ cổ thụ, lão hóa như màu đá. Toàn bộ rễ ôm đá, dính bệt vào nhau nhìn rất vững chãi.
Ông Khải cho biết, cây sanh có tên "nghênh phong phụ tử", ý nghĩa người cha cõng người con hóng gió. Cây có tuổi đời khoảng 200 năm, cao khoảng 4m, tán tộng 3m và đường kính gốc gần 1m.
Cây sanh có thân cây uốn lượn như dáng long, tay cành phóng khoáng.
Trước đó, chia sẻ trên báo Dân Việt về quá trình sở hữu, chăm sóc cây, ông Khải tâm sự: "Vốn là một nông dân thực thụ nhưng gần 20 năm trước đã yêu thích cây cảnh, thời điểm đó mua cây này cũng khá tiền. Sau gần 20 năm chăm sóc cây, tôi coi cây như "báu vật" trong gia đình".
"Khi mua cây cũng rất khó khăn về tiền, phải bán một số thứ và vài tạ thóc để sở hữu bằng được cây này. Trong suốt thời gian chơi cây, nhiều lúc bí tiền có người hỏi mua nhưng tôi vẫn nhất quyết không bán", ông Khải nói.
Được biết, trước kia cây có dáng Long, sau khi mua về chủ nhân dành nhiều thời gian chăm sóc, làm lại dáng thành "nghênh phong phụ tử" cho ý nghĩa hơn và độc lạ hơn.
Phía gần gốc cây có một cây nhỏ, uốn theo thân cây lớn như một người con được cha cõng tạo thêm nét độc "lạ" cho tác phẩm. Ảnh: Dân Việt.
Điểm đặc biệt thu hút người xem là cây có một rễ phụ nối từ cành đâm thẳng xuống phía dưới để tạo dánh như một người cha cầm gậy, cõng con.
Bệ rễ mốc thếch bám vào tảng đá lớn chứng tỏ cây nhiều năm tuổi.
Cây được ký vào đá, trải qua nhiều năm bộ rễ đã ôm trọn khối đá dưới chân gắn chặt vào nhau như đưa toàn thân vươn lên cùng nghênh đón gió, nhìn rất thoáng.
Vào khoảng năm 2019 đã có người trả 1,8 tỷ đồng nhưng chủ nhân vẫn chưa bán bởi cây này theo ông Khải từ những ngày khó khăn nhất. Ông coi cây như "báu vật" trong nhà.
Tán cành được chăm sóc tỉ mỉ. Ảnh: Dân Việt.
Cây sanh cảnh thế khủng, dáng đẹp, giá trị cao không ít. Mới đây nhất có một cây sanh cổ ôm đá thế đẹp "lạ" lần đầu xuất hiện Festival Sinh vật cảnh Hà Nội năm 2021 hút đại gia chơi cây cảnh đến chiêm ngưỡng.
Nhiều người đi chiêm ngưỡng tìm mua cây cảnh Tết đều trầm trồ khen ngợi dáng thế cây sanh độc lạ. Để sở hữu cây cảnh này, theo chủ nhân vườn, giá để chuyển nhượng rất phù hợp khoảng 150 triệu đồng.
Cây sanh cổ này đến từ chủ vườn ở Hải Dương hút người xem dừng chân lại. Ảnh: Hữu Thắng.
Cây sanh còn được gọi là cây si và có tên khoa học là Ficus benjamina L. Đây là một loại cây xuất hiện khá nhiều trong không gian xanh công cộng của các gia đình. Trong phong thủy, bạn nên trồng một cây sanh trước nhà để vừa điều hòa không khí vừa tăng nguồn dương khí cho ngôi nhà, thu hút may mắn và giúp gia đình làm ăn thuận lợi hơn.
Trong thế giới cây cảnh, cây sanh là loại cây nổi tiếng mặc dù rất phổ biến bởi nhiều ưu điểm: Lá xanh mướt quanh năm đầy sức sống, cây cực khỏe mạnh, phát triển mạnh mẽ, ít sâu bệnh, dễ tạo hình. Thêm vào đó, trong thế giới cây cảnh, cây sanh còn mang hàm ý sự sinh sôi nảy nở, mang đến cho gia chủ tài lộc, thịnh vượng. Bởi vậy nhiều cây sanh thế đẹp luôn được các đại gia yêu cây cảnh tìm mua về trưng bày tại gia.