Tử thủ trong rừng 30 năm vì không tin rằng quân Nhật bại trận
Một cựu quân nhân Nhật Bản từng trốn trong rừng ba thập kỷ và từ chối tin rằng Thế chiến thứ 2 đã kết thúc, vừa qua đời ở Tokyo hôm 16/1 vì suy tim, hưởng thọ 91 tuổi.
Hiroshi Onoda rời khỏi rừng sau khi được thuyết phục rằng chiến tranh đã kết thúc
Ông Hiroo Onoda đã tổ chức chiến tranh du kích ở đảo Lubang gần Luzon (Philippines) cho tới khi ông được thuyết phục thành công vào năm 1974 rằng hòa bình đã được thiết lập và quân đội Thiên Hoàng đã bại trận.
Onoda là người cuối cùng trong số vài chục quân nhân Nhật Bản quyết tử thủ, nằm rải rác ở quanh châu Á. Đó là những người đàn ông kiên quyết chiến đấu cuối cùng vì Nhật Hoàng của họ. Trong số này có một người lính bị bắt trong rừng rậm ở Guam vào năm 1972.
Được đào tạo để trở thành một sĩ quan thông tin kiêm huấn luyện chiến thuật du kích, Onoda được điều tới Lubang vào năm 1944 với mệnh lệnh không bao giờ đầu hàng, không bao giờ tự sát và phải quyết kháng cự tới cùng cho đến khi viện binh tới.
Ông và ba người lính nữa tiếp tục tuân lệnh, rất lâu sau khi Nhật Bản bại trận vào năm 1945.
Sự tồn tại của họ được biết đến rộng rãi vào năm 1950, khi một trong số các quân nhân này rời khỏi rừng và trở về Nhật Bản.
Những người còn lại tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trong rừng, tấn công dân địa phương và thi thoảng còn chạm súng với quân đội Philippines.
Tokyo tuyên bố họ đã chết sau chín năm tìm kiếm không thành công. Nhưng vào năm 1972, Onoda và một người lính còn sống khác đã tham gia vào một cuộc chạm súng với quân đội Philippines. Đồng đội thiệt mạng nhưng Onoda đã trốn thoát được.
Sự kiện gây sốc ở Nhật Bản và gia đình ông đã tìm tới Lubang, với hy vọng thuyết phục được ông rằng chiến tranh đã kết thúc, nhưng không ăn thua.
Onoda sau đó giải thích rằng ông không tin, không muốn ngừng chiến đấu vì nghĩ chính quyền ở Nhật Bản chỉ là bù nhìn do Mỹ dựng nên và họ chỉ muốn tìm cách lôi ông ra khỏi rừng.
Onoda đã đọc tin tức trên một số tờ báo, nói rằng Nhật Bản đã tổ chức lùng sục trong rừng để tìm ông tại đất Philippines, nhưng cho rằng thông tin chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Việc máy bay Mỹ thường xuyên lượn lờ trên bầu trời Philippines trong những năm diễn ra chiến tranh Việt Nam càng khiến ông tin rằng Thế chiến thứ 2 chưa kết thúc ở châu Á.
Phải tới tận năm 1974, khi sĩ quan chỉ huy cũ của Onoda tới thăm ông trong rừng và ban lệnh rút lui, cuộc chiến của ông mới thực sự chấm dứt.
Video đang HOT
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo sau khi trở về nước, rằng bản thân đã nghĩ gì trong 30 năm qua, Onoda nói với các phóng viên: “Tôi đang thực hiện mệnh lệnh”.
Bức ảnh chụp năm 1974, Onoda trao kiếm cho Tổng thống Philippines khi đó là Ferdinand Marcos để đầu hàng
Nhưng nước Nhật mà Onoda trở lại đã thay đổi quá nhiều. Đất nước khi ông rời đi còn đang nằm dưới chính quyền quân sự, tin rằng mình có quyền thống trị khu vực. Song rốt cục sau nhiều năm tiến hành chiến tranh, nền kinh tế nước Nhật lụn bại và người dân lâm vào cảnh đói ăn.
Khi Onoda trở về vào năm 1974, Nhật Bản đang ở trong một cuộc bùng nổ kinh tế mạnh và đang chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa phương Tây. Nước này cũng công khai thừa nhận chính sách phát triển hòa bình.
Onoda gặp khó khăn trong cuộc sống mới và năm 1975 đã di cư tới Brazil để kinh doanh trang trại.
Năm 1984, khi đó còn khá nổi tiếng, ông đã thành lập một trại huấn luyện thiếu niên và dạy thanh thiếu niên Nhật Bản kỹ năng sinh tồn mà ông có được trong 30 năm sống ở rừng.
Ông trở lại Lubang vào năm 1996 theo lời mời của chính quyền địa phương, dù có liên quan tới việc giết hàng chục người Philippines trong 3 thập kỷ “chiến đấu” ở đây.
Ông đã quyên tặng tiền cho cộng đồng địa phương và số tiền được dùng để tạo một quỹ học bổng.
Về cuối đời, ông sống an nhàn với sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn, hình thành từ những năm tháng thử thách trong rừng.
Cho tới gần đây, ông Onoda vẫn bận rộn đi phát biểu dọc theo đất Nhật Bản. Năm 2013, ông đã xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia NHK.
“Tôi đã sống qua một kỷ nguyên được gọi là chiến tranh. Những gì người ta kể lại rất khác nhau qua từng thời đại” – ông nói với NHK hồi tháng Năm năm ngoái – “Tôi cho rằng chúng ta không nên bị xoay chuyển bởi bầu không khí của thời đại mà cần tự suy ngẫm một cách điềm đạm”.
Theo Xahoi
Cuộc truy lùng 6 tỷ USD của nhà độc tài Philippines
Từng bị cáo buộc biển thủ công quỹ khi đương chức, cố tổng thống Ferdinand Marcos và vợ sở hữu khối tài sản kếch xù ước tính 10 tỷ đôla. Nhưng sau một phần tư thế kỷ, người ta mới thu hồi được 4 tỷ, vậy số còn lại ở đâu?
Imelda Marcos tham dự một lễ khai trương cửa hàng ở Manila hồi năm 2006. Ảnh: AP
Trong 20 năm chồng bà làm tổng thống Philippines, Imelda Marcos đã tích lũy được một bộ sưu tập lớn về nghệ thuật, đồ trang sức, tài sản - và nổi tiếng nhất là bộ sưu tập ít nhất 1.000 đôi giày.
Các bức tranh của Van Gogh, Cezanne, Rembrandt, Rafael và Michelangelo, những ngôi nhà nguy nga ở Mỹ và Philippines, các bộ đồ ăn bằng bạc, dây chuyền vàng, các chuỗi kim cương là những của cải tốt nhất thế giới mà gia đình nhà Marcos đã thu thập được. Năm 1986, khi gia đình này bị lật đổ trong cuộc cách mạng "Sức mạnh Nhân dân", các nhà điều tra Philippines ước tính tài sản của họ vào khoảng 10 tỷ USD.
Tổng thống sau đó là Corazon Aquino đã thiết lập một ủy ban đặc biệt nhằm thu hồi số tài sản này cho ngân sách chính phủ, tuy nhiên, sau 25 năm, mới chỉ có 4 tỷ USD được kê khai. Cuộc truy lùng số còn lại vẫn dai dẳng.
Vấn đề này năm ngoái lại nổi lên khi cựu trợ lý của bà Marcos, Vilma Bautista, phải ra hầu tòa ở New York vì bị buộc tội bán trái phép một bức tranh của Monet.Người ta cũng phát hiện người cựu trợ lý còn sở hữu ba tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác. Ủy ban thừa nhận rằng tất cả 4 tác phẩm này đều nằm trong một danh sách 146 bức tranh từng thuộc sở hữu của gia đình Marcos mà họ đã không thể lần ra.
Giày dép và cổ phiếu
Imelda Marcos và một phần của bộ sưu tập giày. Ảnh: AP
Có lẽ không ngạc nhiên khi các đôi giày, dép của bà Imelda là một phần của bộ sưu tập được giữ lại đầy đủ nhất. Những bức ảnh về các dãy giày dép được thiết kế riêng, bị bỏ lại dinh tổng thống khi gia đình Marcos trốn sang Hawaii, đã trở thành biểu tượng của lối sống xa hoa của họ. Nhiều đôi trong số này đang được trưng bày tại một bảo tàng đặc biệt ở Marikina, một vùng ở phía bắc thủ đô Manila, nổi tiếng về ngành công nghiệp đóng giày. Những chiếc giày dép khác đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia cùng với các bộ đầm dự dạ tiệc của bà Marcos.
Tháng 9 năm ngoái, một đợt phản đối mạnh mẽ nổ ra khi có tin nhiều hiện vật trong bộ sưu tập bị mối xông. Những đôi giày và quần áo rõ ràng là có ý nghĩa lịch sử, chúng không có nhiều giá trị về tiền bạc.
Ủy ban Một Chính phủ Tốt đang tập trung vào những thứ có giá trị lớn hơn. Cơ quan này đã bán bất động sản ở New York và các cổ phiếu trị giá hàng triệu USD, thu về 600 triệu USD trong các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ. Ủy ban cũng tìm thấy một vương miện kim cương và rubi cất trong một kho ở ngân hàng Thụy Sĩ, có thể có giá hơn 8 triệu USD.
Nhưng ông Andres Bautista, chủ tịch ủy ban, thừa nhận rằng còn thiếu nhiều thứ, nhất là các bức tranh. Ủy ban này đã bắt đầu với một danh sách trên 300 bức tranh đã mất, nhiều bức của các họa sĩ bậc thầy, và khoảng một nửa trong số này vẫn còn mất tích. "Chúng tôi thực sự không biết chúng đang ở đâu. Chúng có thể ở bất cứ nơi nào", ông Bautista nói.
"Bị tịch thu"
Khi phóng viên BBC hỏi liệu ông có nghĩ rằng một số tác phẩm nghệ thuật này vẫn còn ở trong tay bà Imelda Marcos hay không (vì chồng bà mất năm 1989), câu trả lời của ông rất thận trọng. "Dự đoán của bạn cũng giống như của tôi", ông nói.
Robert Sison, luật sư của bà Marcos, lo rằng đó chính là điều mà ủy ban nghĩ. Và trong khi ông Sison nói không biết chính xác gia đình đang có loại nghệ thuật nào, ông tin rằng đó không phải là cách đúng đắn để xem xét vấn đề.
Ông ta coi tài sản gia đình Marcos bị ủy ban "tịch thu" chứ không phải là thu hồi. Ông khẳng định không có cơ sở pháp lý để lấy đi bất cứ tài sản nào. "Chính phủ Philippines không có quyền chất vấn tại sao bà Marcos lại có các tài sản nghệ thuật này", Sison nói và cho biết Ferdinand Marcos từng là người buôn vàng trước khi trở thành tổng thống, và ông ta đã làm ra tiền từ lúc đó. Sison cũng chỉ ra rằng, bất chấp nhiều đơn kiện gia đình này, không ai bị khởi tố.
Trở lại nắm quyền
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines hôn quan tài người chồng đã khuất năm 2005. Ảnh: AP
Để bảo vệ cho hành động của ủy ban, ông Bautista viện dẫn một quyết định của Tòa án tối cao năm 2003, phán quyết rằng tất cả tài sản của gia đình Marcos, trừ 320.000 USD, đều là tài sản phi pháp. "Đây là một việc mà chúng tôi đã thề là sẽ làm, và chúng tôi muốn làm tốt", ông nói.
Nhưng ông Bautista đang phải đối mặt với một trận chiến đầy cam go, không phải bởi vì các tác phẩm nghệ thuật khó truy tìm. Bản thân ủy ban hiện không được tôn trọng. Các thành viên cũ của ủy ban bị cáo buộc tham nhũng. Ông thừa nhận rằng ủy ban "cần được sự ủng hộ của công chúng", và ông không chắc rằng ủy ban vẫn được điều đó hay không.
Hệ thống tư pháp của Philippines cũng rất chậm chạp. Nhiều vụ kiện chống lại gia đình Marcos và các đồng minh của họ đã bị tồn đọng trong nhiều năm và không bao giờ được đưa ra tòa.
Nhưng có một yếu tố chính khác cản trở ủy ban này: gia đình Marcos lại một lần nữa trở thành một lực lượng chính trị.
Imelda là một nghị sĩ, cô con gái Imee của bà là một tỉnh trưởng con trai BongBong của bà là một thượng nghị sĩ được kính trọng. Ông đang có cơ hội khả thi để trở thành tổng thống vào năm 2016. Bautista thừa nhận việc gia đình Marcos đang trở lại nắm quyền "thực sự không giúp ích gì cho chúng tôi". Trong bối cảnh tình hình như vậy có lẽ không ngạc nhiên khi ông muốn giảm hoạt động của ủy ban.
Ông vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận thất bại và nói rằng Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục điều tra. Tuy nhiên khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng toàn bộ bộ sưu tập của gia đình Marcos có khi nào đó sẽ được thu hồi. Ông dừng lại suy nghĩ một lúc rồi cười. "Người Philippines quên quá dễ, và chúng tôi cũng quá dễ tha thứ", ông nói.
Những ưu tiên mới
Những ưu tiên của ủy ban giờ đây được tập trung vào một cựu tổng thống khác và những của cải bị nghi là phi pháp của bà. Gloria Arroyo, rời bỏ quyền lực năm 2010, bị buộc tội tham nhũng cùng với một loạt những tội danh khác. Phiên tòa xử bà dường như sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Thời gian cứ trôi đi, những kỷ niệm thì phôi phai và những ưu tiên mới xen vào thay thế. Có thể toàn bộ bộ sưu tập của gia đình Marcos sẽ không bao giờ được tìm thấy. Có thể những bức tranh mất tích sẽ nằm trong các bộ sưu tập gia đình, cửa hàng và két sắt ở ngân hàng trên khắp thế giới.
Còn đối với bà Marcos, năm nay ở tuổi 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và vẫn là người đam mê sưu tầm nghệ thuật.
Trong một lần phỏng vấn bà, phóng viên cùng bà đứng cạnh một bức tranh để chụp ảnh kỷ niệm, và cô sửng sốt. "Chà, đây có phải là một bức của Picasso không?", cô hỏi. "Đúng vậy", bà hãnh diện trả lời.
Theo VNE