Tự thú của một nữ cảnh sát Nhà nước Hồi giáo
Cô gái 25 tuổi nhỏ nhắn ngập ngừng hé cánh cửa phòng khách sạn, nơi cô hẹn gặp phóng viên. Khuôn mặt được trùm kín nhưng những cử chỉ vẫn lộ rõ sự lo lắng, khi cô đang nỗ lực thoát khỏi vết nhơ IS.
Khadija trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN. Ảnh: CNN
Chầm chậm vén chiếc mạng che màu đen lên, cô để lộ ra gương mặt trẻ, hình trái xoan. Đôi mắt to màu nâu, nhưng tràn ngập nỗi bấn loạn, nằm bên dưới cặp chân mày được cắt tỉa hoàn hảo.
Cô gọi mình là Khadija, nhưng đó không phải là tên thật của cô. Từng là thành viên của Lữ đoàn nữ binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Khadija gần đây đã đào ngũ vì quá thất vọng trước sự tàn bạo của lực lượng này. Cuộc phỏng vấn với CNN cũng là lần đầu tiên cô kể với người khác về câu chuyện của đời mình.
Lạc lối
Lớn lên ở Syria, Khadija được gia đình lo cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, cô đi dạy ở một trường tiểu học. Khadija mô tả gia đình và tuổi thơ của mình là “không bảo thủ quá mức”.
Khi cuộc nổi dậy chống chính phủ Syria nổ ra cách đây ba năm rưỡi, Khadija cũng gia nhập vào đoàn người với những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Tổng thống Bashar al-Assad.
“Chúng tôi ra đường và biểu tình. Lực lượng an ninh đuổi theo chúng tôi. Chúng tôi viết lên tường, thay đổi những trang phục khác nhau để ngụy trang. Những ngày đó thật tuyệt vời”, cô kể.
Nhưng khi làn sóng biểu tình ở Syria trở nên hỗn loạn và bạo lực, Khadija bắt đầu đánh mất dần tâm hồn và con người mình.
“Mọi thứ quanh tôi chao đảo”, cô nghẹn ngào. “Quân đội Tự do Syria, chính quyền, những quả bom, các cuộc không kích, những người bị thương, các bệnh viện, máu. Lúc đó bạn chỉ muốn gạt nước mắt để chạy trốn, theo một thứ gì đó khác đi”.
“Vấn đề là tôi đã sa vào thứ còn tồi tệ hơn”, cô nói thêm.
Khadija bị thu hút trước những lời lẽ “có cánh” của một người Tunisia mà cô quen qua mạng. Cô trở nên tin tưởng rồi dần dần bị anh ta cuốn vào IS. Y đảm bảo với cô rằng nhóm này không giống là những gì mà mọi người nghĩ, nó không phải là một tổ chức khủng bố.
Video đang HOT
“Anh ta nói &’chúng tôi sẽ thực thi Hồi giáo một cách thích hợp. Lúc này, chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh, đây là giai đoạn mà chúng tôi cần kiểm soát đất nước, vì thế chúng tôi phải khắc nghiệt”, cô thuật lại lời y.
Y còn nói với cô rằng y sẽ đến thành phố Raqqa của Syria để hai người có thể cưới nhau.
Liên lạc với người em họ đang ở Raqqa và có chồng là một phiến quân, Khadija được chào đón vào lữ đoàn Khansa’a, một lực lượng chiến binh toàn nữ rất đáng gờm của IS.
Bên trong lữ đoàn Khansa’a
Khansa’a gồm khoảng 25-30 phụ nữ, có nhiệm vụ tuần tra đường phố Raqqa để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều tuân thủ quy tắc trang phục do IS đề ra. Váy abaya đính cườm hoặc bó sát người bị cấm. Phụ nữ cũng không được phép để lộ mắt. Ai vi phạm sẽ bị trừng trị.
Những hình phạt dành cho các phụ nữ phạm luật IS do một người tên là Umm Hamza thực hiện. Lần đầu gặp Hamza, Khadija đã thấy sợ hãi.
“Cô ta không phải là một phụ nữ bình thường. Cô ta cao lớn, có một khẩu AK, một khẩu súng lục, một cây roi, một con dao găm và mặc niqab”, Khadija nhắc đến trang phục trùm kín từ đầu đến chân của phụ nữ Hồi giáo.
Chỉ huy lữ đoàn Umm Rayan cảm nhận được nỗi sợ hãi của Khadija và tiến đến nói với cô một câu mà cô sẽ không bao giờ quên: “Chúng tôi rất khắc nghiệt với những kẻ ngoại đạo nhưng vô cùng nhân từ với nhau”.
Khadija được huấn luyện để lau rửa, lắp ghép và vận hành vũ khí. Cô được trả 200 USD mỗi tháng và nhận khẩu phần ăn. Gia đình cô bất lực khi biết rằng con gái đã sa chân vào vũng bùn mà không làm gì được. Mẹ cô chỉ biết nhắc nhở con.
“Bà luôn nói với tôi rằng &’tỉnh lại đi, hãy tự chăm sóc bản thân mình. Con sẽ đi, nhưng con không biết mình sẽ đi đâu’ “, Khadija kể.
Phân vân
Ban đầu, Khadija không mảy may gì đến lời mẹ bởi đã bị uy quyền của IS quyến rũ. Những sau đó, cô bắt đầu đặt câu hỏi về bản thân mình và những quy định của IS.
“Ban đầu, tôi rất vui với công việc của mình. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trên đường phố. Nhưng sau đó tôi bắt đầu thấy sợ, sợ cho tình cảnh của mình. Tôi thậm chí bắt đầu sợ cả chính mình”, Khadija nói.
“Tôi không giống như thế. Tôi có giáo dục. Tôi không nên như thế. Chuyện gì đã xảy ra với tôi? Chuyện gì đã xảy ra trong tâm trí khiến tôi đến đây?”, cô tự hỏi.
Và hình ảnh về IS trong cô bắt đầu sụp đổ. Tâm hồn cô như tan chảy khi nhìn thấy hình ảnh trên mạng về một thiếu niên 16 tuổi bị IS đóng đinh vì tội cưỡng hiếp. Cô tự hỏi tại sao mình lại tham gia vào một nhóm bạo lực như thế.
“Điều tồi tệ nhất tôi từng chứng kiến là một người đàn ông bị chặt đầu ngay trước mặt tôi”, Khadija kể.
Bạo lực với phụ nữ
Thậm chí, cô còn chứng kiến cả sự tàn bạo của IS đối với phụ nữ. Lữ đoàn nữ binh ở chung một tòa nhà với người đàn ông chuyên tìm vợ cho các phiến quân.
“Y là một trong những kẻ xấu xa nhất”, cô nói. “Các phiến quân nước ngoài rất tàn nhẫn với phụ nữ, kể cả những người mà chúng lấy làm vợ. Có những trường hợp phụ nữ phải cấp cứu vì bị bạo hành tình dục”.
Khadija nhìn thấy một tương lai mà cô không hề muốn. Khi chỉ huy ép cô kết hôn, Khadija quyết định phải rời khỏi nơi này.
“Đó là thời điểm mà tôi hiểu rằng thế là quá đủ rồi. Sau tất cả những gì tôi chứng kiến và những lần mà tôi phải tự lừa dối mình rằng &’chúng ta đang sống trong chiến tranh, mọi thứ rồi sẽ qua’. Tôi quyết định &’không, tôi phải ra đi’”, Khadija kể.
Khadija rời khỏi IS chỉ vài ngày trước khi liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích tổ chức khủng bố này. Vì gia đình vẫn còn ở Syria, Khadija vượt biên qua biên giới đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Hậu IS
Khadija vẫn mặc niqab, không chỉ để che giấu danh tính của mình mà còn vì cô đang phải vật lộn để hòa nhập lại vào cuộc sống bên ngoài IS.
Khi nói về cách IS chiếm được chỗ đứng trong xã hội Syria, cô nói: “Chúng tôi cho phép chúng tiếp cận như thế nào ư? Chúng tôi cho phép chúng cai trị chúng tôi như thế nào ư? Trong chúng tôi có một điểm yếu”.
Khadija kể câu chuyện của mình vì cô muốn mọi người, nhất là phụ nữ, biết được sự thật về IS. “Tôi không muốn bất kỳ ai bị chúng lừa dối nữa. Quá nhiều cô gái nghĩ rằng chúng là Hồi giáo chân chính”, cô nói.
Ước muốn của Khadija bây giờ là được trở lại là mình như ngày xưa, trước khi rơi vào hang ổ của IS, “một cô gái vui vẻ, yêu cuộc sống và tiếng cười, thích đi đây đi đó, thích vẽ, vừa cắm tai nghe nhạc vừa đi dạo trên đường mà không cần quan tâm ai nghĩ gì”.
“Tôi muốn được như thế một lần nữa”, Khadija nói.
Theo Vnexpress
Nếu Taliban sáp nhập với Nhà nước Hồi giáo
Nếu như Mỹ đã hình thành liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria thì các tổ chức khủng bố cũng đang kêu gọi đoàn kết để chống lại liên minh này.
Phiến quân Taliban tại Pakistan.
Ngày 4/10, trong một thông báo nhân ngày lễ Eid al-Adha (Hiến sinh) của người Hồi giáo, phe Taliban ở Pakistan đã bày tỏ sự ủng hộ cho Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq và kêu gọi người Hồi giáo ở hai quốc gia này đoàn kết chống lại "kẻ thù" là liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Thông báo do Maulana Fazlullah, lãnh đạo của nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) đưa ra có đoạn: "Chúng tôi tự hào với chiến thắng của các bạn trước kẻ thù. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn vào những lúc thành công cũng như thất bại. Vào những lúc khó khăn này, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy kiên nhẫn và đoàn kết bởi vì kẻ thù đang hợp sức chống lại các bạn. Hãy quên sự hiềm khích lẫn nhau".
Taliban cũng nói cộng đồng Hồi giáo toàn cầu "sẽ sát cánh cùng IS vào thời điểm khó khăn này và sẽ giúp đỡ những gì có thể". Taliban khẳng định đã cử khoảng 1.000 đến 1.500 tay súng đến Trung Đông và sẽ tiếp tục tăng thêm các tay súng chiến đấu cho nhóm IS.
Việc phe Taliban ở Pakistan lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ IS đang đặt ra khả năng sáp nhập của hai tổ chức khủng bố nổi tiếng thế giới này. Mặc dù cho tới nay có ít bằng chứng cho thấy có thỏa thuận nào đó giữa IS và Taliban ở Pakistan, mhưng gần đây, người ta đã nhìn thấy những người ủng hộ IS ở thành phố Peshawar ở tây bắc Pakistan đang phát tờ rơi ca ngợi IS.
Xét về hệ phái tôn giáo, lý tưởng và kẻ thù thì Taliban và IS có rất nhiều điểm tương đồng. Cùng là dòng Sunni, cả IS và Taliban đều theo đuổi một đạo Hồi chính thống, áp đặt nghiêm luật Sharia. Taliban là một phong trào chính thống Hồi giáo Sunni Pashtun cực đoan và dân tộc thống trị phần lớn Afghanistan từ năm 1995 đến năm 2001, khi những lãnh đạo của họ đã bị loại bỏ khỏi quyền lực bởi một nỗ lực quân sự hợp tác giữa Mỹ, Anh và Liên minh phía Bắc. Kẻ thù của Taliban hiện nay là Canada, Anh, Mỹ và Úc. Trong thành phần liên minh các nước chống IS hiện do Mỹ dẫn đầu đều có các nước trên. IS gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan cũng dòng Sunni, cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của mình bao gồm Iraq và Syria, với dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai trên cả khu vực Trung Đông gồm cả Leban, Israel, Jordan, Cyprus và Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Với quân số 12.000 người, nếu Taliban gia nhập IS thì đây sẽ là một liên minh đối kháng với liên minh do Mỹ dẫn đầu hiện nay. Chưa kể, rất nhiều tổ chức khủng bố khác trên thế giới cũng đang là đồng minh của IS, trong đó đáng kể như Hội đồng Mujahideen Shura, Al-Qaeda ở Iraq (AQI), Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba, Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, Jeish al-Taiifa al-Mansoura...
Mặc dù là đối thủ của IS nhưng nhiều thành viên của Al-Qaeda hiện nay bắt đầu muốn gia nhập IS. Bằng chứng là mới đây, người kế vị Bin Laden, Ayman al-Zawahiri đã tuyên bố thành lập chi nhánh tại Ấn Độ để "giương ngọn cờ thánh chiến" khắp Nam Á. ây là một cố gắng cố chứng tỏ Al-Qaeda vẫn còn sống và nhằm ngăn cản các môn đồ cũ bỏ sang hàng ngũ của IS.
Rõ ràng IS không ngồi yên để cho Mỹ ném bom. Xu hướng đoàn kết của các nhóm khủng bố Hồi giáo cùng hệ phái Sunni đang hình thành. Đây không những là trở ngại to lớn cho Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống IS mà nó còn đặt ra khả năng về cuộc chiến giữa các nền văn minh một khi liên minh Hồi giáo cực đoan trở nên lớn mạnh.
Theo PetroTimes
Australia bắt đầu tham chiến chống IS Máy bay chiến đấu Australia hôm qua lần đầu tham gia nhiệm vụ chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq, nhưng chưa trực tiếp không kích. Nhân viên kỹ thuật nạp pháo cho máy bay RAAF F/A-18F Super Hornet của Australia. Ảnh: news.com.au Theo news.com.au, Australia đã điều hai máy bay chiến đấu RAAF F/A-18F Super Hornet để tham gia chiến...