Từ thông báo giả của máy bán hàng đến tinh thần Omoiyari của người Nhật
Nhật Bản nổi tiếng là dân tộc với nhiều đức tính đáng quý mà omoiyari là một trong số đó. Qua “ lời nói dối” của những chiếc máy bán nước, người Nhật đã cho thấy tinh thần nhân văn cao cả từ những điều nhỏ nhặt.
Không ít du học sinh hay người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản cảm thấy bất ngờ và thán phục tinh thần omoiyari của người dân xứ phù tang. Chứng kiến những hành động giản đơn mà nhân văn trên ga tàu điện ngầm, trong cửa tiệm hay ngoài đường phố, mỗi người đều khắc cốt ghi tâm mà kể lại cho bạn bè, người thân nơi quê nhà nghe và học tập.
Thả 2 đồng xu 100 yên vào máy bán nước tự động, nhưng kết quả trả về cho Quỳnh Anh – một du học sinh Việt tại Nhật Bản – lại là dòng chữ “Hết hàng” đỏ chói. Từng gặp tình cảnh tương tự trong những ngày đầu sống ở xứ hoa anh đào, lúc ấy Quỳnh Anh khá hậm hực. Nhưng sau khi nghe câu chuyện đằng sau những chiếc máy này, cô sinh viên Việt không khỏi gật gù tán dương cách làm của người Nhật.
“Đó là một lời nói dối đầy ngọt ngào và nhân văn”, Quỳnh Anh bộc bạch.
Chức năng “hết hàng” là một bí mật của những chiếc máy bán hàng tự động. Sự thực là vẫn còn ít nhất một chai nước sót lại trong máy và “lời nói dối” này là một hành động nhân văn vì người tiêu dùng.
Lý do là khi nhân viên tiếp thêm các chai nước mới vào máy, phải mất một thời gian thì các sản phẩm mới lạnh. Do đó, nếu ngay lập tức có khách đến mua thì họ sẽ rất thiệt thòi vì phải uống chai nước không lạnh dù máy quảng cáo bán nước lạnh. Vậy nếu lúc nào cũng có ít nhất một chai nước lạnh trong máy, sẽ chẳng có ai phải buồn phiền.
Từ đó, mỗi lần cất công đến máy bán hàng để chọn loại nước yêu thích nhưng nhận về dòng chữ “Hết hàng”, Quỳnh Anh không còn thấy phiền nữa, mà ngược lại cô còn cảm thấy thán phục vì nhận ra một điều rằng: người Nhật luôn đề cao tinh thần “nghĩ cho người khác” ngay từ những điều nhỏ nhất, điển hình là sự quan tâm đến cảm nhận của khách hàng khi nhận được chai nước không lạnh từ chiếc máy bán hàng tự động.
Tuy là “lời nói dối” nhưng không ngờ lại chứa đựng một tinh thần nhân văn sâu sắc mà suốt những tháng ngày du học, Quỳnh Anh còn được nhiều lần chứng kiến và nể phục. Tinh thần đó được người Nhật gọi bằng cái tên omoiyari.
Video đang HOT
Omoiyari là một đức tính quý báu của người Nhật, mang nghĩa quan tâm, ân cần và từ bi với mọi người. Người Nhật định nghĩa “quan tâm” là nghĩ đến cảm xúc của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để suy nghĩ và hành xử vị nhân, không vị kỷ.
Trong đời sống, lo sợ người khác thấy phiền phức bởi những hành động vô ý của mình, người Nhật không nói chuyện điện thoại, không nói to, không ăn uống khi tham gia các phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus… Họ lặng lẽ xếp hàng hai bên cửa tàu cao tốc, nhường đường cho khách xuống rồi mới tuần tự bước lên tàu.
Nếu mắc lỗi bị thầy cô mắng, việc đầu tiên học sinh Nhật làm là cúi đầu xin lỗi thay vì gân cổ bao biện, bởi lỗi lầm của một người sẽ ảnh hưởng đến cả một tập thể. Khi đến chỗ công cộng, những người bị cúm luôn đeo khẩu trang để không lây bệnh cho người khác…
Nếu tra “omoiyari” trong từ điển Nhật – Anh, tinh thần này sẽ được định nghĩa bằng hai từ cảm thông và cân nhắc. Nhưng ý nghĩa thực sự của tinh thần này còn sâu sắc hơn thế. Omoiyari là một từ kết hợp của omou và yaru.
Omou nghĩa là suy nghĩ hoặc cảm nhận, được sử dụng trong nhiều tình huống, từ bày tỏ ý kiến đến tưởng nhớ những người đã khuất. Trong khi đó yaru nghĩa là làm, cho đi hoặc đảm đương. Chính động từ này đã khiến omoiyari trở thành một từ của sự hào hiệp và cảm thông.
Dọn sỏi khỏi mặt đường để khách bộ hành không bị vấp ngã; giảm tốc độ khi thấy một đứa trẻ qua đường vì rất có thể đằng sau cô cậu nhóc ấy là đám bạn sắp sang đường… Đó đều là những hành động không to tát nhưng sẽ thật xa xỉ nếu bạn sống trong một xã hội nơi người với người thờ ơ, lãnh đạm với nhau.
Để làm được điều tưởng như nhỏ bé ấy, đến những việc lớn lao hơn như cống hiến thời gian, sức lực hay tiền bạc vì sự nghiệp chung, mỗi người đều phải thật tinh tế và có tấm lòng thiện lương.
Sau thảm họa động đất – sóng thần kinh hoàng vào tháng 3/2011 tại Tohoku, tinh thần omoiyari đã thúc giục hàng nghìn tình nguyện viên cả Nhật Bản lẫn quốc tế tới vùng đất hoang tàn này, cùng người dân nơi đây khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai. Cũng chính omoiyari thôi thúc người dân xứ mặt trời mọc viết hàng triệu lá thư gửi đến nạn nhân của cơn đại hồng thủy, nhắn những người không cùng máu mủ ruột già ấy đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.
Tất cả hành động trên đều là kết quả nhân văn của omoiyari. Bởi ai mang trong mình tinh thần này đều đặt bản thân vào vị trí của người khác, đặt cái tôi cá nhân vào tập thể để cảm thông và hành xử đúng mực.
Cũng trong chính thời khắc khó khăn này, ca khúc Omoiyari đã ra đời và nhận được nhiều đồng cảm từ giai điệu đến ca từ.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vô tư hưởng thụ những điều bản thân cho rằng tốt đẹp mà quên mất người khác không có điều kiện hưởng thụ điều đó như ta. Đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ cảm, hiểu và nhìn thấu tình huống từ quan điểm của họ.
Biết quan tâm, chia sẻ là phẩm chất cần thiết của một người tử tế. Phẩm chất ấy có thể cứu vãn nhiều mối quan hệ và hạn chế những muộn phiền hoặc bực tức không đáng có cho người khác và cả chính mình. Xa hơn, đó không chỉ là thông cảm đơn thuần mà còn là sự thiện lương, gác lại lợi ích của bản thân để hướng đến lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, giống như câu kết của ca khúc Omoiyari:
“Hãy từ bỏ sự ích kỷ của bản thân và cùng làm cho mọi người thật vui vẻ
Sự quan tâm chia sẻ là phép màu làm cho thế giới chúng ta đang sống trở nên hạnh phúc hơn!”
Giang Minh Nguyệt
Thiết kế: Hoàng Linh
Theo Zing
Dân số Nhật Bản sụt giảm trầm trọng, gấu tận dụng cơ hội hoành hành khắp nơi
Dân số Nhật Bản sụt giảm vô hình trung tạo điều kiện để nhiều động vật hoang dã mở rộng địa bàn sinh sống và đi lại.
Với những người leo núi ở Nhật Bản, họ luôn mang theo bên mình một chiếc chuông đuổi gấu nhỏ để những con vật này khi nghe thấy tiếng chuông sẽ tránh xa.
Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ những người ưa vận động, ngày càng nhiều người Nhật sắm cho mình vật dụng này vì lũ gấu đang hiện diện ngày một nhiều hơn, trên các con đường, thậm chí trong cả các cửa hàng.
"Các loài gấu, lợn rừng và khỉ đang đang tăng nhanh về số lượng. Chúng thường xuyên lượn lờ xung quanh các ngôi làng và thị trấn", ông Hiroto Enari tới từ Đại học Yamagata cho hay.
Gấu ở Nhật Bản ngày càng bạo dạn hơn. (Ảnh: Getty)
Nhât Bản là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm cả gấu đen và gấu nâu. Kể từ năm 2000, số lượng các trường hợp người giáp mặt gấu gia tăng đáng kể. Riêng trong năm 2018, hơn 13.000 trường hợp báo cáo họ bất ngờ chạm mặt gấu trên đường.
Theo Economist, nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này xuất phát từ thực trạng thu hẹp dân số ở Nhật Bản, đặc biệt là ở các vùng nông thôn do quá trình đô thị hóa. Số lượng người giảm dần khiến lũ gấu vốn ngại người bạo dạn hơn trong việc di chuyển tới các ngôi làng vào ban ngày.
Thực tế chứng minh những nơi với dân số sụt giảm nhanh nhất ở Nhật Bản đều được ghi nhận là các địa điểm đứng đầu danh sách nhìn thấy gấu nhiều nhất.
Đất nước với nhiều cánh rừng bạt ngàn cung cấp môi trường sống rộng lớn cho các động vật hoang dã. Khi người dân hạn chế canh tác trên các khu đồi núi hay đi rừng, lũ gấu có thêm nhiều không gian sống. Vài năm trở lại đây, lũ gấu trở nên táo bạo hơn, chúng di chuyển ở nhiều nơi như chỗ không người, thậm chí lẻn vào vườn nhà dân ăn cắp hồng.
Nhiều người chào đón sự hồi sinh này, nhưng một số coi đó là cơn ác mộng. Nhiều trường hợp bị thương thậm chí là thiệt mạng vì gấu được ghi nhận trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các biện pháp đơn giản để xua đuổi gấu như dựng hàng rào, lắp chuông ở một nhiều nơi, nhiều thợ săn bắn và giết gấu.
Năm 2013, chính phủ Nhật Bản quyết định giảm một nửa số lượng hươu, lợn rừng và khỉ đang sinh sống.
"Nhật Bản đang phải vật lộn với sự cân bằng thay đổi quyền lực giữa động vật và con người", ông Enari cho hay.
(Nguồn: Economist)
SONG HY
Theo VTC
Sự gia trưởng ở Hàn Quốc, nơi phụ nữ bị đối xử như 'công dân hạng 2' "Địa vị phụ nữ Hàn Quốc vẫn dậm chân tại chỗ trong thế kỷ 21. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng 2, hứng chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý", ý kiến nói. Tháng 5/2016, ga tàu điện ngầm Gangnam ở quận nổi tiếng ăn chơi của Seoul rúng động vì một vụ án...