Từ thiện – công việc cần chuyên môn
Khoảng 15 năm trước, tôi mới ra trường, được một số người quen đưa vào con đường ‘đi làm từ thiện’. Lúc đó, internet chưa phát triển, chuyện kêu gọi cộng đồng đóng góp không dễ dàng.
Vì công việc làm báo phải đi nhiều, trong tay tôi luôn có một danh sách dài các địa chỉ cần giúp đỡ. Lúc ấy chưa có kinh nghiệm, cứ thấy ai có vẻ nghèo khổ là cho rằng họ cần được giúp đỡ về tiền mặt, vật chất. Quay về, kể với người thân, bạn bè, thế là người này bảo người kia, mọi người hùn tiền cho nhau đưa tôi đem đi từ thiện, có người rảnh thì đi cùng.
Hai năm đầu, cả mạnh thường quân và người cần giúp đều vui. Chúng tôi, những người trực tiếp đi trao tiền, đóng vai “Bụt hiện lên hỏi vì sao con khóc” là sung sướng hơn cả, cảm thấy như mình là anh hùng cứu thế giới, giúp được nhiều người thế cơ mà!
Hào quang ảo tưởng vỡ bụp chỉ sau khoảng hai năm rưỡi. Tôi vẫn nhớ rõ, vào năm 2007, chúng tôi chọn giúp gia đình anh N. ở Hà Tĩnh, vợ anh N. mất do bão Lekima và phần lớn tài sản trong nhà đội nón ra đi. Khi đó, cả nhóm mua tặng họ một con bò và phần lớn đồ gia dụng, nhu yếu phẩm, một chị giám đốc còn đề nghị đỡ đầu cho đứa con lớn để cháu học hết phổ thông. Vì ràng buộc này, anh N. thỉnh thoảng sẽ viết thư cho nhóm, kể việc gia đình và xin giúp đỡ một việc gì đó. Lúc là tiền sửa mái nhà, khi là tiền tu bổ nhà tắm và lần ấy, anh muốn chúng tôi giúp mua máy giặt. Câu chuyện có vẻ đã đi hơi xa, tôi và hai thành viên nữa quyết định về tận Hà Tĩnh để xem gia đình họ hiện tại như thế nào. Đến nơi, chúng tôi chưa vào nhà vội, mà nghỉ tạm ở quán tạp hóa đầu làng. Bà bán tạp hóa kể, gia đình anh N. giờ đã “khấm khá” rồi, anh đã lấy vợ hai và đi làm buổi đực buổi cái vì ngay cả con cũng đã có từ thiện nuôi hộ.
Trường hợp của anh N. khiến chúng tôi khá sốc. Sau đó, cả nhóm quyết định sẽ đi khảo sát một lượt những địa chỉ mà mình từng giúp. Rất nhiều chuyện phản tác dụng lộ ra. Đa phần số tiền được tiêu vô bổ. Một gia đình người Mông ở Sốp Cộp, Sơn La còn dùng tiền được tặng mua bò để mua xe máy Tàu chạy cho vui. Kết quả là mới chạy chưa quen, người chủ gia đình bị ngã gãy chân, xe cũng thành sắt vụn.
Song câu chuyện buồn nhất trong thời gian “ làm từ thiện” của tôi chính là đã viết bài kêu gọi bạn đọc giúp đỡ một gia đình có con bị bệnh hiếm ở Thái Bình. Trong hai tháng, riêng nhóm chúng tôi quyên được hơn 400 triệu, đã đủ tiền trị liệu cơ bản cho cháu, chưa kể tiền của bạn đọc gửi thẳng vào tài khoản gia đình. Khi cháu ra viện được 1 năm, người bố gọi điện cho tôi bảo em ra cà phê anh có chuyện muốn nói. Người đàn ông ấy đề nghị tôi đăng giúp trường hợp của con anh lên báo lần nữa: “lần này, được bao nhiêu tiền giúp đỡ, anh chia cho em 15%”. Câu nói này đã chính thức chặt đứt “sự nghiệp từ thiện” của tôi.
Video đang HOT
Hai năm sau, vì muốn có cơ hội thực hành tiếng Pháp, tôi xin làm cộng tác viên cho Maison Chance – một tổ chức từ thiện của Pháp khi họ đến Việt Nam. Khi tham gia, chúng tôi phải trải qua một số khóa huấn luyện cơ bản. Và đến lúc này, tôi mới chính thức hiểu ra, cái mà chúng tôi gọi là “từ thiện” từ trước đến nay nói trắng ra chỉ là một kiểu phô bày đạo đức và hầu như chẳng mang lại lợi ích thực tế gì cho những người được thụ hưởng.
Charlotte Clément, một tình nguyện viên của Maison Chance khi đó kể với tôi, hiện cô đang trong kỳ thực tập đại học để trở thành một “người cứu trợ” đủ chuẩn, và rằng, “làm từ thiện” như chúng ta hay nói ở châu Âu là một nghề nghiệp được đào tạo bài bản và có những yêu cầu vô cùng khắt khe. “Chúng tôi phải học về tâm lý, kinh tế, sinh kế, phải nghiên cứu, thị sát, đánh giá… trước khi được tiếp cận đối tượng từ thiện. Đối với đội cứu trợ thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần… thì yêu cầu còn cao hơn nhiều, có thể so độ khó với một số bài học của đội SEAL”.
Tôi vẫn nhớ, thầy giáo dạy lý thuyết cứu trợ thiên tai hôm đó nhắc đi nhắc lại rằng: nếu là người bình thường (không có kỹ năng cứu hộ) thì tuyệt đối cấm việc tự phát đi đến khu vực thiên tai “để cứu hộ”. “Nó giống như việc khi thấy một người bị tai nạn ngoài đường, cứu người không phải là lao ra bế bệnh nhân đưa vào viện, mà phải là cố gắng cầm máu và gọi cho cứu thương bởi khi không có chuyên môn ta có thể làm bệnh nhân chết nhanh hơn vì bế sai tư thế khiến họ bị gãy xương, xương gãy đâm vào mạch máu…”.
Kể từ đó, tôi không còn dễ dàng rút ví cho tiền người khác. Tôi mất nhiều thời gian hơn để kiểm tra thông tin và nghiên cứu tính khả thi của những dự án thiện nguyện. Mặc dù tôi biết, sự giúp đỡ của mình với cộng đồng, thực tế chả đáng kể gì, song nếu tôi giúp người một cách cẩn trọng và khoa học hơn, thì ít nhất, cũng sẽ không làm hại đến họ, như đã từng…
Mẹ của cô bé có khuôn mặt biến dạng ở Quảng Bình gửi con để đi giúp người dân chống lũ
Mặc dù trong nhà nước ngập tới cổ, đồ đạc bị hư hỏng hoặc trôi theo dòng lũ xiết nhưng chị Hoàng Thị Thùy Linh, mẹ bé Tôn Nữ Hoàng Dung (mã số 419) - cô bé đi tìm gương mặt của chính mình mà Báo Gia đình & Xã hội từng thông tin - vẫn gửi con gái ở nhà hàng xóm để dẫn các đoàn từ thiện vào giúp đỡ bà con ở những vùng bị cô lập.
Chị Thùy Linh, mẹ bé Hoàng Dung, sinh sống ở phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vừa hoàn thành chuyến dẫn đoàn từ thiện vào vùng bị cô lập trở về. Chị hồ hởi chia sẻ: "Mấy hôm trước em ở trong nhà mà nước đã ngập tới cổ. Cả Quảng Bình ngập trong biển nước. Người người kêu cứu, nhà nhà kêu cứu. Mưa ngày càng tăng, mọi thứ bồng bềnh nhìn thấy ngán. Lợn gà, thóc lúa, áo quần... trôi tất vào dòng lũ xiết. Chính quyền lo cho dân chạy lụt, nhưng vẫn có nhiều người dân xót của ở lại để cố đi tìm cứu lợn".
Có nhiều người ở vùng sâu bị cô lập, nhiều đoàn từ thiện không biết để vào trong cứu trợ nên chị Thùy Linh đã tình nguyện gửi con rồi dẫn đoàn vào vùng bị cô lập.
"Mấy hôm trước ở trong nhà mà nước đã ngập tới cổ...". Ảnh: CHL.
Chị Thùy Linh cho biết chị cũng rất cảm động bởi trong khi lũ đang dâng cao như thế, nhiều nhà hảo tâm gần xa vẫn hỏi thăm con chị: "Cho bé đi tránh lũ chưa?", "Có bếp nấu cơm cho con ăn không để tí lên bới cơm qua cho o nha?", "Kêu ai đem ghe qua chở đi em, lên đây ăn mấy ngày luôn!", "Hai mẹ con chạy lũ tới đâu vậy, có khỏe không?"...
Mấy ngày liền bé Hoàng Dung chỉ ăn mì tôm. Ảnh CHL.
Khi thấy nước dâng lên cao, chị Thùy Linh bèn đem gửi bé Hoàng Dung lên chỗ người quen có nhà cao tầng cho an toàn rồi ở lại nhà cùng những thanh niên khác giúp đỡ bà con lối xóm, cứu người, cứu vật nuôi...
Mấy hôm đầu bếp ngập nước bị hư nên hai mẹ con bé Hoàng Dung toàn ăn mì tôm chống đói. Nhưng ăn mấy ngày liền mì tôm làm bé Hoàng Dung ngán... Tới hôm mẹ con chị được hỗ trợ xôi vừng nóng, bé Hoàng Dung mừng rỡ, ngay lập tức ngồi xuống bốc xôi chấm vừng ăn hết cả gói to.
Hôm nay bé Hoàng Dung đã có xôi để ăn. Ảnh: CHL.
Khu nhà mẹ con bé Hoàng Dung ở vẫn còn may mắn là không bị cô lập. Một số vùng ngập quá sâu, bà con di chuyển xa lên động cát nên các đoàn cứu trợ không biết để tiếp cận. Chị Thùy Linh biết có thôn đang trong tình trạng bị cô lập nên đã gửi lại bé Hoàng Dung cho người quen nhờ chăm sóc hộ rồi xăm xắn đưa đoàn từ thiện đến vùng bị cô lập đó.
Mẹ con bé Hoàng Dung.
Lũ chồng lũ, khó khăn chồng chất khó khăn, hai mẹ con bé Hoàng Dung đã từng ở trong hoàn cảnh khó khăn nhiều năm nên rất hiểu "một miếng khi đói bằng một gói khi no" có ý nghĩa như thế nào. Nhờ được sự giúp đỡ của Báo Gia đình & Xã hội, các Mạnh Thường Quân nên hai mẹ con đã vượt qua khó khăn, bệnh tật, được đón nhận tình yêu thương vô bờ bến để sống tiếp. Vì thế mùa lũ này, chị Thùy Linh cũng góp phần trao đi lòng nhân ái, là cầu nối giúp những tấm lòng thiện nguyện đến được với bà con ở vùng khó khăn, cô lập trong biển nước.
'Nên người' nhờ nhà vợ nhưng khi thành ông chủ, chồng đã làm điều tồi tệ không thể ngờ Một người chồng mang danh là trụ cột gia đình, một ông bố đã có đến hai đứa con máu thịt của mình mà nay chỉ vì cặp bồ với gái trẻ mà quên trách nhiệm làm chồng, làm cha thì có đáng được tha thứ, có đáng để tồn tại trong căn nhà nữa không? Ảnh minh họa: Internet Cô tiếc làm...