Tư thế người cầm lái “con tàu ASEAN” của Việt Nam
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng bất chấp kinh tế toàn cầu suy giảm, quan hệ đối ngoại rộng mở cùng chính trị ổn định là những yếu tố cơ bản tạo cơ sở để Việt Nam vững tin trong vai trò người cầm lái “ con tàu ASEAN” trong năm 2020.
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 517 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD, Việt Nam chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới
Thời điểm thực hiện tham vọng biến ASEAN thành cộng đồng thịnh vượng
Từ 1-1-2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là thời điểm mà khu vực phải vượt lên mạnh mẽ để thực hiện tham vọng biến ASEAN thành một cộng đồng gắn kết chặt chẽ với sự đan xen hài hòa về lợi ích giữa các quốc gia thành viên và khu vực, trở thành một khu vực hòa bình, phát triển và thịnh vượng.
Nhìn lại 52 năm kể từ ngày ra đời, ASEAN có thể tự hào về thành tựu mà hiếm tổ chức khu vực nào có được. Hơn nửa thế kỷ của những nỗ lực vượt khó đã giúp Đông Nam Á trở thành một khu vực của hòa bình, ổn định và phát triển cùng một không gian hợp tác mở rộng. Lợi ích mà ASEAN đem lại có thể được tóm lược với 3 chữ P trong tiếng Anh, đó là hòa bình (peace), thịnh vượng (prosperity) và người dân (people).
Là liên kết của những nước vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế, nhưng chính sự “thống nhất trong đa dạng” đã nhân lên sức mạnh của ASEAN, giúp tổ chức này đóng vai trò dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác và phát triển, như: Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), các cơ chế ASEAN 1, ASEAN 3…
Bất chấp kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Theo Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019 được công bố hôm 27-11-2019, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD năm 2018, một sự gia tăng đáng kể so với vị trí là nền kinh tế thứ 7 của thế giới cách đây 5 năm.
Một minh chứng rõ nét nữa là ASEAN ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ – Trung, Mỹ – EU và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đầu tư nước ngoài vào ASEAN vẫn đạt 154,7 tỷ USD trong năm 2018, mức cao nhất trong lịch sử. Thương mại khu vực năm 2018 có tổng trị giá 2.800 tỷ USD năm 2018, tăng 23,9% so với con số năm 2015 là 2.300 tỷ USD.
Video đang HOT
Nhưng thế giới luôn biến động khôn lường. Chưa bao giờ chủ nghĩa dân tộc và xu thế bảo hộ lại gia tăng mạnh mẽ như hiện nay, khi nhiều quốc gia đang muốn xem xét lại quan hệ với các tổ chức quốc tế và thể chế đa phương. Trong khi đó, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng, an ninh – an toàn hàng hải… ngày càng gia tăng.
Thực tế đó đang tạo thách thức với ASEAN trong vai trò đầu tàu khởi xướng và dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác trong khu vực. ASEAN cũng không thể hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 – 2025 nếu không cố kết nội bộ và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Gánh nặng đó giờ đặt lên vai Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Tin tưởng Việt Nam sẽ phát huy vai trò dẫn dắt ASEAN
Trong 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò người cầm lái “con tàu ASEAN”. So với lần đầu tiên đảm nhiệm trọng trách này vào năm 2010, thế và lực của Việt Nam đã khác xa.
Bất chấp môi trường khu vực và quốc tế không thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019. Với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%, vượt chỉ tiêu 6,6% – 6,8% mà Quốc hội giao, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong một thập kỷ qua.
Trong bối cảnh bất đồng thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tác động tiêu cực tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 vẫn đạt 8,1%, vượt kế hoạch đề ra ở mức từ 7% đến 8%. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 517 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD, Việt Nam giờ chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới.
Trong lĩnh vực đối ngoại, theo đánh giá của trang mạng The Diplomat, Việt Nam đã thiết lập các mối quan hệ sâu rộng với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tháng 6-2019, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận thương mại tự do với EU, tạo bước đột phá giúp thương mại và đầu tư thông thoáng hơn.
Đặc biệt, sự ổn định về chính trị đang là “điểm cộng” lớn cho Việt Nam. Theo ông Michele D’Arcole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam, sự ổn định chính trị là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm khi thực hiện các dự án đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
Những thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực khiến dư luận quốc tế tin tưởng vào thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ phát huy vai trò dẫn dắt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh”. Ông bày tỏ: “Tôi rất mong chờ năm chủ tịch của Việt Nam. Đây sẽ là năm quan trọng cho Việt Nam và cho ASEAN trong tiến trình hội nhập thế giới”.
Nhìn nhận về vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Liên hợp quốc, ông K. Khiari, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, đánh giá: “Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để thực hiện triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Liên hợp quốc với ASEAN”.
Trước mắt, xuất phát từ các thách thức đặt ra cho ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Với “Gắn kết”, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Với “Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể nói, năm 2020 là năm mang ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế.
Theo ANTD
'Việt Nam sẽ đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020'
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm đương tốt vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đồng thời sẽ có các đóng góp tích cực giúp thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới dự Lễ kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập ASEAN. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhân kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967-8/8/2019), phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi về các hoạt động sắp tới của Hiệp hội, vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 cũng như việc nâng cao vai trò của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu với nhiều biến động và thách thức hiện nay.
Về việc tăng cường vai trò của ASEAN trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và thách thức như hiện nay, từ các cuộc chiến thương mại đến các vấn đề về lãnh thổ, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã nhấn mạnh đến quá trình phát triển của Hiệp hội.
Theo ông Lim Jock Hoi, ASEAN đã trải qua chặng đường dài 52 năm, trở thành một trong những diễn đàn khu vực quan trọng và khá thành công trong việc duy trì hòa bình, ổn định, cũng như phát triển, ASEAN có sức hút lớn với các cường quốc trong và ngoài khu vực.
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi khẳng định ASEAN có cơ chế thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định. ASEAN đang duy trì rất tốt hòa bình và ổn định chung, đồng thời có những đóng góp tích cực trên mọi lĩnh vực hợp tác. Điều quan trọng nhất là ASEAN đã duy trì được sự hợp tác theo cách thức mang lại hiệu quả tốt và xây dựng được niềm tin giữa các nước trong khối.
Về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng Thư ký cho rằng cả hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều là những đối tác của ASEAN, bất kỳ xung đột nào giữa hai nước đều có ảnh hưởng đến ASEAN, do đó ASEAN mong muốn hỗ trợ giải quyết các bế tắc về thương mại về thương mại giữa hai bên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (hàng đầu, thứ năm từ phải qua) và các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN phát)
Đánh giá về những đóng góp tiềm năng của Việt Nam cho quá trình phát triển của khối trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, Tổng Thư ký Lim Jock Hoi hoan nghênh việc Việt Nam sẽ giữ cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm tới; nhấn mạnh trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và hiện nay trở thành một trong những nền kinh tế chủ lực của khối.
Ông cho rằng trong năm tới Việt Nam cần tập trung vào việc tiếp tục chương trình nghị sự của khối, như thúc đẩy phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác nội khối, trong đó có hợp tác phát triển kinh tế. Ngoài ra, trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng có thể tập trung vào nội dung về quản trị nhân sự, hay giáo dục.
Theo Tổng Thư ký Lim Jock Hoi, để hỗ trợ Việt Nam trong vai trò quan trọng vào năm tới, Ban thư ký cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để xây dựng các nội dung chương trình nghị sự.
Ông Lim Jock Hoi dự kiến có chuyến thăm Việt Nam trong tháng này để thảo luận với Hà Nội về các kế hoạch. Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm đương tốt vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đồng thời sẽ có các đóng góp tích cực giúp thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo Đỗ Quyên-Đình Ánh (TTXVN/Vietnam )
ASEAN - Liên Hợp Quốc đối thoại về hợp tác chính trị - an ninh Liên Hợp Quốc không chỉ hợp tác đóng góp vì hòa bình, an ninh quốc tế mà còn phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong khuôn khổ Hội thảo ASEAN - Liên Hợp Quốc (AURED) lần thứ 7, Đối thoại khu vực lần thứ 5 về hợp tác chính trị - an ninh với chủ đề...