Từ tay trắng sở hữu trang trại cho thu nhập tiền tỷ
Con đường đi đến thành công ngoài yếu tố may mắn, hẳn không thể thiếu sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, biết nắm lấy thời cơ. Câu chuyện của anh Trương Xuân Bính, từ một nông dân chân lấm tay bùn, trắng tay khởi nghiệp trở thành ông chủ trang trại chăn nuôi có thu nhập hàng tỷ đồng/năm ở xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là một ví dụ điển hình.
Sinh năm 1976, tốt nghiệp một trường trung cấp, nhưng do điều kiện khó khăn, Trương Xuân Bính trở về quê lập nghiệp. Con đường lập nghiệp của anh Bính gặp khá nhiều chông gai. Sau khi lập gia đình, anh làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ đến nhận thầu xây dựng các công trình dân sinh ở vùng quê nghèo.
Năm 2003, anh Bính cùng nhiều thành viên ở miền quê Cẩm Minh thành lập Hợp tác xã (HTX) Minh Lộc hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh, khai thác đất đá, vận tải nhỏ. Thiếu vốn, hoạt động xây dựng trên địa bàn còn nhỏ lẻ, nên HTX của anh Bính hoạt động èo uột, nhiều lần đứng trước nguy cơ giải thể. Khó khăn chồng chất, nhưng người đàn ông chất phác, hiền khô này không nản lòng. Anh chọn một hướng đi mới, thuê đất dựng trại chăn nuôi.
Từ nghề xây dựng rẽ sang, kiến thức chăn nuôi trang trại lớn gần như là con số 0 tròn trĩnh. Để bù đắp cho lỗ hổng về kiến thức, anh Bính đã lăn lộn hết trang trại này đến trang trại khác ở cả trong và ngoài tỉnh. Anh ghi chép tỉ mỉ đến từng chi tiết. Quá trình học hỏi nghiên cứu, anh đúc rút ra sự khác biệt giữa nghề xây dựng mà anh theo đuổi bấy lâu nay với chăn nuôi. Xây dựng chỉ được mùa khô, còn mưa xuống là gần như phải nghỉ, thua thiệt đủ đường. Còn chăn nuôi, quanh năm, nắng nóng, mưa gió gì cũng có nguồn thu miễn là chăm sóc tốt và gặp giá cả. Và rồi anh quyết định cho “canh bạc” mới này.
Khi đã chút kiến thức trong tay, năm 2010, khi Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư mạnh cho chăn nuôi, anh Bính mạnh dạn cầm cố nhà cửa, vay người thân, bạn bè làm thủ tục, kinh phí thuê hơn 6ha đất hoang hóa, bạc màu tại xã Cẩm Minh bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.
Thấy chồng vất vả, ban đầu chị Thu vợ anh Bình công tác tại Bưu điện huyện Cẩm Xuyên thường tranh thủ sau giờ làm việc lao về trang trại. Dần dần, trang trại, “canh bạc” con lợn không chỉ là nguồn sống của cả gia đình mà còn của biết bao nhân công ở đây đã ngấm vào da thịt của chị.
Video đang HOT
Một năm sau ngày xây dựng trại chị Thu xin nghỉ hẳn việc để dành hết sức lực, thời gian, quyết tâm cùng chồng biến khu đất hoang hóa bạc màu mang lại nguồn thu lớn, giải quyết công ăn việc làm cho bà con.
Xác định chỉ mỗi ông chủ tâm huyết, quyết tâm hết sức cũng khó đi đến thành công, anh Bính đã cấp kinh phí cử cán bộ, xã viên đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ở các trường, đơn vị bạn để về phục vụ trang trại của mình.
Thậm chí anh Bính còn thuyết phục được cô em vợ là Nguyễn Thị Diệu Thúy, vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, chuyên ngành chăn nuôi từ bỏ ý tưởng xin việc ở một cơ quan nhà nước về với trang trại của mình. Anh Bính kể để em gái vợ, một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi về với trang trại của mình, anh cam kết dành toàn quyền chuyên môn, cũng như giao phụ trách trại trong của HTX Minh Lộc.
Buổi ban đầu do thiếu vốn, anh Bính lựa chọn hướng đi an toàn là nhận chăn nuôi lợn thịt để hưởng lợi nhuận (hình thức nuôi thuê). Nhờ khép kín và công nghệ nuôi hiện đại nên 2 năm đầu tiên trang trại của anh Bính không để xẩy ra bất kỳ dịch bệnh, lợn xuất chuồng đúng chu kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận là điều anh rất băn khoăn. Đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng vào trang trại, nhưng một năm anh cho xuất 2,5 lứa lợn với trên 2500 con, chỉ thu về được hơn 900 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, vợ chồng anh chỉ thu được xấp xỉ trăm triệu đồng/năm, lợi nhuận quá bé nhỏ so với tổng mức đầu tư và công sức bỏ ra.
Đó cũng là lí do, khi đã chủ động được kỹ thuật, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, anh Bính đã có thêm một nước đi táo bạo khác mà như người dân quê anh thường gọi là “lời ăn, lỗ chịu”, từ bỏ hình thức nuôi thuê. Từ 2 chuồng nuôi, anh tiếp tục đầu tư xây mới lên 5 chuồng nuôi, chuyển từ nuôi lợn thịt sang nuôi lợn nái, cung cấp giống cho bà con trên địa bàn tỉnh.
Từ 2012 trở lại đây, với gần 500 lợn mẹ, cứ trung bình khoảng 3 tuần trang trại của anh Bính lại xuất một đợt từ 350 – 400 con lợn giống các loại, trung bình trên dưới 6.000 con giống/năm, cho nguồn thu khoảng 9 tỷ đồng. Trang trại của anh trở thành một trong 6 điểm cung cấp lợn giống của cả tỉnh Hà Tĩnh.
Từ sau khi tự bỏ vốn đầu tư chuyển sang nuôi lợn giống, trang trại anh Bình cho nguồn lãi ròng mỗi năm gần 3 tỷ đồng, một thành quả cho đến lúc này người đàn ông chân chất này vẫn chưa thể tin được.
Tuy nhiên, niềm vui của anh Bính không chỉ thể hiện ở con số lợi nhuận này. Trang trại của anh đã giải quyết cho 15 lao động tại địa phương, với mức lương trung bình 7 triệu đồng đã trừ bảo hiểm. Không những thế, người đàn ông có nụ cười hiền khô, chất phác này còn giúp đỡ người dân địa phương tìm đầu ra cho con vật nuôi của mình.
Sau bao mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống khu đất bạc màu, giờ vợ chồng anh Bính, chị Thu đã tìm thấy niềm vui ở khu trại chăn nuôi lợn quy mô của mình.
Với những thành công đó, anh đã nhận được nhiều bằng khen vinh danh từ địa phương đến trung ương. Trong đó đáng ghi nhận nhất là tấm Bằng khen do Thủ tướng Chính phủ ký tặng HTX Minh Lộc của anh vào năm 2015 vì có nhiều đóng góp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Văn Dũng – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Thành "đại gia" đồng quê nhờ... gà
Bước vào cái cổng dài hun hút, xây tường gạch bao, đã có cảm giác sắp vào khu biệt thự của một "đại gia". Đó là cơ ngơi của ông Bùi Văn Thịnh, thôn 4, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Trang trại chăn nuôi của ông Bùi Văn Thịnh.
Trang trại của Bùi Văn Thịnh là 1 trong 46 trang trại chăn nuôi ở xã Hoàng Hoa này. 46 trang trại, là tính theo "tiêu chí" có vốn từ 1 tỉ đồng trở lên. Còn trang trại dưới 1 tỉ đồng ở Hoàng Hoa có rất nhiều. Chăn nuôi ở Hoàng Hoa chủ yếu theo kiểu công nghiệp và bán công nghiệp. Cứ xem trang trại của ông Thịnh, thì thấy rõ.
Bùi Văn Thịnh không đầu tư vào trâu, bò, mặc dù đất vườn của ông có thể trồng cỏ - loại cỏ đặc biệt cho trâu, bò rất thuận lợi. Không nuôi trâu và chỉ nuôi 2 con bò cái. Nhưng ông đầu tư nuôi lợn và gà rất bài bản. Hiện nay trong chuồng có 12 lợn nái. Trung bình mỗi nái đẻ 10 con/lứa. Số lợn nái đẻ, ông không bán mà nuôi cho đến khi xuất chuồng. Chỉ trong vòng nửa năm, lợn đã cho xuất chuồng, bình quân 90 kg/con. Ta có thể hình dung mỗi đợt xuất chuồng cỡ trên trăm con, với giá trung bình 45.000 đ/kg, ông Thịnh thu lãi cỡ nào.
Về gà, hiện nay trong trang trại của ông Thịnh có tới hơn 8.000 gà thương phẩm, nuôi kiểu bán công nghiệp. Gà được thả trong các trang trại riêng, thoáng mát, sạch sẽ.
Cả khuôn viên nhà, xưởng và các trang trại, Bùi Văn Thịnh đang sở hữu với diện tích hơn 1ha. Trang trại có khu trồng trọt, khu chăn nuôi, hồ thả cá, vườn cây ăn quả. Cứ nghĩ ông Thịnh trước đây phải theo nghề kỹ thuật chăn nuôi, nên mới thành thạo thế. Hóa ra, cả hai vợ chồng chỉ làm nông nghiệp.
Với những mô hình chăn nuôi như Bùi Văn Thịnh, nếu phát triển và nhân rộng, chăc chắn Hoàng Hoa sẽ không phải mang tiếng là xã nghèo của huyện.
Theo Đỗ Bảo Châu (Nông Nghiệp Việt Nam)
Tỷ phú thực phẩm sạch trên đỉnh đèo Lũng Lô Với trên 1.500 cây bưởi đang cho thu hoạch, hàng chục nghìn gia cầm xuất bán thường xuyên đã cho anh Hậu doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Trên đỉnh đèo Lũng Lô, thuộc bản Ban, xã Chiềng Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, mô hình trang trại tổng hợp của ông Đỗ Kiến Hậu càng nổi bật hơn giữa núi rừng...