Từ tập trận đến thỏa thuận thương mại: Nga Trung muốn nói gì với Mỹ?
Đằng sau các cuộc tập trận chung và thỏa thuận thương mại, Nga và Trung Quốc thực sự muốn gửi đến Mỹ thông điệp gì?
Với các cuộc tập trận chung và các thỏa thuận thương mại, Nga và Trung Quốc muốn gửi một thông điệp đến Washinton: Dưới sức ép của Mỹ, những kẻ thù trong lịch sử đang trở thành đồng minh với nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Kẻ thù của kẻ thù là bạn
Sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc tập trận của Nga đã cho thấy một sự dịch chuyển lớn trong quan hệ giữa hai quốc gia: Nga và Trung Quốc từng một thời gian dài coi nhau như những đối thủ quân sự nay đã trở thành đối tác với nhau để cùng đương đầu với Mỹ.
“Cả hai quốc gia đang truyền đi một thông điệp rằng: Nếu Mỹ đẩy mọi chuyện đi quá xa, chúng tôi sẽ ngày càng thân thiết với nhau hơn”, ông Alexander Gabuev – Chủ tịch Chương trình Nga tại châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.
Washington hiện đang trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc và gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Chính quyền Tổng thống Trump đã tái định hướng chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ từ việc “cạnh tranh siêu cường” với Nga và Trung Quốc khi cho rằng 2 quốc gia này đang tìm cách “định hình một thế giới đối lập với các giá trị và lợi ích của Mỹ”.
Về phía Trung Quốc, căng thẳng gia tăng với Washinton khiến Bắc Kinh coi trọng hơn công nghệ quân sự và kinh nghiệm tác chiến của Nga, trong khi đối với ông Putin, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế Trung Quốc có sức hấp dẫn hơn trong quá trình Moscow tìm kiếm các đồng minh mới.
“Trung Quốc hiện đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng khi họ không còn xem Nga là một mối đe dọa nữa và điều này chính là mối quan ngại của Mỹ. Họ muốn truyền đi thông điệp rằng gia tăng đối đầu với Mỹ sẽ khiến họ có những hành xử cân bằng hơn trong quan hệ với Nga”, ông Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại CNA – một tổ chức nghiên cứu của Mỹ tại Arlington, bang Texas nhận định.
Theo các nhà phân tích, việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ về mặt quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh giúp Trung Quốc có thể tiếp cận với công nghệ quân sự và kinh nghiệm tác chiến của Nga.
Video đang HOT
Gần đây, Nga bắt đầu bán cho Trung Quốc một số loại vũ khí tiên tiến như hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và máy bay chiến đấu thế hệ 4 Su-35.
Trước đây, Nga từng lo ngại Trung Quốc là một đối thủ tiềm năng có thể đánh cắp công nghệ của nước này nhưng trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây, những lo lắng này đã gần như tan biến.
“Rõ ràng những căng thẳng quốc tế đã góp phần thắt chặt mối quan hệ Nga – Trung”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố vào tháng 7/2018.
Cái bắt tay vì lợi ích đôi bên
Các nhà chức trách Trung Quốc nhìn chung thường tránh các cuộc hội đàm công khai về tập trận chung với Nga nhưng trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Vladivostok, kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc có rất nhiều những bình luận ngợi ca mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Thương mại song phương giữa hai quốc gia cũng đang gia tăng và ước tính có thể vượt mức 100 tỷ USD trong năm nay so với con số 84 tỷ USD năm 2017 cũng như hợp tác kinh tế Nga – Trung đang ngày càng được thắt chặt.
Nga có thể cung cấp năng lượng cho Trung Quốc trong khi Bắc Kinh có thể chia sẻ với Moscow kinh nghiệm trong thương mại điện tử, các nhà phân tích cho biết. Sự hợp tác này đặc biệt quan trọng trong môi trường quốc tế hiện nay, nhất là trước chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump.
“Năm 2018 là một năm quan trọng đánh dấu cho quan hệ Nga – Trung”, một biên tập viên phụ trách chuyên mục của tờ People’s Daily viết, đồng thời phân tích thêm rằng ông Putin chỉ mới thăm Bắc Kinh nhưng ông Tập đã trao huân chương hữu nghị đầu tiên của Trung Quốc cho Tổng thống Nga.
Ông Feng Yujun, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho rằng mục đích địa chính trị của 2 quốc gia này không trùng khớp với nhau. Trong khi Trung Quốc nỗ lực hội nhập với một trật tự quốc tế đã được thiết lập và thúc đẩy toàn cầu hóa thì Nga không phải lúc nào cũng sẵn sàng tuân theo trật tự đã được thiết lập ấy.
“Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn. Mối quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây đang rạn nứt và nền kinh tế quốc gia này đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề. Vì thế, Nga hy vọng sẽ làm giảm sức ép này với sự giúp đỡ của Trung Quốc để đạt được những lợi ích về mặt chính trị và kinh tế”.
Đến Vladivostok ngày 11/9, ông Tập đã đi cùng một đoàn gồm gần 1.000 doanh nhân và quan chức Trung Quốc tham dự một diễn đàn kinh tế vốn được xem là nỗ lực của ông Putin để thu hút đầu tư nước ngoài.
Sau nhiều giờ trao đổi, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau làm bánh kếp truyền thống của Nga. Ông Tập đã chia sẻ với Tổng thống Nga rằng: “Ông và tôi sẽ hợp tác thân thiết với nhau. Tôi đã sẵn sàng để chúng ta có thể trao đổi quan điểm một cách sâu sắc hơn và hợp tác chặt chẽ hơn, cả hôm nay và mai sau”
Trung Quốc cũng có được những lợi ích nhất định trong mối quan hệ với Nga.
Các quan chức Nga đã tuyên bố trong cuộc tập trận chung vào tuần này – với sự tham gia của binh lính Nga, Trung Quốc và Mông Cổ, rằng Nga sẽ chia sẻ các bài học về sự tham gia của quốc gia này tại Syria. Tham gia các cuộc tập trận này “sẽ làm tăng khả năng của lực lượng vũ trang của chúng ta để đối phó với những đe dọa an ninh cũng như học hỏi kinh nghiệm tác chiến từ phía Nga”, Kui Yanwei – tùy viên Trung Quốc tại Nga nhận định vào tuần trước.
Về việc Nga – Trung hợp tác với nhau chống lại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhận định ngày 11/9: “Tôi cho rằng các quốc gia này chỉ hành động vì lợi ích của họ. Tôi thấy hầu như có rất ít triển vọng cho sự hợp tác dài hạn giữa Nga và Trung Quốc”.
Chuyên gia Kofman thì thận trọng hơn khi cho rằng không nên vì những căng thẳng âm ỉ giữa Nga và Trung Quốc mà vội kết luận rằng họ sẽ không hợp tác về mặt quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng Nga và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau chống lại Mỹ nhưng sẽ chỉ là một liên minh ngắn hạn và trên lý thuyết.
“Trong lịch sử, các cường quốc liên minh với nhau để đối phó với những đe dọa chung vì dù sao họ cũng cùng chia sẻ những giá trị và mục đích cuối cùng”, ông Kofman cho biết./.
Theo Kiều Anh/VOV.VNTheo Washington Post
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Macedonia: Tung tín hiệu mạnh với Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 11/9 cho biết ông sẽ thăm Macedonia trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/9 về việc thay đổi tên quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis ngày 11/9 cho biết ông sẽ thăm Macedonia trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/9 về việc thay đổi tên quốc gia, đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về những nghi ngờ Nga can thiệp trong cuộc bỏ phiếu này - điều Moscow hoàn toàn bác bỏ.
Hướng tới chấm dứt tranh chấp về tên gọi suốt 27 năm qua, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov hôm 17/6 đã ký thỏa thuận đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân ở Macedonia ngày 30/9 này.
Mỹ muốn thể hiện sự ủng hộ với cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Macedonia. (Nguồn: Reuters)
Nếu được thông qua thì động thái này sẽ mở đường cho Macedonia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu EU.
"Tôi lo lắng về điều đó ... Hành vi gây chia rẽ mà Nga đã thực hiện từ Estonia đến Mỹ, từ Ukraine và bây giờ tới Macedonia, nó luôn thích nghi với tình hình cụ thể và luôn quá giới hạn cho phép," ông Mattis nói với các phóng viên.
Bộ trưởng Mattis nói ông muốn thể hiện rõ rằng Hoa Kỳ ủng hộ người dân Macedonia.
NATO đã mời Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập liên minh, nhưng cho biết nước này sẽ phải thay đổi hiến pháp của mình và thông qua tên gọi mới trước. EU cũng cho biết họ sẽ định ra thời điểm cho các cuộc đàm phán gia nhập nhưng còn chờ Macedonia thực hiện thỏa thuận đổi tên với Hi Lạp.
Đại sứ của Moscow tại Macedonia đã chỉ trích tham vọng của nước này khi tham gia NATO, nói rằng Skopje có thể trở thành "một mục tiêu hợp pháp" nếu mối quan hệ giữa NATO và Nga ngày càng xấu đi.
Trước thoả thuận với Macedonia, Hy Lạp, một thành viên của cả NATO và EU, đã từ chối chấp nhận tên quốc gia của Balkan trên, nói rằng tên gọi này ngụ ý tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở tỉnh Macedonia của Hy Lạp và cho thấy muốn chiếm đoạt nền văn minh cổ đại của họ.
Chính phủ Macedonia của Thủ tướng Zoran Zaev, được bầu vào năm 2017, đã thúc đẩy một thỏa thuận với Hy Lạp. Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó có Tổng thống Gjorge Ivanov, phản đối thỏa thuận trên, nói rằng điều này là vi hiến.
Vào tháng 7, Hy Lạp đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm hai người khác nhập cảnh vào nước này, cáo buộc họ đã khuyến khích các cuộc biểu tình và hối lộ các quan chức để ngăn chặn nước này đạt thỏa thuận với Macedonia.
Nga bác bỏ mọi sự liên quan và đã đáp trả tương xứng bằng việc trục xuất các quan chức Hy Lạp.
Theo toquoc
Mỹ - Ấn Độ: Nâng cấp quan hệ đối tác quốc phòng Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã có chuyến thăm tới Ấn Độ nhằm đảm bảo thúc đẩy quan hệ với đất nước Nam Á. Đây là dịp để hai nền dân chủ lớn nhất thế giới nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược. Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc...