Từ sự cố nước sạch sông Đà: Dầu thải mua bao nhiêu cũng có
Hàng trăm lít dầu nhớt thải được các đội quân thu mua từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô cho vào thùng phuy, tập kết ngay cổng làng Yên Lũng, An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội), gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Dầu thải tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô được thu mua với giá 4.000-6.000 đồng/lít
Gom hàng khắp nơi, liên tục
Sáng 23/10, trong vai người muốn mua khoảng 2.000 lít dầu thải đưa về Nghệ An làm chất đốt lò gạch, PV Tiền Phong lân la đến các cửa hàng sửa chữa xe máy trên địa bàn quận Hà Đông để tìm hiểu. Theo anh Huy, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại phường Quang Trung, muốn lấy số lượng lớn phải liên hệ với đội quân chuyên đi mua dầu thải, một cửa hàng xe máy thì mất nhiều thời gian cũng như không có mặt bằng để tích dầu.
Chờ đợi gần 1 tiếng, PV tiếp cận được với ông Nguyễn Văn Thủy, trú tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), người chuyên đi thu mua dầu thải xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Thủy chia sẻ, mỗi ngày nếu chịu khó đi sớm về muộn cũng mua được khoảng 50-80 lít, giá cả tùy thuộc vào từng thời điểm, dao động từ 4.000-6.000 đồng/lít. Dầu được đưa về tập kết đầy từng thùng phuy 200 lít, rồi bán ra giá 1.600.000 đồng/thùng.
“Sau vụ nhà máy nước sông Đà bị đầu độc, cơ quan chức năng cấm thu mua nên giá dầu thải đang xuống thấp. Tôi đi mua rồi tập kết lại, chờ đủ số lượng nhập lại cho các đại lý để lấy phần trăm”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, mỗi ngày có hàng chục người đi thu mua dầu thải, nếu cần gấp sẽ huy động thêm từ đồng nghiệp. Lấy lý do phải bàn bạc với lái xe, tôi xin số điện thoại và hẹn gọi lại khi cần. Tiếp tục bám theo ông Thủy, PV lần ra được đầu mối thu gom dầu thải là bãi đất trống ngay cổng làng Yên Lũng, An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội).
Về làng buôn dầu thải
Đi sâu vào trong làng Yên Lũng, khắp đường làng ngõ xóm, tới đâu cũng bắt gặp thùng phuy để sẵn, chờ người thu gom đến đổ hàng. Một số thùng được đóng kín đợi các đầu nậu mang xe ô tô tải tới chở đi. Tất cả các hoạt động diễn ra công khai ngay sát Đại lộ Thăng Long.
Một người dân (xin giấu tên) cho biết, cách đây khoảng 5 năm, làng Yên Lũng là nơi tái chế dầu thải. Tuy nhiên, do người dân trong làng phản ứng nên nhiều lò đốt bị phá bỏ, hiện chỉ còn các cơ sở thu mua, bán lại. Hàng ngày, hàng trăm thùng phuy dầu thải được chở đến, nơi tập kết rất ô nhiễm, mùi nồng nặc.
Dọc đường làng, ngõ xóm tập kết nhiều thùng phuy chứa dầu thải
“Việc mua bán dầu thải diễn ra thường xuyên. Không khí xung quanh nơi tập kết nồng nặc mùi xăng dầu, chúng tôi còn sợ dầu ngấm xuống nguồn nước. Hy vọng cơ quan chức năng sớm kiểm tra, chấn chỉnh nếu không người dân sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe”, người này nói thêm.
Bà Hương, chủ thu mua dầu tại cổng làng Yên Lũng cho biết, dầu thải được đun bằng công nghệ thủ công, cộng một số hóa chất, sau đó cho ra loại dầu tái chế giống như dầu mới. “Ngoài tái chế, dầu thải có thể bán cho các nhà máy gạch dùng để làm chất đốt và bôi trơn để chống dính cho gạch trong quá trình sản xuất. Bị nghiêm cấm nên Yên Lũng bây giờ chỉ là điểm tập kết rồi được các chủ hàng chuyển đi một số huyện ngoại thành Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa tái chế”, bà Hương cho hay.
Video đang HOT
Chuyên gia Chu Văn Minh, giảng viên Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, tại các nước tiên tiến, dầu thải sau khi tách nước, được bơm vào lò chưng cất chân không. Đây là hệ thống khép kín trong môi trường chân không nên khi nhiệt độ được nâng lên cao đến 3.000 độ C, xăng và dầu nhẹ sẽ hóa hơi rồi được ngưng tụ thông qua hệ thống giải nhiệt và được thu lại chứa trong các bồn chứa. Sau khi trung hòa và hấp phụ bằng đất sét hoạt tính, dầu được bơm tuần hoàn qua hệ thống lọc thô cho đến khi dầu tương đối sạch và được lọc tinh với độ mịn của màng lọc để thu được dầu gốc tái sinh với chất lượng tương đối tốt so với dầu gốc ban đầu. Theo ông Minh, tại nước ta, việc tái chế dầu nhớt chủ yếu bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định nên còn tồn dư nhiều hạt kim loại, tạp chất như chì, kẽm và một số hóa chất độc hại khác.
Dầu thải và các chất thải pha trộn với dầu luôn được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Điều 7 Nghị định 38/2015 của Chính phủ (về quản lý chất thải và phế liệu) quy định: Chủ nguồn thải chất nguy hại phải đăng ký với sở Tài nguyên và môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại. Cơ sở này phải có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý; có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại. Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại, chủ nguồn chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
Khoản 7, Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) quy định, hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại bị phạt tiền từ 10 đến 250 triệu đồng từ dưới 100kg đến hơn 5.000 kg chất thải nguy hại.
VÕ HÓA
Theo TPO
Những điều bất ngờ từ vụ nước sạch Sông Đà bị "đầu độc"
Từ vụ "đầu độc" nguồn nước sạch Sông Đà, PV Dân Việt vào cuộc tìm hiểu đã phát hiện ra "cuộc chiến" tranh giành hồ Đầm Bài (Kỳ Sơn, Hòa Bình), nơi đóng vai trò là hồ chứa và sơ lắng nước trước khi đưa về xử lý ở nhà máy nước sạch sông Đà.
Hồ Đầm Bài được Nhà máy nước sông Đà dùng làm bể lắng cho sản xuất nước nhưng cũng là hồ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của nhiều xã tại Kỳ Sơn, Hòa Bình (Ảnh: HH)
Kỳ 1: "Cuộc chiến" giành nguồn nước hồ Đầm Bài
UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.
Nước đầu nguồn đã đảm bảo?
Trở lại Nhà máy nước Sông Đà sáng ngày 24/10, chúng tôi đã ghi nhận được hoạt động của Nhà máy này đã quay trở lại như ngày thường. Tuy nhiên, khi liên hệ với lãnh đạo thì bảo vệ và Trưởng phòng hành chính tên Văn của công ty cho biết "lãnh đạo đi vắng" rồi cúp máy.
Màng lọc dầu thải của Trung tâm SOS vẫn đang được khắc phục sự cố, ảnh chụp ngày 24/10. (Ảnh: PL)
Cũng tại đây, một cán bộ của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS) cho biết, đang chờ tạnh mưa để đưa các chất vi sinh lên khu vực bị đổ dầu thải để xử lý môi trường. Ngoài ra, nguồn nước đang dùng màng lọc dầu nhiều lớp, thành phần dầu lơ lửng trong nước gặp màng lọc sẽ bị chặn lại.
Phóng viên đặt câu hỏi với vị cán bộ này là sự cố ô nhiễm đã xử lý triệt để chưa, dầu còn tiếp tục chảy vào dòng nước hay không? Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm SOS cho biết: "Việc xử lý triệt để hay chưa thì không ai dám khẳng định ở thời điểm này. Chúng tôi cũng không phải là người phát ngôn nên các anh phải hỏi lãnh đạo của công ty chúng tôi và lãnh đạo Nhà máy nước sông Đà".
Cán bộ của Trung tâm SOS cho biết không ai dám khẳng định an toàn hay chưa (Ảnh: HH)
Tại đoạn kênh dẫn nước từ hồ Đầm Bài vào Nhà máy nước sạch sông Đà, theo ghi nhận của PV, đoạn kênh này đã được dựng hàng rào thép gai nhưng lại không be kín hết 2 bên bờ nên đàn dê tha hồ đi lại, kiếm ăn trên đoạn kênh này. Phân dê cũng vương vãi khắp trên bờ kênh dẫn nước từ hồ Đầm Bài vào Nhà máy nước sông Đà.
Trên mặt kênh là những tấm màng lọc của Trung tâm SOS mà theo quan sát của PV, những màng đen của dầu thải vẫn bám vào đó. Hồ Đầm Bài với diện tích hơn 16km2 là nơi được Nhà máy nước sông Đà đang dùng làm hồ chứa và bể sơ lắng, nhưng vấn đề nguồn nước đầu vào của hồ đã được đảm bảo an toàn hay chưa vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy
Theo tìm hiểu của PV, ngày 22/10, UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành và đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) về việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài và triển khai giai đoạn 2, nâng công suất gấp đôi lên 600.000m3/ngày đêm.
Theo phản ánh của một lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, quan điểm của tỉnh là tiến tới yêu cầu Viwasupco phải triển khai phương án lấy nước trực tiếp tại sông Đà, không được sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ lắng như hiện nay nữa.
Được khởi công từ năm 2004, dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng do Tổng công ty Vinaconex (sở hữu Nhà nước) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án này được chuyển giao cho Công ty CP Nước sạch Vinaconex, nay đổi tên thành Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn tại Viwasupco và thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ phiên đấu giá. Tính đến ngày 30/6/2019, hơn 96% cổ phần của Viwasupco tập trung vào 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex và Công ty CP Cơ điện lạnh.
"Từ trước tới nay, vào mùa mưa, Nhà máy nước sông Đà chỉ dùng nước ở hồ Đầm Bài là chính chứ chưa cần bơm nước từ sông Đà vào. Trong khi tôi không rõ chỉ tiêu nước đầu vào là lấy mẫu ở hồ Đầm Bài hay ở sông Đà. Dòng chảy ở sông Đà rất lớn, khác với hồ Đầm Bài nên tôi nghĩ Nhà máy nước sông Đà lấy nước đầu vào trực tiếp từ sông Đà sẽ hợp lý hơn", ông Trần Quốc Toản - Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết.
Với sự tham gia của các cổ đông mới này, Viwasupco đang tiến hành triển khai giai đoạn 2, đầu tư thêm 26,6 km đường ống truyền tải nước sạch, nâng công suất Nhà máy nước Sông Đà từ 300.000 lên 600.000 m3/ngày đêm và hướng đến năm 2050 đạt 1.500.000m3/ngày đêm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Mặc dù vậy, cho đến nay Nhà máy nước sông Đà vẫn đang sử dụng hồ Đầm Bài làm bể lắng để sản xuất nước sạch. Sau nhiều lần có văn bản, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cũng đã được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho quyền "sử dụng" hồ Đầm Bài.
Cụ thể, theo tài liệu của Dân Việt, ngày 20/7/2005, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 938 về việc sử dụng nước mặt hồ Đầm Bài. Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định cho phép Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sử dụng hồ Đầm Bài.
Lúc đó do Công ty khai thác Công trình thủy lợi Hòa Bình quản lý để làm hồ chứa nước và sơ lắng phục vụ cho Dự án cấp nước sinh hoạt cho chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Hà Nội, Hà Đông.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản chỉ đạo số 3015/VPUBND-TH gửi Sở KHĐT; Sở Tài chính, Sở NNPTNT, trong đó nêu rõ giao Sở NNPTNT đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước của nhà máy nước Vinaconex.
Sau khi Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình trình phương án thì UBND tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục có văn bản số 905 ký ngày 13/6/2019 nêu rõ: Giữ nguyên hiện trạng quản lý và sử dụng hồ Đầm Bài như hiện nay.
Tức là, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình vẫn là đơn vị quản lý và vận hành, còn Nhà máy nước sông Đà chỉ được sử dụng làm bể lắng cho sản xuất nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, sau sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua, tại cuộc họp mới đây Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục yêu cầu Nhà máy nước sông Đà phải có phương án cụ thể lấy nước trực tiếp từ sông Đà hoặc phải có phương án bảo vệ nguồn nước ở hồ Đầm Bài và trình phương án lên UBND tỉnh Hòa Bình trước 31/12 tới.
Kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sông Đà vẫn có đàn dê tung tăng ngay trên bờ. (Ảnh: HH)
Cụ thể, tại báo cáo ngày 17/10 của UBND tỉnh Hòa Bình, do Phó chủ tịch Bùi Đức Hinh ký phần kiến nghị nêu rõ: Tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước, trong đó có việc sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý nước sạch.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, Viwasupco cũng cần có thêm phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với sự cố. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, công ty phải ngừng sản xuất ngay và báo cáo với cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.
Chưa xong quy chế quản lý hồ Đầm Bài
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quốc Toản - Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết: "Nhiệm vụ chính của hồ Đầm Bài là cung cấp nước tưới tiêu cho 645 ha đất sản xuất của 3 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, Phú Minh. Việc quản lý khai thác ở đây là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi.
Ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay vẫn chưa xây dựng xong được quy chế quản lý và sử dụng hồ Đầm Bài. (Ảnh: H.H)
Hồ Đầm Bài chứa nước vào mùa mưa, tưới nước vào mùa khô cho bà con, tuy nhiên do sử dụng làm hồ sơ lắng của Nhà máy nước sông Đà, nên 10 năm nay mực nước luôn ở mức cao.
"Chúng tôi đã tham mưu và đề nghị phía Công ty nước sạch sông Đà cấp kinh phí kiểm định an toàn cho hồ chứa nước. Đối với công trình này, cách đây 3 năm chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ký quy chế sử dụng hồ Đầm Bài giữa Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi và Công ty nước sạch sông Đà, nhưng đến nay vẫn chưa ra được quy chế chung, nên rất khó quản lý"- ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình.
Vấn đề đặt ra là vì sao UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt cho Nhà máy nước Sông Đà sử dụng hồ Đầm Bài làm bể lắng từ năm 2005, nhưng đến nay lại muốn thu hồi lại. Liệu có phải do không quản lý được hay còn liên quan tới vấn đề nào khác. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sâu hơn về vấn đề này trong bài tiếp theo.
Theo danviet
Lần đầu tiên Công ty Nước sạch sông Đà xin lỗi dân Thủ đô sau sự cố nước nhiễm dầu Công ty nước sạch sông Đà thừa nhận trách nhiệm trong sự cố nước sạch nhiễm dầu và lần đầu tiên chủ động nói xin lỗi người dân Hà Nội. Ngày 25/10, Công ty Nước sạch sông Đà có văn bản gửi các cơ quan báo chí thông tin về việc công ty này khắc phục xong sự cố nước nhiễm dầu, qua...