Từ sào huyệt ma túy thành điểm du lịch nổi danh
Hang Kia – Pà Cò (Hòa Bình) đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Trước đó, đây là điểm nóng ma túy, nhiều người không dám bước chân vào.
Một góc của xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình
Thân thiện ở Hang Kia – Pà Cò
Từ Hà Nội di chuyển gần 200km trên QL6 hướng về Tây Bắc, sau một hồi hỏi thăm và vượt qua con đường bê tông quanh co khúc khuỷu, chúng tôi đã có mặt tại xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).
Từ trên cao nhìn xuống, Hang Kia – Pà Cò đẹp bảng lảng trong sương sớm, mướt mát màu xanh của núi rừng, ẩn hiện thấp thoáng những nóc nhà người Mông bên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo cua dốc. Nơi đây, giờ đã thành điểm du lịch thu hút du khách về khám phá bản làng còn nguyên nét hoang sơ với đồi chè, vườn mận, nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong… và thưởng thức nhiều sản vật mang phong vị núi rừng như: Rượu ngô, thắng cố, bánh dầy giã tay, mèn mén, cải mèo…
Chiều cuối tuần, homestay A Páo – ngôi nhà gỗ nằm trên một quả đồi chè thoai thoải, xen kẽ những cây đào, cây mận là dãy nhà nghỉ nhiều phòng phía sau kín khách. Cách đó không xa, nhiều homestay khác cũng đang được xây dựng để phục vụ nhu cầu khách du lịch mỗi ngày một đông.
Chị Sùng Y Hoa, chủ homestay chia sẻ, những năm gần đây, cuộc sống bà con thay đổi nhiều nhờ làm du lịch. “Homestay chúng tôi cũng hay đón khách nước ngoài, họ rất thích ăn các món ăn truyền thống của địa phương như mèn mén, bánh dày… Vào dịp cuối tuần thì khách sẽ đông hơn, nhiều gia đình lên đây ở chơi có khi không muốn về vì khí hậu trong lành, mát mẻ khung cảnh hoang sơ”, chị Hoa nói.
Chị Vũ Thu Lan, một khách du lịch đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết, trước kia, cứ nói đến Hang Kia – Pà Cò là sợ, cứ nghĩ vào đây là vùng ma tuý, là điểm trồng, cất giữ, buôn bán ma tuý các loại. “Được người bạn thuyết phục, nhóm chúng tôi lên đây và cảm thấy rất hài lòng, từ khung cảnh thiên nhiên sạch, khoáng đạt đến đồ ăn núi rừng, cách con người nơi đây đối đãi thân thiện, ân cần…”, chị Lan nói.
Chủ tịch UBND xã Pà Cò, ông Sùng A Màng hồ hởi khoe: “Hai xã Hang Kia, Pà Cò nằm ở đỉnh cao của huyện vùng cao Mai Châu, có độ cao trung bình 1.200m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm chỉ khoảng 18,5 độ C. 99% đồng bào nơi đây là người Mông, vẫn giữ những giá trị văn hoá, nghề truyền thống, các món ăn dân dã…”.
“Từ năm 2018 đến nay, hai xã Pà Cò, Hang Kia đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó trên 60% là khách quốc tế. Trong tháng 7/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch tại hai xã Hang Kia – Pà Cò. Có 5 dự án được tỉnh lập danh mục thu hút đầu tư là: Khu nghỉ dưỡng cao cấp sinh thái Tà Xông A; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tà Xồ; Khu du lịch Thung A Láng; Khu du lịch sinh thái Cổng Trời; Khu du lịch sinh thái Thung Mặn, Thung Ảng”, ông Màng phấn khởi kể.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Mai Châu cho hay: “Hiện đã có một doanh nghiệp đã đăng ký và đang khảo sát để lập dự án đầu tư vào làm du lịch ở xã Pà Cò. Mới đây huyện đang mở một lớp tập huấn du lịch để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ở Pà Cò đã có 15 hộ đăng ký xuống đi học lớp tập huấn này”.
Video đang HOT
Khó khăn, tệ nạn đã lùi xa
Khách du lịch nước ngoài tại một homestay của người dân xóm Chà Đáy, xã Pà Cò
Nhớ lại những ngày khó khăn, ông Màng nói: “Năm 1993, cả xã vẫn chỉ có một con đường đất dẫn đến trung tâm xã, cả xã không có điện lưới, trẻ em thất học nhiều, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Nông sản như ngô, mận làm ra nhưng không bán được vì không có đường giao thông”. Cao điểm nhất là giai đoạn trước năm 1996, xã là điểm nóng về tệ nạn ma tuý; phần đông số hộ dân của địa phương là hộ nghèo; vào mùa khô, người dân thiếu nước sinh hoạt…
“
Dự kiến, năm 2019 huyện Mai Châu sẽ đón 379.500 lượt khách về thăm quan du lịch. 9 tháng đầu năm 2019 huyện đã đón 283.935 lượt khách, trong đó khách quốc tế 123.810 lượt, khách nội địa 160.125 lượt. Riêng tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò năm 2018 đã đón gần 3.000 lượt khách và từ đầu năm đến nay đã đón hơn 2.000 lượt khách.
“
Theo ông Màng, trước đây, Pà Cò là một trong hai xã khó khăn nhất của huyện Mai Châu, từng là thủ phủ của cây thuốc phiện và là điểm nóng về ma túy, tệ nạn xã hội của tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân của tình trạng này là do người Mông ở 2 xã có mối quan hệ thân thiết, huyết thống với người Mông ở huyện Vân Hồ (Sơn La) và người Mông ở nước bạn Lào. Vì vậy, người dân giữa 2 địa phương thường xuyên qua lại buôn bán, thăm hỏi.
Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Từ đó, hình thành các đường dây tội phạm và địa bàn xã Pà Cò trở thành điểm trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Tình hình tội phạm ma túy ngày càng trở nên phức tạp. “Đáng nói hơn, các đối tượng tội phạm còn thuê cả thanh niên mới lớn và phụ nữ đi vận chuyển ma túy trái phép”, ông Màng kể.
Tính từ năm 1999 đến nay, có tới 64 đối tượng phạm tội vận chuyển, tàng trữ ma túy bị bắt trong đó có 10 đối tượng bị xử tử hình.
Tìm về nhà ông Màng A Dê, nguyên Phó chủ tịch xã, kiêm Trưởng Công an xã Pà Cò, chúng tôi được ông kể: “Cầm một bánh ma túy như cái cục xà phòng, bỏ vào túi áo, phóng xe máy đi vài cây số qua địa bàn xã là có tiền triệu, đem nhiều “bánh” thì có một chục, hai, ba chục triệu đồng, bằng mấy vụ ngô trên núi, nên nhiều người ham”.
Ông Dê không thể quên mùa khô những năm trước khi xóa bỏ cây thuốc phiện: “Cả xã hầu như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện, chủ yếu là người già. Nhiều người đàn ông đến tuổi lao động nhưng suốt ngày say sưa với chén rượu, lấy rượu làm niềm vui. Nếu không có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, và thiếu sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chắc chắn cuộc sống của bà con còn cơ cực và đói nghèo”.
Theo ông Màng, đến thời điểm này, hai xã Hang Kia và Pà Cò đã vận động người dân phá bỏ cây thuốc phiện và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây có giá trị kinh tế cao như cây mơ, mận, đào… Đặc biệt, từ năm 2010 trở về đây, bà con bắt đầu biết làm và phát triển du lịch. Từ năm 2015, ở địa phương có 4 hộ làm homestay đón khách nghỉ qua đêm. Hiện, xã đang đưa ngành du lịch này vào làm kinh tế mũi nhọn tuyên truyền cho nhân dân để phát triển.
“Từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, đời sống của bà con dân tộc Mông, xã Pà Cò đã thay đổi rất nhiều. Du khách đến tham quan và trải nghiệm phong tục tập quán và chiêm ngưỡng cảnh quan ở thung lũng Pà Cò ngày một đông. Khi sự yên bình trở lại cũng là lúc bà con dân bản nơi đây cùng chung tay xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn”, ông Màng nói.
Theo baogiaothong.vn
Ấn tượng với màn xếp hình bản đồ Việt Nam của học sinh nơi miền Tây Nghệ An
Ở trường học này, rất nhiều em có bố mẹ đang phải ở tù, một số thì phải chịu cảnh mồ côi sau cơn lốc ma túy cuốn qua.
Trường PTDTBT THCS Lượng Minh, thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Ngôi trường này là nơi theo học của 316 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú và Ơ đu.
Xã Lượng Minh trước đây được mệnh danh là "thủ phủ" ma túy. Cho đến nay, nhiều em có bố mẹ đang dính vào vòng lao lý, phải sống nương tựa vào ông bà và thầy cô. Cũng có không ít học sinh phải chịu cảnh mồ côi sau "cơn lốc ma túy" cuốn qua. Trước thực trạng đó, những năm qua cùng với dạy kiến thức cho học sinh, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi vừa tạo không khí tươi vui, ấm áp vừa lồng ghép tuyên truyền về tác hại của ma túy, giúp học sinh biết được cách phòng, tránh ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
Thầy và trò nơi đây tựu trường vào ngày 19/8. Trong tuần đầu, ngoài ôn lại kiến thức cho học sinh, nhà trường còn tổ chức rất nhiều hoạt động như: Dạy nhảy 'cha cha cha', nghi thức Đội, múa hát tập thể, các trò chơi xếp hình, trang bị kỹ năng sống...
Tuy chỉ mới một thời gian ngắn tập luyện, nhưng chỉ trong ít giây đồng hồ các em đã xếp được những hình thù khá bắt mắt...
... Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là xếp hình bản đồ Việt Nam. Trò chơi này nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước và hưởng ứng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Những hoạt động ngoài giờ lên lớp không chỉ giúp học sinh phát huy sự sáng tạo mà còn giúp các em gắn kết, yêu thương nhau như một gia đình.
Sự thích thú khi được tham gia các hoạt động này đã thể hiện rõ trong nụ cười và ánh mắt của các em.
Thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trường Trường PTDTBT THCS Lượng Minh cho biết: "Nhà trường thường xuyên chăm lo đến đời sống thể chất cũng như tinh thần cho học sinh, đồng thời luôn trăn trở việc lập thân, lập nghiệp cho các em sau này nên đã liên kết với nhiều trường nghề để đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp.Trong năm học vừa qua đã có 32 em tham gia học nghề".
Đình Tuân
Theo baonghean
Dân sống khỏe nhờ loài cây mà nhà nào cũng dùng tiếp khách Cây chè được đưa về trồng trên cao nguyên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ năm 1997. Đến nay, cây chè đã trở thành thế mạnh phát triển kinh tế mang đến cuộc sống ấm no, giảm nghèo cho người dân đồng bào các dân tộc nơi đây. Với hương vị riêng độc đáo, sản phẩm chè Vân Hồ luôn cuốn hút...