Từ “rồng lạ” ở Hải Phòng, chiêm ngưỡng rồng thế giới
Ở các nước châu Á, trang trí hình rồng luôn nhận được sự chờ đón của người dân vì nó là biểu tượng của quyền lực, may mắn và tốt lành.
“Rồng” ở Hải Phòng khiến người dân rất sửng sốt.
Cách đây ít ngày, người dân ở đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng) vô cùng bất ngờ khi chứng kiến hai con rồng bằng cây xanh bỗng nhiên vàng rực. Theo nhiều người dân, con rồng trông phản cảm và chẳng khác gì “rồng lai pikachu”.
Ngay sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ người dân, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã gửi công văn yêu cầu Sở Xây dựng gỡ bỏ hình rồng vàng mừng năm mới.
Dù rồng là loài vật tưởng tượng và không có trong thực tế nhưng hình ảnh “ rồng Hải Phòng” khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính thẩm mỹ của con vật linh thiêng này. Trên thế giới, rồng gắn với quyền lực tối thượng nên việc trang trí rồng luôn được người dân chú ý nhiều nhất.
Trong quan niệm của phương Đông lẫn phương Tây, rồng tượng trưng cho sinh vật có sức mạnh phi thường. Tuy nhiên rồng châu Á khác so với châu Âu và châu Mỹ. Ở một số nước châu Á, rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, biết bay và ngậm ngọc. Đa số các quốc gia châu Á coi rồng là linh thiêng trong khi châu Âu xem đây là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.
Sau đây là một số hình rồng tạo ra bằng nhiều chất liệu với kích thước và màu sắc rất khác nhau:
Hình ảnh rồng truyền thống ở phố đi bộ trong dịp Tết Nguyên đán 2012 tại Singapore. Sản phẩm này được đúc bằng nhựa và có kiểu dáng rất bắt mắt.
Video đang HOT
Rồng kết bằng đèn lồng tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 2014. Lễ hội đèn lồng thường niên thu hút đông đảo người dân, khách du lịch tới tham quan vì những tác phẩm độc đáo.
Một con rồng làm từ giấy bồi ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Một con rồng màu hồng và vàng nổi bật ở Trung Quốc dịp Năm mới. Hình tượng rồng tại Trung Quốc được tôn sùng như một linh vật biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và sự may mắn.
Tạo hình rồng từ băng tại Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Hiện nay thành phố Cáp Nhĩ Tân đang diễn ra lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới.
Rồng làm bằng hoa thược dược ở Mỹ.
Lễ hội thường niên Bloemencorso Zundert năm 2016 ở Hà Lan xuất hiện một con rồng bằng hoa cực kì hoành tráng.
Một số tượng rồng kết bằng hoa ở Thái Lan năm 2015.
Theo Danviet
Con rồng pikachu ở Hải Phòng và "nguyện vọng nhân dân"
Cũng như con rồng trang trí trên đường phố Hải Phòng mấy ngày qua, nhiều công trình lớn, nhỏ khác trong tờ trình luôn có câu "thể theo nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân", nhưng tôi thử hỏi thực sự có bao nhiêu nhân dân được hỏi, bao nhiêu nhân dân được tham gia ý kiến?
Cận cảnh chú rồng trang trí ở đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Đại
Dân tình đang ồn lên việc thành phố Hải Phòng làm một con rồng trang trí trên phố đón tết nhưng lại... không ra rồng. Có người bảo kết một dãy hoa cúc vàng ngoằn nghoèo như giun có đầu vịt mỏ ngan chân rết đuôi chó mà bảo đấy là rồng thì rất là xúc phạm người ngắm.
Giật mình nhìn lại, thì thấy không chỉ con rồng này, mà không biết tự bao giờ, thứ văn hóa rất lai căng, rất buồng ngủ, rất trêu tức thị giác, và cả thị hiếu thẩm mỹ của con người... cứ luôn được căng ra trên đường phố.
Cắt nguệch ngoạc mấy thứ tròn tròn méo méo rồi lồng điện vào phía trong giăng ngang đường cho mù mịt rối tinh lên rồi bảo đấy là hoa thì rất là phản thẩm mỹ. Nhưng đấy đang là hiện tượng chung của phố phường nước ta, từ thủ đô ngàn năm văn vật đến thành phố được mệnh danh năng động nhất nước, từ thành phố đáng sống Đà Nẵng đến tất cả các đô thị khác. Một thứ hoa rất vô hồn, rất thiếu bản sắc, thô kệch và nhăng nhố, xấu tệ xấu hại... suốt ngày suốt đêm trêu ngươi con người. Nó như một thứ đồng phục thẩm mỹ phố phường lỗi mốt hàng trăm năm khiến tất cả cứ lòe loẹt cả lên, rối mắt và phản cảm.
Cũng như thế là cái cách giăng đèn nhấp nháy xanh đỏ tím vàng lên cây hoa ngày tết. Thôi thì trong từng nhà thì là quyền của người ta, nó phụ thuộc vào ý thích, vào phông văn hóa, vào thị hiếu thẩm mỹ từng người. Nhưng từ đấy rồi... nhân điển hình, mang ra giăng khắp ngoài phố, lên bất cứ cái cây nào trong tầm ngắm thì nó lại khác. Nó buồn cười và quê kệch. Nó làm rối mắt chứ hoàn toàn không có tí ti giá trị thẩm mỹ nào, và ngay cái chức năng ánh sáng thì nó cũng không có nốt, mà nó làm loạn sắc nếu ai lỡ ngắm nó lâu một tí.
Rộng hơn một tí, ta thấy một số tượng đài nước ta hiện nay đang rất có vấn đề. Tượng đài không cứ là phải lừng lững xa cách, mà nó vẫn có thể giản dị hòa vào đời sống. Tượng đài không cứ là phải chỉ một tư thế, mà nó có thể rất đa dạng để con người thấy gần gũi, thân thiện và thấy có mình trong ấy.
Có một thực tế là, phần lớn bây giờ, những công trình cần mang tính thẩm mỹ lại ít được những người có chuyên môn, có khả năng liên quan thẩm mỹ tham gia. Cũng như thế, những công trình, gọi là dành cho nhân dân, nhưng nhân dân chỉ biết khi nó đã hoặc sắp hoàn thành, hoặc khi bị báo chí, dư luận lên tiếng.
Cái công trình nhạc nước gần 200 tỉ đồng ở Hải Phòng vừa được tháo dỡ là một ví dụ như thế. Và mới nhất, "ông" rồng mà chưa/ không phải rồng đã ngự trên phố Hải Phòng rồi, là ví dụ tiếp theo.
Cho dù là chiều 8.1, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã yêu cầu tháo dỡ con rồng buồn cười ấy thì nó cũng đã tồn tại đến mấy ngày trên phố rồi, để minh chứng rằng, rõ ràng, tư duy thẩm mỹ của một bộ phận những người có trách nhiệm làm đẹp cho thành phố có vấn đề. Nếu dư luận không ào lên như thế, thì ai dám chắc nó không tiếp tục trêu ngươi mọi người đến, ít nhất là, sau tết.
Dàn nhạc nước 200 tỷ tại Hải Phòng sau 2 năm đưa vào sử dụng đã bị xóa sổ. Ảnh: Nguyễn Đại
Một mặt, nó phản ánh chuẩn thẩm mỹ của một bộ phận quan chức có trách nhiệm về thẩm mỹ đô thị đang... không bình thường, mặt khác, nó khiến người ta phải nghi ngờ động cơ của những việc làm "thẩm mỹ phục vụ nhân dân" ấy.
Rất nhiều tiền đã phải đổ ra cho việc trang trí đô thị trong mỗi dịp lễ tết, nhưng mấy công trình tồn tại được lâu, mấy công trình được khen, hình như chưa có ai làm việc thống kê này, mà chỉ toàn thấy cứ làm rồi bỏ, hoặc để đấy cho nó trở thành rác đô thị.
Nhiều công trình lớn, trong tờ trình luôn có câu: "thể theo nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân", nhưng thực sự có bao nhiêu nhân dân được hỏi, bao nhiêu nhân dân được tham gia ý kiến?
Chả biết tự bao giờ, văn hóa "trọc phú" nở rộ đến như thế. Ngày xưa đói khổ nhưng có vẻ như những giá trị đích thực vẫn luôn được giữ gìn, chứ không kệch cỡm, lai căng, nhố nhăng đến bằng mọi giá như bây giờ.
Điều mừng mà ai cũng công nhận, dân trí nước ta ngày càng cao. Thế mới lạ!
Theo Danviet