Từ phận phu vàng ngập ngụa thuốc phiện đến nông dân làm giàu
Những cuộc phân tranh, những đâm chém cướp bóc cùng mịt mù khói thuốc phiện dưới các tán rừng thâm u nơi lũng bãi vàng, đôi khi nhớ lại khiến ông rùng mình. Cuộc đời những phu vàng khác nào đám dơi lùng sục trong tối tăm, ngập ngụa tội lỗi cũng vì bốn chữ “khát vọng đổi đời”.
Thật khó hình dung, ngồi trước chúng tôi lúc này là người đàn ông từng coi cuộc đời mình như tấm lá gói bánh, theo gió theo mưa mà trôi dạt đẩu đâu trong kiếp phận phu vàng nơi đèo cao gió cả, nơi hun hút tối tăm của những hang quặng, hang vàng.
Từ Khau Âu, Ma Nu đến Kim Hỷ… những vùng vàng có tiếng một thời của tỉnh Bắc Kạn, đâu đâu cũng in dấu chân ông. Rồi mắc nghiện, bị xa lánh, coi khinh, vật vờ như hồn ma; không ít người mặc nhiên coi ông đã không còn tồn tại. Ông bảo, cũng là do mình cả thôi!
Ông Nông Văn Hữu chia sẻ về những hãi hùng của kiếp phận phu vàng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nông Văn Hữu trú tại tổ 1A phường Đức Xuân, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến giờ tôi vẫn chưa thể tin mình lại có thể đứng dậy sau những vấp ngã có thể nói, để mà gượng dậy nổi phải cần đến những phép màu.
Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào làm vàng rộ lên, đa phần thanh niên 14-15 tuổi ở Bắc Kạn đều lặng lẽ trốn gia đình bỏ nhà lên lũng (bãi vàng). Một số đi vì khát vọng đổi đời, số nhiều đi vì đua đòi nên đâu hình dung được những hãi hùng mà kiếp phận phu vàng phải gánh chịu.
Kẻ may mắn thì có người thân quen làm bưởng, được ưu ái công việc nhẹ, song đa phần bị bóc lột, đánh đập như nô lệ, có người vài tháng không thấy mặt trời, cơm canh cá mắm chẳng có mà chan, toàn thân lở loét là chuyện thường tình, họ chẳng khác đám chuột chù rúc hang không mấy khi được chòi lên mặt đất.
“Rồi cướp hang, thông lò, đụng cửa đều dùng súng, dùng mìn để giải quyết. Đám “cửu” như chúng tôi luôn phải sẵn sàng cho những cuộc đụng độ. Khắp các bãi vàng đều có những nhóm cướp, hang nào “trúng” đều phải củng cố lực lượng, súng ống để phòng bị.
Ngày đó nổi lên những nhóm như Tiến “vụ” ở Thái Nguyên, Khanh Tụng ở Bắc Kạn… Trong đó, dù là bưởng có số má khi nghe tiếng Khanh Tụng (Nguyễn Công Khanh, sau bị Công an Bắc Kạn bắn hạ ở Cầu Phà, thị xã Bắc Kạn nay là TP.Bắc Kạn – PV) đều phải rùng mình. Chỉ cần nghe tiếng AK xối dưới lán là tự khắc biết đong vàng vào chai mà cống nạp”, ông Hữu nhớ lại.
“Người làm theo thì chỉ ăn vài ba báng súng, kẻ chống đối thì chết hoặc mang tật suốt đời. Chúng tôi đã được nghe kể về vụ Khanh Tụng, đại ca băng cướp Ly Hương xử một bưởng vàng chống lệnh bằng cách nhốt vào thùng phuy cho đàn em dùng búa gõ, khi thả ra thì đã thành dở điên, dở dại”, ông Hữu kể.
Cũng thời gian này, tôi lún sâu vào thuốc phiện, gần như 100% phu vàng đều dùng thuốc vì bị cám dỗ, ép buộc để quản lý, sai khiến. Năm 1994, tôi bỏ vàng về đi nghĩa vụ quân sự, 2 năm lính giúp tôi quên được thuốc. Vậy nhưng ra quân một thời gian, tôi bập vào heroin lúc nào không hay…
“Rũ bùn” đứng dậy
Bà Lộc Thị Ly, vợ ông Hữu cho biết, hồi lấy anh ấy, tôi có biết chuyện chồng tôi dùng thuốc nhưng chỉ nghĩ là chơi bời thôi, không ngờ nghiện nặng vậy. Nếu không sát cánh động viên có lẽ… rồi chị buông lửng câu nói, đưa ánh mắt dịu dàng nhìn về phía chồng.
Để “rũ bùn” đứng dậy được đúng là phải có phép màu, với tôi thì đó là vợ và sự trao niềm tin của chính quyền TP.Bắc Kạn, nếu không có hai “phép màu” này chắc tôi cũng đã xanh cỏ, bạn bè chơi bời ngày đó giờ cũng đã chết gần hết cả rồi! Ông Hữu nói.
Video đang HOT
Đẩy chén nước về phía tôi, ông hồ hởi, giờ đàn vịt của chúng tôi mỗi sáng cho hơn 2000 trứng. Thành quả này là nỗ lức của tất cả các thành viên trong HTX Đồng Tâm. Rồi ông bắt đầu câu chuyện về những ngày đầu đứng dậy sau vấp ngã.
Khi mắc nghiện, tôi kiếm tiền chỉ để nuôi cơn, còn vợ quần quật kiếm tiền nuôi con, kinh tế kiệt quệ. Năm 2016, Phòng Kinh tế TP.Bắc Kạn chọn thí điểm mô hình Nuôi vịt theo hướng lấy trứng. Ngày đó nhà tôi cũng đã chăn nuôi nhưng ít lắm, một hai con lợn với hơn 10 con gà đẻ thôi.
Cả TP.Bắc Kạn có 3 hộ được chọn thử nghiệm mô hình, trong đó có gia đình tôi, đêm nằm đắn đo mãi, sợ không làm nổi, lại thêm nhiều mặc cảm tự ti. Được các cán bộ trên Phòng Kinh tế động viên, và được đi tập huấn, tôi mới vững dạ để nhận.
Trừ lúc đi uống methadone, ông Hữu dành hết thời gian còn lại cho đàn vịt hơn 1.500 con của gia đình.
“Họ cấp cho tôi 200 con vịt con cùng thức ăn đủ cho 5 tháng, sau 100 ngày, vịt bắt đầu cho trứng, hồi đó giá trứng cao, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập 18-20 triệu đồng. Vậy là tự tin, vậy là nhân đàn lên hơn 1500 con như hiện nay”, ông Hữu nói.
Ngày đó, cán bộ Phòng Kinh tế TP.Bắc Kạn hằng tuần đều qua theo dõi, kiểm tra, đích thân ông Đinh Quang Tuyên, Chủ tịch UBND TP.Bắc Kạn (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn) cũng đã đến thăm 2 lần rồi động viên thành lập Hợp tác xã (HTX). Tôi thấy còn nhiều tự ti vì mình làm được chưa nhiều. Sau cũng mạnh dạn thành lập.
Việc thành lập HTX giúp chúng tôi thuận lợi khi xin làm đại lý thức ăn gia cầm, không phải mua thức ăn qua trung gian nên cũng tiết kiệm được phần nào chi phí, các thành viên cũng vững tin mà tăng đàn. Tuy nhiên với nhân lực và nguồn lực về đất đai, tôi có thể mở rộng quy mô gấp 5 lần hiện nay, song chưa dám vì đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế.
“Chúng tôi chủ yếu cung cấp trứng cho các trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn TP.Bắc Kạn. Dịp nghỉ hè, đầu ra khá khó khăn nên phải đổ mối ở các chợ. Giá thì bằng trứng vịt dưới xuôi thôi chứ không được cao như trước, hiện nay chúng tôi đang bỏ mối 2500đ/quả”, ông Hữu cho biết.
Với đàn vịt hơn 1.500 con này, mỗi sáng ông Hữu đã có hơn 1.000 quả trứng, tương đương với số tiền hơn 2.500.000đ/ngày.
Chỉ riêng đàn vịt của ông Hữu, mỗi ngày cho hơn 1000 trứng đã cho thu nhập hơn 2500.000đ/ngày. Ông bảo, mình cũng mê chăn nuôi, khi có thành quả nhất định rồi lại càng say. Cũng nhờ có những người cùng sát cánh, nhờ có chính quyền trao niềm tin và có thuốc methadone thay thế nên mới “đứng dậy” được, mình đi uống thuốc thay thế mỗi sáng rồi về lao đầu vào công việc, ông Hữu chia sẻ.
Từ những nỗ lực để “rũ bùn” đứng dậy và sự thành công của mô hình nuôi vịt siêu đẻ lấy trứng, ông Hữu có tiền nuôi con ăn học, cậu con trai Nông Thanh Hải đã tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Thái Nguyên, còn cô con gái út đang học lớp 7.
Không những vậy, năm 2017, ông Nông Văn Hữu còn được UBND Thành phố Bắc Kạn trao Giấy khen Gương điển hình làm kinh tế giỏi. Năm 2018 ông vào danh sách 108 người được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn mời tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Tiễn chúng tôi ra cổng, ông dúi vào tay chục trứng làm quà. Xe nổ máy, ngôi nhà hai tầng rộng rãi khang trang lùi dần phía sau mà tiếng vịt vẫn càng cạc rộn rã như thúc giục, như tỏ bày cùng niềm hân hoan của gia chủ với nỗ lực “rũ bùn” mà đứng dậy sau những vấp ngã cuộc đời .
Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kinh tế TP.Bắc Kạn, mô hình nuôi vịt theo hướng lấy trứng là mô hình trình diễn, chúng tôi đã lựa chọn 3 hộ gia đình, trong đó có hộ ông Nông Văn Hữu để thử nghiệm. Giống vịt được lựa chọn là giống Siêu hoa rất khỏe mạnh, không bệnh tật. Chúng tôi thường xuyên theo dõi, cân kiểm từng tuần; kết nối giới thiệu sản phẩm trứng sạch với các trường học trên địa bàn thành phố khi vịt cho trứng và tuyên truyền nhân rộng mô hình ở nhiều nơi. Việc lựa chọn anh Hữu để giao thử nghiệm mô hình không chỉ bởi anh Hữu là người chăm chỉ, sâu xa hơn chúng tôi trao niềm tin để anh ấy có thêm động lực mà đứng dậy sau những vấp ngã, bà Liễu cho biết thêm.
Theo Danviet
Giám đốc nuôi vịt, bỏ lại cuộc đời hơn 20 năm nghiện ma túy
Đánh mất những năm tháng tuổi trẻ vì ma túy, anh Nông Văn Hữu vẫn kịp tìm về ánh sáng và thay đổi số phận, trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nghề nuôi vit. Đáng mừng hơn, anh còn là chỗ dựa cho nhiều gia đình cùng vượt khó vươn lên, làm giàu chân chính ...
"Bán thân" nơi bãi vàng
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nông Văn Hữu (sinh năm 1973) ở tổ 1A, phường Đức Xuân - ngoại ô TP. Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn). Đó là căn nhà 2 tầng khang trang, nằm giữa trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Khu vườn rộng thả các loại vật nuôi như: gà, vịt đẻ, vịt trời và nhiều cây ăn quả trồng xen kẽ. Cạnh sân nhà, một máy chế biến thức ăn chăn nuôi và hàng trăm bao cám chờ cung cấp cho bà con...
Anh Nông Văn Hữu và sản phẩm trứng vịt sạch
Ít ai nghĩ rằng, chính nơi này chỉ vài năm trước là sự hoang vắng đìu hiu, bởi tài sản trong nhà lần lượt bị chủ nhân mang đi theo tiếng gọi của "nàng tiên nâu". Cũng chẳng ai dám tin, anh Hữu - người có "thâm niên" gần 20 năm nghiện hút, lại có thể quay đầu đứng dậy, gây dựng cơ ngơi như hôm nay.
Rót trà mời khách, anh Hữu trải lòng về chuỗi ngày tăm tối: Những năm 1990, phong trào làm vàng rầm rộ khắp Bắc Kạn. Vừa mới lớn lên, anh đã theo chân đám thanh niên trong bản tới làm thuê tại một bãi vàng ở huyện Na Rì. Ở đây, bị "đồng nghiệp" rủ rê nên từ chỗ chỉ thử cho biết, dần dần chàng trai trẻ mắc nghiện lúc nào không hay.
Nghiện nặng, chẳng còn sức làm việc nên anh Hữu bị cai vàng đuổi đi. Trở về nhà tìm việc làm thuê, tiền kiếm được cũng chẳng đủ cho anh "nướng" vào ma túy. Đồ đạc, tài sản trong nhà lần lượt "đội nón" ra đi. Những vật dụng cuối cùng là chiếc xe đạp chạy chợ của vợ hay cái tivi đen trắng cho con xem cũng chẳng còn...
Tưởng như cuộc đời sẽ mãi chìm trong bóng tối, may mắn bản tính lương thiện vẫn còn trong người Nông Văn Hữu. Tan cơn phê thuốc, giật mình nhớ về gia đình với cha mẹ già, những đứa con thiếu ăn và người vợ đau khổ, anh nhận ra rằng: nếu cứ dính vào ma túy, cuộc sống sẽ chấm dứt bởi xung quanh chỉ là sự khinh rẻ, kỳ thị.
Thế là Hữu quyết tâm tự cai nghiện. Chia sẻ về quãng thời gian này, anh kể: Rất khó thoát khỏi cám dỗ của ma túy nếu không có sự động viên của gia đình, hàng xóm và chính quyền địa phương. Và hơn cả là hình ảnh người vợ tần tảo, vừa chăm chồng, vừa nuôi con đã thôi thúc bản thân quyết tâm cai nghiện.
Sau nhiều tháng chống chọi, anh dần thoát khỏi ám ảnh của những cơn "đói thuốc". Đặc biệt, khi tỉnh triển khai chương trình cai nghiện Methadone, anh được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị, giúp đoạn tuyệt hẳn ma túy và trở lại là người bình thường.
Làm lại cuộc đời bằng nghề... chăn vịt
Hết nghiện ngập, ốm yếu cũng là lúc Nông Văn Hữu tìm đến lao động bởi anh biết, đây chính là con đường duy nhất để dứt hẳn với ma túy. Sau hơn 20 năm "bán mình cho ma quỷ", gần 1 ha vườn là tài sản duy nhất còn lại của gia đình. Với diện tích đất vườn này, anh Hữu muốn trồng cây ăn quả và cùng vợ nối lại việc buôn bán.
Thế nhưng, chẳng ai cho một kẻ nghiện "thâm niên" vay vốn để thực hiện ý tưởng đó. Không đầu hàng số phận, suy nghĩ kỹ hai vợ chồng quyết định nuôi vịt, bởi đây là mô hình cần ít vốn và thu hồi nhanh, lại tận dụng đất vườn rộng rãi.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuậ nuôi vịt nên đàn vịt chậm lớn, tỷ lệ chết nhiều nên anh Hữu gặp rất nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm, anh học hỏi thêm những người đi trước và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, anh cũng tự mình tìm hiểu thêm trên sách báo, ti vi về các mô hình phát triển kinh tế trang trại.
Qua quá trình chăn nuôi vịt, anh Hữu cho rằng con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, toàn bộ vịt giống anh đều mua từ cơ sở cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng chống dịch bệnh. Để vịt khỏe mạnh, đẻ đều, anh cho chúng bơi lội, kiếm ăn trên sông Cầu cạnh nhà. Ngoài thức ăn công nghiệp, anh cho vịt ăn thêm thức ăn xanh, tinh bột như lúa, ngô và bổ sung cua, ốc.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm nuôi vịt của anh Hữu, chuồng trại nuôi vịt phải thoáng mát, rộng rãi và thường xuyên được vệ sinh khử trùng; ngoài ra, phải cách ly khu dân cư để hạn chế dịch bệnh... Nhờ nuôi đúng khoa học kỹ thuật nên vịt của anh Hữu đẻ "sai" và cho chất lượng trứng thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Hàng năm, gia đình anh duy trì tổng đàn khoảng 1.500 con, trong đó có gần 1.000 vịt đẻ, thời điểm cao nhất bình quân mỗi ngày anh thu được hơn 500 quả trứng. Với giá bán trung bình 3.500 đồng/quả , mỗi ngày vợ chồng anh Hữn thu nhập gần 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm 200 con vịt trời, gà thả vườn để phục vụ cuộc sống; trồng 6.000m2 ngô, hơn 1.000m2 lúa để chủ động thêm nguồn thức ăn tự nhiên đàn vịt. Vui hơn cả, vợ anh có vốn mở đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Bằng nghề nuôi vịt đẻ, anh Hữu đã tìm lại cuộc đời và tạo cơ hội làm giàu chân chính cho nhiều hộ gia đình
Lan tỏa hai chữ "đồng tâm"
Thành công với mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh Hữu đã chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình cùng làm theo. Năm 2016, anh đứng ra tập hợp 10 gia đình nuôi vịt đẻ, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm.
HTX đã tạo được mối liên kết sản xuất, giải quyết các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các hộ thành viên như Nông Văn Dực, Nông Văn Luận... cũng đã phát triển đàn vịt đẻ lên 500 con, thu nhập ổn định.
Nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn gốc rõ ràng nên sản phẩm trứng vịt sạch của HTX Đồng Tâm rất đắt khách. Trứng không phải mang bán lẻ ngoài chợ như trước đây mà chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn trường học, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
"Thời gian tới, trứng vịt của chúng tôi sẽ được xây dựng là sản phẩm OCOP của phường Đức Xuân, từ đó HTX sẽ mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường", Giám đốc Nông Văn Hữu cho biết.
Cái tên "Đồng Tâm" là sự nhắc nhở mọi người đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống và lao động, sản xuất. Cũng nhờ đó mà nông dân Nông Văn Hữu đã lấy lại được lòng tin của gia đình và xã hội, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, vượt qua chính mình.
Từng một thời chìm đắm trong nghiện ngập, thấu hiểu được những tủi nhục và sự xa lánh của cộng đồng, anh Hữu nhắn nhủ những người đã, đang mê muội bởi ma tuý cần sớm dừng lại, quay về với gia đình. Nhất là thế hệ trẻ, anh mong sẽ không một ai mắc phải lầm lỗi mình từng trải qua.
Theo Danviet
4 con lợn rừng tấn công khiến 2 người bị thương Những con lợn rừng xổng chuồng lao vào phá phách nhà dân, lực lượng chức năng bắt được 2 con, đang truy tìm 2 con còn lại. Đêm 12.1, bốn con lợn rừng lai F1 nặng khoảng nửa tạ của một hộ dân ở thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) bất ngờ sổng chuồng. Bầy lợn lao ra khu vực có người...