Từ Oscar nghĩ về Cánh diều
Diễn ra cách nhau không đầy 2 tuần lễ, cùng được truyền hình trực tiếp, một là Oscar “xịn”, một được mệnh danh là “Oscar Việt Nam” do có nhiều tương đồng về các nguyên tắc trao giải, dù biết sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng khó mà không nghĩ
Cánh diều là giải thưởng về nghề của Hội Điện ảnh Việt Nam, công chúng không được xen vào. Oscar cũng là giải thưởng về nghề của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, chỉ có các quý hàn lâm mới được quyền bầu xét. Cả hai tương đồng nhau về cơ cấu nhưng khác nhau về đẳng cấp. Mặt khác, một đằng luôn muốn tô bóng mình như một trong những giải thưởng cao quý nhất của vương quốc điện ảnh thế giới, đằng còn lại, bấy lâu nay vẫn cứ tự luẩn quẩn mình trong những mớ bòng bong chưa lối thoát, trì trệ và tự làm hài lòng bản thân.
Hai gương mặt trẻ – Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh diều 2010 nhận cúp vàng từ tay NSND Thế Anh và NSND Như Quỳnh. Ảnh: Lê Hải
Có nhiều người cho rằng, giải của ai thì người đó muốn trao ai thì trao, cứ gì phải xét nét mãi. Một câu lạc bộ, một diễn đàn trên net, một kênh truyền hình… đều có thể tổ chức và trao giải thưởng mang tên mình. Oscar cũng thế. Oscar luôn trao giải mà mình thích bất chấp dư luận và cả những nhà phê bình khó tính nhất. Lịch sử đã chứng minh, không riêng gì Cánh diều, giải Oscar của người Mỹ đã từng trao cho nhiều bộ phim mà phòng vé luôn báo “không đủ người” hoặc không cạnh tranh nổi với những bộ phim chuyên về doanh thu luôn phục kích vào mùa Hè vàng hay Giáng sinh lấp lánh. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Vấn đề của Oscar hàng năm là luôn tạo tiền đề cho tư tưởng điện ảnh Mỹ năm tới. Khi công chúng đã no mắt với Vô gian đạo của Hong Kong, người Mỹ vẫn mua lại bản quyền để quay thành The Departed và trao luôn cho nó giải Oscar bất chấp năm ấy hai chàng đồng tính trong Brokeback Mountain ngỡ rằng mình sẽ phải cầm tượng vàng trong tay.
Cánh diều cũng là giải của riêng Hội Điện ảnh, nhưng cứ mỗi lần giải được trao là nhiều người muốn “đăng đàn” phản đối. Cánh diều năm nay cũng không ngoại lệ. Phim ít mà giải thưởng nhiều như mưa, nhiều đến nỗi để đảm bảo có thể trao hết tất cả các giải trong gần 3 tiếng đồng hồ cho khỏi “lấn sóng” truyền hình, dường như BTC đã phải “quán triệt” rằng không để người được giải phát biểu. Vì thế mới có cảnh nhạc sĩ Quốc Trung lên nhận giải cùng đoàn phim Long Thành cầm giả ca mà lại cầm micro để cảm ơn đoàn phim Cánh đồng bất tận (ngay sau lễ trao giải, Quốc Trung đã viết trên trang Facebook của mình lời cảm ơn tới các đồng sự vì lý do “ban tổ chức không cho nói nên đành nói ở đây”). Không rõ đến bao giờ Cánh diều mới hết bị tâm lý “cả nhà cùng vui” đè nặng lên tiêu chí chấm giải?
Khi Jon Stewart lên sân khấu và bảo rằng có ai đó đã quên chìa khóa máy bay thì John Travolta hớt hả chạy ra lấy vội. Một sự hài hước rất duyên về chàng diễn viên đang sở hữu chiếc Boieng 707. Khi giải Cánh diều được trao, người ta đếm được hàng chục lần từ “vinh dự”, “sung sướng” được ngân lên, mà những từ này khi lên nhận giải ai chẳng có trong mình? Thế rồi ai cũng nói là “hồi hộp” nhưng sự thật là chẳng có ai hồi hộp cả, vì kết quả đã lộ trước lễ trao giải rồi. Chưa kể đọc lộn tên, chưa kể thời gian chết, chưa kể khá nhiều chuyện bi hài trên sân khấu.
Mới đây, khi kể về khoảnh khắc của mình khi nhận giải Oscar cho diễn viên nữ xuất sắc nhất trong phim Monster, cô đào Charlize Theron thổ lộ rằng cô không hề biết mình sẽ đoạt giải, không một dấu hiệu nào cho thấy cô sẽ lên sân khấu ôm tượng dù tên cô có trong đề cử. Theron chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý thua cuộc nhưng vẫn đến dự đêm Oscar như một trong những ngày hội tôn vinh nghiệp diễn. Trong khi Cánh diều, trước ngày khai cuộc đã lộ gần như toàn bộ những tên người đoạt giải.
Video đang HOT
Tất nhiên những nguồn tin được tung ra đều dưới nhãn “dự đoán” nhưng mà đoán như thần: Lưu Trọng Ninh đoạt giải Đạo diễn, Long Thành cầm giả ca sẽ cầm Phim hay nhất… Ở làng nghệ Việt, những tin đồn thường… ít sao cho nên ở đêm Cánh diều chính vì sự lộ kết quả ấy khiến cho đêm trao giải trở thành nhàm chán. Người biết mình đoạt giải thì chuẩn bị sẵn sàng lên sân khấu, người không đoạt thì ở nhà. Người không đoạt nhưng được mời trao giải thì từ chối bởi nhiều lý do. Đâm ra giải thưởng của Hội, tôn vinh người của Hội lại chẳng mấy ai hào hứng.
Cánh diều chưa thể so với Oscar về mức đồ sộ, hoành tráng, chất lượng nhưng những điều cốt yếu nhất của một lễ trao giải, uy tín của một giải thưởng vẫn luôn phải được đảm bảo. Sự hồi hộp, bí mật đến phút chót, chuyên nghiệp, trang trọng… vẫn có thể làm được, làm tốt nếu thực sự ban tổ chức nhìn xa trông rộng. Một giải thưởng điện ảnh được công chúng đón nhận, hồ hởi quan tâm thì ở quốc gia nào cũng muốn. Mà những điều còn thiếu này đâu chỉ phải bởi thiếu kinh phí?
Theo 2Sao
"Năm nay không có phim nào xứng đáng đoạt giải Vàng"
Khi được hỏi về giải Cánh Diều Vàng gây tranh cãi của Long Thành cầm giả ca, đạo diễn - NSƯT Thanh Vân, thành viên BGK đã trả lời: "Thẳng thắn nhìn nhận, năm nay không có phim nào đoạt giải Vàng, tôi đã đề nghị để trống giải Vàng, chỉ trao giải Bạc...".
Lễ trao giải Cánh Diều Vàng (CDV) 2010 đã tẻ nhạt khép lại nhưng dư chấn của các giải thưởng Diều Vàng, Diều Bạc vẫn để lại những tranh cãi mạnh mẽ. Quyết liệt nhất là những ý kiến phản biện trước Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn.
Long Thành cầm giả ca xoay quanh câu chuyện tình của đại thi hào Nguyễn Du và ca nương tên Cầm. Truyện phim được kể theo trình tự thời gian, từ khi Nguyễn Du được triều Nguyễn ân sủng, được làm quan, đến khi thời thế loạn lạc, nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ triều đình... Nguyễn Du đứng giữa những binh biến lịch sử trong sự dày vò, đau khổ, trong đó có những day dứt với mối tình cùng nàng Cầm. Đi qua những thăng trầm, đi qua những biến chuyển của thời đại, Nguyễn Du về già gặp lại nàng Cầm, đại thi hào không còn nhận ra mối tình cũ, một cô gái xinh đẹp nổi tiếng khắp kinh thành nay đã là một bà già cô đơn, nghèo khổ... Nghẹn ngào trước cuộc đời nàng Cầm, nghẹn ngào trước thời thế đổi thay, Nguyễn Du đã cảm tác viết nên bài thơ bất hủ, Long Thành cầm giả ca.
Chiến thắng của Long Thành cầm giả ca đã gây tranh cãi
Dựa vào bài thơ Long Thành cầm giả ca, tác giả Văn Lê đã viết nên một kịch bản phim. Giữa bối cảnh "thiếu và yếu" những kịch bản phim lịch sử, Long Thành cầm giả ca là một kịch bản giàu chất liệu để có thể xây dựng một phim nhựa hay. Tuy nhiên, đạo diễn Đào Bá Sơn đã không thể kể lại câu chuyện về cô gái chơi đàn cầm ở đất Long Thành một cách hấp dẫn, chỉnh chu, dù câu chuyện giàu chất liệu điện ảnh. Phim tuân thủ theo trình tự thời gian, các tình tiết "bị" khai thác dàn trải, không có điểm nhấn khiến nội dung phim trở nên dài dòng, lê thê, gần như... bất tận.
Long Thành cầm giả ca đã không đoạt giải về đạo diễn, không đoạt giải về diễn viên, không đoạt giải quay phim, không đoạt giải âm thanh (nhưng vẫn là bộ phim xuất sắc nhất)... là có lý do. Điểm cộng lớn nhất cho đạo diễn Đào Bá Sơn ở bộ phim nhựa này là ý tưởng đưa văn hóa truyền thống vào những cảnh quay. Phim có một số cảnh quay nhiều cảm xúc. Cảnh Cầm học chơi đàn là một ví dụ. Tuy nhiên, vì thiếu sự kết nối giữa các tình tiết, giữa các cảnh quay, nên phim bị rời rạc. Càng về sau, phim càng đuối, xem càng mệt mỏi... Đạo diễn đã không thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong phim, cũng như không thể làm hay hơn các nhân vật của mình.
Một cảnh trong phim
Diễn xuất nhạt của dàn diễn viên, trong đó có 2 diễn viên chính, Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh càng khiến Long Thành cầm giả ca bị đuối. Quách Ngọc Ngoan đã không đủ sức, không đủ tầm để gánh vác một vai diễn có số phận và có diễn biến tâm lý phức tạp như vai đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì còn quá nhiều hạn chế nên khi Cánh Diều Vàng xướng tên Long Thành cầm giả ca đã gây những tranh cãi.
Giải thưởng của Hội điện ảnh dường như chưa năm nào suôn sẻ, năm nào cũng gây những tranh cãi. Năm nay, CDV cho Long Thành cầm giả ca đã không thể trở thành một ngoại lệ.
Hai nhân vật chính chưa thành công của Long Thành cầm giả ca
Ở cuộc họp báo đầu tiên về lễ trao giải CDV 2010, khi ban tổ chức công bố danh sách 13 thành viên Ban giám khảo chấm phim truyện nhựa, nhiều người đã lấy làm mừng khi thấy trong danh sách ấy những cái tên trẻ như diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (không quá trẻ)... Người ta đã hy vọng những cái tên ấy có thể mang đến những suy nghĩ mới, những cái nhìn mới hơn vào giải thưởng Cánh Diều năm nay. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng khi được hỏi về Cánh Diều Vàng chọn cách trả lời rằng: "Giải thưởng đã trao xong rồi, là việc đã qua rồi, tôi không muốn nhắc lại và không muốn bàn cãi thêm" (!). Đạo diễn trẻ của BGK thể loại phim truyện nhựa chỉ gửi gắm một số ý kiến góp ý với ban tổ chức Cánh Diều rằng: " Giải thưởng nên mở rộng hơn, nên có giải Cánh Diều cho những người làm phục trang, hóa trang, ánh sáng... Đây là giải của hội nghề nghiệp nên tính nghề nghiệp phải được đề cao. Thứ 2, từ năm sau, theo tôi nên loại bớt những bộ phim quá yếu kém về mặt chất lượng ngay từ đầu để BGK đỡ phải xem. Có 5 phim hoặc 3 phim để chọn ra 1 phim tốt nhất cũng được. Đừng để BGK phải xem những bộ phim... nhảm nhí, cho dù, bộ phim nhảm nhí ấy đã được làm một cách nghiêm túc!".
Và cuối cùng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có nói, sau lễ trao giải một ngày, sau khi các đoàn làm phim đã ăn mừng chiến thắng xong, BTC và những người đoạt giải nên có một cuộc họp báo nghiêm túc để tất cả các phóng viên có thể đặt câu hỏi về hệ thống giải thưởng vừa được trao, hỏi đáp một cách thẳng thắn và sòng phẳng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về những tranh cãi quanh giải Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca, đạo diễn- NSƯT Thanh Vân thừa nhận: "Nhìn một cách thẳng thắn, năm nay không có bộ phim nhựa nào xứng đáng đoạt giải Vàng. Chính tôi đã đề nghị, nên để trống giải Vàng, chỉ trao giải Cánh Diều Bạc. Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác, trái ngược tôi. Mọi người cho rằng, nên ủng hộ, nên khuyến khích một bộ phim lịch sử khi điện ảnh Việt đang thiếu thốn đủ thứ. Có 13 thành viên BGK làm việc, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều, nhưng đó chỉ là trao đổi. Sau đó, mỗi người sẽ có những con số riêng chấm điểm cho từng bộ phim. Kết quả cuối cùng là kết quả của những con số".
Theo đạo diễn Thanh Vân, "tìm ra một bộ phim đoạt giải Vàng năm nay là một bài toán khó với BGK", nhưng cuối cùng, BGK vẫn chọn cách "ép bạc thành vàng"...
Hệ thống giải CDV 2010 để lại nhiều thắc mắc khác. Việc trao CDV nam diễn viên chính xuất sắc cho Đình Toàn, trong khi anh tham gia Khát vọng Thăng Long với một vai thứ chính, vai nam chính thuộc về Quách Ngọc Ngoan (vai Lý Công Uẩn), được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giải thích: "Tên phim là Khát vọng Thăng Long, nhưng xem cả bộ phim không thấy khát vọng Thăng Long đâu cả, chỉ thấy khát vọng quyền lực. Nội dung phim chỉ xoay quanh cuộc chiến tranh giành ngôi báu của anh em nhà Lê, không nhắc gì đến khát vọng của nhân vật Lý Công Uẩn, chính vì thế, Lê Long Đĩnh mới là nhân vật chính chứ không phải là Lý Công Uẩn. Trao giải nam chính cho Đình Toàn là chính xác". Trong danh sách nhà sản xuất gửi Cánh đồng bất tận dự thi, nhà sản xuất để tên diễn viên Lan Ngọc tranh giải ở hạng mục nữ diễn viên phụ. Khi xem phim, BGK đã thống nhất chấm Lan Ngọc ở giải nữ chính, bởi cốt truyện của phim được kể lại theo lời kể của Nương (Lan Ngọc).
Theo Dân Trí
Những khoảnh khắc 'hài hước' tại giải Cánh Diều Vàng Ngân Khánh "chiếm diễn đàn", Thanh Thúy bông đùa thiếu tế nhị hay MC Hồng Phúc cất giọng hát "Cảm ơn tình yêu" là những giây phút "đáng nhớ" nhất của Cánh Diều Vàng năm nay. Đến hẹn lại lên, giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh VN năm nay diễn ra vào tối 13/3. Dù có khá nhiều đổi mới song...