Tự ôn thi, nữ sinh nghèo người Ê-đê đỗ đại học
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, em H’ Trưa Ê-ban (buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã nỗ lực vượt khó để biến ước mơ đến giảng đường đại học thành hiện thực. Không có điều kiện đi ôn thi, em tự học và đã thi đỗ ĐH Tây Nguyên.
Học để phục vụ buôn làng
Gia đình có 3 chị em gái, H’ Trưa là út nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên người chị cả của H’ Trưa chỉ học đến lớp 11 rồi nghỉ học, còn người chị kế của nữ sinh người Ê-đê sau khi kết thúc chương trình lớp 12 đã phải nghỉ học để đi làm công nhân ở TPHCM phụ giúp gia đình, chứ không thể tiếp tục nghiệp bút sách.
Về phần H’ Trưa, như thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ và hai chị, em đã cố gắng học hành để thoát nghèo và cuối cùng mơ ước mà em ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực. Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, H’ Trưa đã thi đỗ ngành Giáo dục mầm non – Trường ĐH Tây Nguyên. Điều đặc biệt, là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng H’ Trưa lại gây bất ngờ lớn khi có điểm thi xếp ở vị trí thứ 3 của ngành, với tổng điểm 17,5 ( Năng khiếu 8,75 điểm, Văn 5 điểm và Toán 3,5; nếu nhân đôi điểm năng khiếu là đạt 26 điểm, trong khi điểm chuẩn ngành là 22 điểm).
Em H’ Trưa Ê-ban (buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cùng mẹ.
Điều đáng nói, dù đăng ký thi vào ngành năng khiếu nhưng do gia đình không có điều kiện nên H’ Trưa không hề đến trung tâm năng khiếu để ôn thi mà chủ yếu “tự biên tự diễn” ở nhà.
“Khi bước vào lớp 12, em dành dụm mãi mới mua được 3 cuốn sách để luyện thi là Toán, Văn, và Anh văn. Em chỉ có từng đó sách nâng cao để luyện thi thôi, ngoài ra em không có thêm cuốn nào cả! Hai cuốn sách Toán và Văn thì em dùng để tự luyện thi vào khối M (Toán, Văn và Năng khiếu – PV). Còn môn năng khiếu (múa, hát) thì em không có điều kiện để bồi dưỡng ở trung tâm mà chủ yếu đi hỏi các anh chị lớp trước xem cách thức thi như thế nào rồi bản thân tự mày mò luyện tập”, H’ Trưa chia sẻ về quá trình ôn thi có phần thiếu thốn của mình.
Nói về lý do thi vào ngành mầm non, H’ Trưa không giấu diếm chia sẻ: “Hồi còn đi học mẫu giáo ở trong buôn, em đã có ước mơ được làm cô giáo mầm non như chính cô giáo của mình! Bởi từ lâu em rất thích dạy học cho các em nhỏ, thích được cùng các em nhỏ vẽ viết, ca hát, nhảy múa suốt ngày mà không chán!”.
H’ Trưa rất đam mê múa hát và hát rất hay.
Vốn có năng khiếu múa hát vượt trội đã được bạn bè, thầy cô ở lớp 12A2 Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thừa nhận, H’ Trưa cho biết không có mong muốn gì hơn là sau khi ra trường bản thân muốn đem tài năng, sức lực để phục vụ lại cho bà con đồng bào mình, dạy dỗ cho các em nhỏ trên khắp các bản làng Tây Nguyên.
“Dù gia đình khó khăn nhưng trước mắt em sẽ phụ giúp bố mẹ để được nhập học và hứa sẽ cố gắng học giỏi để ra trường đỡ đần bố mẹ. Mong muốn của em sau này là được dạy học cho các em nhỏ đồng bào mình, phục vụ cho bà con buôn làng”, H’ Trưa nói về dự định tương lai.
Video em H’ Trưa thể hiện thể hiện ca khúc “Đêm xoan Tây Nguyên” mà em ưa thích
Thay mẹ chăm heo
Video đang HOT
Hôm PV Dân trí đến nhà, bố của H’ Trưa vẫn đi làm thuê cho một công trình xây dựng chưa về, chỉ có H’ Trưa và mẹ đang ở nhà. Mẹ của H’ Trưa – bà H’Ngưn Ê-ban (SN 1971) kể, gia đình có 1,5 sào rẫy cà phê, nhưng do mỗi năm thu được một vụ không đủ ăn nên 2 vợ chồng bà phải đi làm mướn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Công việc làm mướn của bà H’Ngưn phần lớn là đi hái cà phê, hái tiêu, cuốc cỏ… cho bà con ở trong vùng theo mùa vụ. Trong khi đó, bố của H’ Trưa là ông Y Tuê Niê (SN 1971) mấy tháng gần đây phải lăn lộn lên TP Buôn Ma Thuột để cắt sắt thép cho các công trình xây dựng.
Công việc thường ngày của H’ Trưa là thay mẹ chăm heo.
“Cha nó đi làm cũng thất thường lắm, mỗi ngày công chỉ hơn 100 nghìn đồng thôi, bữa nay mùa mưa nên công việc không thường xuyên cho lắm, mỗi tuần chỉ làm được 3 đến 4 ngày thôi! Còn tôi cũng vậy. Khi ai kêu thì đi làm, người ta kêu gì thì làm nấy, không có việc thì ở nhà chăm con heo”, mẹ của H’ Trưa tâm sự.
Thương bố mẹ lam lũ vất vả, mọi công việc ở nhà hầu như H’ Trưa đều một mình quán xuyến. Khi em đang trò chuyện với PV Dân trí thì bất ngờ tiếng heo kêu inh ỏi vang lên từ phía sau nhà. Đoán biết heo đang đòi ăn, H’ Trưa vội xin phép rồi chạy một mạch ra sau hè, đến nơi, em xắn áo hì hục múc cám rau cho vào máng rồi đưa vào chuồng cho heo. Được biết, ngoài ruộng rẫy hạn hẹp của gia đình thì công việc nuôi heo cũng chính là nguồn sống chính của gia đình nữ sinh người dân tộc Ê-đê.
Chia tay PV Dân trí, bà H’ Ngưn tâm sự: “Hiện gia đình tôi đang nợ ngân hàng 20 triệu đồng, nhưng năm nay cháu H’ Trưa đỗ đại học làm vợ chồng tôi mừng lắm, hãnh diện với buôn làng lắm! Dù khó khăn nhưng tôi quyết rồi, phải cho con đi học đại học, để sau này nó còn có cái nghề mà nuôi thân”.
Nói về lý do vay nợ, bà H’ Ngưn cho biết: “Lúc trước gia đình tôi có hộ nghèo nhưng mới đây đã bị cắt nên không có hỗ trợ gì cả. Tiền vay ngân hàng đó là vay hộ nghèo để cho H’ Trưa đi học mà bây giờ vợ chồng tôi vẫn chưa thể trả được, đứa chị kế của H’ Trưa làm công nhân ở Sài Gòn gửi về được bao nhiêu thì tôi mang đi mua gạo, còn dư thì tôi mang đi trả tiền lãi cho ngân hàng”.
Trong khi đó, cô Niê Khánh Hà – giáo viên chủ nhiệm của em H’ Trưa cho biết, ở Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng, H’ Trưa là một trong những học sinh của lớp 12A2 hoạt động Đoàn rất tốt. Tuy nhiên gia đình làm rẫy, điều kiện khá khó khăn nên rất cần được tiếp sức đến trường.
Viết Hảo
Theo Dantri
Chàng già làng đa tài
Đinh ninh rằng già làng phải là những cụ lớn tuổi, đạo mạo nên khi gặp Krajan Plin, tôi không khỏi sửng sốt bởi sự phong trần, cuốn hút của ông. Lái ô tô và phóng mô tô vù vù, lướt web ào ào; sáng tác nhiều ca khúc hay; chơi thành thạo các nhạc cụ K'Ho.
Đặc biệt, ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi có thể tạc tượng nhà mồ và dạy tiếng cho chiêng.
Đầu bếp cừ khôi
Trung tuần tháng 8, chúng tôi leo lên đỉnh Lang Biang 2167m - ngọn núi cao nhất nam Tây Nguyên với hình dáng tựa như bộ ngực căng tròn của phụ nữ nên người Lạch gọi là núi mẹ. Gió cao nguyên lồng lộng khiến mọi người lạnh buốt, co ro nhưng ai nấy đều xuýt xoa khi nhìn thấy những đám mây trắng muốt lững lờ trôi trên những ngọn thông xanh ngắt. Dưới thung lũng phía xa xa, TP Đà Lạt ẩn hiện trong sương thật thơ mộng.
Rượu cần ở Lang Biang. Ảnh: HHN
Chúng tôi dựng lều ngủ qua đêm trên đỉnh núi. Dẫu đã đốt đống lửa gần lều và mặc tới 2-3 chiếc áo ấm nhưng người vẫn tê buốt, phải lấy áo mưa quấn quanh chân cho bớt lạnh. Liêng Hót Chuê - chàng trai dẫn đường người Lạch cho biết 120 năm trước, sau những chuyến thám hiểm gian khổ, có lúc suýt làm mồi cho cọp, bị voi giày hoặc tưởng như bỏ mạng vì sơn tặc..., bác sĩ Yersin (người Pháp) đã đặt chân lên ngọn núi này, đề xuất xây dựng khu nghỉ dưỡng cho sĩ quan Pháp tại vùng đất tươi tốt, mát lành dưới chân núi, làm tiền đề cho việc hình thành TP Đà Lạt.
Già làng Plin thổi tù và trong đêm lễ hội
Trên đường xuống núi, chúng tôi đến thăm già làng Krajan Plin ở buôn Đang Ja (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Mới ngoài 50 tuổi nhưng Plin đã có thâm niên 13 năm làm già làng. Già làng đích thân xuống bếp làm bữa tiệc 10 món để đãi khách, nào là cơm lam, chim cu nướng, tiết canh thỏ, rồi đến gà rừng hầm ớt xanh, lươn um măng, cá suối xào với rau ha lang, mắm mật và gan cá srăng... Đoàn chúng tôi có một đầu bếp thuộc hạng đệ tử của Yan trứ danh nhưng vẫn tâm phục khẩu phục với các món là lạ, độc đáo của Plin.
"Tất cả các món ăn này đều được nấu bằng cá suối, thú rừng và rau rừng. Măng tre và lồ ô, sau khi bẻ từ rừng về thì giã ra, bỏ vô chóe rồi rắc muối vào ủ 1 -2 năm mới đem ra nấu, đảm bảo không loại măng nào sánh bằng. Không loại tiết canh nào ngon bằng tiết canh thỏ rừng, tuy nhiên thịt thỏ dễ bị tanh nếu không biết cách làm"- già Plin tiết lộ.
"Các buôn làng quanh núi Lang Biang chỉ còn 3 - 4 thợ săn giỏi, trong đó có con trai mình là Plin đó" - cụ Dagôt Jrôl (85 tuổi) vừa thưởng thức món cút nướng thơm lừng, béo ngậy vừa tự hào khoe. Sau đó cụ vít cong cái cần trúc mời chúng tôi nhấm nháp rượu cần - loại rượu (với men làm bằng cây rừng) ngọt lừ, thơm nồng, dìu dịu nhưng có thể khiến thực khách chếnh choáng, say lúc nào không hay.
Cái chi cũng rành
Hàng chục năm làm y sĩ, thợ điện rồi gia nhập đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, Plin có cơ hội chu du khắp các buôn làng tìm cảm hứng làm thơ, chụp ảnh, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc... Mặt tiền ngôi nhà của Krajan Plin đang treo bức ảnh khỏa thân đẹp đến mê hoặc do chính già chụp: Mười mấy thanh niên dân tộc K'Ho (nhóm Lạch) da đen mun, mắt sáng rực, cơ bắp cuồn cuộn hoàn toàn khỏa thân khiêng những súc gỗ hoặc nhảy múa quanh đống lửa cháy rừng rực mà không hề tạo cảm giác dung tục.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho rằng buôn làng dưới chân núi Lang Biang là nơi nuôi dưỡng nguồn gene của chất giọng nồng nàn cao nguyên: Nóng hổi, say đắm, khát khao như trút cạn hơi trong lồng ngực.
Cho tôi xem cuốn Luật tục K'Ho khổ giấy A4 dày hơn 300 trang ở dạng bản thảo, Plin tâm sự: Mình đã sưu tầm, ghi chép, chắt lọc những điều răn, phép tắc, kinh nghiệm ứng xử của tổ tiên được truyền khẩu bao đời nay để tổng hợp lại thành văn bản cho con cháu học hỏi.
Vất vả mấy chục năm chẳng nề hà gì chỉ mong góp phần ngăn chặn bớt những tác động xấu của dòng chảy văn hóa ngoại lai ngày càng xâm nhập có nguy cơ làm mai một dần những phong tục tập quán tốt đẹp của người K'Ho.
1.000 điều luật được chia thành 50 chương được Plin diễn giải bằng thơ nên rất dễ đọc, dễ nhớ như tinh thần câu nói Miệng của thần linh, lưỡi của các già làng. Xem qua vài ba chương về kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên; khuyên răn con cháu giữ gìn lối sống giản dị, chân thật, không trộm cắp, nợ nần dây dưa... có thể thấy luật tục K'Ho ẩn chứa triết lý sống, tính nhân văn sâu sắc đồng thời cũng hàm ý răn đe, giáo dục.
Tượng gỗ của già Plin
Tại nhà của Plin, chúng tôi còn chiêm ngưỡng nhiều tượng gỗ. Dẫu là những bức tượng đơn sơ với chỉ vài ba nhát cắt hay tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc công phu đều rất sinh động với đầy đủ các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Plin bộc bạch: Trong các tộc người thiểu số ở nam Tây Nguyên, rất ít người thạo nghề tạc tượng gỗ, đặc biệt là tượng nhà mồ. Mình cùng một số anh em họ phải sang tận các tỉnh phía bắc Tây Nguyên như Đăk Lăk, Gia Lai học bí quyết của các nghệ nhân nổi tiếng rồi về dạy lại cho dân làng để nghề này không bị thất truyền.
Tượng không phải vật vô tri vô giác mà có linh hồn, là thông điệp giao tiếp giữa các gia đình, dòng họ, buôn làng, giữa người sống và người chết, giữa con người với thần linh và cả ma quỷ. Do đó, người tạc tượng không chỉ khéo tay mà phải có sự thông tuệ để thổi hồn cho tượng, gởi gắm suy nghĩ, ước vọng của con người vào những lóng gỗ.
Tượng gỗ Tây Nguyên
Khai sinh nhóm nhạc chân trần
"Khi Plin ra đời, trời mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng nên mình chỉ dám cầu xin Yàng (trời) cho con được bình an; không ngờ sau này khi mới 39 tuổi đã trở thành già làng và làm được nhiều việc có ích cho dân làng" - cụ Glé (85 tuổi, mẹ của Plin) tự hào nói và tâm sự: Vợ chồng mình mê nhạc lắm, đêm đêm mình hát dân ca để ru con ngủ, sáng sáng chồng thổi kèn bầu (kơm buốt) gọi mình dậy giã gạo, nấu cơm... Những khi gia đình bất hòa, vợ chồng mình thường dùng điệu chiêng thay lời nói để nhắc nhở nhau sống êm ấm, hòa thuận.
Già làng phải có uy tín trong cộng đồng để điều hành buôn làng theo luật tục; có uy lực và am hiểu phong tục tập quán để hành lễ, giao tiếp với Yàng (trời), thay mặt buôn làng giao tiếp với bên ngoài.
Những điệu kèn, câu hát dần đi vào tiềm thức, thấm đẫm trong tâm hồn nên từ khi còn nhỏ, Plin đã thích ca hát, nhảy múa; từng theo nhóm du ca của nhạc sĩ Trần Tiến.
Plin sáng tác nhiều ca khúc cuốn hút về đại ngàn, trong đó K'Bling (em hãy về), Giữ ấm bếp hồng... đã chinh phục trái tim khán giả qua giọng ca của các họa mi núi rừng như Siu Black, Bonner Trinh, Cil Pơi.
Những năm tháng tuổi trẻ, Plin từng đi biểu diễn ở nhiều tỉnh thành, kể cả nước ngoài; có cơ hội tiếp cận, học hỏi được kinh nghiệm của những bậc tài danh; tuy nhiên lắm lúc lại nông nổi khoe sức, khoe giọng với những bản nhạc tiếng Anh, Pháp, Mỹ... ở chốn xô bồ đặc quánh khói thuốc và men rượu để rồi sau đó cảm thấy trống rỗng, ngao ngán.
Plin quyết định quay về buôn làng lập nhóm nhạc Những người bạn Lang Biang để biểu diễn cồng chiêng cùng những làn điệu dân ca, dân vũ mang âm hưởng núi rừng, đặc biệt những ca khúc đậm chất Tây Nguyên do Nguyễn Cường, Yphôn Ksor, Krajăn Dick... và chính anh sáng tác. Không ngờ đặc sản cồng chiêng, dân ca, dân vũ của các nghệ nhân chân trần (ban ngày vác cuốc lên nương rẫy, đêm xuống đóng khố và đi chân trần biểu diễn văn nghệ) lại ăn khách.Theo gương Plin, hơn 10 nhóm cồng chiêng khác dần hình thành tạo nên bản sắc riêng của buôn làng dưới chân núi Lang Biang, biến nơi này thành điểm du lịch dã ngoại lý thú: Sau khi leo núi ngắm mây giăng, du khách ghé buôn làng thưởng thức heo tộc, rượu cần, cùng hòa nhịp xoang với các sơn nữ xinh đẹp trong tiếng chiêng huyền hoặc.
Buôn ăng Ya chỉ vài trăm nóc nhà nhưng có đến hàng chục nghệ sĩ, ca sĩ thành danh, nổi tiếng, hàng trăm người tham gia biểu diễn trong các nhóm cồng chiêng. Nếu tính số ca sĩ, nghệ sĩ trên tổng số dân, buôn Đăng Ya chắc chắn dẫn đầu cả nước. Không rõ do nguồn nước, khí trời, mạch nguồn văn hóa bất tận, bản tính lãng mạn của người Lạch hay vì tất cả các yếu tố đó cộng lại mà đa số những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đều sở hữu giọng hát với âm vực rộng và âm điệu vang...
(Còn nữa)
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Cuộc sống giản dị của "cậu bé vàng" Cấn Trần Thành Trung Chưa có được góc học tập tươm tất, bao nhiêu năm vẫn sử dụng chiếc máy tính "cổ lỗ sĩ" từ thời tiểu học, nhưng điều đó không gây trở ngại cho việc Thành Trung giành tấm chiếc Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2013. Ngôi nhà của Cấn Trần Thành Trung ở quận Tân Bình (TPHCM) đang xây mới nên một...