Tù oan 10 năm: Hành trình truy tìm chứng cứ
Giữa lúc niềm hy vọng đang lớn dần, vợ ông Chấn đã gục ngã khi đọc bài báo kể tội chồng mình.
Chúng tôi được ngồi nghe ông Thân Ngọc Hoạt kể về những ngày sống trong khốn cùng, cố tìm manh mối để kêu oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án oan 10 năm trước.
Ông Thân Ngọc Hoạt là anh em cọc chèo với ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Hoạt ở cách thôn Me, nơi nhà ông Chấn hơn một cây số. Nhờ niềm tin mãnh liệt của ông Hoạt, gia đình, vợ con ông Chấn đã gắng gượng bước qua chuỗi ngày đau khổ, cùng cực.
Vật vã thu thập chứng cứ
Từ ngày ông Chấn bị bắt đi, bà Chiến (vợ ông Chấn) suy sụp. Ông Hoạt cùng vợ mình phải đứng ra gánh vác, lo toan cho gia đình em. Họ đã bàn tính kế hoạch kêu oan.
Ông Hoạt thú nhận, lúc đầu ông không nghĩ ông Chấn vô tội. Nhưng vì trách nhiệm của gia đình người chị, người anh, ông vẫn phải đứng ra thu xếp.
Ông Hoạt nhớ lại những tháng ngày cơ cực
Lần đầu cùng bà Chiến và con ông Chấn lên trại thăm nuôi, ông Hoạt nhìn ông Chấn nghiêm giọng hỏi: “Em nói thật đi! Em làm chuyện đó đúng không?”.
Ông Chấn bỗng khóc: “Cả anh cũng nghĩ em như vậy sao?”, rồi ông Chấn nói với giọng quả quyết và mong ông Hoạt hãy tin mình. Thấy thái độ của ông Chấn như thế, khi về ông Hoạt suy nghĩ. Rồi càng lúc, ông Hoạt càng tin ông Chấn vô tội.
Ông Hoạt nhớ, trước khi ông Chấn bị bắt, gia đình bà Chiến không đến nỗi khó khăn, vất vả. Nhưng rồi, bà Chiến đã dồn hết tiền bạc, của cải để kêu oan cho chồng. Chẳng mấy chốc, mọi thứ có giá trị trong nhà đều hết sạch. Từ đó, gia đình bà Chiến kiệt quệ. Các con bà không có tiền đóng học nên cũng đành bỏ dở giữa chừng, đi kiếm việc làm. Kiếm được bao nhiêu, họ lại dồn vào lo chi phí đi kêu oan cho bố.
“Đã vậy, ông Chấn còn bị tòa tuyên bồi thường 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Thỉnh thoảng, lại có người đến nói là cơ quan thi hành án đến cưỡng chế. Nhưng nhà bà Chiến đâu còn gì đáng giá. Lúc này chỉ còn vài ba tạ thóc để sống qua ngày.”, ông Hoạt kể.
Ông Hoạt lặng lẽ bàn với bà Chiến hốt thóc đem gửi sang chỗ khác trong đêm.
“Nếu không giấu, ngày mai, mấy đứa con lấy gì mà ăn.” – Ông Hoạt nói.
Ông Hoạt nhẩm tính, mọi bí ẩn của vụ án bắt đầu hé lộ từ cuối 2010. Sau nhiều năm kêu oan trong tuyệt vọng, một hôm, người nhà ông Chấn nghe loáng thoáng câu chuyện người dân trong làng rỉ tai nhau. Người nhà Lý Nguyễn Chung cố giấu nhưng đôi khi, một vài chỗ lại nói những câu như: “Ông Chấn bị oan rồi”, “Người giết cô Hoan không phải là ông Chấn đâu”.
Khi người nhà ông Chấn nói lại, ông Hoạt liền bảo bà Chiến cùng các cháu mua máy ghi âm. Ông dặn: “Từ nay, hễ ai nói câu gì khả nghi thì phải ghi âm lại ngay. Phải nhớ kỹ, hôm đấy người nói là ai, nói câu gì, ở đâu.”
Video đang HOT
Hồi đó, ông Chúc, bà Lành (bố và mẹ kế của Lý Nguyễn Chung) lại có chuyện lục đục trong gia đình. Những lúc nóng giận, không người nọ thì người kia hở mồm, hở miệng.
Khi đã nắm được manh mối, ông Hoạt bàn với gia đình bà Chiến, nhờ một ông bạn trong làng. Ông này là người nghiện rượu, say khướt suốt ngày. Ông Hoạt nhờ ông này mang máy ghi âm rồi đến nhà ông Chúc chơi. Ông Hoạt dạy cách ghi âm và dặn đi dặn lại: “Cứ bật máy ghi âm để trong người. Ông ta nói gì ghi lại hết.”
Chắc mẩm sau cuộc nói chuyện này, mọi sự sẽ đổi khác, nhưng ông Hoạt đã thất vọng tràn trề khi mở chiếc máy ghi âm mà ông bạn đem trả, ông Hoạt nghe mãi không được chữ nào.
Sau nhiều lần đắn đo, ông Hoạt quyết định bảo bà Chiến đến nài nỉ, nhờ ông Nguyễn Văn Khánh (bác ruột bà Lành) giúp đỡ. Ông Khánh đã tường thuật lại toàn bộ câu chuyện. Để chứng cứ chắc chắn hơn, ông Hoạt còn nhờ ông Khánh viết ra giấy nội dung đã nghe được và ký tên. Ông Khánh đồng ý.
Gục ngã trước ngày thắng lợi
Suốt thời gian dài thu thập chứng cứ, ghi âm người nọ, người kia, có cả anh em trong nhà ông Chúc, lúc này, “trinh thám bất đắc dĩ” Thân Ngọc Hoạt đã nắm trong tay toàn bộ nội dung câu chuyện.
Ông Hoạt tổng hợp tất cả chứng cứ rồi hướng dẫn bà Chiến gửi kèm vào đơn đến các cơ quan chức năng.
Ông chấn an ủi động viên vợ sau 10 năm xa cách
Sau nhiều lần gửi đơn thư, hồ sơ đến các cấp chính quyền, kết quả trả lại cho ông Hoạt cũng như chính bà Chiến vẫn là sự thất vọng tràn trề. Gần như không có ai phản hồi. Nếu có thì cũng chỉ xác nhận là đã nhận đơn, rồi không thấy động thái gì nữa.
“Đến lúc đó, cơ quan pháp luật vẫn còn lơ là lắm”. – Ông Hoạt nói.
Giữa năm 2012, bà Hải (một người chị em trong gia đình) đã tìm cách liên hệ và đưa ông Hoạt đến gặp cán bộ ở các cơ quan cấp cao.
“Tôi đã đi theo bà ấy đến rất nhiều cơ quan tại Hà Nội. Cuối cùng, Cục Điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là nơi đã đưa đến cho tôi tia hy vọng.” – Ông Hoạt thở một hơi dài.
Không lâu sau, cơ quan này đã gửi giấy mời gia đình xuống Hà Nội. Khi đó ông bận cưới con gái nên không đi được. Chỉ có bà Hải và bà Chiến xuống trình bày hoàn cảnh. Lúc này bà Chiến đã đổ bệnh, đau yếu lắm rồi. Bà Hải phải dìu đi. Từ đấy, sự việc dần khả quan hơn.
Đến đầu tháng 10 năm nay, giữa lúc niềm hy vọng đang lớn dần, bỗng gia đình nghe người quen thông báo có một bài báo giấy vừa đăng đã kể tội ông Chấn ghê gớm lắm.
Ông Hoạt cùng vợ con ông Chấn vội tìm mua tờ báo về. Cầm báo trên tay, ông Hoạt không tin nổi vào mắt mình. Bao nhiêu công sức kêu oan bấy lâu nay của chính ông và của gia đình người em đã bị vùi sâu xuống đất. Đọc xong bài báo, bà Chiến uất ức quá, gục ngã luôn, phải nhập viện cấp cứu. Rồi bà Chiến yếu hẳn người từ đó.
Ông Hoạt rơm rớm nước mắt nhớ lại: Một ngày gần đây, ông Khoa ở Cục Điều tra của Viện Kiểm sát nghe tin đã lên tận bệnh viện thăm bà Chiến. Thấy thế, ông Khoa cũng bật khóc. Ra về, ông dúi vào tay bà Chiến mấy trăm nghìn đồng và vỗ về: “Cố gắng điều trị cho mau khỏe”.
Rồi đầu tháng này, Viện Kiểm sát cử người đến, thông báo cho ông Hoạt và gia đình bà Chiến lên trại giam Vĩnh Phúc.
Lúc đi, ông Hoạt vẫn chưa hiểu họ gọi mình lên đây để làm gì. Nhưng rồi, gia đình người tù oan như vỡ òa hạnh phúc khi biết được, hôm nay là ngày ông Chấn được trả tự do sau 10 năm cách biệt.
Theo Khampha
'Cơ quan tố tụng hồ đồ'
"Nhân chứng không có, các chứng cứ lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn vô tội nhưng HĐXX không chấp nhận", luật sư Nguyễn Đức Biền trao đổi với VnExpress.
Luật sư Biền.
- Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, theo ông, HĐXX đã căn cứ vào đâu để kết tội?
- Theo cáo trạng, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang tổ chức giao lưu bóng đá, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn bán nước ở sân. Khi tan trận, Chiến (vợ Chấn) bảo chồng đi múc nước. Trên đường đi qua nhà Hoan, nhìn thấy cô từ nhà tắm đi ra, Chấn vào sàm sỡ. Bị Chấn khống chế, Hoan đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu Hoan xuống đất cho đến chết. Toàn bộ vụ án chỉ có vậy.
Theo VKS, Chấn đi múc nước lúc 19h, nửa tiếng sau thì về. Nhưng khi thực nghiệm điều tra chỉ hết có 15 phút, 15 phút còn lại được cho là thời gian gây án.
Quá trình thực nghiệm điều tra cho thấy Chấn thực hiện hành vi giết người rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường các điều tra viên tìm thấy dấu bàn chân hung thủ để lại, ướm bàn chân của Chấn vào thì vừa. Và cuối cùng là Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất trùng khớp.
- Ông đánh giá thế nào về căn cứ buộc tội này?
- Đọc và nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy những chứng cứ trên "lỏng lẻo", hơn nữa nhân chứng không có. Viện kiểm sát cho rằng dấu chân hung thủ để lại hiện trường khớp với dấu chân của Chấn, nhưng kết luận này là hồ đồ vì đó là dấu chân chứ không phải vân chân. Với những người có khổ bàn chân tương đương nhau, khi ướm vào sẽ vẫn vừa.
Còn một tình tiết quan trọng là theo cáo trạng, Chấn khai có dùng con dao trong người để đâm hung thủ, dao bị gãy tại hiện trường, Chấn cầm chuôi về sau đó vứt tại một bãi sắt vụn. Thế nhưng cơ quan điều tra lại không tìm được hung khí đó.
Thời điểm xảy ra vụ án mạng, có người chứng kiến Chấn cho người gọi nhờ điện thoại, bảng kê cuộc gọi do bưu điện cung cấp cũng xác định cuộc gọi lúc hơn 19h. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.
- Và ông đã bảo vệ thân chủ của mình như thế nào trước tòa sơ thẩm?
- Tôi nói rằng thời gian anh Chấn đi múc nước mà các nhân chứng kể lại đều mang tính chất áng chừng, không chắc chắn (khoảng 19h đi, khoảng 19h30 về). Hơn nữa, 15 phút để giết một mạng người là không thuyết phục.
Tình tiết thứ 2 là Chấn miêu tả đồ dùng trong nhà bị hại một cách rất thành thục. Điều này cũng là bình thường vì bị hại là người bán hàng, hơn nữa nhà bị cáo và bị hại lại ở gần nhau. Việc mô tả vị trí đồ vật như giường, tủ... trong nhà không có gì khó.
Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.
Ông Chấn được trở về sau 10 năm bị tuyên án Chung thân.
- Còn tại phiên phúc thẩm?
- Tôi rất trăn trở khi lần đầu gặp nhau, Chấn nói với tôi: "Anh ơi em bị oan". Tôi hỏi "Tại sao oan mà lại nhận tội". Chấn trả lời: "Cán bộ điều tra dạy em khai".
Khi xử phúc thẩm, Viện kiểm soát có đưa ra bức thư Chấn gửi cho vợ, ghi là: "Kính gửi vợ, trong này anh đã nhận hết tội rồi". Họ cho rằng không ai dạy Chấn viết "Kính gửi vợ". Tuy nhiên, quan điểm của tôi là điều này không quan trọng. Nếu bị cáo nhận tội trước đó nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác thì cũng không có giá trị. Tại phiên xử hôm đó, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm bị cáo vô tội.
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả công việc của công an, viện kiểm sát, tòa án trong vụ án này?
- Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã không quan tâm đánh giá chứng cứ buộc tội một cách khách quan. Lẽ ra phải lấy lời khai của bị cáo và đối chiếu với hiện trường, song theo như Chấn nói "điều tra viên đã dạy khai". Như vậy, cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng, áp đặt ý chủ quan của mình vào vụ án, làm mất đi tính khách quan.
- 10 năm qua, ông hỗ trợ gì gia đình ông Chấn kêu oan?
- Sau khi vụ án kết thúc, vì một số lý do, tháng 10/2004 tôi không làm luật sư nữa mà chuyển sang làm công chức nhà nước. Ông Hoạt là anh em đồng hao với Chấn thi thoảng đến gặp tôi để nhờ tư vấn. Tôi vẫn động viên gia đình tiếp tục kêu oan, kiên trì gửi đơn thư đến các cấp, nhất định sẽ được giải quyết. Tôi có niềm tin rằng đến một ngày nào đó Chấn sẽ được minh oan.
- Cảm xúc của ông như thế nào khi ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án trở về nhà?
- Hôm qua, khi đang đi trên đường thì có người gọi điện thông báo với tôi Chấn đã được thả. Tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng thì niềm tin "chân lý là lẽ phải, sự thật là khách quan" của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạt cũng gọi điện cho tôi nói Chấn muốn gặp để cảm ơn. Sáng nay, Chấn đi thắp hương cho bố và chúng tôi sẽ gặp nhau trong nay mai.
Khi bào chữa cho Chấn, tôi 40 tuổi với khoảng 8 năm tuổi nghề. Đó cũng là vụ án đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm luật sư của tôi. Tôi tự hào là ngay từ ban đầu, tôi đã chứng minh bị cáo không phạm tội. Trước đó, trong vụ án Lê Văn Bảy tôi cũng tranh luận buộc tội của Viện kiểm soát là thiếu căn cứ, và sau 180 ngày tạm giam bị cáo đã được thả. Chấn thì mất nhiều thời gian hơn, tới tận 10 năm mới được tự do.
Diễn biến vụ án Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án Giết người Ngày 30/8/2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội Giết người. Ngày 3/12/2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giét người, án tù chung thân Ngày 26-27/7/2004, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có dơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản Ngày 29/10/2013, VKSND Tối cao dã khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này. Cuối tháng 10, bố của Chung là Lý Văn Chúc bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về
Theo VNE