Từ nỗi lo nhiễm chéo đến ‘buồng đặt nội khí quản’
Buồng đặt nội khí quản “made in khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy” ra đời, được đưa vào sử dụng hai tuần nay.
Buồng đặt nội khí quản – Ảnh: BS Trương Dương Tiển
“Các thủ thuật tạo ra giọt bắn nhiều nhất là thủ thuật đặt đường thở (nội khí quản), hút đàm, chăm sóc răng miệng. Trong đó, việc đặt đường thở có nguy cơ lây nhiễm rất cao” – bác sĩ Trương Dương Tiển, trưởng khoa hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết.
Từng có 2 bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương bị lây COVID-19 khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân, hiểu rõ sự nguy hiểm của giọt bắn từ bệnh nhân, bác sĩ Trương Dương Tiển cùng với đồng nghiệp của mình đã mày mò sáng tạo ra buồng đặt nội khí quản nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm giữa người bệnh với nhân viên y tế.
Buồng đặt nội khí quản “made in khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy” đã ra đời, được đưa vào sử dụng hai tuần nay.
Hạn chế được sự lây lan bệnh
Buồng đặt nội khí quản của nhóm bác sĩ Tiển được làm bằng khung thép không gỉ, kích thước 70×70x50cm, trọng lượng khoảng 2,5kg.
Thay vì sử dụng các tấm nhựa mica ghép vào nhau như ở nhiều nơi vẫn sử dụng, ở đây “cách tân” bằng việc tận dụng bao nilông trong suốt có sẵn trong bệnh viện bao trùm lên khung sắt tạo thành buồng đặt nội khí quản.
Khi thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân, nhân viên y tế chỉ cần tạo hai lỗ nhỏ trên buồng đặt nội khí quản để thực hiện các thao tác kỹ thuật một cách linh hoạt và an toàn. Giọt bắn từ bệnh nhân (nếu có) bị lớp nilông chắn lại, không thể bắn vào mặt nhân viên y tế, dễ lây bệnh.
Theo BS Tiển, ưu điểm của buồng đặt nội khí quản là sau khi sử dụng có thể gỡ bỏ bao nilông dễ dàng, khung thép có thể khử khuẩn và tái sử dụng nhiều lần. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
“Buồng đặt nội khí quản này không chỉ ứng dụng trong chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 mà còn có thể hạn chế sự lây lan của cả vi khuẩn, vi nấm, virus từ bệnh nhân sang cho nhân viên y tế trong quá trình thực hiện các thủ thuật” – bác sĩ Tiển nói.
Hàng loạt “sáng kiến” mùa COVID-19
Những “sáng kiến” tưởng chừng đơn giản như miếng nhựa dẻo để đỡ bị đau tai vì đeo khẩu trang suốt ngày… đã giúp những bác sĩ đang tham gia chống dịch bớt đi những gian nan, khi dịch bệnh đẩy họ lên “tuyến đầu”.
Hôm 9-4, 100 miếng nhựa dẻo (silicon) đầu tiên với 2 thiết kế hình xương cá ngược dành cho nam và hình trái tim dành cho nữ, dùng để giữ quai đeo khẩu trang thay vì đeo vào tai y bác sĩ, đã được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai và Viện Huyết học – truyền máu trung ương.
“Tác giả” thiết kế lô dụng cụ trợ giúp độc đáo này là bác sĩ Vũ Quang Hưng, Viện Huyết học – truyền máu trung ương.
Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Chúng tôi xem trên mạng thấy những miếng cố định khẩu trang tương tự, tôi nghĩ tại sao mình không làm để đồng nghiệp đỡ bị đau tai? Mùa dịch có những người phải đeo khẩu trang 24/24h, ngoại trừ lúc tắm và ăn uống. Nhiều người đau nhức tai, có khi bị tụ máu, hằn sâu tại các vị trí dây chằng, vì khẩu trang N95 phòng dịch cần áp rất sát vào mặt và rất dễ bị hằn”.
Vì vậy khi tính toán thanh đeo khẩu trang, nhóm của bác sĩ Hưng đặt các mục tiêu là cần đeo chặt vào đầu y bác sĩ và có kích cỡ phù hợp với nhiều cỡ đầu, rồi tính thêm khả năng thanh đeo khẩu trang giúp “ làm đẹp” cho các y bác sĩ nữ.
HOÀNG LỘC – LAN ANH
Bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương tiết lộ bệnh nhân Covid-19 thường có thêm những "tín hiệu" khác biệt với bệnh cúm thông thường như thế này
Cúm thông thường và Covid-19 có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Xong Ths.BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền cho biết điểm phân biệt giữa 2 loại bệnh này đó là Covid-19 thường chỉ ho, ho khan, ho dai dẳng và sốt chứ không hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi như bệnh cúm.
Khi dịch Covid-19 ngày một lan rộng, nhiều người cảm thấy lo lắng mỗi khi ho, sốt bởi dấu hiệu bệnh của cảm cúm thông thường và Covid-19 đều tương tự như nhau. Mới đây, Ths.BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã chỉ ra cách phân biệt giữa 2 căn bệnh này.
Video: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo bác sĩ, cúm là bệnh thông thường, nhiều người mắc hàng năm, do các loại virus cúm gây ra. Bệnh cúm hiện đã có vắc xin phòng, cũng như thuốc đặc trị. Để phòng bệnh, người già và trẻ em nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.
Khi mắc cúm, người bệnh sẽ có triệu chứng: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như đau ngực, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi
Trong khi đó, Covid-19 là bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. Trước đây người ta hay nhầm virus này với virus cúm, tuy nhiên hai loại virus này hoàn toàn khác nhau. Theo bác sĩ Huyền, một người mắc Covid-19 cũng sẽ có những triệu chứng tương tự gần giống như bệnh cúm thông thường.
Covid-19 là bệnh do chủng mới của virus corona gây ra
Triệu chứng của bệnh Covid-19 gồm: Sốt, ho, đau mỏi người. Có các tổn thương viêm long đường hô hấp. Cũng có thể có các tổn thương của viêm phổi. Khi bệnh nhân chuyển biến nặng có thể xuất hiện các triệu chứng gồm ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.
Tuy nhiên, một số điểm chúng ta dễ dàng phân biệt giữa cúm thông thường và Covid-19 được bác sĩ Huyền chỉ ra là:
- Người mắc bệnh cúm thông thường hay có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Nhưng với Covid-19, thông thường người bệnh chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng và sốt.
- Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 phải có yếu tố dịch tễ, thông thường là phải tiếp xúc với người bị nhiễm, nghi nhiễm và về từ vùng dịch. Hiện tại bệnh Covid-19 lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, tất cả những người đi từ nước ngoài về, đi qua các vùng sân bay đều là những người có nguy cơ mắc.
"Số ca mắc ở Hà Nội cũng bắt đầu có dấu hiệu bệnh tăng dần. Vì thế, Hà Nội hay những nơi tụ tập đông người thì cũng là nơi mà bạn có nguy cơ mắc Covid-19", Bác sĩ Huyền cho hay.
Để có thể phân biệt giữa 2 bệnh này thực sự rất khó nếu không phải là bác sĩ. Vì thế, bác sĩ Huyền khuyên nếu bất cứ ai có những triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì hãy đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, dùng vật dụng cá nhân riêng và gọi điện cho đường dây nóng của Bộ y tế và làm theo hướng dẫn.
Tính đến chiều tối ngày 9/4, Việt Nam đã ghi nhận 255 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 128 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
ĐỖ ĐỖ
Chăm sóc răng miệng ở người cao tuổi Khi về già, tuổi cao sức yếu, con người ta càng dễ mắc nhiều bệnh nhất là những bệnh liên quan đến răng miệng. Những bệnh về răng miệng còn có tác động xấu gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của các bộ phận khác trên cơ thể từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Tổn...