Từ Nhật Bản về nước, lao động vẫn dễ có lương nghìn đô
Hơn 90.000 lao động Việt Nam đang tham gia thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Lao động về nước nếu có chuyên môn có thể nhận lương từ 1.000 -1.500USD/tháng… Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng”, tổ chức cuối tuần qua.
“Rộng cửa” sang Nhật
Ông Umeda Kunio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2016, số lượng thực tập sinh kỹ thuật (TTSKT) Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000 người, nâng tổng số lao động này tại Nhật lên tới 90.000 người. Nhờ vậy, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu (soán ngôi Trung Quốc) là quốc gia đưa nhiều lao động nhất sang Nhật.
Từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực thi Luật Kiểm soát nhập cư và người tị nạn. Luật này có những điều khoản nới rộng theo hướng tích cực nhằm tiếp nhận nhiều hơn nữa các TTSKT. Cụ thể tăng thời gian lưu trú tối đa của tu nghiệp sinh lên 5 năm, thay vì 3 năm như trước. Mở rộng liên kết để làm thực tập sinh kỹ năng ở nhiều lĩnh vực. Thứ ba là mở rộng khả năng cho doanh nghiệp Nhật tiếp nhận TTSKT. Trước đây quy định mỗi doanh nghiệp Nhật chỉ được tiếp nhận không quá 3 lao động nước ngoài, thì giờ có thể tăng gấp đôi. Ngoài ra, những TTSKT có kết quả học tập và làm việc tốt còn được các doanh nghiệp tiếp nhận của Nhật hỗ trợ một số tiền lớn khởi nghiệp. Số tiền tối thiểu là 130 triệu đồng, tối đa là nửa tỷ đồng, tùy thuộc vào năng lực của từng lao động.
Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản. ảnh: tư liệu
Tại hội nghị này, TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố một báo cáo tóm tắt của viện về Chương trình TTSKT Việt Nam tại Nhật. Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi lao động đi TTSKT tại Nhật Bản phải chi một khoản tiền khá lớn khoảng 5.300USD (khoảng 130 triệu đồng). Do không có tiền nên phần đông lao động phải đi vay, nhiều người phải vay tới 4.700USD để đi Nhật làm TTSKT.
“So với quy định của Bộ LĐTBXH về mức trần tiền phí lao động đi xuất khẩu lao động là 3.600USD thì mức này cao hơn nhiều” – ông Thành phân tích.
Trong suốt 3 năm làm việc tại Nhật, tổng thu nhập của một lao động có thể đạt 44.500USD, trừ các tri phí thì họ có thể tiết kiệm được 24.000 -28.000USD (500-600 triệu đồng).
Video đang HOT
Lãng phí nguồn lực
Chi phí đi TTSKT tại cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu chất lượng lao động, dịch vụ lao động tốt… thì phí dịch vụ sẽ giảm. Nếu lao động không tốt, lao động bỏ trước hạn… khiến doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn lao động thay thế, chi phí dịch vụ cũng sẽ tăng lên. Vì thế doanh nghiệp phải tăng thu từ người lao động để bù đắp”.
Ông Nguyễn Lương Trào
Thông tin từ VEPR cho thấy, mỗi năm có hơn 1.000 TTSKT Việt Nam từ Nhật Bản trở về nước. Tuy nhiên có tới 61% lao động trở về nước và làm những công việc không liên quan tới công việc của họ đã từng học và làm tại Nhật Bản trước đó. Chỉ có 28% lao động trả lời qua khảo sát là có làm những công việc có liên quan với công việc trước đó.
“Có thể lý giải điều này qua hai vấn đề. Một là các lao động về nước không tìm kiếm được những cơ hội việc làm trong các ngành mà họ có kỹ năng, mặt khác cũng có thể khi về nước họ có vốn, tự mở cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ không có liên quan tới lĩnh vực trước đó” – TS Nguyễn Đức Thành lý giải.
Ông Tokunaga – đại diện doanh nghiệp Meitoku – Plant của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực bảo trì bảo dưỡng thi công thiết kế khoá cửa, cho biết: “Từ năm 2015, công ty đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Lúc đầu việc tuyển dụng lao động của công ty tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bởi phần đông lao động là TTSKT khi về nước đều mong muốn có công việc làm ở những thành phố lớn, với thu nhập cao, trong khi công ty của chúng tôi lại ở Hà Nam” – ông Tokunaga nói.
Sau nhiều lần sàng lọc, công ty đã tuyển chọn được 2 lao động làm việc với vị trí quản đốc phân xưởng, quản lý kỹ thuật. Họ được trả mức lương 1.200 -1.400 USD/tháng (25-30 triệu/tháng).
Về phía người lao động, anh Trần Thanh Sơn (sinh năm 1991, quê Đông Anh, Hà Nội) – đang làm việc tại công ty ở Hải Phong cho biết, sau 3 năm học và làm việc Nhật Bản, Sơn đã về nước và được chính công ty phái cử tiếp nhận làm việc với mức lương hơn 1.000USD (khoảng 22 triệu đồng).
Ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) cho rằng chúng ta đang thiếu các giải pháp kết nối và hỗ trợ việc làm cho lao động sau khi về nước. Điều này khiến cho Việt Nam đang bị lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Vamas đang khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ tuyển dụng hoặc tìm kiếm việc làm cho các TTSKT sau khi họ về nước.
Đáng chú ý, theo ông Trào, tháng 6 tới Vamassẽ đưa vào sử dụng Cổng thông tin Kết nối Việc làm Thực tập sinh để có thể kết nối giữa TTSKT về nước với các doanh nghiệp trong nước giải quyết việc làm. /.
Theo Danviet
Lao động nước ngoài phải đóng BHXH: Cần có chính sách linh hoạt
Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Dự kiến từ 1.1.2018, đối tượng này phải đóng BHXH bắt buộc.
Quyền lợi như lao động trong nước
Theo Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), dự thảo nghị định áp dụng với đối tượng là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên; có giấy phép lao động, hay chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Người lao động nước ngoài nêu trên phải tham gia 5 chế độ BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, gồm: Ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Đặc biệt, người lao động nước ngoài cũng được hưởng chế độ BHXH một lần.
Hơn 82.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. (Ảnh chụp một công dân Anh đang dạy tiếng Anh cho học sinh ở Hà Nội. Ảnnh: Minh Nguyệt
Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH hiện có hơn 82.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chủ yếu là lao động kỹ thuật, chuyên gia, hưởng mức lương cao. Cũng như lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia khác phải đóng BHXH thì quy định lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng là điều cần thiết, thể hiện sự công bằng về mặt chính sách". Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, việc làm
Dự thảo nghị định cũng quy định mức đóng BHXH bắt buộc hàng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Dự thảo nghị định cũng quy định: Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, dự thảo sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 12.6.2017.
Lo tăng các chi phí đầu vào
Anh Lee Chang Min (quốc tịch Hàn Quốc) - chuyên gia kỹ thuật của Công ty TNHH Hanaro TNS Việt Nam đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện anh đã tham gia đóng BHXH tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có quy định về đóng BHXH thì anh sẽ chấp hành.
"Tuy nhiên, tôi không hiểu rõ lắm về các quy định pháp luật của Việt Nam. Từ trước đến nay, những khoản bảo hiểm, hay giấy tờ, hồ sơ... liên quan tới thủ tục tại Việt Nam đều do công ty đứng ra bảo lãnh và làm hết" - anh Lee Chang Min nói.
Ông Trịnh Quốc Cường - nguyên Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Yamaha Việt Nam cho rằng, người lao động có thể không cảm thấy phiền phức bởi họ không phải trực tiếp làm thủ tục mà được công ty lo hết. Nhưng cùng lúc phải đóng BHXH ở hai nước có thể khiến cho thu nhập của họ bị giảm đi. Với những công ty sử dụng nhiều lao động nước ngoài thì đây quả thực là khó khăn bởi điều này làm tăng các chi phí đầu vào.
"Không nên quy định lao động nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc mà chỉ nên để tự nguyện. Nếu bắt buộc phải đóng BHXH thì nên có sự tách biệt rõ ràng thành hai loại lao động cụ thể: Lao động kỹ thuật làm việc lâu dài và lao động chỉ làm việc trong một thời gian ngắn từ 1 - 6 tháng. Đồng thời cũng cần quy định rõ chế độ, quyền lợi mà họ được hưởng sau này để tránh sự phản ứng trái chiều" - ông Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, việc làm lại cho rằng đây là một chính sách tốt. "Xu hướng hiện nay ở tất cả các quốc gia trên thế giới lao động nước ngoài vào làm việc đều phải tham gia BHXH. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì không nên yêu cầu lao động đóng BHXH quá nhiều. Phải tạo điều kiện để họ được tham gia BHXH linh hoạt, đảm bảo quyền lợi cho lao động dù họ làm việc ở bất kể đâu" - bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, nếu có sự hợp tác giữa các quốc gia để lao động được tham gia BHXH cùng một hệ thống thì sẽ thuận lợi cho lao động. Kiểu như lao động Việt Nam đang tham gia BHXH ở trong nước khi sang Đức làm sẽ tiếp tục đóng BHXH ở Đức và dừng đóng ở Việt Nam. Khi về nước họ lại tiếp tục được chuyển BHXH về nước để đóng tiếp.
Theo Bộ LĐTBXH, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do một số yếu tố như Hiệp định thương mại tự do, hội nhập khu vực, phát triển kinh tế và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, việc bổ sung quy định đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết.
Theo Danviet
Nỗi lo mất việc vì... cách mạng 4.0 Cả nước có tới 54 triệu lao động, nhưng có tới gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay. Nếu không có sự chuẩn bị nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề, nhiều khả năng sẽ bị robot thay thế trong cách mạng về công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) tới đây. Công nhân dễ mất việc...