Tự nhận ‘vô văn hóa giao thông’: Chuyện thường ở Sài Gòn?
Thực trạng báo động này đang diễn ra tại tuyến quốc lộ 1A đoạn qua P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TP.HCM khiến nhiều người bức xúc.
Có mặt tại tuyến quốc lộ 1A, từ đoạn giao với đường Tân Kỳ, Tân Quý đến khu vực Trạm thu phí An Sương – An Lạc vào gần giờ tan tầm, chúng tôi đã ghi lại được hình ảnh của hàng ngàn người dân thành phố chạy xe máy, xe ba gác lưu thông ngược chiều, bất chấp hiểm nguy rình rập.
Mặc dù đây là hành vi vi phạm, xem thường luật giao thông đường bộ, song dường như không ai nhận ra mình là người “thiếu văn hóa”. Họ biện minh rằng chạy ngược chiều chỉ để rút ngắn thời gian và quãng đường di chuyển.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực giao lộ quốc lộ 1A – Tân Kỳ Tân Quý có lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn; tuy nhiên tình hình giao thông khá hỗn loạn, nhất là tại đoạn dừng chờ đèn tín hiệu giao thông bên phía P. Bình Hưng Hòa B, theo hướng di chuyển từ An Sương đi Vòng xoay An Lạc (cách trạm thu phí An Sương An Lạc khoảng 400 mét).
Khi một chiếc xe máy chạy ngược chiều luồn lách giữa đường cũng là lúc tất cả những phương tiện đang đi đúng luật phải chao đảo, giảm tốc độ để né tránh. Chỉ cần một chút bất cẩn sẽ xảy ra va quẹt giao thông tại khu vực này.
Khi được hỏi, một số người giải thích do nhà gần khu vực P. Bình Hưng Hòa B, cách giao lộ chưa đầy 500 mét nên việc di chuyển đúng luật về phía giao lộ quốc lộ 1A- Lê Trọng Tấn (cách giao lộ quốc lộ 1A- Tân Kỳ Tân Quý) và quay trở lại phải mất gần 4 km sẽ rất bất tiện. Để rút ngắn khoảng cách di chuyển, nhiều người đã chọn cách chạy ngược chiều, dẫu biết là vi phạm giao thông.
Một người dân ngụ gần quốc lộ 1A cho biết, tình trạng lưu thông ngược chiều đã xảy ra từ nhiều năm nay. Vào khung giờ cao điểm, tình trạng này gây ùn tắc nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ từ trạm thu phí An Sương – An Lạc đến ngã ba giao lộ quốc lộ 1A – Tân Kỳ Tân Quý.
Không ít vụ va chạm giao thông, gây mất trật tự an ninh giữa phương tiện chạy ngược chiều và phương tiện chạy đúng luật đã xảy ra. Mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng CSGT, họ thông báo nhau né tránh, còn khi CSGT rời chốt thì đâu lại vào đó.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương, lực lượng chức năng sớm có biện pháp mạnh tay đối với tình trạng chạy xe ngược chiều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người này.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Người dân chạy ngược chiều thành hàng trên QL1A
Video đang HOT
Người dân dàn hàng di chuyển ngược chiều
Nhiều người phải thắng gấp xe, né tránh chiếc xe ba bánh đang băng ngang đường, di chuyển ngược chiều
Hai người đàn ông liều lĩnh chạy xe máy ngược chiều vào làn đường ô tô
Không đội mũ bảo hiểm còn lái xe ba bánh chạy ngược chiều
Liều lĩnh chạy ngược chiều vào cả làn đường dành cho ô tô
Không chỉ có xe máy mà xe ba bánh, xe ba gác, xe lam cũng tham gia chạy ngược chiều để rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển.
Xe đạp cũng chạy ngược chiều
Nhiều phụ huynh vẫn bất chấp vi phạm luật giao thông để chở con nhỏ chạy ngược chiều
Cả những người ăn mặc sang trọng, đi xe xịn cũng chạy ngược chiều
Tuy nhiên không ai tự nhận là vô văn hóa vì cho rằng chạy ngược chiều là để… tiết kiệm
Theo Kienthuc
TP HCM không thể đóng cửa hết các điểm giữ trẻ không phép
Hàng loạt vụ bạo hành, làm chết trẻ mầm non ở các điểm giữ trẻ không phép đã xảy ra trong thời gian gần đây, song các cơ quan quản lý của TP HCM cho rằng không thể đóng cửa hết các cơ sở này.
Bình Tân là một trong những quận được xem là có dân cư đông nhất thành phố, trong đó 50% là dân nhập cư, lượng công nhân đang ở độ tuổi sinh con lớn. Vì thế, hàng trăm nhóm trẻ gia đình không phép mọc lên để đáp ứng nhu cầu giữ trẻ.
Ông Phạm Văn Mười - Phó chủ tịch quận Bình Tân cho biết, quận có 12 trường mầm non công lập, số trường này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Nhiều phường như Bình Trị Đông A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B hiện chưa có trường. Trong khi đó toàn quận có tới 215 nhóm lớp và nhóm trẻ gia đình không phép đang trông giữ tới 6.122 trẻ, bảo mẫu hoạt động chưa qua đào tạo là 367 người. Trong số các nhóm trẻ không phép, co nhom giư tơi 122 em, nhiều nhóm khác thì có cơ sở quá nhỏ hẹp, không có giấy chủ quyền nhà, thiếu giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng...
Số trường mầm non công lập và trường mầm non có phép không thể đáp ứng đủ nhu cầu giữ trẻ hiện nay. Ảnh: Nguyễn Loan
Ngoài ra còn có rất nhiều trường mầm non ngoài công lập và các điểm giữ trẻ có phép nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ cho trẻ khi hơn 10.000 em phải qua học nhờ những quận lân cận hoặc được người nhà trông giữ.
"Quận đang tiếp tục cho xây nhiều trường mầm non tư thục nhưng với lượng dân nhập cư ngày càng đông như hiện nay tốc độ xây trường không thể theo kịp. Dù biết có rất nhiều điểm giữ trẻ không phép nhưng chúng tôi không thể giải tán đồng loạt các điểm này được, giải tán xong con em công nhân biết gửi ở đâu", ông Mười trăn trở.
Tương tự, quận Thủ Đức cũng cho rằng không thể đóng cửa các điểm mầm non không phép khi chưa có đủ chỗ cho trẻ như hiện nay. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thọ Truyền, quận chỉ có 17 trường mầm non công lập và chỉ đảm trách được 11,2% trẻ. Những em còn lại phải học ở 307 nhóm lớp và điểm giữ trẻ không phép, tập trung nhiều nhất ở phường Bình Chiểu và phường Linh Trung. Nhóm này giữ hơn 1.000 bé trong khi hầu hết bảo mẫu ở đây chưa hề được đào tạo và không có kiến thức về giữ trẻ.
Trong khi đó nhiều nhóm trẻ gia đình vẫn tiếp tục "tuyển" trẻ vào chăm sóc. Ảnh:Nguyễn Loan
Thủ Đức cũng là một trong những quận đứng đầu về dân số của thành phố, thành phần dân cư chủ yếu là dân nhập cư. Đây là quận tập trung rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nên lượng công nhân đông đảo. "Không thể đóng cửa các điểm mầm non không phép mà thay vào đó chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nuôi dạy trẻ cho các điểm giữ trẻ này", ông Truyền nói.
Cùng quan điểm, Sở giáo dục TP HCM cũng cho rằng không thể đột ngột đóng hết cửa tất cả điểm mầm non không phép vì hiện nay số trường công lập và trường mầm non có phép không đáp ứng đủ nhu cầu giữ trẻ của người dân. Nhất là khi các trường công lập, tư thục hiện nay chưa nhận trẻ 6-12 tháng tuổi theo quy định. Sở giáo dục TP HCM đã có kiến nghị với UBND TP HCM cho các trường mầm non nhận nuôi dạy trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Đầu tiên sẽ thí điểm ở 8 cơ sở mầm non ở các quận có dân cư đông như quận Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh...
"Thay vì đóng cửa cần phải hướng dẫn các điểm giữ trẻ không phép đăng ký, tập huấn thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ. Chứ giờ đóng hết, thì không trường lớp nào chứa hết được số trẻ ở đây", ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở giáo dục TP HCM khẳng định.
Theo thống kê, hiện nay trên toàn thành phố có hơn 1.000 trường mầm non tư thục và điểm giữ trẻ không phép, trong đó trên 84% không đạt tiêu chuẩn để hoạt động. Trước đó, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em vàlàm chết trẻ ở các điểm giữa trẻ mầm non không phép, nhất là vụ bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Phương Anh hành hạ các em nhỏ dã man đã làm dư luận phẫn nộ. Trước tình hình này UBND TP HCM có chỉ thị yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn thành phố phối hợp với các Phòng giáo dục tiến hành kiểm tra và đóng cửa các trường mầm non, điểm giữ trẻ không phép để tránh tình trạng bạo hành trẻ mầm non.
Nguyễn Loan
Theo VNE
Hàng triệu người dân miền Tây rời TPHCM bằng xe gắn máy, quốc lộ kẹt cứng Trưa 26/1, hàng triệu người dân các tỉnh miền Tây đang sống và làm việc tại TPHCM cùng rời thành phố về quê đón Tết bằng xe gắn máy, khiến cửa ngõ phía Tây kẹt cứng. Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên quốc lộ 1A đoạn từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) đến cầu vượt quốc lộ 1A -...