Từ nhận thức tới hành động đánh bắt bền vững
Tại vùng Sừng châu Phi, một trong những ngư trường giàu có và sinh lợi nhất thế giới, dọc theo bờ biển dài 3.300 km, ước tính ngư dân Somalia có thể đánh bắt được khoảng 200.000 tấn cá mỗi năm nếu đạt được tiềm năng bền vững.
Thế nhưng, năm 2022, họ chỉ đánh bắt được khoảng 6.000 tấn cá, bằng một nửa so với 13.000 tấn mà các tàu nước ngoài đánh bắt, thậm chí con số được báo cáo này có thể còn thấp hơn thực tế đáng kể.
Các thuyền đánh bắt cá tại Somalia. Ảnh: ICRC
Sở hữu bờ biển dài nhất lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng tới 838.058 km2, Somalia vốn có tiềm năng lớn trong đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nền kinh tế, song vùng biển với hệ sinh thái đại dương màu mỡ của nước này cũng là nơi các đội tàu đánh cá nước ngoài bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định kéo đến, gây thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Các sự cố, xung đột giữa ngư dân địa phương và ngư dân nước ngoài cũng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ( IUU) không chỉ là vấn đề riêng của Somalia mà còn là mối đe dọa toàn cầu. Đánh bắt IUU xảy ra ở khắp nơi, từ Biển Đông cho đến ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi, ở phía Đông Ấn Độ Dương, khắp châu Đại Dương và xung quanh Nam cực. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cứ 5 con cá đánh bắt trên thế giới thì có 1 con đến từ đánh bắt IUU. Hoạt động này gây thất thoát từ 11 – 26 triệu tấn cá mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế từ 10 – 23 tỷ USD.
Khai thác IUU không chỉ làm suy yếu các nỗ lực cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo tồn và quản lý trữ lượng cá, cản trở tiến trình đạt được các mục tiêu bền vững dài hạn, mà còn gây tổn hại cho những ngư dân có trách nhiệm, trung thực và hoạt động phù hợp với các điều khoản trong giấy phép đánh cá. Hoạt động này còn đe dọa đa dạng sinh học biển, khi 30% trữ lượng cá toàn cầu hiện đang bị đánh bắt vượt quá mức bền vững về mặt sinh học (theo số liệu của Liên hợp quốc – LHQ), từ đó sẽ đe dọa sinh kế trong tương lai của ngư dân.
Ngư dân đánh bắt cá ở ngoài khơi thành phố Gaza, Dải Gaza. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Nhằm nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của khai thác IUU với việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sản, cũng như tập trung các nỗ lực nhằm chống lại hoạt động này, từ năm 2018, LHQ đã chọn ngày 5/6 hằng năm là Ngày Quốc tế chống khai thác IUU. Đúng 2 năm trước đó, vào ngày 5/6/2016, Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy, hải sản IUU, do FAO thông qua, đã chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định mang tính ràng buộc, là công cụ pháp lý đầu tiên dành riêng cho cuộc chiến chống đánh bắt cá IUU, quy định các biện pháp tối thiểu của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt cá IUU.
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn khai thác IUU. Là quốc gia dẫn đầu thế giới về thuỷ sản bền vững, Mỹ đã sớm tham gia vào các nỗ lực quốc tế chống khai thác IUU thông qua hệ thống pháp lý, các chương trình hoạt động, các biện pháp giảm thiểu hoạt động khai thác, hay kinh doanh sản phẩm khai thác IUU gây tổn hại đến môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Đạo luật Magnuson-Stevens về Bảo tồn và Quản lý Ngư nghiệp (MSA), đạo luật chống khai thác IUU năm 2015, hay đạo luật bảo vệ động vật biển có vú, Chương trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu… là những đạo luật nghiêm ngặt mà Mỹ sử dụng để chống đánh bắt IUU. Bên cạnh đó, Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển để tăng cường quản lý nghề cá.
Na Uy được xem là quốc gia châu Âu chống đánh bắt IUU tích cực nhất, với lập trường cứng rắn về loại bỏ sản lượng không mong muốn. Quốc gia Bắc Âu thường xuyên triển khai các chiến dịch truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức về tác hại của hoạt động khai thác IUU, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hải sản khai thác bền vững.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ đánh bắt IUU cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Indonesia đã thực hiện nhiều cải cách và đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chống IUU và được FAO nhận định là đi đúng hướng, khi triển khai giám sát 24/7 các hoạt động trên vùng biển nước này, đầu tư áp dụng công nghệ, như hệ thống nhận diện tự động (AIS) hay hệ thống giám sát tàu cá (VMS), cũng như hành động kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, cải thiện quản lý nghề cá và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thuyền đánh cá của ngư dân tại cảng Saint-Jean de Luz thuộc Vịnh Biscay, bờ biển phía Tây của Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU”, các nhà chức trách đặt mục tiêu có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản “từ biển tới bàn ăn” thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nâng cao mới. Theo Cục Thủy sản Thái Lan, có 8 yếu tố dẫn đến thành công của nước này trong việc đấu tranh với đánh bắt IUU, bao gồm: ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động và chủ động hợp tác quốc tế.
Xác định phát triển nghề cá bền vững là căn cốt để giải quyết vấn đề khai thác IUU, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, các đề án phát triển trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Xây dựng khung pháp lý toàn diện về quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác IUU theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, kết nối với các lực lượng thực thi pháp luật; trên 97,65% tàu cá hoạt động ngoài khơi (chiều dài từ 15m trở lên) được lắp thiết bị giám sát hành trình; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi… là những kết quả nổi bật.
Nhìn chung, việc nâng cao nhận thức thông qua giáo dục và tuyên truyền, ban hành các quy định và đạo luật nghiêm minh xử lý các hành vi vi phạm, tham gia hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các biện pháp khai thác bền vững… là những biện pháp hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nghề khai thác hải sản. Đặc biệt, các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng góp vai trò quan trọng trong chống đánh bắt cá IUU. Tổ chức Global Fishing Watch hiện đang sử dụng hình ảnh vệ tinh và AI để lập bản đồ toàn cầu về chuyển động của hơn 65.000 tàu đánh cá thương mại, cả những tàu có và không có AIS. Ngoài ra, thiết bị không người lái hoặc tàu mặt nước không người lái có thể được triển khai từ tàu… cũng hỗ trợ cho nhiệm vụ giám sát tầm xa.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là khai thác bền vững và chấm dứt đánh bắt IUU, đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như những hành động phối hợp toàn cầu. Thế giới cần tiếp tục cùng nhau chống lại khai thác IUU để bảo vệ môi trường biển nhạy cảm và sự bền vững về lương thực, bảo tồn sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như ngăn chặn thiệt hại không thể khắc phục đối với các nền kinh tế ven biển, góp phần tạo dựng nên một tương lai bền vững.
Dịch bệnh bùng phát ở vùng Sừng châu Phi sau các đợt mưa lũ nghiêm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong báo cáo công bố ngày 30/5, Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) khu vực Đông Phi cho biết vùng Sừng châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh tăng sau những trận mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng gần đây.
Ngập lụt sau mưa lớn tại Nairobi, Kenya ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
IGAD nêu rõ đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh tả, sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, sốt vàng da, bại liệt và bệnh than. Tất cả đều có liên quan trực tiếp với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt tại khu vực trên.
IGAD cho biết thêm Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Uganda đang ứng phó với các đợt bùng phát dịch tả nghiêm trọng hơn do lũ lụt gần đây. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 28/4, Ethiopia ghi nhận 14.632 ca mắc bệnh và 114 ca tử vong tại 90 khu vực thuộc 11 vùng.
Qua theo dõi, IGAD nhận thấy số ca mắc sốt rét tại 7 quốc gia vùng Sừng châu Phi gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda đang ngày một tăng.
Tương tự, các đợt bùng phát bệnh sởi đang diễn ra trên khắp khu vực. Tính đến cuối tháng 4, Ethiopia ghi nhận 20.580 ca mắc và 162 ca tử vong, trong khi Somalia ghi nhận 360 ca nghi tử vong cũng do căn bệnh này. 4 quốc gia khác, trong đó có Kenya, lại đang phải ứng phó với dịch sốt xuất huyết, còn dịch sốt vàng da đang hoành hành ở Nam Sudan.
Theo IGAD và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 74,9 triệu người trong khu vực đang thiếu lương thực nghiêm trọng sau lũ lụt và rất cần viện trợ nhân đạo.
*Tại Brazil, nhà chức trách lo ngại nguy cơ bùng phát các bệnh lây truyền qua đường nước tại bang Rio Grande do Sul khi người dân trở về và dọn dẹp nhà cửa bị ngập lụt sau các trận mưa lũ lịch sử.
Theo cơ quan y tế địa phương, lũ lụt đã tạo điều kiện cho xoắn khuẩn leptospira phát triển mạnh, kéo theo nguy cơ lớn bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính Leptospirosis.
Người đứng đầu Trung tâm giám sát y tế bang, bà Roberta Vanacor, cho biết 141 trường hợp đã được xác nhận mắc bệnh trong số 2.300 trường hợp nghi mắc, trong khi đã có 7 người tử vong. Giới chức y tế đang tiến hành xác minh nguyên nhân tử vong ở 10 trường hợp khác.
Để đáp ứng nhu cầu lớn về chăm sóc y tế, 4 bệnh viện dã chiến đã được thiết lập tại bang Rio Grande do Sul. Cùng với đó, các nhóm cứu hộ lưu động đã hỗ trợ cho hàng nghìn người.
Mưa lớn bắt đầu trút xuống vào cuối tháng 4 khiến mực nước tại nhiều sông, hồ ở bang Rio Grande do Sul dâng lên mức kỷ lục, gây lũ lụt, khiến hơn 580.000 người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 169 người thiệt mạng.
Đắm tàu chở người di cư, ít nhất 38 người tử vong Ngày 9/4, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết ít nhất 38 người di cư, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ đắm tàu ở ngoài khơi bờ biển Djibouti. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết ít nhất 38 người di cư, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng. Ảnh: AFP Ít nhất...