Từ người tật nguyền trở thành thầy dạy hip hop
Bị khuyết tật hai chân, lên lầu thang cao phải nhờ người cõng… nhưng với ý chí và niềm đam mê cháy bỏng, Trung đã vượt qua tất cả để thành thầy dạy hip hop cực đỉnh.
Chuyện lạ miền Tây phải ghi tên thêm Nguyễn Thành Trung, “dị nhân” trong làng hip hop Việt Nam. Trung bị khuyết tật hai chân nhưng lại nhảy cực hay bằng đôi tay ma thuật. Không những thế, anh còn nhận học sinh dạy …nhảy!
Với niềm đam mê của mình, Trung đã vượt qua tất cả
Tháng 3/2008, Nguyễn Thành Trung (32 tuổi, ở P.Lê Bình, Q.Cái Răng, Cần Thơ) mở lớp học nhảy hip hop khóa đầu tiên. Nhiều phụ huynh đưa con em mình tới Trung tâm Văn hóa – thể thao TP Cần Thơ tham gia học, nhưng thấy thầy dạy nhảy là thanh niên bị khuyết tật hai chân nên ai cũng nghĩ đưa “lộn chỗ”. Nhiều phụ huynh càng nghi ngờ hơn khi họ nhìn thấy Trung lên xuống xe máy phải có người dìu, lên lầu thang cao phải nhờ người cõng, thầy mà đi đứng không được thì dạy thế nào đây. Hiểu ý, Trung liền chứng minh bằng cách múa trên đôi tay với những vũ điệu cuồng nhiệt khiến các em nhỏ ồ lên, phụ huynh trầm trồ…
Cứ thế lớp học đã được 7 khóa, mỗi khóa gồm 14 học viên đủ mỗi lứa tuổi và tất đều là học sinh. Vì thầy dạy đặc biệt nên lớp học cũng khác thường. Trung nói: “hip hop là điệu nhảy rèn luyện thân thể khỏe khoắn, tập cho người ta có phản xạ nhanh rất có ích. Nhiều người nghĩ hip hop là môn nhảy điên rồ, người nào say mê là dân quậy, phá phách. Nghĩ như thế là tội cho hip hop lắm. Không phải tôi dạy hip hop rồi bênh vực, thật ra môn học nào tốt hay xấu cũng do cái tâm của người mà thôi”.
Nguyễn Thành Trung có nét mặt thánh thiện nhưng đôi chân que quặt lúc chào đời. Giã từ lớp học ở tuổi 15, Trung lên ghe phụ cha đi đóng đáy. Rồi những hôm ba bận việc, Trung bò bằng tay lên xuống bến sông một mình. Ba Trung chuyển nghề lên bờ mở quán cóc ven đường bán cà phê mưu sinh. Trung lại đi làm bạn đáy với mấy thanh niên trong xóm.
Cách đây hơn ba năm, một lần tình cờ xem truyền hình thấy diễn viên Hàn Quốc nhảy hip hop, Trung lóe lên suy nghĩ: “Mình có thể học theo và lập nhóm đi biểu diễn, vừa rèn luyện sức khỏe vừa giúp các bạn trẻ có sân chơi”. Nói là làm, Trung lùng mua băng đĩa biểu diễn hip hop và vào Internet “nghiên cứu” cách nhảy để về nhà học tập theo.
Người ta biểu diễn hip hop và làm nhiều động tác nhờ có đôi chân, còn với Trung thì tay cũng là chân mà chân cũng là tay. Hồi đầu Trung thường trốn ra sân cát phía sau nhà để tập, mình mẩy vẫn đầy thương tích. Thế nhưng, được một thời gian thì bị cha mẹ phát hiện, cấm không cho tập. Không từ bỏ lòng đam mê, anh luôn tìm cách thuyết phục và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu của cha mẹ. Mấy bạn cùng trang lứa trong xóm thấy Trung nhảy hip hop bằng tay đâm mê và nhờ dạy, rồi thành lập nhóm.
Trung hiện là chủ nhiệm CLB hip hop Sao Phương Nam
Mấy năm trước phong trào hip hop đã rộ lên ở Cần Thơ nhưng hầu hết tự phát. Thấy nhóm của Trung có nhiều động tác nhảy đẹp, đoàn kết và ứng xử rất văn hóa nên Trung tâm Văn hóa – thể thao TP Cần Thơ đã hỗ trợ để tháng 11/2006 câu lạc bộ hip hop đầu tiên của thành phố ra đời mang tên “Sao Phương Nam” gồm 10 thành viên và Nguyễn Thành Trung, người khuyết tật duy nhất trong nhóm, được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm.
Nhiều người xem Trung biểu diễn các động tác đẹp như trồng chuối xếp bằng, lật đồng tiền, xoắn đầu… cứ tưởng Trung là người bình thường. Đến khi dứt nhạc, anh chống đôi tay đi khỏi sàn diễn, mọi người mới ồ lên kinh ngạc. Đáng nể hơn khi biết Trung đã cùng bạn diễn giành huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa – thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2007 tại Huế.
Ngay từ ngày thành lập đến nay, CLB của Trung dần chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ, được mời đi huấn luyện kỹ thuật nhảy cho hàng trăm bạn trẻ tại các quận, huyện. Phong trào chơi hip hop ở Cần Thơ dần đi vào định hướng. Và trong vai trò thủ lĩnh hip hop, Trung đã hướng các thành viên CLB đến với các hoạt động phục vụ cộng đồng như: biểu diễn gây quĩ học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ người nghèo, tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông… CLB được mời đi biểu diễn, giao lưu tại các tụ điểm du lịch, sinh hoạt văn hóa ở TP HCM, các tỉnh ĐBSCL và qua tận nước bạn Campuchia.
Trong sinh hoạt hằng ngày Trung đi bằng đôi tay. Còn trong cuộc sống, người bạn trẻ ấy đang đến với mọi người bằng cả trái tim đồng cảm và chia sẻ!
Hoài Giang – Đông Nhi
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những bức tranh thơm ngon
Chúng trông không khác gì những bức tranh sơn dầu bình thường, nhưng toàn bộ tranh và khung đều được làm bằng chocolate.
Để vận chuyển những bức tranh này, các nhân viên phải dùng găng tay và không được để chúng gần nơi có nhiệt độ cao. Ảnh: Oddity.
Nữ họa sĩ Jean Zaun, 57 tuổi, có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa ngay từ khi cô còn học đại học. Nhưng do điều kiện gia đình, cô phải tiếp quản công việc của cửa hàng chocolate do mẹ để lại ở bang Pensylvania, Mỹ. Suốt 22 năm làm chủ tiệm chocolate, Jean đã nghĩ ra ý tưởng dùng chocolate để vẽ tranh.
Cô sử dụng các loại chocolate trắng, đen, nâu, đường và màu thực phẩm để vẽ lại các bức tranh nổi tiếng như Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci, tự họa của Van Gogh, Tiếng thét của Edvard Munch... Thông thường, Jean mất khoảng năm ngày để vẽ xong một bức tranh và đóng khung cũng bằng chocolate cho nó. Mỗi bức tranh của cô có giá 1.440 USD và cô sẵn sàng bán chúng cho các nhà sưu tập tư nhân cũng như các viện bảo tàng khắp nước Mỹ.
"Những bức tranh của tôi dù được làm từ các loại chocolate phổ biến nhưng chúng thực sự là tác phẩm nghệ thuật. Tuy việc bảo quản các tác phẩm này khó khăn hơn do phải thường xuyên để chúng trong nhiệt độ lạnh, nhưng mọi người chỉ nên thưởng thức nó bằng mắt", họa sĩ Jean chia sẻ.
Những tác phẩm ngọt ngào và không kém phần đẹp mắt của Jean Zaun, ảnh trên Oddity:
Linh Phạm
Theo ngôi sao
'Cô giáo' dạy Yoga trẻ nhất thế giới Dù mới 6 tuổi nhưng "thầy" Yoga này vẫn được các học sinh tôn sùng. Tờ Daily Mail có bài giới thiệu về cô bé tài năng, người Ấn Độ, tên là Shruti Pandey. Mới 6 tuổi nhưng Pandey đã trở thành thầy dạy yoga trẻ nhất thế giới. Hàng ngày, khoảng tầm 5h 30' sáng, cô bé có một buổi dạy các...