Từ miễn nhiễm với COVID-19, các đảo quốc Thái Bình Dương chìm trong ’sóng thần’ Omicron
Từng “sạch bóng” COVID-19 suốt gần 2 năm, một số quốc đảo Thái Bình Dương hiện phải chật vật với số ca mắc bùng nổ do biến thể Omicron gây ra.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một phụ nữ ở Tuanaimato, Apia, Samoa. Ảnh: Getty Images
Theo trang The Guardian (Anh), xuyên thủng hệ thống phòng dịch từng rất thành công kể từ đầu đại dịch, virus SARS-CoV-2 đã tràn vào các quốc đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, gieo rắc nỗi hoang mang và sợ hãi cho người dân.
Những quốc đảo Kiribati, Samoa, Palau và Solomon đều đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh mới suốt 3 tuần qua. Bằng những chiến lược khác nhau, giới chức đã đưa ra các biện pháp phòng dịch riêng, một số nơi đã áp đặt lệnh phong toả, trong khi các quốc gia khác coi tiêm chủng là “tấm khiên” bảo vệ tốt nhất, Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa xôi và hệ thống y tế mỏng manh, người dân địa phương đang lo lắng những biện pháp đối phó với dịch bệnh này khó có thể ngăn chặn virus.
COVID-19 bất ngờ tấn công Kiribati
COVID-19 đã lan đến Kiribati từ 2 tuần trước, khi 2/3 trong số 54 hành khách trên máy bay từ Fiji, chuyến bay quốc tế đầu tiên đến quốc đảo này sau 10 tháng, được chẩn đoán nhiễm virus. Kể từ đó, dịch bệnh đã lan rộng ra khắp nơi. Tính đến ngày 28/1, Kiribati ghi nhận tổng cộng 201 ca mắc. Virus đã lây lan từ Tarawa đến Butaritari, một hòn đảo biệt lập cách thủ đô 186 km về phía bắc. Các trường hợp mắc bệnh tại Butaritari bắt nguồn từ du khách trên một con tàu từ Tarawa, nhưng không được xét nghiệm cho đến khi họ đã ở trong cộng đồng vài ngày.
Cảnh sát chặn lối vào của ngôi làng sau khi nhân viên bảo vệ có kết quả dương tính với virus SARS-Cov-2. Ảnh: Rimon Rimon
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, chính phủ đã áp đặt lệnh phong toả hoàn toàn, người dân chỉ được phép rời khỏi nhà nếu có nhu cầu thiết yếu.
Khi các ca nhiễm tăng vọt, người dân Kiribati lo sợ virus đã lây lan khắp các hòn đảo nhanh hơn mức xét nghiệm. Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Tabutoa Eria, bác sĩ làm việc ở tuyến đầu, cho biết việc các nhóm y tế không còn được cử đi xét nghiệm trong cộng đồng dường như cho thấy rằng nguồn lực quan trọng đang cạn kiệt.
Video đang HOT
COVID-19 đe doạ hệ thống y tế mong manh ở Palau
Tòa nhà Palau’s Capital ở Melekeok. Ảnh: AP
Palau đã phát hiện ca COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 10/1. Chỉ hơn 2 tuần sau, Bộ Y tế đã ghi nhận gần 800 ca mắc ở quốc gia chỉ có 18.000 dân này.
Bất chấp sự gia tăng theo cấp số nhân và lời kêu gọi của giới chức vào tuần trước, chính phủ đã loại trừ việc phong toả và đóng cửa biên giới, đặt niềm tin vào tỷ lệ tiêm chủng cao của đất nước với 96% dân số đủ điều kiện (những người từ 5 tuổi trở lên) đã tiêm vaccine. Ngoài ra, giới chức cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron ít có khả năng dẫn đến nhập viện. Thay vào đó, Palau đã đóng cửa các trường học, khuyến khích đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Thượng nghị sĩ, bác sĩ Stevenson Kuartei cho biết số ca COVID-19 tăng mạnh đang gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã mỏng manh của Palau. Nhiều bệnh viện sắp hết chỗ cách ly và thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng.
Với tốc độ lây nhiễm cao của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Gaafar Uherbelau dự kiến số ca mắc bệnh sẽ tăng mạnh trong những tuần tới. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang theo dõi các ca bệnh và nếu số người cần nhập viện gia tăng, chúng tôi sẽ xem xét siết chặt các chiến lược kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng mạnh mẽ hơn”.
Quần đảo Solomon: Từ 0 đến 100 ca nhiễm chỉ trong 12 giờ
Honiara, Quần đảo Solomon. Ảnh: Alamy
Quần đảo Solomon đã ghi nhận ca mắc đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 19/1. Chỉ 12 giờ sau, cả nước đã ghi nhận trên 100 ca nhiễm. Trong vòng 2 ngày, 50 y tá tại bệnh viện lớn nhất của đất nước đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Mannaseh Sogavare cho biết: “Giờ đây, chúng ta cần cùng nhau kiểm soát làn sóng dịch bệnh này”. Solomon đang phải hứng chịu đợt phong toả đầu tiên. Vào đầu tuần này, quốc đảo đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 khi các ca mắc tăng lên gần 700 người.
Nhưng với chỉ 59 giường bệnh tại trung tâm cách ly quốc gia ở Honiara và thiếu kinh phí, người dân lo ngại hệ thống y tế của nước này khó có thể đối phó với dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng của Solomon cũng thấp, với dân số khoảng 700.000 người, giới chức mới chỉ phân phối 264.085 liều vaccine tính đến ngày 13/1.
Samoa chìm trong cơn hoảng loạn COVID-19
Một ngôi nhà ở Apia, Samoa, buộc tấm vải đỏ trên cây thông báo hộ gia đình chưa được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Getty Images
Ở một đất nước đã mất đi 20% dân số trong đại dịch cúm năm 1918 và đợt dịch sởi 3 năm trước đã cướp đi mạng sống của 83 trẻ sơ sinh và trẻ em, sự xuất hiện của COVID-19 đã gây ra sự hoang mang trong dân chúng.
Các ca mắc đã tăng đều từ khi 10 hành khách đến Samoa trên chuyến bay từ Australia có kết quả dương tính với COVID-19 vào ngày 19/1. Sau đó, 12 hành khách khác và 5 y tá chăm sóc họ cũng đã mắc bệnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 27 trường hợp tính đến ngày 28/1.
Hôm 22/1, Thủ tướng Fiame Naomi Mata’afa, đã tuyên bố áp đặt lệnh phong toả 48 giờ và sau đó đã gia hạn biện pháp này. Lệnh phong toả yêu cầu đóng cửa biên giới, ngừng hoạt động đi lại giữa các đảo và giao thông nội bộ. Trong động thái chưa từng có tiền lệ, Samoa cũng yêu cầu 250 nhân viên tuyến đầu, những người đã tiếp xúc với các hành khách nhiễm bệnh, phải cách ly trong 21 ngày.
“Quyết định này được đưa ra vì lợi ích của đất nước và gia đình của họ”, ông Leausa Take Naseri, quan chức y tế của Samoa nói. Ông cũng kêu gọi quản lý khách sạn, nhân viên tự cách ly tại nơi họ làm việc.
Nhiều đảo quốc Thái Bình Dương gia hạn phong tỏa phòng dịch
Ngày 25/1, Samoa và Quần đảo Solomon đã gia hạn lệnh phong tỏa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở những quốc đảo xa xôi của Thái Bình Dương trước đây từng ngăn chặn thành công dịch bệnh này.
Binh sĩ Australia tuần tra tại Honiara, Quần đảo Solomon, ngày 27/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare nêu rõ thủ đô Honiara đã trở thành điểm nóng COVID-19 và quyết định kéo dài thời gian phong tỏa tại đây thêm 4 ngày nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trên cả nước.
Thủ tướng Sogavare nhấn mạnh dịch bệnh đang lan từ Honiara sang các tỉnh khác. Do đó, ông yêu cầu tất cả cư dân thủ đô khẩn cấp tuân thủ quy định phong tỏa và ở nhà để phòng ngừa cũng như kiểm soát dịch bệnh.
Tính đến hết tuần qua, quốc đảo với 700.000 người dân này ghi nhận tổng cộng 31 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày gần đây, tổng số ca mắc đã tăng lên gần 300 ca, song con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm tại đây còn hạn chế.
Đáng lưu ý, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng gấp 10 lần kể từ khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng hồi đầu tháng này. Tính đến ngày 13/1 năm nay, Quần đảo Solomon đã triển khai tiêm tổng cộng 264.085 liều vaccine.
Cũng trong ngày 25/1, Samoa cũng đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến tối 27/1 tới sau khi ghi nhận các ca liên quan tới một chuyến bay hồi hương từ Australia vào tuần trước tiếp tục gia tăng.
Tổng thống Kiribati Taneti Maamau đã ban bố tình trạng thảm họa sau khi có tới 23 cư dân địa phương mắc COVID-19 do hàng chục du khách mắc bệnh đã bay từ Fiji tới đây hồi tuần trước - chuyến bay đầu tiên đến quốc gia này kể từ khi biên giới được mở lại.
New Zealand cũng đã thắt chặt các hạn chế phòng dịch từ khi biến thể Omicron bắt đầu lây lan nhanh trong cộng đồng, buộc Thủ tướng Jacinda Ardern phải hủy bỏ đám cưới của bà.
Trước đó, các quốc gia Thái Bình Dương nhỏ bé đã tận dụng vị trí địa lý tách biệt với đất liền để phòng dịch hiệu quả khi đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, hai năm sau, biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh đã "chọc thủng phòng tuyến" này.
Quần đảo Solomon dỡ bỏ lệnh giới nghiêm Ngày 10/12, Quần đảo Solomon đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm kéo dài suốt hai tuần qua trong bối cảnh căng thẳng chính trị đã hạ nhiệt tại quốc gia này. Binh sĩ Australia tuần tra tại Honiara, Quần đảo Solomon, ngày 27/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Trong thông báo, Cảnh sát trưởng Hoàng gia Quần đảo Solomon Mostyn Mangau xác nhận chính quyền đã...