Tự may vỏ gối với cách tra khóa kéo đơn giản nhất
Khóa kéo rất tiện dụng cho vỏ gối nhưng hầu hết mọi người ngại may gối chỉ vì ngại tra khóa kéo. Thật ra cũng có mẹo nhỏ để bạn tra khóa nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng hơn, hãy thử nhé
Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:
- Vải, ruột gối
- Khóa kéo (nên chọn loại khóa giọt lệ có màu giống với màu vải)
- Dụng cụ gỡ chỉ (dụng cụ này bán khá rẻ và tiện mua ở chỗ bán vật liệu may)
- Kéo, kim, chỉ, kim ghim, máy khâu.
Bước 1: Cắt:
Đo kích thước của ruột gối, bạn nên dùng thước dây và đo từng đoạn ngắn theo mép ruột gối cho chính xác, tức đo tới đâu giữ thước sát vải tới đó. Bạn cần biết chiều dài và chiều rộng của ruột gối.
Cắt vải theo kích thước vừa đo, nên gập đôi vải lại để cắt, vì bạn cần cắt hai miếng bằng nhau và ngược chiều mặt vải.
Ướm khóa kéo vào cạnh một cạnh của gối và đánh dấu vị trí khóa nằm cân đối ở giữa cạnh gối.
Bước 2: Tra khóa:
Mẹo nhỏ để tra khoá đẹp và dễ dàng là bạn cần may hai mép vải kín trước khi tra khóa, tra xong bạn lại gỡ chỉ của đường vừa may kín đó ra để lộ phần khóa. Cụ thể như sau:
Úp hai mặt vải vào nhau, may liền một cạnh gối định đặt khoá kéo, may trên hai lớp vải.
Tách đôi biên vải may và là chết nếp.
Đặt úp khoá vào biên vải vừa là phẳng, ghim lại đúng vị trí cân đối của khóa trên cạnh gối, sao cho khóa nằm ở giữa các mép vải.
Chú ý đường răng khóa trùng với đường may của cạnh gối.
Bạn cần thay chân vịt máy khi may thông thường sang loại chân vịt dùng may khóa / may nẹp. Đặc điểm của chân vịt thông thường có hai bàn cân đối hai bên giữ cho vải dẹp xuống ở hai bên đường may, còn chân vịt tra khóa chỉ có một bàn giữ vải ở một bên đường may, vì bên kia đường may là phần răng khóa cộm lên. Nếu không có chân vịt chuyên dụng này bạn sẽ phải tra khoá kéo với đường may khá xa răng khóa.
May sát mép một bên răng khoá, không sát quá để ảnh hưởng đến tai khóa không kéo được vì vướng đường chỉ, nhưng cũng không quá xa để lộ khóa quá nhiều. Nếu đây là lần đầu tra khóa, tốt hơn hết bạn may cách xa răng khóa một chút, hoặc bạn có thể kẻ một đường bút chì lên khóa làm đường may. Tra khóa cần may rất thẳng và cách đều.
Khóa kéo vẫn đang kéo kín, bạn may tiếp một bên còn lại của khóa.
Sau khi may khóa vào gối, bạn lật mặt phải vải và gỡ đứt đường chỉ nối hai cạnh gối mà bạn may ở bước 1, chỉ gỡ trong khoảng cần mở của khóa kéo. Hai đầu mút khóa có thể được may hoặc khâu chặn cho đỡ bung các sợi chỉ cạnh đó nếu bạn lỡ tay kéo khóa quá mạnh.
Có riêng một dụng cụ gỡ chỉ để bạn thực hiện dễ dàng, nhưng nếu không có mà phải dùng mũi kéo hay mũi dao để gỡ thì bạn phải rất cẩn thận không làm rách vải.
Bước 3: May gối:
Gập vải làm đôi tại đường khóa vừa may, nhớ kéo hở một chút khóa để bạn dễ lộn vải. Đặt các mép vải trùng khít, ghim kim cho ổn định.
May trên 3 cạnh gối còn lại. Sau khi may cắt giảm góc vuông của gối để khi lộn vải thì gối đỡ cộm góc.
Lộn phải vải tại chỗ khóa kéo hở sẵn. Miết phẳng vải tại đường may rồi là cho chết nếp.
Video đang HOT
Kéo mở hết khóa để nhồi ruột gối vào vỏ gối rồi kéo khóa kín lại.
Như vậy là bạn đã hoàn thành một chiếc vỏ gối theo cách tra khóa rất đơn giản và nhanh chóng rồi!
Kiểu tra khoá này bạn có thể sử dụng cho các kiểu dáng gối, nhất là với gối vuông thành thẳng cạnh như gối hình chữ nhật, gối hình vuông. Đặc biệt nó giúp bạn sử dụng tốt những mẫu vải có họa tiết bản đồ hay họa tiết đẹp như một bức tranh, vì nếu bạn tra khóa vào giữa gối thì bức tranh vải trên hai mặt gối không còn liền mạch đẹp đẽ như thế này nữa:
Nhất là khi bạn dùng vải lông để may gối, cách tra khóa vào cạnh gối sẽ giúp cho phần lông phủ đều rất đẹp mắt:
Với chị em ưa thêu thùa hoặc tạo hình trên vải vỏ gối thì cách tra khóa vào cạnh gối cũng rất hữu ích, mặt sau gối mượt mà phẳng phiu, mặt trước gối là một nền phẳng để thêu liền mạch:
Bạn có thể tạo hình thoải mái trên vỏ gối mà không lo đường tra khóa ảnh hưởng tới họa tiết thủ công của bạn:
Mùa hè không phải là lúc bạn tha thiết với may gối nhưng nếu bạn khéo chọn vải có màu sắc và họa tiết mát mẻ thì ngôi nhà sẽ thêm phần tươi mát và dễ chịu hơn đấy, vì thế hãy sẵn sàng may vỏ gối mới với khóa kéo dễ dàng để tiện thay giặt nhé. Chúc bạn thành công!
Theo MASK
Phòng khách ấm áp hơn với gối quả bí êm ái
Mẫu gối tựa xinh đẹp và đơn giản này vừa mang đến cho bạn cảm giác êm ái lại vừa giúp cho không gian nhà bạn thêm sinh động!
Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:
- 12 vuông vải màu 30cm x 30cm hoặc 15cm x 15cm
- 12 vuông vải trắng 30cm x 30cm hoặc 15cm x 15cm
- 2 nút trang trí
- 2 khuyên kim loại phẳng
- Bông nhồi
- Kim dài 20cm (hoặc kim khâu len que sắt nhỏ dài 20cm) và chỉ dù
- Máy may, kim chỉ thường, kéo, bàn là.
Bước 1: In mẫu
Bạn hãy in mẫu bên theo kích cỡ to nhỏ tùy ý, thông thường gối tựa to bày sàn nhà có bán kính 30 cm, còn gối tựa nhỏ bày sofa thì chỉ cần 15 cm. Bạn có thể sáng tạo bằng cách in các mẫu to/nhỏ dần đều để tạo bộ gối chồng lên nhau như tác phẩm điêu khắc lạ mắt trang trí ngôi nhà thêm sinh động
Bước 2: Cắt và xếp vải
Cắt 12 cặp vải màu và 12 cặp vải trắng theo mẫu in.
Như vậy bạn có 48 mảnh ghép tất cả. Xếp các mảnh ghép màu thành hai hình tròn (chính là hai nửa gối) giống nhau, phối màu hài hòa (nên theo thứ tự đậm nhạt của bảng màu).
Bước 3: Ghép những mảnh gối đầu tiên
Xếp vải theo thứ tự sau: mặt phải 1 mảnh ghép trắng, mặt phải 1 mảnh ghép màu, mặt trái 1 mảnh ghép màu khác, mặt trái 1 mảnh ghép trắng.
Đặt cho 4 mảnh ghép trên trùng khít nhau các mép rồi lược hoặc ghim kim một cạnh bên của 4 mảnh ghép cho cố định đường may.
Bước 4: May những mảnh ghép đầu tiên:
Ở lần may ghép đầu tiên bạn may cạnh bên của 4 mảnh ghép vào với nhau.
May từ đáy rộng tới đỉnh nhọn của nó, tại điểm gấp khúc thì may hơi lượn cong cho mượt gối.
Đường may của các mảnh ghép được là đều sang một bên chứ không tách đôi các lớp vải để là như thông thường. Như thế sẽ tránh được sự rạn chỉ do nhồi bông căng.
Bước 5: May những mảnh ghép còn lại
Đặt vải như sau: Mặt phải của hai mảnh ghép liền đầu tiên, mặt trái của một mảnh ghép màu, mặt phải của một mảnh ghép trắng, xếp khít điểm đầu điểm cuối của các mảnh ghép, ghim hoặc lược cố định.
May theo cạnh bên của phần vừa ghép từ đáy tới đỉnh mảnh ghép, sao cho các đường may đều giao nhau ở điểm cuối cùng của đỉnh mảnh ghép, như thế sẽ không tạo ra một lỗ tròn hổng sau khi đã ghép hết các mảnh.
Có thể ghép 6 mảnh một, tức nửa hình tròn một, rồi mới ghép hai nửa hình tròn vào nhau để hoàn thiện đủ 12 mảnh ghép cho một mặt gối, như thế sẽ hạn chế được việc tạo ra lỗ tròn hổng thường gặp sau khi ghép các mảnh gối lại với nhau. Nếu lỡ tạo ra lỗ hổng đó rồi thì bạn cũng đừng nên khâu rúm lại mà nên chọn một cái khuy to khâu đè che kín nó.
Bước 6: May nửa gối còn lại
Vì nửa gối còn lại đối diện với nửa đã may nên khi sắp xếp màu bạn phải xếp vải theo chiều màu ngược lại với lần đầu đã xếp. Có một mẹo đơn giản để bạn xếp vải khỏi nhầm: hãy úp ngược nửa gối đã may xuống và đối chiếu với chỗ vải đã xếp, rồi xếp lại sao cho thẳng màu tương ứng nửa dưới với nửa trên của gối.
Tất nhiên bạn phải xếp hai mặt trái của mỗi mảnh ghép màu và trắng vào nhau.
May cùng một cách với nửa gối ban đầu, bạn sẽ được hai nửa gối đối xứng nhau.
Bước 7: Ghép hai nửa gối vào nhau
Sau khi là đường may nghiêng đều sang một hướng, bạn úp hai mặt phải của hai nửa gối vào nhau, đặt sao cho các mảnh ghép trùng khít màu với nhau, ghim hoăc lược cho cố định các điểm giao nhau của đường may. Thao tác này không khó nhưng phải cẩn thận để gối không bị lệch múi màu.
Bước 8: May hai nửa gối vào nhau:
May ghép hai nửa gối vào nhau theo vành tròn rộng, chừa lại 15cm để nhồi bông.
Dùng bàn là, là đường may tách đôi hai nửa gối cho khỏi cộm, tại chỗ chừa không may thì gấp vải theo đường may để là, như thế sẽ dễ cho bạn khâu kín sau khi nhồi bông.
Bước 9: Nhồi bông và khâu kín:
Nhồi từng ít bông một đều nhau khắp gối, khi gối căng tròn vừa mềm thì bạn hãy thử ấn đều gối xuống sao cho gối cao chừng 25cm, đường kính chừng 43cm là vừa đẹp (đối với gối to), gối nhỏ thì kích cỡ giảm đi một nửa.
Dùng mũi khâu giấu chỉ hoặc khâu lược để khâu kín gối lại.
Bước 10: Khâu khuyên kim loại:
Dùng kim dài 20 và chỉ dù để khâu khuyên kim loại vào hai tâm của hai mặt gối, khâu ràng xung quanh mỗi khuyên và ràng qua lại giữa hai khuyên. Như vậy gối sẽ chắc chắn hơn, tâm gối được giữ vững không làm gối méo mó.
Khi khâu phải kéo cho hai khuyên sát gần vào nhau, cách nhau chừng 15- 20cm với gối lớn, 7,5 - 10cm với gối nhỏ. Việc này giúp cho hai tâm gối lõm xuống, các múi màu trên gối sẽ căng mọng lên, rất đẹp!
Cần thận trọng không để kim xuyên vào tay, bạn có thể sẽ cần sự trợ giúp của một người khác giữ khuyên đã ép chặt tới khoảng cách vừa ý để mình khâu dễ hơn.
Nếu không có kim khâu dài thì bạn dùng kim khâu len buộc vào một que kim loại nhỏ cho đủ dài để xuyên qua gối, xuyên vào lỗ của khuyên tròn và tâm vỏ gối, nhưng nhất thiết phải dùng chỉ dù cho chắc, khi kéo căng hai khuyên lại gần nhau rất dễ đứt chỉ.
Bước 11: Khâu nút trang trí:
Dán keo hoặc khâu nút trang trí vào khuyên kim loại, để che khuyên kim loại và làm đẹp cho gối.
Bạn cũng có thể đính hạt vòng, bông hoa vải hay vật nhỏ trang trí nào đó, nhưng chỉ nên chọn một thứ giản dị thôi, vì riêng vỏ gối đã khá nhiều màu rồi!
Chiếc gối này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉ cần chút kiên nhẫn là bạn có được chiếc gối ưng ý:
Một chiếc gối nhiều sắc màu thế này có thể dùng trang trí dưới sàn nhà (loại gối to), đặt trên salon (gối nhỏ), chồng xếp lên nhau như một tác phẩm điêu khắc (với bộ gối to/nhỏ dần đều), thậm chí có thể treo như lồng đèn! Chiếc gối sẽ mang tới cho bạn ảm giác êm ái, ấm áp và giúp cho ngôi nhà thêm tươi tắn nữa!
Chúc các bạn thành công nhé!
Theo PNO
Vỏ gối xinh xinh Muốn có một chiếc gối xinh xinh và độc đáo, không có gì hơn là bạn tự bắt tay vào làm. Không khó chút nào. Chuẩn bị: - Vải may - Ruột gối - Kim, chỉ Cách làm: Bạn cắt mảnh vải thành 1 hình vuông và vẽ thêm một hình vuông nhỏ hơn trên tấm vải để lấy làm kích thước gối....