Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ: Không thể “kẻ thắng vơ cả”
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, đã lên tiếng “quan ngại” về những tranh chấp lãnh thổ đang leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam, và cảnh báo trước chiến lược “kẻ thắng vơ cả” mà một số nước lo ngại Trung Quốc đang theo đuổi.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear.
“Tôi rất quan ngại, tôi tin là chúng ta đầu tiên phải khuyến khích hai bên kiềm chế”, Đô đốc Samuel Locklear III, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết khi được hỏi về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, trong một cuộc phỏng vấn sau phiên họp về an ninh châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Manila, Philippines vào ngày hôm qua. Thông tin được tờ Inquirer của Philippines và hãng tin Pháp AFP đăng tải.
“Họ nên giải quyết những vấn đề như thế này qua những cơ chế bình thường, cho phép họ có dùng luật quốc tế hoặc diễn đàn quốc tế để quyết định những tranh chấp cụ thể như thế này”, ông cho hay.
Tư lệnh Mỹ cũng cho rằng khu vực châu Á đang trở thành “khu vực được quân sự hóa” nhất thế giới, khi kinh tế phát triển nhanh chóng. Vì vậy cần phải duy trì đối thoại để đảm bảo những tranh chấp lãnh thổ không biến thành xung đột vũ trang.
“Điều quan trọng nhất là phải tuân thủ theo luật pháp, qua những diễn đàn quốc tế để giải quyết các vấn đề, giải quyết các tranh chấp”, ông Locklear cho biết.
Video đang HOT
“Không thể có thái độ “kẻ thắng vơ cả” được. Cần phải có thỏa hiệp. Cần phải có đối thoại”, Đô đốc Locklear nói về các tranh chấp trên cả Biển Đông và Hoa Đông kéo dài nhiều thập niên qua. Nhưng các tranh chấp này ngày một trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây khi Trung Quốc ngày càng có thái độ hiếu chiến hơn.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, “ăn” vào cả vùng sát bờ biển của các nước láng giềng, cách xa lục địa gần nhất của Trung Quốc tới hơn 1.000km.
Trước đó, cũng tại Diễn đàn kinh tế về Đông Á ở Manila, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “đặc biệt nguy hiểm” và “đe dọa nghiêm trọng hòa bình” khu vực cũng như trên thế giới.
Ngoài ra, Đô đốc Locklear bảo vệ nỗ lực Mỹ củng cố an ninh đồng minh ở châu Á, trong đó có cả những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Vào ngày thứ tư vừa qua, tại một diễn đàn về an ninh do Trung Quốc chủ trì ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích Mỹ củng cố mối quan hệ đồng minh về quân sự ở châu Á và ám chỉ là để chống lại Trung Quốc.
“Những gì chúng tôi làm ở đây đã giúp cho kinh tế của chúng tôi và giúp cho kinh tế toàn cầu và tôi sẽ phải nói là đã giúp cho Trung Quốc, như là đã giúp bất kỳ nước nào trong khu vực này”, Đô đốc Mỹ khẳng định.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Philippines, Indonesia ký thỏa thuận về phân chia vùng biển
Philippines và Indonesia ngày 23/5 đã ký một hiệp ước về biên giới trên biển, gọi đây là hình mẫu cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng trong khu vực.
Các quan chức Indonesia và Philippines trong lễ ký kết ngày 23/5.
Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono cho biết thỏa thuận, kết quả của 20 năm đàm phán, đã chứng tỏ rằng các tranh cãi đang leo thang ở Biển Đông có thể được giải quyết mà không cần vũ lực.
Ông Yudhoyono đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận cùng Tổng thống Benigno Aquino tại dinh tổng thống ở thủ đô Manila.
"Đây thực sự là một hình mẫu, một ví dụ điển hình cho thấy bất kỳ tranh chấp nào, trong đó có các căng thẳng biên giới trên biển, cũng có thể được giải quyết một cách hòa bình, chứ không phải bằng sử dụng sức mạnh quân sự, vốn có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực", ông Yudhoyono nói.
Về phần mình, Tổng thống Aquino cho hay thỏa thuận giữa Indonesia và Philippines là "bằng chứng xác thực cho cam kết kiên định của chúng ta nhằm tuân thủ luật pháp và theo đuổi cách giải quyết hòa bình và hợp lý các tranh chấp hàng hải".
Bản đồ mô phỏng đường biên giới trên biển giữa hai nước.
Được ký kết bởi ngoại trưởng hai nước, thỏa thuận vạch ra biên giới các vùng đặc biệt kinh tế chồng lấn của cả 2 nước ở Biển Mindanao, Biển Celebes và Biển Philippines.
Theo luật quốc tế, vùng đặc biệt quyền kinh tế là vùng biển rông 200 hải lý tính từ đường cơ sở, nơi một quốc có quyền đánh bắt và khai khác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, những vùng này lại chồng lấn lên nhau giữa 2 Indonesia và Philippines, khiến 2 nước phải đàm phán suốt 20 năm để phân định.
Tổng thống Yudhoyono, hiện đang có mặt tại Manila trong chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, cũng bày tỏ lo ngại về các tranh chấp đang căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Ông Yudhoyono đã hối thúc Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN "trở lại tinh thần" của tuyên bố DOC năm 2002, trong đó nói rằng các nước không nên có các hành động nhằm làm gia tăng căng thẳng tại các khu vực tranh chấp.
Theo Dantri
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm Philippines của Thủ tướng thành công Chiều 22/5, trước khi rời Manila trở về Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác tại Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hai ngày 21-22/5. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng....