Tư lệnh Mỹ: Tuần tra ở Biển Đông không phải là mối đe dọa
Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 3.11, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và hoạt động này không là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris (trái) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phòng Phong Huy tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3.11.2015 – Ảnh: Reuters
“Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người và không phụ thuộc bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào”, ông Harris nói trong bài bài phát biểu tại Trung tâm Stanford ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 3.11, theo AFP.
“Quân đội chúng tôi sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay tuần tra bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải và sẽ không là một ngoại lệ”, ông Harris cho biết thêm.
Phát biểu của ông Harris cho thấy Mỹ kiên quyết đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích quân sự, theo AFP.
Video đang HOT
Hồi tuần rồi, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sứ mạng tuần tra của tàu khu trục Mỹ USS Lassen vừa qua là một phần trong “những hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của Mỹ” nhằm ngăn chặn “những hành động làm xói mòn thông lệ và luật pháp quốc tế” và không nên bị xem là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, ông Harris nói, đồng thời bác bỏ khả năng xảy ra giao tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông.
“Chúng tôi tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều thập niên, vì thế không ai có thể ngạc nhiên vì những hoạt động này”, ông Harris nói.
Ông Harris còn nhấn mạnh “tuyên bố chủ quyền mơ hồ” của Trung Quốc, còn được gọi là “đường lưỡi bò”, là một thách thức đối với sự tự do hàng không và hàng hải.
Phản ứng trước phát biểu của ông Harris, cùng ngày 3.11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích hoạt động tuần tra của quân đội Mỹ ở Biển Đông “rõ ràng là hành động gây hấn”.
Washington kêu gọi Bắc Kinh ngừng quân sự hóa Biển Đông trong khi lại đưa tàu chiến đến là “âm mưu nhằm cướp đi quyền phòng vệ và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”, bà Hoa Xuân Oánh, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong buổi họp báo ngày 3.11.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
EU ủng hộ vụ tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông
Liên minh châu Âu đã lên tiếng ủng hộ vụ Mỹ điều tàu tuần tra ở Biển Đông và sẵn sàng sát cánh với Washington một khi xảy ra sự cố trong tuần tra.
EU lên tiếng sẽ sát cánh với Mỹ trong việc tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
Sau nhiều ngày xảy ra sự kiện Mỹ điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông, áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, ngày 30.10 Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quan điểm ủng hộ Mỹ, theo Reuters.
Theo đó, EU xem sự việc này là "Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải" ở khu vực Biển Đông. EU thông báo sẽ sát cánh với Washington ngay cả khi xảy ra sự cố đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi thực thi quyền tự do hàng hải.
"Dù không tham gia với bất kỳ vị trí nào trong vụ tranh chấp, EU vẫn cam kết thực hiện trật tự hàng hải dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS)", người phát ngôn của EU nói trong một thông cáo.
Theo Reuters, EU quan ngại việc xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp. Tuyên bố này của EU nhiều lần được đưa ra nhằm phản đối Trung Quốc, đồng thời cũng nhận được sự đồng tình của những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) giữa các ngoại trưởng của 21 quốc gia, lãnh thổ châu Á và 28 nước châu Âu sẽ nhóm họp ở Luxembourg vào tuần tới. Theo Reuters, vấn đề tuần tra trên biển nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải sẽ gây áp lực đến cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và EU trong cuộc họp thường kỳ ASEM, sự kiện có sự tham gia của các nước có tranh chấp ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam.
Hôm 27.10, Mỹ đã điều tàu khu trục đi xuyên qua vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh phản đối vụ việc này, đồng thời cảnh báo bất kỳ sự cố nhỏ xảy ra ở khu vực Biển Đông cũng có thể dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều nước trong đó có Úc, Nhật và Philippines đã lên tiếng ủng hộ vụ điều tàu tuần tra của Mỹ và thể hiện mong muốn tham gia cùng với Washington trong những lần "thách thức" Bắc Kinh tiếp theo.
Theo Thanhnien
Nhật đề nghị hợp tác với Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông Thủ tướng Abe nói muốn hợp tác với Seoul và Washington để thực hiện "nhiệm vụ" bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhật Bản đề nghị hợp tác với Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông - Ảnh minh họa: AFP Hãng Reuters ngày 2.11 đưa tin, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park...