Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc phá hoại hệ sinh thái Biển Đông
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, đã cáo buộc Trung Quốc “đang xây dựng chủ quyền giả” và phá hoại hệ sinh thái khi xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi san hô và bãi cạn ở Biển Đông.
Đô đốc Harris (Ảnh: Hải quân Mỹ)
PACOM cho hay, phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ở Colorado ngày 24/7, ông Harris cho hay Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất ở phạm vi và quy mô lớn ở Biển Đông. Chỉ trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã cải tạo gần 1.214 ha, theo Đô đốc Harris.
Việc Trung Quốc tăng tốc cải tạo đất đã khiến PACOM ngày càng lo ngại. Trong những tháng gần đây, PACOM đã bắt đầu gia tăng hoạt động tuần tra và giám sát khu vực quanh quần đảo Trường Sa.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, hồi tuần trước đã tham gia một chuyến bay giám sát kéo dài 7 giờ trên chiếc P-8 bên trên Biển Đông, gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng khu vực là một ưu tiên cao.
Video đang HOT
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo quy mô lớn trên các dải san hô ngầm và bãi cạn mà không quan tâm tới hệ sinh thái.
“Sự ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường là một khía cạnh trong hoạt động cải tạo của Trung Quốc mà tôi tin là đã không nhận được sự quan tâm thích đáng, vì việc bảo vệ môi trường dễ bị tổn thương của chúng ta là trách nhiệm toàn cầu”, ông Harris nói.
Đô đốc Harris đã trích lời của ông John McManus, một nhà sinh học biển tại Đại học Miami, khi ông này nói với tờ Washington Post hồi đầu tháng rằng hoạt động nạo vét để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc gây “tàn phá” và “là điều tồi tệ nhất từng xảy ra đối với các dải san hô ngầm trong thời đại của chúng ta”.
Vị Tư lệnh Mỹ cho hay, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố mở rộng gấp đôi phạm vi bảo vệ của một khu bảo tồn biển hiện có tại Thái Bình Dương lên khoảng 2 triệu km2, thành khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới, thì “các hoạt động tàn phá của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại vĩnh viễn đối với các dải san hô ngầm của một trong những hệ thống san hô quan trọng nhất tại Thái Bình Dương”, ông Harris nói.
Ngoài các lo ngại về môi trường, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền thông qua các hành động hung hăng “có thể gây ra những hậu quả lớn hơn đối với an ninh và nền kinh tế của chúng ta thông qua việc phá vỡ các quy tắc và thông lệ quốc tế vốn hỗ trợ cộng đồng toàn cầu nhiều thập niên qua”, Đô đốc Mỹ nói.
“Biển Đông đang là trung tâm của một cuộc giằng co giữa một bên là phần lớn các quốc gia trong khu vực muốn duy trì nguyên trạng và một bên là Trung Quốc muốn thay đổi nó để phục vụ tư lợi hẹp hòi của mình”, vị Tư lệnh Mỹ nhấn mạnh.
An Bình
Theo Dantri/Strips
Trung Quốc giận dữ chuyện Tư lệnh Mỹ bay giám sát Biển Đông
Trung Quốc ngày 20/7 đã kêu gọi Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, truyền thông nhà nước đưa tin, sau khi một tư lệnh Hải quân Mỹ bay giám sát trên Biển Đông.
Đô đốc Scott Swift trên một máy bay Poseidon của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, ngày 18/7 đã thực hiện chuyến bay mà hạm đội này gọi là một "sứ mệnh giám sát hàng hải kéo dài 7 giờ" qua Biển Đông trên một máy bay US P-8A Poseidon của Mỹ.
Trang web của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa tin về chuyến bay giám sát, nhưng không cho biết ông Swift đã bay qua những khu vực nào của Biển Đông.
Ông Swift cũng tới thăm Philippines, một đồng minh thân cận của Washington và là một trong vài nước vướng vào tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông.
Đáp trả các động thái trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ "hành động thêm để thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trong khu vực, chứ không phải điều ngược lại".
"Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ tuân thủ lời hứa không đứng về bên nào trong các vấn đề Biển Đông", Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm trong một tuyên bố được Thời báo Hoàn cầu đăng tải.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan.
Philippines đã cải thiện quan hệ quốc phòng với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Tuần trước, Manila cho biết sẽ mở lại một căn cứ hải quân của Mỹ gần Biển Đông, vốn bị đóng cửa hơn 20 năm trước.
An Bình
Theo Dantri/AFP
Trung Quốc bực tức với chuyến bay thị sát Biển Đông của tư lệnh Mỹ Chỉ vài ngày sau khi một tư lệnh Mỹ bay tuần thám Biển Đông, ngày 20.7 Trung Quôc đã lên tiếng yêu cầu Washington nên đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này, và nói việc này dễ gây ra sự cố trên biển hoặc trên không. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quôc, Dương Vũ Quân phát biểu...