Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ: Trung Quốc rất nguy hiểm
Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã gọi việc Trung Quốc tăng cường bành trướng sức mạnh quân sự trong khu vực là “hung hăng” và cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh là “rất nguy hiểm”, tờ Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin ngày 10.4.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris – Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong một bài diễn văn tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Úc ở Canberra vào hôm 9.4, ông Harry Harris còn cảnh báo rằng các hành động của Trung Quốc đang tạo ra một “liều thuốc ma quỷ” dẫn đến xung đột trên biển.
Thời điểm vị đô đốc Mỹ đưa ra bình luận nói trên trùng với thời điểm Thủ tướng Úc Tony Abbott đang đi thăm Trung Quốc, Sydney Morning Herald cho hay.
“Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm phần lớn biển Hoa Đông”, Đô đốc Harris phát biểu trước sự chứng kiến của các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Úc.
Các tuyên bố khẳng định chủ quyền biển đảo của họ không dựa trên bất kỳ luật lệ quốc tế nào, chẳng hạn như cái gọi là đường lưỡi bò
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ)
Vào tháng 11.2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Trung Quốc còn quy định máy bay đi ngang vùng phòng không này phải khai báo trước với chính quyền nước này, đồng thời đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt cho máy bay không tuân thủ.
Video đang HOT
“Cách mà Trung Quốc làm chuyện này rất nguy hiểm – đơn phương và không hề thảo luận trước với các nước khác, đồng thời vùng phòng không của Trung Quốc cũng bao trùm luôn cả các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền”, ông này nói.
Trong thời điểm đang có căng thẳng, việc các nước cùng bạn bạc và hợp tác với nhau để giải quyết bất đồng là rất quan trọng, đặc biệt là khi các bên đưa ra những hành động mập mờ, ông Harris cho hay.
“Sự bành trướng hung hăng, sự thiếu minh bạch và hành động tăng cường đưa ra các tuyên bố chủ quyền trong khu vực của Trung Quốc khiến tôi lo ngại”, đô đốc hải quân Mỹ cho biết.
Ngoài ra, Đô đốc Harris còn cáo buộc Trung Quốc đã ăn hiếp các nước láng giềng thông qua chiến thuật tạo căng thẳng, dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột trong khu vực.
“Các tuyên bố khẳng định chủ quyền biển đảo của họ không dựa trên bất kỳ luật lệ quốc tế nào, chẳng hạn như cái gọi là đường lưỡi bò”, người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ nói.
“Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng đang lo lắng. Hiện đang tình hình trong khu vực đang gia tăng bất ổn và căng thẳng. Một liều thuốc ma quỷ có thể gây ra sự cố dẫn đến xung đột”, theo ông Harris.
Đô đốc Mỹ cũng nói thêm rằng tình hình nói trên khiến Mỹ cần phải tiếp tục hiện diện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, ông Harris cũng thúc giục Úc nên đầu tư vào hạm đội tàu ngầm để tránh bị tụt hậu.
“Úc thực sự có thể lựa chọn có nên trở thành một cường quốc về hàng hải hay không. Loại tàu ngầm, số lượng đặt mua và thậm chí là chọn nơi nào để xây dựng chúng là những bài toán chiến lược cần phải giải đáp”, Đô đốc Harris nói.
Theo TNO
Khái lược về lớp tàu LSC của hải quân Mỹ
Ngày 5-4, hải quân Mỹ đã chính thức tổ chức lễ biên chế hoạt động chiếc tàu tác chiến ven bờ tàng hình 3 thân thứ hai, mang tên USS Coronado (LCS-4), nâng tổng số tàu đang hoạt động lên con số 4.
USS Coronado là chiếc tàu tác chiến ven bờ (LSC - Littoral Combat Ship)thứ 4 và là chiếc thứ 2 thuộc lớp Independence, được biên chế hoạt động trong hải quân Mỹ và sẽ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm quét mìn, tác chiến mặt nước và tác chiến chống ngầm.
Được đặt tên theo thành phố Coronado thuộc bang California, LCS-4 là chiếc tàu chiến thứ 3 của hải quân Mỹ mang tên thành phố này. Chiếc đầu tiên, USS Coronado (PF-38), là một khinh hạm tuần tra hoạt động trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Chiếc thứ 2, USS Coronado (AGF-11), được thiết kế là một tàu vận tải đổ bộ (LPD) lớp Austin và năm 1980, được cải tiến thành tàu hỗ trợ chỉ huy và được biên chế giữ vai trò là tàu chỉ huy lực lượng Trung Đông, sau đó là tàu chỉ huy hạm đội 6 ở Địa Trung Hải, và cuối cùng trở thành tàu chỉ huy hạm đội 3 ở Đông Thái Bình Dương trước khi được loại biên vào năm 2006.
Tàu tác chiến ven bờ thứ 2 của lớp Independence LSC-4 USS Coronado
Phát biểu tại buổi lễ biên chế, được tổ chức tại Căn cứ hải quân North Island ở Coronado, Đô đốc Mark Ferguson - phó tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ - đã đánh giá cao vai trò của các tàu chiến tác chiến ven bờ như USS Coronado trong chiến lược phòng thủ toàn diện và các hoạt động tiền phương của hải quân.
Ông cho biết: "Sự hiện diện của các tàu LSC sẽ đảm bảo tốt an ninh cho các vùng biển. Với tốc độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ và hoạt động ở vùng nước nông của tàu, USS Coronado cực kỳ phù hợp cho các hoạt động tác chiến ven bờ trên toàn cầu".
Đến nay, hải quân Mỹ đã được biên chế 4 tàu chiến LCS, gồm USS Freedom (LCS-1), USS Independence (LCS-2), USS Fort Worth (LCS-3), USS Coronado (LCS-4). Toàn bộ số tàu trên đều thuộc biên chế của Phi đội LCS số 1 (LCSRON) có căn cứ chính tại thành phố cảng San Diego.
Tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom của Lockheed Martin
Lớp tàu tác chiến ven bờ của Mỹ có hai phiên bản do Lockheed Martin và Austal USA chế tạo.
Phiên bản LCS thứ nhất do hãng Lockheed Martin đóng thuộc lớp Freedom có chiều dài 127,8m và rộng 30m, lượng giãn nước 2.600 tấn. Nó có tính năng tàng hình ưu việt, được thiết kế theo kiểu đóng rời và lắp ghép các modul nhiệm vụ. Lớp tàu này được đánh số lẻ (LSC-1, LSC-3...).
Phiên bản thứ 2 do Austal USA chế tạo thuộc lớp Independence, với chi phí khoảng 400 triệu USD. Tàu USS Coronado có tải trọng 2.790 tấn; dài 127m; rộng 30,5m, mớn nước 4,5m, tốc độ tối đa lên tới 40 hải lý/giờ và được biên chế 40 thủy thủ đoàn.
Với thiết kế 3 thân độc đáo, các tàu tuần tra ven biển lớp Independence được cho là có khả năng hoạt động với độ ổn định tuyệt vời trên biển, bất chấp sóng gió và giông bão. Tàu có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc trong đội hình nhóm tác chiến hải quân.
Tàu tác chiến ven bờ LSC-2 USS Independence là chiếc đầu tiên thuộc lớp Independence
USS Coronado có khả năng cơ động nhanh và được tích hợp một hệ thống điện tử hàng hải cực kỳ hiện đại, các hệ thống vũ khí mà nó mang theo cũng có khả năng chiến đấu rất đa dạng, bao gồm cả quét mìn, chống tàu mặt nước và chống ngầm.
Với những thiết kế hiện đại và độc đáo, các tàu thuộc lớp Freedom và Independence của hải quân Mỹ hiện là lớp tàu tàu tác chiến ven bờ hiện đại và mạnh nhất trên thế giới. Hiện tại, hải quân Mỹ đang triển khai luân phiên loại tàu này hoạt động tại đông nam Á với căn cứ tại Singapore. Dự kiến, chúng cũng sẽ được triển khai tới Nhật Bản để thay thế một số tàu chiến cũ đang đồn trú tại đây.
Trước đó, hải quân Mỹ dự định đóng tổng số 52 chiếc tàu LCS, nhưng theo kế hoạch cắt giảm ngân sách, Lầu Năm Góc đã quyết định chỉ trang bị 32 chiếc loại này. Đến nay, tổng số 20 chiếc LCS đã hải quân Mỹ được đặt mua, trong đó 4 chiếc đã được biên chế hoạt động, 4 chiếc mới được trao hợp đồng và 12 chiếc đang trong các giai đoạn chế tạo khác nhau.
Theo ANTD
Tư lệnh hải quân Ukraine bỏ sang lực lượng thân Nga Ngày 2/3, người đứng đầu ngành hải quân Ukraine Denys Berezovskyy, vừa được Tổng thống tạm quyền Ukraine bổ nhiệm một ngày trước, đã "tuyên thệ sát cánh với người dân Crimea" từ trụ sở Hạm đội Hắc Hải (Biển Đen) của Nga ở Crimea. Ông Berezovskyy đọc tuyên thệ sát cánh cùng người dân Crimea bên cạnh lãnh đạo Crimea Sergiy Aksyonov....