Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ: “Đừng hỏi nhiều về Trung Quốc nữa”!
“Tôi không muốn coi thường 20 quốc gia khác, những nước đang cùng tham gia tập trận chung với cả Mỹ và Trung Quốc”. – Đô đốc Harry Harris nói.
Tạp chí Sao và Vạch/Stars and Stripes – một trong những tờ báo chính thức của lực lượng vũ trang Mỹ đưa tin cho biết tại một cuộc họp báo được tổ chức tại quần đảo Hawaii trên Thái Bình Dương hôm 1/7/2014 vừa qua liên quan đến cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương đang diễn ra ở khu vực, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã phải yêu cầu các phóng viên quốc tế đừng hỏi nhiều về Trung Quốc nữa.
Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương
Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã phải lên tiếng than phiền với các phóng viên quốc tế rằng họ đã hỏi quá nhiều về Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang là 1 trong những quốc gia gửi lực lượng tàu chiến, tàu bảo đảm (gồm 4 chiếc) tham gia vào cuộc diễn tập đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương 2014/ RIMPAC 2014.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa quân tham dự theo lời mời của quân đội Mỹ và cộng với những gì Trung Quốc đã và đang làm tại khu vực châu Á đã biến Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế.
“Các bạn (phóng viên) được khuyến khích, chào đón hỏi các câu hỏi mà mình mong muốn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng để giải đáp các thắc mắc cho các bạn.
Tuy nhiên, về Trung Quốc tất cả đã có 6 câu rồi. Tôi không muốn coi thường 20 quốc gia khác, những nước đang cùng tham gia tập trận chung với cả Mỹ và Trung Quốc”. – Đô đốc Harry Harris nói với giới truyền thông khi bị hỏi quá nhiều về Trung Quốc.
Trong khuôn khổ các kịch bản của cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2014 do Mỹ chỉ huy, 4 tàu hải quân của Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia vào một số kịch bản diễn tập trong đó có kịch bản hỗ trợ nhân đạo, giải cứu con tin, bắn pháo hạm, chống cướp biển, tìm kiếm – cứu hộ cũng như lặn, kéo và hỗ trợ quân y.
Khi được hỏi rằng vì sao quân đội Mỹ tổ chức tập trận chung với Hải quân Philippines, lực lượng được xem là đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông vào đúng lúc cuộc diễn tập đa quốc gia RIMPAC đang được tiến hành, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ nói rằng “Tôi không quan tâm lắm đến việc cuộc diễn tập có gửi đi thông điệp phức tạp nào không”.
“Tôi cho rằng cuộc diễn tập RIMPAC chào đón Trung Quốc và chúng tôi đã mời Trung Quốc tham gia tập trận đa quốc gia”.
Đề đốc Yasuki Nakahata – người đứng đầu phụ trách Lực lượng phòng vệ bờ biển (hải quân) Nhật Bản tham gia tập trận RIMPAC 2014 nói Nhật Bản cũng chào đón lực lượng hải quân của Trung Quốc tham gia diễn tập đa quốc gia Vành Đai Thái Bình Dương bất chấp thực tế là hai nước đang có mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Video đang HOT
“Tôi tin rằng tham gia tập trận chung với Trung Quốc và với tiềm lực quân sự của nước này sẽ góp phần vào ổn định và hòa bình của khu vực” – Đề đốc Yasuki Nakahata nói.
Zhao Xiaogang phát biểu tại Hawaii
Trong khi đó, Zhao Xiaogang – sỹ quan phụ trách lực lượng Hải quân TQ tham gia diễn tập Vành Đai Thái Bình Dương cho biết Trung Quốc có 3 mục tiêu lớn trong cuộc diễn tập này, đáng chú ý là không có một từ nào nhắc đến hòa bình và ổn định tại khu vực.
Theo Zhao Xiaogang, thứ nhất, Trung Quốc muốn thúc đẩy phát triển các quan hệ mới và hợp tác quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc hy vọng cuộc diễn tập sẽ mang lại kênh liên lạc có ích, làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Trung Quốc và các lực lượng hải quân cùng tham gia.
Cuối cùng, theo Zhao Xiaogang, cuộc diễn tập sẽ giúp Hải quân Trung Quốc có cơ hội thể hiện thái độ tích cực của lực lượng quân sự Trung Quốc.
Được biết, diễn tập đa quốc gia RIMPAC 2014 được bắt đầu từ ngày 26/6 và sẽ kéo dài cho đến ngày 1/8/2014.
Theo Giáo Dục
Vì sao Mỹ mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới?
Để tìm kiếm mối quan hệ quân sự, Trung Quốc đã lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Song theo nhà phân tích James Holmes, động thái chắc chắn không thể lấy lại được niềm tin giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Tàu Mỹ, Nhật trong một cuộc tập trận năm 2012.
James Holmes là Giáo sư giảng dạy về chiến lược tại Trường chiến tranh hải quân Mỹ. Ông đã có cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình "Sóng Đức" DW về việc tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC từ 26/6-1/8.
Đây là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc tham gia cùng tàu của 22 quốc gia khác, gồm Úc, Canada, Pháp, Ấn, Indonesia, và Anh trong cuộc tập trận quân sự do Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tổ chức hai năm một lần. Theo thông tin báo chí, Trung Quốc phái tàu khu trục có tên lửa Haikou, một tàu khu trục nhỏ có tên lửa Yueyang, tàu cung ứng Qiandaohu và tàu bệnh viện Peace Ark cùng 1.100 quân nhân tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, một số nước đồng minh của Mỹ cùng tham gia cuộc tập trận như Nhật, Philippines, lại đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn với "Sóng Đức", James Holmes cho rằng RIMPAC có thể giúp hải quân các nước cải thiện các phương thức giao tiếp và hậu cần, song ông tỏ ra nghi ngờ về khả năng sự kiện sẽ làm giảm căng thẳng khu vực, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Đông, nơi Trung Quốc xem là "lợi ích" cốt lõi của mình.
DW: Tại sao Mỹ quyết định mời Trung Quốc tham gia vào RIMPAC?
Vì cả lý do chính trị và hoạt động. Mỹ muốn một Trung Quốc đang lên "là thành viên trách nhiệm" trong trật tự tự do hàng hải như hiện nay, thay vì thách thức với trật tự đó. Washington tin rằng phối hợp ở mức độ chiến thuật và hoạt động là một cách để đạt được điều đó.
Các học giả về quan hệ quốc tế gọi đây là "thuyết chức năng", tức nếu chúng ta phối hợp với nhau, chúng ta không chỉ phát triển khả năng phối hợp, ví dụ khả năng phản ứng với các thảm họa tự nhiên, mà còn xây dựng được thói quen tin tưởng và hợp tác. Qua thời gian, nếu chúng ta tiếp tục có những cuộc tập trận như RIMPAC và các hoạt động đa quốc gia, chúng ta chắc chắn sẽ làm quen được với nhau và những căng thẳng như được thấy trong vài năm qua, sẽ dịu bớt. Nhưng dù sao đó là lý thuyết. Thực tế ra sao, chúng ta sẽ phải chờ.
Tại sao Trung Quốc quyết định tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC năm nay?
Tàu khu trục Haikou, một tàu tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC năm nay.
Vì cả lý do hợp tác và cạnh tranh. Tôi liệt kê ra ba lý do. Theo phán đoán của tôi, trước hết là Trung Quốc thực sự mong muốn hợp tác với Mỹ ở bên ngoài vùng biển của Trung Quốc, nơi quan điểm và quyền lợi của cả hai nước hiện xung khắc nhau nhiều. RIMPAC và những cuộc tập trận tương tự mở ra cơ hội phối hợp của hai nước ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương hoặc có thể là một nơi nào đó khác nữa.
Thứ hai, các cuộc tập trận đa phương cho phép Trung Quốc nâng cao vị thế của mình là một nước lớn trên biển. Thanh thế của Trung Quốc sẽ được "đánh bóng" nếu tàu và máy bay của họ thể hiện tốt dưới sự dõi theo sát sao của các nước.
Thứ ba, ra khơi cùng hải quân Mỹ sẽ "phơi bày" chiến thuật, kỹ thuật...của hải quân Trung Quốc. Sự dõi theo của quốc tế sẽ giúp lính thủy đánh bộ Trung Quốc cải thiện chính họ. Họ sẽ biết phải đối mặt với cái gì nếu các nước có xung đột và giúp họ rút ra được kinh nghiệm ứng phó trong tương lai.
Tầm quan trọng của cuộc tập trận này là gì?
Cuộc tập trận được thiết kế nhằm giảm căng thẳng. Cả hai chính phủ và cả đồng minh, bạn bè và giới quan sát đều muốn điều đó. Dĩ nhiên, thật trớ trêu là về chi tiết, có những cách hiểu, giải thích khách nhau cho cụm từ "giảm căng thẳng".
Với Mỹ, đó là Trung Quốc ưng thuận với trật tự châu Á mà Hải quân Mỹ đã thống trị từ năm 1945. Nhưng Trung Quốc lại định nghĩa giảm căng thẳng là Mỹ chiều theo mong muốn của Trung Quốc, là họ có thể đưa ra quy định về hoạt động quân sự ở trong vùng biển, vùng trời Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên tôi cho rằng điều này không nằm trong luật biển, có thể làm suy yếu luật biển khắp thế giới.
Có những vấn đề chính trị và chiến lược lớn chúng ta chắc chắn không thể giải quyết được chỉ bằng việc cử hạm đối của chúng ta đi phối hợp cùng nhau trong vòng vài tuần. RIMPAC và các hoạt động khác đáng để thực hiện bởi chúng đặt khả năng hợp tác cho hải quân, nếu các lãnh đạo chính trị thấy cần thiết. Nhưng tôi chắc chắn hoài nghi về khả năng hoạt động hợp tác chiến thuật này có thể định hình mối quan hệ giữa các nước trên những tầm cao nhất. Tôi hi vọng các sự kiện sắp tới sẽ chứng minh tôi sai. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ vào điều đó.
Cuộc tập trận sẽ cho phép hải quân Mỹ, Nhật, Trung làm gì?
Những cuộc tập trận như thế này rất tốt bởi chúng giúp xây dựng khả năng. Thủy thủ học và thành thục với hoạt động trên biển, khả năng phối hợp với các đối tác trong những điều kiện thực tế nhất.
Song tôi phải nhấn mạnh rằng RIMPAC sẽ không giúp được gì nhiều trong việc nâng cao khả năng phối hợp giữa các hạm đội Trung Quốc và Nhật. Hai bên có vẻ sẽ hoàn toàn tách biệt trong suốt cuộc tập trận, bởi mọi việc giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn rất tồi tệ.
Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm thúc đẩy mối quan hệ quân sự?
Họ tìm cách thúc đẩy mối quan hệ quân sự vì những lý do tôi đã nói ở trên. Cá nhân tôi nghi ngờ cuộc tập trận này có thể mang lại kết quả chính trị. Không có ai giải thích được một cách thỏa đáng cơ chế mà ở đó mối quan hệ làm việc hành lang giữa quân đội lại hình thành mối quan hệ giữa các chính trị gia. Về một nghĩa nào đó RIMPAC là một cuộc thử nghiệm, và hãy để giả thuyết này được thử nghiệm.
Cuộc tập trận sẽ có tác động gì đối với căng thẳng hiện nay ở Hoa Đông và Biển Đông?
Tôi cho rằng nó sẽ không có nhiều tác động. Luật chơi ở Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh coi là "lợi ích cốt lõi", sẵn sàng giao chiến, khác nhau và Mỹ nhận thấy có sự đe dọa đối với các vùng biển và vùng trời ở đây.
Liệu Trung Quốc từ nay sẽ tham gia tiếp vào các cuộc tập trận khác do Mỹ dẫn đầu?
Điều đó còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc có thói quen đồng ý tham gia cùng với các nước khác, nhưng lại rút vào phút cuối, để thể hiện bất bình nếu điều gì đó ngoài dự kiến xảy ra.
Khác với quan điểm của một số chính trị gia Mỹ, cho rằng việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia RIMPAC là một sai lầm, khiến Trung Quốc có thể do thám được Mỹ, học giả Gordon G. Chang, tác giả cuốn "The Coming Collapse of China" (Trung Quốc sắp sụp đổ), nhận định: "Đây là thời điểm hoàn hảo để chứng tỏ với người Trung Quốc, ở vùng biển ngoài khơi Hawaii, rằng điều gì khiến Mỹ mạnh mẽ đến vậy. Nếu có bất kỳ lý do nào về việc mời Trung Quốc, thì đó là: làm cho Bắc Kinh thấy rõ họ không chỉ đối mặt với Mỹ, mà còn rất nhiều đối tác của Mỹ nữa.
Vũ Quý
Theo Dantri/ DW
Nga củng cố sức mạnh phòng không với tên lửa mạnh nhất - Hồi cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, hệ thống phòng không ở Kamchatka sẽ được củng cố bằng hệ thống tên lửa S-400 Triumf mới. "Chúng tôi đã mua được vũ khí quân sự mới - hệ thống tên lửa phòng không S-400, mà trong tương lai sẽ được bàn giao cho đơn vị phòng không ở đông bắc...