Tư lệnh Hải quân Anh than hết tiền đánh Libya
Người đứng đầu Lực lượng Hải quân Anh hôm qua (13/6) đã thừa nhận, nước này sắp hết tiền đánh Libya và chiến dịch can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi “không thể duy trì” quá mùa hè năm nay.
Đô đốc Mark Stanhope cho rằng, chiến dịch đánh Libya của Anh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nếu chính phủ không cắt giảm chi phí quốc phòng. Theo lời Tư lệnh Hải quân Anh, nếu Anh chưa loại bỏ tàu sân bay Ark Royal và những chiếc máy bay Harrier ra khỏi biên chế trong quân đội thì hai loại vũ khí này có thể được đưa vào sử dụng ở Libya và làm cho chiến dịch của họ ở đây trở nên hiệu quả hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Máy bay và tàu chiến của Hải quân Anh đang đóng vai trò hàng đầu trong các cuộc tấn công nhằm vào quân của Tổng thống Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, Anh cũng đang phải triển khai đến 10.000 binh lính đánh Taliban ở Afghanistan, nhiều thứ hai sau Mỹ.
Đô đốc Mark Stanhope cảnh báo, Hải quân Anh sẽ không thể duy trì chiến dịch ở Libya quá 3 tháng nữa mà không cắt giảm chi phí quân sự ở các nơi khác. Ông Stanhope cho rằng, Anh sẽ buộc phải cắt giảm chi phí cho các hoạt động phòng thủ quốc gia nếu muốn tiếp tục thực hiện cam kết ở đất nước Bắc Phi.
Những phát biểu trên của Tư lệnh Hải quân Anh chắc chắn sẽ làm khuấy động lên cuộc tranh cãi về vấn đề cắt giảm chi phí quốc phòng. Kế hoạch này đã khiến một tàu sân bay và máy bay Harrie của Hải quân Hoàng gia Anh phải “về vườn”.
Video đang HOT
Một đô đốc khác cũng cảnh báo, những cắt giảm chi phí quốc phòng “phi lý” sẽ khiến lực lượng Hải quân Anh rơi vào tình trạng không đủ tàu chiến để hoạt động hiệu quả.
Trước đó, các bộ trưởng Anh đã liên tục đưa ra lập luận, nước này không còn cần đến tàu sân bay HMS Ark Royal hay máy bay Harriers trong chiến dịch ở Libya vì máy bay chiến đấu có thể cất cánh từ các căn cứ ở Italia như Gioia del Colle.
Tuy nhiên, theo Tư lệnh Hải quân Stanhope, tàu sân bay và những chiếc máy bay đi cùng sẽ có ích trên chiến trường Libya. Máy bay Harriers sẽ được sử dụng vào các hoạt động “hỗ trợ mặt đất”, tấn công lực lượng bộ binh của Tổng thống Gaddafi.
Các nhà phân tích quân sự cũng như các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh đều có chung nhận định như ông Stanhope và một đô đốc Hải quân nói trên. Đó là, việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng sẽ làm hạn chế khả năng của quân đội Anh.
Bất chấp những phát biểu vừa đưa ra, Tư lệnh Hải quân Stanhope cho rằng, bây giờ không phải là lúc nhìn lại để chỉ trích quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng. “Chúng ta phải nhìn về phía trước”.
Anh đã nhảy vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya do NATO dẫn dắt từ hồi tháng 3. Hôm 1/6, NATO đã quyết định kéo dài chiến dịch này thêm 90 ngày nữa. Theo Tư lệnh Hải quân Anh, lực lượng của họ sẽ hoạt động “thoải mái” trong vòng 3 tháng tới. Tuy nhiên, nếu chiến dịch này vượt quá 3 tháng theo kế hoạch đặt ra thì chính phủ Anh sẽ cần phải có một số quyết định khó khăn về các ưu tiên trong quân đội.
Theo VNMedia
Nga có thể đưa quân đến Libya
Dù thường xuyên chỉ trích phương Tây và NATO can thiệp quá mức vào Libya, đặc biệt là khả năng chuyển từ không kích thành chiến dịch trên bộ, nhưng gần đây có dư luận Nga sẽ cử binh lính đến đất nước Bắc Phi này dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình.
Ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang Nga, ngày7-6 cho biết Nga không loại trừ khả năng trên nếu Liên Hiệp Quốc quyết định tiến hành chiến dịch ổn định tình hình ở Libya.
"Dù trong bất cứ trường hợp nào, Nga không có ý định tham chiến cùng NATO. Tuy nhiên, nếu được mời tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Libya, chúng tôi sẽ xem xét và ủng hộ, bởi lẽ Nga cần bảo vệ uy tín và vị thế của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an" - ông Ozerov nói.
Ông Ozerov không quên lưu ý các lực lượng vũ trang Nga có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình, cụ thể là các thành công tại Croatia, Bosia & Herzegovina, Macedonia, Kosovo và nhiều quốc gia khác trong thập niên 1990.
Lính gìn giữ hòa bình Nga từng đạt nhiều thành công tại Croatia, Kosovo... Ảnh: RIA Novosti
Cách đây không lâu, đích thân Tổng thống Dmitri Medvedev lên tiếng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải tại Libya. Đặc sứ của ông tại châu Phi cũng đã đến Benghazi để thương lượng với phe nổi dậy.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Brussels - Bỉ ngày 6-6, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố sau khi hoàn tất chiến dịch quân sự, Liên Hiệp Quốc phải nhận lãnh vai trò bảo đảm Libya chuyển sang nền dân chủ.
Theo Người Lao Động
Nga cử đại sứ hòa giải đến Libya Matxcơva cho biết sẽ cử đại sứ hòa giải đến Libya giữa lúc NATO vẫn tiếp tục các cuộc không kích vào quốc gia Bắc Phi này bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ phe đại tá Gadhafi. Hãng tin ANSA của Italy dẫn lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, phát viên của nước này sẽ đến thủ đô Tripoli...