Từ Len Đao, Cô Lin nhớ Gạc Ma
Cần nói về ngày 14/3/1988 không phải chỉ để khơi gợi lại một sự kiện, mà để thêm tự hào, kính phục đối với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Để các thế hệ không có lỗi với các liệt sĩ và đồng đội của họ.
Anh hùng Vũ Huy Lễ và đồng đội tàu HQ-505 sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Cô Lin. Ảnh: Nguyễn Viết Thái.
Mong linh hồn con siêu thoát
Hôm nay, 14 tháng 3, vừa tròn 27 năm ngày 64 sỹ quan và chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, 3 tàu vận tải của ta bị tàu Trung Quốc bắn chìm, bắn cháy ở các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
“Cha mẹ Võ Ta – Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Tôi nhớ đến đôi tay run run của cụ Võ Ta ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi cụ tự tay viết những dòng thư ấy, nhờ tôi mang ra vùng biển Gạc Ma hóa vàng cuối năm 2010. Tôi nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sỹ hy sinh tại Trường Sa ở Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Con trai của hai cụ, anh Võ Đình Tuấn đã cùng đồng đội kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Tôi nhớ đến hình ảnh người yêu của anh Võ Đình Tuấn đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trong những buổi chúng tôi cùng chị viếng Tượng đài Cam Ranh. Khi người đồng hương Hoa Lư, Ninh Bình của tôi, liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh ra xây dựng đảo Gạc Ma và hy sinh ở đó ngày 14/3/1988, con gái của anh, Đinh Thị Mỹ Lệ mới hơn 1 tuổi. Từ ngày đó đến nay, chị Hà ở vậy thờ chồng, làm mọi việc, kể cả phụ hồ để nuôi con nên người. Và tôi nhớ đến giọt nước mắt trên má bà Nguyễn Thị Hằng ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khi bà nhắc tới con trai, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông…
Đảo Cô Lin gần đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.
Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong tổng thể CQ88
Video đang HOT
Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88). Đó là điều cần làm, để khơi dậy lòng tự hào, sự kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nhắc tới ngày 14/3/1988 là nhắc tới những mất mát, đau thương ở Gạc Ma, là nước mắt. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nhớ tới giọng nói oang oang của anh Uông Xuân Thọ, nguyên Thượng úy, Máy trưởng tàu HQ-605 khi anh kể về ngày 14/3/1988 bi tráng: Ngày 11/3/1988, tàu HQ-605 hoàn thành chuyến tiếp vận cho các đảo chìm vừa được quân ta đóng giữ là Tốc Tan, Núi Le…, về đảo Đá Đông trên đường về Cam Ranh.
Nước ngọt, lương thực thực phẩm đã chuyển hết cho các đảo, tàu chỉ giữ lại mức đủ dùng cho mấy ngày hành quân về bờ. Bất ngờ, thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh Sơn nhận được mật lệnh của Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Giáp Văn Cương, phải cấp tốc đóng giữ đảo Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Tàu HQ-605 đã khẩn trương thực hiện mệnh lệnh, cắm được quốc kỳ Việt Nam trên bãi đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Mặc dù sau đó tàu HQ-605 bị các tàu Trung Quốc bắn cháy rồi chìm, thuyền phó Phan Hữu Doan và báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, sĩ quan chiến sĩ của tàu vẫn bình tĩnh giữ được đảo Len Đao và cùng nhau đưa thương binh tử sĩ về đảo Sinh Tồn an toàn.
Tôi nhớ tới nụ cười rạng ngời của Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 và đồng đội sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Cô Lin. Sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bị các tàu Trung Quốc bắn pháo dữ dội, khiến tàu hỏng máy. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi Cô Lin thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma…
Ngày 14/3/1988, những người lính Việt Nam can trường đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng, việc gọi như vậy dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988.
Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88). Đó là điều cần làm, để khơi dậy lòng tự hào, sự kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, để chúng ta không có lỗi với các chiến sỹ đã hy sinh và đồng đội của họ.
Theo Nguyễn Đình Quân
Tiền Phong
Hôm nay, đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Những người đứng lại phía chân trời
Hôm nay, đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Những người đứng lại phía chân trời
Chỉ 4 năm sau buổi gặp mặt đầu tiên mang tên "Vòng tròn bất tử" giữa các cựu binh sống sót sau trận Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa, được diễn đàn Hoangsa.org tổ chức vào năm 2011, hình ảnh của những hùng binh Gạc Ma sẽ được khắc họa đậm nét bằng Khu tưởng niệm những chiến sĩ Gạc Ma trên diện tích hơn 2ha tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Công trình được đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày hôm nay (13.3), do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện bằng sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân hảo tâm trong, ngoài nước và cán bộ, công nhân lao động cả nước.
Phối cảnh tổng thể công trình khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Người lính, ngọn cờ
Tất cả bắt đầu bằng cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ giữa năm ngoái. Cuộc thi quy tụ được rất nhiều phương án, ý tưởng thiết kế tượng đài tâm huyết và cuối cùng phương án được chọn là của một phụ nữ. Bà Lý Thị Liễu sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, là lứa sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định tốt nghiệp vào năm 1975, vốn xa lạ với chuyện binh đao. Nhưng, trận chiến Gạc Ma dường như có duyên với bà khi nó diễn ra vào thời điểm bà đang sáng tác một tác phẩm cho Lữ đoàn Hải quân 125. "Lúc đó tôi nhớ không khí trong hải quân căng thẳng lắm. Những người lính ai cũng uất giận và xác định nếu được cử ra đảo chiến đấu sẽ không trở về". Bà Liễu nhớ lại: "Nhưng họ đau khổ nhất là cảnh các đồng đội của mình phải ngã xuống trước họng súng kẻ thù hung hãn".
Tác phẩm "Những người nằm lại phía chân trời" của bà Liễu được lựa chọn để làm điểm nhấn cho cụm tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma bao gồm hình ảnh mặt trời phía sau lưng những chiến sĩ hải quân, có người ngã xuống nhưng nổi bật là hình ảnh người lính giữ vững ngọn cờ tổ quốc trên đảo. Người lính đó chính là thiếu úy Trần Văn Phương, năm đó là Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, người trước khi hy sinh đã thét vang: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo" - như lời các đồng đội anh thuật lại sau này.
Bà Liễu mất một tháng để thiết kế tác phẩm của mình, nhưng trước đó bà và chồng - cũng là một nhà điêu khắc, ông Lâm Quang Nới - đã bỏ ra hai tháng để tìm hiểu và đi thực tế. Ông Nới cũng có tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi này mang tên "Giọt lệ thiên thu", với ý tưởng về giọt nước mắt thương tiếc cho những người nằm xuống. Ông Nới từng là bộ đội từ năm 1968 cho đến khi giải ngũ rồi vào học Trường Mỹ thuật Gia Định vào năm 1977.
"Tôi vốn không rành quân đội, nhưng may mắn có chồng từng là quân nhân nên cũng đỡ nhiều" - bà Liễu kể với chúng tôi: "Nói thật, tôi thấy tượng đài của chồng... đẹp hơn tác phẩm của mình với nhiều ý nghĩa gửi gắm vào đó". Ông Nới - gốc Nam Định nhưng có kiểu cười hà hà rất Nam Bộ - nói: "Thật sự thì tượng đài của tôi thua cái của bả vì bố cục và ý tưởng của tác phẩm &'Giọt lệ thiên thu' bị ban giám khảo đánh giá là quá buồn. Bố cục của &'Những người nằm lại ở phía chân trời' rất lạ mà chưa có tượng đài nào tại Việt Nam làm theo cách đó".
Hai vợ chồng điêu khắc gia này đã có khoảng 50 tượng đài lớn nhỏ khắp cả nước. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước UBND TPHCM sắp được hoàn thành cũng chính là tác phẩm của họ.
Ước vọng hoà bình
Tượng đài chính là trái tim của khu tưởng niệm, nhưng quần thể của khu vực trải rộng trên diện tích 2ha còn bao gồm nhiều hạng mục khác như khu vực tưởng niệm dành cho du khách, bảo tàng ngầm... Những hạng mục này được các kiến trúc sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM) đảm nhiệm. Lấy ý tưởng từ các yếu tố đất, nước và hòa bình, các tác giả muốn gửi đến không chỉ có sự thương tiếc với 64 chiến sĩ đã nằm xuống, mà còn là ước vọng về hòa bình, về hành trình dựng nước và giữ nước của người Việt.
"Tôi mong muốn khi du khách đến thăm khu tưởng niệm không chỉ xem đó là một địa điểm du lịch, mà là hành trình nhìn lại công cuộc của những người Việt từ thời Âu Lạc đã dựng nước và giữ nước cho đến hôm nay" - Nguyễn Anh Tuấn - trưởng nhóm thiết kế - nói thêm: "Người Việt chúng ta luôn tìm gặp nhau ở tinh thần yêu nước nên công trình này phải mang được tính gợi mở và vun đắp tinh thần ấy".
Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời
Nằm ở vị trí trung tâm khu tưởng niệm là bảo tàng được xây dựng hình tròn với ý tưởng của "Vòng tròn bất tử", lấy cảm xúc từ hình ảnh của những người lính nắm chặt tay nhau thành vòng tròn đã ngã xuống dưới làn đạn của hải quân Trung Quốc. 64 người lính sinh ra từ đất, nối lại một vòng tròn bất tử để rồi hòa mình vào nước với ước vọng giữ hòa bình cho lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM rồi lấy bằng tiến sĩ tại Anh quốc. Trước khi thực hiện công trình này, anh đã "không hiểu gì nhiều về biến cố lịch sử ở Gạc Ma", nhưng khi cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thiết kế ý tưởng để tham gia cuộc thi thì "cả nhóm đã tìm được một niềm đam mê chung mà chúng tôi tin rằng mình đang góp sức cho cộng đồng".
Khi đến gặp nhóm tác giả sẽ thực hiện khu tưởng niệm này, tôi đặt cùng một câu hỏi cho cả ba người: "Nếu có một lúc nào đó chúng ta cần một tượng đài gồm những người lính đã ngã xuống ở Hoàng Sa và Trường Sa đứng bên nhau cùng chĩa mũi súng về kẻ thù chung để bảo vệ một tổ quốc, một dân tộc, các vị vẫn tham gia chứ?". Gần như không phải suy nghĩ, cả ba người đều có cùng câu trả lời, đại ý: "Sẵn sàng, vì ai bảo vệ tổ quốc cũng cần được ghi công".
Năm 2011, khi lần đầu gặp được những cựu binh trở về từ Gạc Ma, được nghe họ kể chuyện binh lửa, nhìn họ ôm vai bá cổ đồng đội rồi tất cả cùng ôm mặt khóc khi những thước phim về trận chiến năm xưa được trình chiếu, tôi tin những người đã nằm xuống ngoài đảo xa năm ấy là bất tử.
Hôm nay, ngày 13.3, viên đá đầu tiên của Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma sẽ được đặt xuống để khẳng định lần nữa sự hy sinh của những người lính cho đất nước luôn luôn được ghi nhớ. Sự kiện này càng có ý nghĩa khi Trung Quốc đang ráo riết có những hoạt động xây dựng vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Khu tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma khẳng định lần nữa những quần đảo trên Biển Đông không thể nào bị tách rời khỏi đất nước của chúng ta cho dù kẻ thù có dùng mưu sâu kế hiểm, súng lớn tàu to. Khẳng định một lần nữa chừng nào còn người Việt thì còn nhắc nhớ, còn đau đáu trong lòng để đòi lại phần tổ quốc của mình.
Do đó, tôi cố tình sửa lại tên của tượng đài để làm tựa đề cho bài viết của mình, rằng ở phía chân trời kia, mỗi khi chúng ta ngóng mắt ra Biển Đông vẫn luôn có những người đứng đó để canh gác, để chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam.
Theo Trung Bảo
Báo Lao Động
Cháy lớn hơn 3 giờ đồng hồ, xưởng gỗ bị thiêu rụi Chiều tối 13.3, một xưởng sản xuất đồ gỗ tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn (TP.HCM) đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trong khoảng hơn 3 giờ bốc cháy, toàn bộ nhà xưởng và sản phẩm gỗ trị giá hàng trăm triệu đồng bị thiêu rụi hoàn toàn. Gặp gió, xưởng gỗ bốc cháy dữ dội Xưởng gỗ này...