Tú Làn – gai góc, dữ dội nhưng nên thơ níu chân người
Tú Làn đè nén trong mình chút gai góc, dữ dội cùng nét hoang sơ của hệ thống hang động mới được khám phá ngót nghét chục năm.
So với các địa điểm trekking nổi tiếng ở Việt Nam, Tú Làn được coi là đứa con sinh sau đẻ muộn. Nằm cách Phong Nha ( Quảng Bình) khoảng 70km, Tú Làn thu mình giữa rừng núi bạt ngàn miền Trung Bộ và chỉ thực sự bật lên sau khi được chọn làm bối cảnh quay ‘Kong: Skull Island’ và là Người bất tử.
Liệt Tú Làn vào cung trekking dù nó là hệ thống hang động bởi trước khi được đắm mình trong làn nước nước mát lạnh trong hang hay tận thấy tạo tác ngọc động triệu năm, bạn bắt buộc phải trải qua đủ các loại hình trèo đèo, lội suối, băng rừng.
Oxalis hiện là đơn vị duy nhất khai thác các tour đi Tú Làn. Có rất nhiều để lựa chọn: 2N1Đ, 3N2Đ, 4N3Đ tùy theo sức khỏe, hành trình, mức giá mà bạn lựa chọn.
Muốn đày đọa bản thân lâu nhất sau nhiều lần lỗi hẹn, tôi chọn tour 4N3Đ.
Tháng “cô hồn” không phải là thích hợp nhất để tới Tú Làn, tôi nghe các anh dẫn tour nói thích nhất là tới đây vào tháng 11, 12 dương khi những cơn gió mát tràn về dải đất miền Trung khô nóng.
Lối vào cửa khô Tú Làn.
Chưa kể xách ba lô rời thủ đô vào đúng ngày mưa gió bão bùng sau khi cơn bão số 3 (năm 2019) đổ bộ, tôi sợ chuỗi ngày trekking sắp tới sẽ đẫm nước mưa như cơn ác mộng Tà Năng 2 năm trước. May mắn thay thời tiết chiều lòng người, có chăng là chút đỏng đảnh, thất thường vào ngày cuối.
Hành trình 4 ngày được Olaxis sắp xếp rất khoa học: bơi hang, ngắm động, leo núi đan xen rất hợp lý. Nó khá nhẹ nhàng so với hành trình khiến chân tôi mất cảm giác 2 tuần như Fansipan, nhỉnh hơn đôi chút so với cung đường trekking được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam – Tà Năng-Phan Dũng dài 30 km.
Khung cảnh bên ngoài điểm cắm trại đầu tiên. (Ảnh: A Xùa)
Ngày đầu tiên sẽ khơi lên cho bạn hứng thú khi được chỉ cho địa điểm quay ‘Kong: Skull Island’, băng qua con sông Rào Nan nước chưa chạm đầu gối, ngắm nhìn những khối thạch ngũ, ngọc động tuyệt đẹp mất triệu năm hình thành bên trong các hang trước khi tới điểm cắm trại mà theo như Oxalis giới thiệu là nơi nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức Carsten Peter có những shoot hình đẹp đến kinh ngạc.
Dù máy ảnh khá cùi, khó có thể có được những cú bấm máy để đời đó, đến nơi tôi cũng phải há hốc: quá đẹp. Cây cầu nhỏ xinh bắc bên cạnh con suối gần thác nước tung bọt trắng xóa cách đó không xa với tôi cũng là một mỹ cảnh nho nhỏ trong chuyến đi. Nằm võng đung đưa, lọt thỏm giữa thung lũng, ngồi nghe tiếng thác chảy, tiếng chim re ré chắc chắn là điều bạn chắn chắn không thể tìm thấy ở chốn đô thị xô bồ.
Video đang HOT
Ngày thứ 2 là ngày bơi nhiều nhất trong hành trình và được trải nghiệm thử thách đu dây (khoảng 15m) xuống khu vực sông của Hang Tú Làn nước. Tôi từng đu dây, vượt thác ở Đà Lạt nhưng đó là ở ngoài trời, trong cảnh bị nước tạt xối xả vào mặt. Ở Tú Làn là một trải nghiệm rất khác. Bạn đu dây trong hang tối, mờ mịt về đích đến và gào thét muốn quãng đường dài hơn khi đã chạm mặt chiếc xuồng các trợ lý an toàn chèo vào trước đó.
Bên trong hang Tú Làn.
Với những người không biết bơi hoặc bơi kém, bơi hang khá mất sức, nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi sau vô số lần va phải đá ngầm nhưng bù lại là cảm giác phấn khích khi được thử sức mình. Vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh, thi thoảng bạn sẽ được nghe tiếng dơi ré lên trong không gian tăm tối, hoang vu, tịch mịch.
Ngày thứ 3 là ngày mệt nhất hành trình khi liên tục phải leo qua các vách đá dựng đứng, hiểm trở, rất tốn sức và tương đối nguy hiểm. Bù lại là bãi cắm trại đẹp miễn chê sát mép suối. Đường dẫn vào bãi cũng đẹp đến nỗi có người trong đoàn tôi thốt lên rằng “Cửu Trại Câu của Quảng Bình”. Bên cạnh khu dựng trại là hồ nước màu xanh ngọc bích mà nhiều người vẫn gọi là “Tuyệt tình cốc” của Tú Làn.
Cũng giống như ở bãi cắm trại đầu tiên, Oxalis rất có tâm khi đựng một chiếc cầu nhỏ bắc ra con suối. Đây là tiền đề để chúng tôi ngồi gom mình giữa con suối chảy dài, ngắm trời đêm chi chít sao với tiếng nước suối róc rách chảy bên tai khi màn đêm buông xuống.
Anh khách Ấn Độ ngồi cạnh tôi cảm thán: “Quá tuyệt. Trên có trời sao, dưới có nước chảy”.
Tất cả mọi người đều đồng ý đây là đêm tuyệt nhất hành trình. Ngày cuối cùng chốt hạ bằng việc khám phá hệ thống Hang Tiên gồm 2 hang cách nhau 20 phút leo núi. Hang Tiên 1 nằm ở cuối rừng đá với hình ảnh ấn tượng nhất là phần vòm hang kỳ vĩ cho ra những tấm ảnh xuất sắc và các tầng thạch nhũ xếp chồng lên nhau theo dạng ruộng bậc thang, phủ rêu xanh rất bắt mắt.
Trái ngược với Hang Tiên 1, lối vào của Hang Tiên 2 khá nhỏ, hun hút dẫn sâu vào tầng lớp u tối, cô tịch bên trong.
Sau khi khám phá hang động đẹp nhất hệ thống hang Tú Làn này, chúng tôi quay ngược trở lại bãi cắm trại, ăn trưa trước khi bắt đầu leo núi, vượt đồi để trở về điểm xuất phát.
Dù mệt nhoài với 4 ngày đủ các thể loại vận động, những km cuối cùng về đích vẫn như một thế giới mới với những dãy núi trùng trùng, điệp điệp gối lên nhau, những cánh đồng dài bất tận nối với đường chân trời như mời gọi chúng tôi nán lại thêm dăm ba ngày.
Một điểm cộng to lớn trong chuyến đi lần này là các bữa tối đa dạng, đủ món và cực kỳ thịnh soạn ở các điểm cắm trại, khiến cho mỗi ngày di chuyển dường như qua nhanh hơn vì thôi thúc đi nhanh để còn về ăn tối.
4 ngày không quá dài nhưng đủ khiến tôi vấn vương, phải lòng cảnh sắc hùng vĩ, độc đáo của Tú Làn. Những cú ngã đau điếng khi xuống núi, những lần va đâm đá ngầm khi bơi hang, những viên ngọc động muốn bỏ túi nhưng không thể mang về, những người bạn mới quen tứ xứ, thứ không khí trong vắt thanh lọc đất trời, tất cả tạo nên một nét chấm khác biệt trên hành trình chinh phục dải dất hình chữ S.
Cận cảnh hố sụt Kong huyền bí ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Nằm sâu trong rừng núi nguyên sinh của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), chuỗi hang động gồm: Pygmy, Over và hang Hổ được nối với nhau bởi một hố sụt khổng lồ.
Ở đây, du khách có thể trải nghiệm, khám phá những hang động kỳ bí, rừng nhiệt đới nguyên sinh hoang dã và đặc biệt được trải nghiệm đu dây ở một trong những hố sụt sâu nhất hành tinh - Kong...
Thử "SUP" - Khám phá Cao Bằng theo cách riêng
Cận cảnh hố sụt Kong huyền bí ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Năm 1997, với sự giúp đỡ của người dân bản địa, nhóm thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã khám phá một hệ thống hang động với 3 hang lớn tiếp nối nhau là hang Hổ, hang Over và hang Pygmy. Trong hệ thống hang này có một hố sụt lớn, được đặt tên là hố sụt Kong (Kong Collapse).
Kong Collapse được xem là một trong những hố sụt cao nhất thế giới với chiều cao lên đến 450m. Cái tên Kong Collapse ra đời vì hình dáng nhìn từ trên cao xuống rất giống chiếc đầu khổng lồ của King Kong trong bộ phim cùng tên.
Toàn cảnh hố sụt Kong
Từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, hố sụt khổng lồ này được các chuyên gia hang động của Jungle Boss khám phá và nghiên cứu để khai thác du lịch mạo hiểm sau hàng chục năm trời giấu mình giữa vô vàn bí ẩn.
Trong hành trình chinh phục Kong Collapse du khách sẽ được trải nghiệm đi bộ xuyên rừng, bơi trong hang tối dưới dòng nước lạnh ngắt, chinh phục các vách đá và những thác nước, chinh phục hệ thống hang động khổng lồ, và đặc biệt là đu dây ở độ cao 100m từ hốc mắt phải của siêu hố sụt Kong.
Khám phá đỉnh cao hố sụt Kong được xem là tour mạo hiểm với cấp độ khó nhất ở Việt Nam hiện nay.
Đu dây ở độ cao 100 mét bên trong hố sụt
Ẩn ngay dưới hố sụt Kong Collapse là một khu rừng nhiệt đới trong lòng hang và hàng chục ngóc ngách lớn nhỏ luồn lách theo dòng suối ngầm để dẫn đến các hang động khác.
Băng rừng khám phá rừng nguyên sinh
Đêm xuống, hố sụt Kong trở nên lung linh kỳ ảo.
Du khách có thể ngắm nhìn trời sao cùng dải ngân hà từ hố sụt Kong.
Người tham gia chinh phục Kong Collapse sẽ phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về độ tuổi, sức khoẻ và đặc biệt phải vượt qua bài kiểm tra sức khoẻ cũng như phải tham gia chương trình đào tạo kỹ năng hang động trước khi khởi hành.
Dưới đây là một số hình ảnh trải nghiệm khám phá hệ thống các hang động và hố sụt Kong:
Hành trình vượt hang Hổ
Suối ngầm trong hang Over
Song trụ nhũ trong hang Over
Ruộng bậc thang đặc sắc
Có một Sơn Đoòng vừa huyền bí vừa lãng mạn Chuyến thám hiểm có một không hai đã chứng minh Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp tiềm ẩn tuyệt đẹp của đất nước Việt Nam. Sơn Đoòng thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống...