Từ hộ nghèo vươn lên thành ông chủ vựa rau sạch
Xã Tân Hải, huyện Tân Thành là một trong những vùng trồng rau trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiều nông dân trong xã đã có thu nhập cao nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ để đưa ra thị trường nhiều chủng loại rau an toàn VietGAP.
Cần thêm công nghệ mới
“Nếu chỉ bằng sự cần cù, chăm chỉ thôi chưa đủ, phải mạnh dạn áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới để làm ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thì người nông dân mới có thu nhập cao…” – đó là thổ lộ chân thật của anh Đoàn Văn Vĩnh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải.
Anh Đoàn Văn Vĩnh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải có thu nhập cao từ mô hình trồng rau VietGAP. Ảnh: Đặng Hòa
Vườn rau 2.000m2 được anh Vĩnh vây lưới bao quanh, trong đó có hơn 500m2 nhà lưới kiên cố. Anh Vĩnh cho biết, khi mới làm nghề trồng rau, anh thường xuyên sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, anh nhận thấy sâu trên rau kháng thuốc, không thể diệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ có thể làm tổn hại lâu dài độ phì nhiêu của đất và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2015, anh chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ.
Nước tưới rau được anh Vĩnh bổ sung một lượng vôi nhất định để cân bằng độ pH. Để cải tạo đất, anh Vĩnh dùng phân bò, phân gà ủ mục kết hợp luân canh các loại cây trồng. Thuốc diệt trừ sâu đều được làm từ thực vật. “Cá tạp và vỏ đậu phộng sau khi ủ khoảng 45 ngày sẽ tưới lên đất trước khi cấy cây giống hoặc gieo hạt giống, giúp tạo độ phì nhiêu cho đất…” – anh Vĩnh bật mí.
Video đang HOT
Hội ND xã sẽ tiếp tục nhân rộng tấm gương vượt khó, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống người dân…”. Ông Đinh Cao Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Hải
Đến nay, gia đình anh Vĩnh đã sản xuất được 4 vụ rau theo phương pháp hữu cơ. Toàn bộ rau đến kỳ thu hoạch được Công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí Vũng Tàu thu mua. Trừ chi phí, mỗi vụ rau anh Vĩnh thu lãi gần 40 triệu đồng/2.000m2 (cao hơn trồng rau truyền thống 30-35%). Hiện gia đình anh Vĩnh đã mở rộng diện tích lên gần 4.000m2 rau VietGAP. Anh Vĩnh tâm sự: “Được sự quan tâm giúp đỡ, động viên của Hội ND, chính quyền địa phương và nỗ lực của gia đình mà tôi có được mô hình ngày hôm nay…”.
Nhìn vào thu nhập của anh Vĩnh, ít ai biết rằng, năm 2010 gia đình anh còn là hộ nghèo, được xét xây nhà “Đại đoàn kết”. Từ hộ nghèo anh Vĩnh vươn lên thành hộ sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện rồi cấp tỉnh và hiện đang phấn đấu đạt danh hiệu cấp T.Ư.
Hộ khá giúp hộ khó khăn
Từ mô hình trồng rau màu thực phẩm ở xã Tân Hải, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động đã được hưởng ứng nhiệt tình. Hội ND huyện Tân Thành, Hội ND xã Tân Hải tích cực tham gia hỗ trợ nông dân tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, trong đó có việc trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Toản, thôn Láng Cát, xã Tân Hải cho hay: “Trước đây, hơn 3 sào rau của nhà tôi trồng theo phương pháp thủ công. Thị trường cần nhiều thì trồng nhiều, nông sản rớt giá thì trồng ít lại. Từ khi được Trạm Bảo vệ thực vật và Hội ND huyện Tân Thành phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất, sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã xoay vòng đất, chú trọng chăm sóc rau đúng theo quy trình. Hiện gia đình tôi mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 6 sào. Mỗi năm trồng 8 vụ, lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/vụ”.
Các vườn, ruộng rau của gia đình anh Vĩnh, anh Toàn cũng là địa điểm tin cậy để hội viên, nông dân trong xã, ngoài huyện đến trao đổi, học tập. Bản thân những hộ vững kỹ thuật, kỹ năng sản xuất như anh Vĩnh, anh Toàn đều tích cực cùng với Hội ND xã giúp đỡ những hộ hội viên khó khăn, ít kinh nghiệm trong sản xuất để cùng vươn lên.
Theo Danviet
Nông dân Yên Đức háo hức làm du lịch
Nhiều nông dân nhiều làng quê xã Yên Đức (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) không còn đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng mà chuyển sang làm "công nghiệp không khói" - du lịch, và có thu nhập cao.
Hỗ trợ nông dân làm du lịch
Đến thăm khu nhà homestay của chị Dương Thị Mến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức, ít ai nghĩ đây là cơ ngơi của một nông dân chính hiệu. Căn nhà gia đình chị Mến ở với 2 phòng nghỉ xinh xắn, đầy đủ tiện nghi dành cho khách du lịch nằm yên bình dưới những tán cây xanh mát trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng. Chị Mến cho biết, mỗi năm nhà chị đón vài chục lượt khách chủ yếu là khách quốc tế, cao điểm là từ tháng 9 đến hết năm.
Du khách quốc tế hào hứng với trải nghiệm dùng nơm úp cá ở du lịch làng quê Yên Đức. Ảnh: Đ.T
Theo chị Mến, trước khi làm du lịch, chị và nhiều bà con khác trong xã đơn thuần chỉ trồng lúa, chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Công việc đồng áng vất vả mà thu nhập không cao. Từ ngày làm du lịch, gia đình chị có cuộc sống khấm khá hơn. Kể về cơ duyên đến với nghề làm du lịch chị Mến cho biết: "Với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa phong phú đặc sắc, xã Yên Đức rất có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hoá bản địa. Năm 2011, Yên Đức được Công ty Du thuyền Đông Dương đưa vào khai thác, trở thành điểm du lịch làng quê. Khởi đầu chỉ là Hợp tác xã Du lịch làng quê Yên Đức được thành lập với 26 xã viên là các hộ dân ở 2 thôn Yên Khánh và Đồn Sơn. Gia đình tôi là 1 trong những hộ tiên phong tham gia HTX để thực hiện mô hình du lịch làng quê".
Hiện mỗi ngày Công ty Du lịch làng quê Yên Đức tiếp đón khoảng 50 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách châu Âu. Thu nhập bình quân của xã viên đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng". Chị Dương Thị Mến
Chị Mến cho hay, lúc đầu làm du lịch làng quê, chị và bà con nông dân vô cùng lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Để những người nông dân trở thành những hướng dẫn viên du lịch, Công ty Du thuyền Đông Dương đã phối hợp với HTX đào tạo nông dân về nghiệp vụ du lịch, tiếng Anh, nghề múa rối nước... "Nhờ có những lớp tập huấn miễn phí này, nhiều hộ nông dân làm du lịch như tôi có kiến thức căn bản nhất để làm hài lòng du khách, hướng tới phát triển bền vững trên cơ sở những thứ sẵn có của gia đình, địa phương" - chị Mến nhấn mạnh.
Nhà nông "mát tay"
Cũng như chị Mến, trước đây anh Nguyễn Văn Hiển ở thôn Yên Khánh chỉ biết làm ruộng, khi chuyển sang làm du lịch làng quê cũng rất bỡ ngỡ. Anh Hiển tâm sự: "Khởi đầu có khó khăn nhưng tham gia HTXdu lịch, chúng tôi được chỉnh đốn, học cách giao tiếp từ ánh mắt nụ cười đến phong thái, ăn mặc gọn gàng lịch sự... để khách đến đây có ấn tượng tốt".
Được đào tạo bài bản, cùng với sự chịu khó học hỏi, những người nông dân Yên Đức vốn dĩ quen với cảnh "bán mặt cho đất..." đã trở thành những hướng dẫn viên, người làm du lịch thực thụ. HTX Du lịch làng quê Yên Đức ngày nào cũng chuyển mình, trở thành Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức với 48 nhân viên.
"Khách du lịch đến đây sẽ được xem múa rối, tham quan ngôi nhà cổ gần 200 tuổi, trải nghiệm xay lúa, giã gạo, úp cá, tự tay thu hoạch những nông sản, thưởng thức những món ăn địa phương giản dị như khoai, ngô, chè... giữa khung cảnh đồng quê. Nhiều nhóm khách còn nghỉ lại đây từ 2-3 ngày để tận hưởng, khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân Yên Đức chúng tôi" - chị Mến phấn khởi nói.
Theo Danviet
Rau bồ ngót ở Ia Sol Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư trồng chuyên canh cây rau bồ ngót, loại cây dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình 1 ha rau bồ ngót đạt sản lượng 8-10 tấn, giá bán bình quân 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tấn....