Tử hình: Từ cổ đại đến văn minh – Kỳ 1: Tử hình: Cái chết không êm ái
Từ cổ xưa đến hiện đại, hình thức tử hình và các tội danh phải chịu án tử đã thay đổi như thế nào? Và liệu trong tương lai, hình phạt để loại trừ vĩnh viễn một đồng loại ra khỏi cộng đồng con người có còn là cách được xã hội hiện đại áp dụng?
Theo Trung tâm Thông tin tử hình (DPIC), luật tử hình sớm nhất trong lịch sử nhân loại được biết đến là bộ luật của vua Hammaurabi ở Babylon từ thế kỷ 18 trước CN. Bộ luật này quy định 25 tội danh phải chịu mức án tử hình.
Quang cảnh treo cổ những kẻ ám sát Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln năm 1865 – Ảnh: Alexander Gardne
Đến thế kỷ thứ 7 trước CN, Bộ luật Draconian của Athens quy định tử hình là hình phạt duy nhất cho mọi tội danh. Các hình thức thi hành án tử hình khi đó bao gồm: đóng đinh, dìm xuống biển, đánh đến chết, thiêu sống và xuyên cọc qua người. Đàn hương hình được nhắc đến trong lịch sử cũng là tên gọi khác của hình thức xuyên cọc qua người. Những hình thức như thế này gây đau đớn cùng cực cho tử tội trước khi chết và gây khiếp sợ cho người sống.
Cái chết từ từ và đau đớn
Nhưng thời kỳ được nhắc đến nhiều nhất về sự man rợ của việc tử hình có lẽ là thời Trung cổ ở châu Âu, kéo dài từ thế kỷ thứ 5-15. Ở thời kỳ được xem là chương đen tối và mông muội của lịch sử nhân loại này, tử hình được nói là thường đi kèm với tra tấn.
Đè chết là một trong số các hình phạt. Đao phủ sẽ đặt vật nặng lên ngực người bị hành quyết. Ngày đầu tiên đao phủ sẽ cho người này ăn một ít bánh mì. Ngày thứ hai đao phủ cho anh ta uống nước bẩn và cứ như thế cho đến khi phạm nhân nhận tội hoặc chết mòn.
Tội báng bổ thần thánh cũng phải chịu án tử. Suốt nhiều thế kỷ, những ai đi ngược lại với quan điểm của nhà thờ về cả mặt chính trị hay khoa học đều bị xử tử. Nhiều phụ nữ bị coi là phù thủy cũng bị đem ra thiêu sống.
Video đang HOT
Đến thế kỷ thứ 10 sau CN, treo cổ trở thành hình thức tử hình phổ biến ở Anh. Vào thế kỷ 16, dưới thời vua Henry VIII của Anh, ước tính có khoảng 72.000 người đã bị xử tử. Một số phương pháp tử hình thông dụng thời ấy được nhắc đến như đun sôi, thiêu sống, treo cổ, chém đầu, kéo lê và phanh thây; áp dụng cho các tội như cưới người Do Thái, không nhận tội và tạo phản.
Trong đó tử hình bằng đun sôi được vua Henry VIII chuẩn thuận vào năm 1532. Tùy từng trường hợp, tử tội có thể bị kéo lên hạ xuống vạc nước sôi nhiều lần cho chết từ từ để tăng thêm phần rùng rợn và đau đớn. Hành quyết bằng đun sôi được áp dụng cho những tử tù phạm tội giết người bằng cách đầu độc. Trang web của PBS trích lại một đoạn trong cuốn sách Giải pháp cuối cùng của xã hội: lịch sử và tranh luận về án tử hình của tác giả Laura E. Randa nói kỷ lục được ghi nhận là có người bị đun sôi tới hai giờ mới chết.
Các tài liệu ghi chép cũng nói hình thức này thường thu hút sự quan tâm của dân chúng hơn các hình thức như chặt đầu hay treo cổ. Có thể vì vậy mức độ rùng rợn được tăng lên nhằm răn đe dân chúng thời đó. Hoặc cũng có thể tử hình rùng rợn và dã man làm cho dư luận thấy hả dạ trước một tội ác kinh hoàng. Tử hình bằng đun sôi còn có thể thực hiện với các chất lỏng khác như sáp hay dầu. Chế độ phong kiến ở châu Á cũng đã dùng hình thức tử hình là ném tử tù vào vạc dầu đang sôi.
Một người đang bị chôn để chuẩn bị cho việc hành hình bằng ném đá ở Somalia – Ảnh: AP
Những thay đổi
Trong thế kỷ 18, có đến 222 tội danh bị đưa vào mức án tử hình ở Anh, bao gồm cả tội ăn cắp, đốn hạ cây. Vì tính hà khắc của luật tử hình, nhiều quan tòa khi đó đã không kết án bị cáo nếu như tội trạng không thật sự nặng. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi trong luật tử hình của Anh. Từ năm 1823-1837, chỉ còn 100 tội bị khép vào mức án tử.
Một số hình thức tử hình ghê rợn khác được nhắc đến trong lịch sử nhân loại thời Trung cổ hoặc thời kỳ cận đại như: xa hình (buộc tử tội vào bánh xe rồi đánh), lột da, mổ bụng, phanh thây, voi giày, ngựa xéo, ném đá, cưa người, chặt chân tay…
Hình phạt lăng trì, hay tùng xẻo, là hình thức giết chết tử tội bằng cách cắt từng phần cơ thể. Tử tội sẽ chết từ từ trong đau đớn cùng cực. Hình thức này vẫn còn được áp dụng tại Trung Quốc đầu thế kỷ 20 dưới thời nhà Thanh. Đến tháng 4-1905, hình thức tử hình tàn ác này được bãi bỏ.
Voi giày, ngựa xéo là hình thức tử hình dùng sức mạnh của động vật để giết chết phạm nhân. Thời Trung cổ cũng có trường hợp tử tội bị ném vào hang hoặc hố sâu có rắn độc. Tử tội không chỉ chết trong đau đớn mà còn sợ hãi tột độ.
Những hình thức tử hình làm cho tử tội đau đớn tột cùng trước khi chết và nhất là không được kết thúc sự sống ngay lập tức có thể làm hả dạ một cộng đồng đang bức xúc về một tội ác nào đó. Tuy nhiên, việc hành hình đi kèm với tra tấn hoặc gây đau đớn cho phạm nhân trước khi chết được coi là không nhân đạo.
Cùng với trình độ phát triển của nhân loại, số tội danh bị áp dụng mức án tử hình đã giảm đáng kể. Hình thức tử hình cũng được thay đổi để phạm nhân ít đau đớn hơn trước khi chết. Vào những năm cuối thế kỷ 18, người Pháp cho ra đời máy chém với quan điểm tử hình bằng công cụ này sẽ gây ra cái chết ngay tức khắc và ít đau đớn mặc dù trước đó các hình thức tử hình chém đầu đã được thực hiện bằng gươm hay rìu. Người Anh cũng bãi bỏ hình thức kéo lê (bằng ngựa) và phanh thây vào đầu thế kỷ 19. Trong thế kỷ 20, người Mỹ cho ra đời các hình thức tử hình như ghế điện, phòng ngạt và nhân đạo hơn cả là tiêm thuốc độc.
Tuy nhiên, tại một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, một số hình thức tử hình gây đau đớn và chết chậm vẫn còn được áp dụng như ném đá đến chết, chém đầu bằng gươm.
Theo Tuổi Trẻ
Bé trai suýt bị chôn sống đã có mẹ
Sau khi dành lại sự sống cho cháu bé thoát khỏi tập tục lạc hậu của người dân tộc Xê Đăng, chị Hồ Thị Hiếu người cứu cháu bé đã nhờ cán bộ tư pháp làm thủ tục xin nhận cháu làm con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu với tên Hồ Quốc Khánh.
Như Báo CAND đã đưa tin về vụ việc 1 cháu bé đã bị gia đình và nhiều người dân trong thôn vì mê tín, tuân theo hủ tục lạc hậu đã mang cháu chôn cùng với mẹ là chị Hồ Thị Yên (33 tuổi, thôn 6, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã tử vong do băng huyết khi sinh.
Chiều 22/9, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, sau khi dành lại sự sống cho cháu bé thoát khỏi tập tục lạc hậu của người dân tộc Xê Đăng, chị Hồ Thị Hiếu đã nhờ cán bộ tư pháp xin làm thủ tục nhận con nuôi. Đến nay, mọi thủ tục nhận cháu làm con nuôi của chị Hiếu đã hoàn thành và đã đăng ký khai sinh cho cháu với tên Hồ Quốc Khánh.
Trở lại vụ việc vào rạng sáng ngày 2/9, khi mẹ của bé trai là chị Hồ Thị Yên (33 tuổi, thôn 6, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sinh bé tại nhà và đã tử vong ngay sau đó do băng huyết.
Tuy nhiên, xét theo tập tục của người dân tộc Xê Đăng thì khi mẹ cháu bé chết thì phải chôn theo con. Vì thế, gia đình và nhiều người dân trong thôn đã tuân theo hủ tục và mang cháu bé chôn cùng với mẹ.
Khi biết tin, chị Hồ Thị Hiếu, cán bộ y tế xã Trà Cang đã đến gia đình động viên, giải thích gia đình cũng như người dân xung quanh đừng chôn cháu bé đang còn sống. Sự việc này bắt gặp sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình và người dân. Giải thích một cách khoa học và tình người không được, chị Hiếu đành phải nhảy vào dành cháu bé và đưa về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My để tiếp tục chăm sóc, theo giõi cho sức khoẻ của bé.
Cháu Hồ Quốc Khánh đã có "mẹ" chính là người đã cứu sống cháu khỏi hủ tục chôn sống theo mẹ ruột đã chết từ tay của những người thân và người dân.
Chị Hiếu cho biết, mặc dù biết việc làm này quá nguy hiểm và có thể sau này nhận được sự dèm pha và xa lánh của nhiều người dân trong thôn do đang mê muội theo hủ tục lạc hậu, nhưng cháu bé là một con người nên chị quyết tâm đưa bé về chăm sóc và đặt tên cho bé là Hồ Quốc Khánh vì bé Khánh sinh vào đúng ngày Quốc khánh.
Được biết, gia đình chị Hiếu rất đông anh chị em, quanh năm làm nương bám rẫy, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không chịu chùn bước, chị Hiếu đã theo học trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Năm 2009, chị làm việc không lương tại Trạm Y tế xã Trà Cang, đến năm 2010 thì làm việc theo hợp đồng với mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng.
Khi biết tin chị Hiếu cứu sống cháu Khánh, nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi và động viên "2 mẹ con" và đóng góp, hỗ trợ 10 triệu đồng cho chị Hiếu chăm sóc bé Khánh. Sở Y tế Quảng Nam cũng trao phần quà 2 triệu đồng cho chị Hiếu
Theo CAND
Xếp hàng khi lên xe buýt Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus) vừa có văn bản đề xuất Sở GTVT TPHCM tiếp tục cho triển khai lối xếp hàng khi lên xe buýt tại vị trí trạm dừng số 3 Công Trường Quốc Tế (quận 3). Trước đó, ngày 17-9, Sài Gòn Bus đã thí điểm đưa vào hoạt động lối xếp...