Tử hình bằng thuốc độc: Hoãn vì chưa có thuốc
Không nhập được thuốc nên tử hình bằng thuốc độc vẫn chưa được áp dụng (Ảnh minh họa)
Thông qua từ năm 2009 nhưng điều khoản trong luật Thi hành án hình sự về tử hình bằng tiêm thuốc độc vẫn chưa thể áp dụng với lý do… thiếu thuốc. Câu chuyện được bàn thảo trong phiên họp tổ chiều 26/10 về công tác đấu tranh với tội phạm.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, ngành công an đã xây dựng 10 khu vực sẵn sàng thử nghiệm hình thức mới cho án tử hình là tiêm thuốc độc thay cho bắn. Nhưng đến nay vẫn không thể thực hiện vì… không nhập được thuốc độc.
“Nhập phải qua EU, mà EU đòi chúng ta phải bỏ án tử hình”, ông Sơn nói.
Báo cáo của các cơ quan tư pháp cho thấy có tới gần 450 bị cáo đã đủ điều kiện để thi hành án nhưng không có thuốc độc. Trong thời gian đó, nhiều tử tù xin thi hành án sớm. Một số người ốm bị chết. Các trại giam đang giam giữ thành phần này cũng khó khăn trong quản lý, theo dõi.
Hiện nay Bộ Y tế với các ngành chức năng đang tìm phương án để có thuốc, tình hình là sẽ có thể nhập được, nhưng chưa biết đến bao giờ, ông Sơn cho hay. Chưa kể, từ khi mang được thuốc về còn phải có thời gian để thử nghiệm, mọi việc không đơn giản.
Phó Chủ tịch QH cũng phân tích, tình hình khó khăn này không thể kéo dài. Bởi án tử hình mà không thi hành thì không đủ sức để răn đe.
Video đang HOT
“Tôi đề nghị sửa luật, tức không thực hiện được thì quay trở lại hình thức cũ là bắn. Phía Chính phủ thì không đồng ý. Nhưng vẫn có thể áp dụng hình thức bắn mà không gây ra áp lực cho người bắn. Đó là, có thể nhờ đến khoa học kỹ thuật tiên tiến”, ông Sơn giải thích.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng băn khoăn, rất nhiều ý kiến đang quan tâm đến trường hợp gần 450 người chịu án tử hình từ 2009 đến nay nhưng vẫn chưa thể thi hành án bởi thiếu nguồn cung ứng thuốc độc. “Xử lý thế thế nào với những trường hợp này?”, bà Thúy đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý gọi đây là tình huống “trớ trêu” bởi vài năm trước, khi sửa luật, Chính phủ đã tha thiết đề nghị chuyển từ xử bắn sang tiêm thuốc độc. Với lý do là xử bắn tốn kém, trường bắn hạn chế, lại gây áp lực nặng nề cho lực lượng thi hành án.
Khi Quốc hội chấp nhận thông qua việc sửa luật, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các điều kiện để thực hiện thi hành án bằng tiêm thuốc độc. Bộ Công an, Quốc phòng đã xây dựng, đầu tư nhiều phòng thi hành án với trang bị, điều kiện hiện đại theo mô hình của Mỹ. Hàng trăm cán bộ cũng được đào tạo, huấn luyện để thực hiện việc tiêm thuốc độc.
Theo ông Phan Trung Lý, mọi khâu chuẩn bị được cho là bài bản, nhanh chóng nhưng đến khâu cuối cùng mới “ngã ngửa” vì không có thuốc độc để thực hiện, không mua được ở đâu vì “không ai bán thuốc cho mục đích sát hại người”.
Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thực thi luật quy định cụ thể 3 loại thuốc độc sử dụng trong thi hành án tử hình. Khi đó, Bộ Công an nói trách nhiệm thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế cũng không chịu bởi cho rằng đó là việc của Bộ Công an.
Ông Lý phàn nàn, các cơ quan của Chính phủ đã thiếu trách nhiệm trong việc thi hành các quy định của pháp luật. “ Sao phải đặt vấn đề nhập thuốc từ nước ngoài? Việt Nam không thể sản xuất được loại thuốc này?”, ông Lý nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật đề xuất nên quay trở lại hình thức xử bắn như cũ để giải quyết số tội phạm đang chờ ngày thi hành án, giảm gánh nặng cho các trại giam.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng nêu giải pháp, phải sửa luật theo hướng quy định áp dụng song song cả 2 hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc.
Còn về lâu dài cần xây dựng luật theo hướng giảm tối đa các loại tội có hình phạt tử hình. Chỉ những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng hình phạt này, còn lại có thể giảm xuống hình phạt tù chung thân nhưng là “chung thân thực chất” – chung thân không được giảm án, ông Thảo phân tích.
Theo 24h
Bộ Công an chờ thuốc độc để thi hành án tử hình
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết đang chờ Bộ Y tế nhập 3 loại tân dược để triển khai tiêm thuốc độc thay vì xử bắn tử tù; nếu gặp khó khăn, đề nghị nghiên cứu sản xuất thuốc ở trong nước.
Chiều 14/6, trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết Luật thi hành án hình sự cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc.
Thời điểm luật có hiệu lực (1/7/2011), do chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Công an đã xin lùi thời hạn áp dụng.
"Đến nay, các điều kiện đã sẵn sàng chỉ còn chờ Bộ Y tế nhập thuốc về. Nếu gặp khó khăn, Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước để phục vụ kịp thời việc thi hành án tử hình", người đứng đầu ngành công an cho hay.
Trương Minh Hải (24 tuổi, quê Long An) bị kết án tử hình về tội Giết người. Ảnh: Hải Duyên.
Theo thượng tướng Quang, do lượng phạm nhân bị kết án tử hình nhiều, Bộ Công an đã có kế hoạch xây dựng trung tâm tiêm thuốc độc ở 5 khu vực. Tuy nhiên vì kinh phí có hạn, việc này chưa thể làm ngay cùng một lúc.
Thời gian qua, Bộ Công an đã tập huấn việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc cho các cán bộ thi hành án trong lực lượng công an và quân đội. "Cả nước có gần 500 người làm nhiệm vụ này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Công an nêu ý tưởng muốn hình thành trại giam riêng đối với tử tội. "Nếu để rải rác ở các trại tạm giam hay các địa phương sẽ khó khăn cho công tác quản lý vì người bị kết án tử hình thường quậy phá", ông nói.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an) từng cho hay, việc tiêm thuốc độc sẽ giúp người bị thi hành án tử hình ít đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn thời gian qua như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án...
Theo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), mỗi năm phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng 80-100 người. Các tử tù chủ yếu phạm tội giết người, cướp tài sản và buôn bán ma túy.
Theo Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 1/11/2011, thuốc tiêm được sử dụng gồm: gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng...
Theo VNExpress
Nỗi hồi hộp của tử tù trong phòng biệt giam Mỗi lần cánh cửa phòng biệt giam xịch mở, tim của Páo như rơi ra khỏi lồng ngực. Đang có tương lai tươi sáng với công việc của một cảnh sát, Páo đánh mất tất cả chỉ vì ma túy và án tử hình treo lơ lửng trên đầu. Trong bộ đồ phạm nhân, Vàng A Páo (36 tuổi, người dân tộc H'mông,...