Tử hình 2 người vụ thổi giá tàu cũ 100 triệu thành 130 tỷ
Lợi dụng chức vụ, Hảo đã mua tàu lặn cũ giá 100 triệu rồi dùng làm tài sản đảm bảo thuê tài chính với công ty do ông ta điều hành để giải ngân 130 tỷ đồng.
Ngày 8/4 (sau 2 ngày xét xử), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM quyết định giữ nguyên mức án với 9 bị cáo trong vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam).
11 bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản. Ảnh: CTV.
Theo đó, Vũ Quốc Hảo (60 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM – nguyên Tổng giám đốc ALC II) và Phạm Minh Tuấn (57 tuổi) bị tuyên tử hình. Ba người mang án chung thân gồm: Vũ Đức Hòa (36 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (46 tuổi) và Nguyễn Văn Tài (56 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc ALC II).
Nguyên Trưởng phòng cho thuê ALC II – Phạm Xuân Nghị (53 tuổi) cùng 3 phó phòng Đinh Nguyên Tý (53 tuổi), Nguyễn Văn Thọ (35 tuổi), Phùng Văn Đồng (43 tuổi) lĩnh 16 – 20 năm tù.
Liên quan đến vụ án, hai người được HĐXX chấp nhận kháng cáo gồm: Hoàng Lộc (50 tuổi, ngụ quận 3, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) từ tử hình xuống chung thân. Lê Phúc Đức (39 tuổi, nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật, Công ty Giám định, thẩm định Việt Nam) từ chung thân xuống 20 năm.
Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 9/2014, 11 bị cáo có kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc kêu oan.
Video đang HOT
Vũ Quốc Hảo. Ảnh: CTV.
Theo bản án sơ thẩm, thời gian giữ chức Tổng giám đốc ALC II, Hảo cùng Phạm Minh Tuấn thành lập Công ty Cát Long Hải.
Thời điểm này, ông Kochi (quốc tịch Nhật Bản) có tàu lặn tên Tinro 2, sản xuất từ năm 1975 đang hoạt động tại Vũng Tàu. Hảo đã nảy sinh ý định dùng tàu này làm tài sản đảm bảo kí hợp đồng thuê tài chính với ALC II.
Hảo móc nối và thỏa thuận với ông chủ người Nhật góp vốn tàu Tinro 2 vào Cát Long Hải. Sau đó, Tổng giám đốc ALC II mang tàu lặn ra Hải Phòng.
Tàu cũ, không có hồ sơ, chưa đăng kí, đăng kiểm nên Hảo tìm cách hợp thức hóa. Ông ta cố tình cho Cục hải quan Hải Phòng bắt giữ. Sau đó, lợi dụng quen biết, chính Công ty Cát Long Hải của Hảo mua lại con tàu.
Hảo nhờ giám định viên Công ty Giám định, thẩm định Việt Nam định giá tàu cũ từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng. Sau đó, ông ta chỉ đạo cấp dưới ở ALC II lập hợp đồng mua bán, thuê tài chính với tài sản đảm bảo là tàu Tinro 2, giải ngân cho Cát Long Hải hơn 130 tỷ.
Số tiền này, vị Tổng giám đốc chiếm đoạt gần 79 tỷ mua đất xây Trạm dừng chân Miền Tây tại huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Hảo từng bị tuyên tử hình trong “đại án” tham nhũng gây thất thoát 530 tỷ đồng tại ALC II. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy án để điều tra lại. Vụ án này sẽ được đưa ra xét xử lại trong thời gian tới.
Theo_Zing News
Vụ án tham nhũng ở ALC II: Y án tử hình đối với Vũ Quốc Hảo
Sáng 8/4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM đã ra phán quyết cuối cùng đối với 11 bị cáo trong vụ án tham nhũng tại công ty ALC II.
Theo đó, Tòa tuyên bác kháng cáo của 9/11 bị cáo trong vụ án, giữ nguyên mức án sơ thẩm. Cụ thể, Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (còn gọi ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) bị xử phạt mức án tử hình. Phạm Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải cũng bị xử phạt mức án tử hình.
Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án Các bị cáo Vũ Đức Hòa (nguyên giám đốc Công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (Phó giám đốc, kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải) và Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty ALCII) bị tuyên án tù chung thân. Bốn bị cáo còn lại lãnh tất cả 69 năm tù như bản án sơ thẩm.
Riêng 2 bị cáo Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam) và Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng giám định, Công ty CP Giám định - thẩm định Việt Nam) được tòa chấp nhận kháng cáo, giảm một phần hình phạt. Theo đó, bị cáo Hoàng Lộc được giảm xuống mức án chung thân (sơ thẩm tuyên phạt tử hình), bị cáo Lê Phúc Đức được giảm xuống 20 năm (sơ thẩm tuyên tù chung thân).
Bị cáo Vũ Quốc Hảo (áo xanh, đi đầu) được dẫn giải sau phiên tòa
Theo bản án sơ thẩm, vào năm 2003, Vũ Quốc Hảo cùng một số người khác thành lập Công ty Cát Long Hải với mục đích biến nơi đây thành sân sau của mình. Biết một người Nhật Bản có tàu lặn Tinro 2 và muốn hợp tác nên bị cáo Hảo thỏa thuận đưa tàu này thành tài sản góp vốn vào Công ty Cát Long Hải.
Tuy nhiên, con tàu này không có giấy tờ chính thức nên Hảo chỉ đạo Phạm Minh Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra địa phận thành phố Hải Phòng để tạo tình huống bắt giữ. Sau đó thành phố Hải Phòng tổ chức bán đấu giá tàu lặn Tinro 2 và Công ty Cát Long Hải đứng ra mua với giá 100 triệu đồng.
Với chức vụ, quyền hạn là Tổng giám đốc ALC II, Hảo thông đồng với các lãnh đạo chủ chốt Công ty giám định, thẩm định Việt Nam nhằm nâng giá trị tàu lặn Tinro 2 từ 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng, đồng thời chỉ đạo cấp dưới của mình thực hiện hợp đồng mua bán thuê tài chính vào ngày 26/12/2007 giữa Công ty ALC II và Công ty Cát Long Hải để giải ngân 130 tỉ đồng.
Số tiền chiếm đoạt, Hảo sử dụng hơn 78 tỉ đồng để mua gần 90.000 m2 xây dựng trạm dừng chân Miền Tây ở huyện Cái Bè, Tiền Giang./.
Hoài Bão
Theo_VOV
Vị tổng giám đốc 'thổi' giá thiết bị từ 100 triệu lên 130 tỷ - Với việc "thổi giá" thiết bị lặn gấp 1.300 lần để rút tiền Nhà nước, vị cựu Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II và 2 đồng phạm đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình. Ngày 6/4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án "tham ô...