Từ giang hồ khét tiếng thành thiền sư đắc đạo
Thiền sư Thích Minh Thủy chọn đường hoàn lương là tu hành khổ hạnh. Giờ đã là thiền sư, nhưng ít ai biết, trước đó ông là trùm ma túy, liên tục tổ chức cướp bóc nên nhiều lần vào tù ra tội.
Thiền sư Thích Minh Thủy tên thật là Phạm Văn Hưởng, sinh năm 1952 ở Thái Bình. Khác với vẻ khắc khổ bên ngoài của mình, ông kể chuyện về cuộc đời và những phút giây lạc lối thân tình và cởi mở với mong muốn là lời nhắc nhở cho những người đang lạc lối.
Thiền sư cho biết ông là con trai độc nhất trong gia đình nên được cưng chiều. Nhà có truyền thống hiếu đạo, ngay từ nhỏ ông đã được dạy đọc sách thánh hiền và học chữ nho. Nhớ về những kỷ niệm buồn thời niên thiếu của mình, thiền sư bảo: “Chỉ vì tôi đua đòi học theo những người bạn xấu chứ cha tôi ngày nào cũng nhắc nhở và dạy dỗ chỉ học mới nên người”.
Bắt đầu từ những lần trốn học, dần dà Hưởng quen chân nên không đi học nữa. Cho đến ngày, nhà trường thông báo kết quả học quá yếu kém, cha Hưởng mới biết. Không thể tiếp tục theo học, lên lớp 9, Hưởng bỏ học đi lang thang khắp Hà Nội và Thái Bình.
Cha của Hưởng hướng cho con đi bộ đội. Thế nhưng Hưởng đào ngũ và đăng lính Việt Nam Cộng hòa ở Nha Trang (Khánh Hòa). Sẵn số tiền “chôm” được của gia đình, Hưởng chơi ma túy. “Đó là vào khoảng năm 1971, tôi ăn chơi lang bạt từ Bắc chí Nam. Mục tiêu đi lính cũng chỉ để thỏa cái trò ăn chơi trác táng đó. Đủ trò, trò nào cũng chán cuối cùng tìm đến thuốc phiện”, ông kể và cho hay từ khi nghiện nặng đã trượt dài trên con đường sa ngã.
Khi hút hết số tiền có sẵn, Hưởng tiếp tục trộm cắp của những người bạn đồng ngũ sau đó ít lâu thì đào ngũ, liên tục thoát khỏi sự truy bắt của quân cảnh. Quá đau buồn trước việc đứa con trai độc nhất hư hỏng và bặt vô âm tín, cha của Hưởng lâm bệnh nặng và chết ngay trong năm sau đó. Nhận được tin, trong Hưởng cũng có trỗi dậy chút lòng trắc ẩn, về nhìn mặt cha lần cuối và hứa sẽ quay về lương thiện, không trộm cướp và hút chích nữa. Nhưng lời hứa của Hưởng chỉ để che mặt chị gái và mẹ già để lấy thêm một khoản tiền lớn. Có tiền trong tay, Hưởng tiếp tục lao vào ăn chơi, hút chích.
Video đang HOT
Thiền sư Thích Minh Thủy muốn mọi người hãy tránh xa tội lỗi như ông từng lún sâu một thời.
Vào khoảng năm 1974, Hưởng trở lại khu vực chiến trường miền Nam và tiếp tục hành trình ăn chơi trụy lạc và cướp bóc. Không chỉ cướp của người dân, Hưởng còn cướp cả của lính. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, trong một lần cướp, Hưởng bị bắt và lĩnh án một năm tù. Mãn hạn, Hưởng lại lao vào con đường cũ cướp bóc và lẩn trốn.
Nhớ lại những năm tháng đen tối của cuộc đời mình, ông bộc bạch: “Lúc đó chưa đầy 30 tuổi nhưng giới giang hồ Sài Gòn ngày ấy đều có vẻ rất kiêng nể tôi”. Sau ngày giải phóng đất nước, đầu những năm 1980, Hưởng vẫn là giang hồ cộm cán ở phía Nam.
Sang năm 1982, các băng nhóm ở Sài Gòn nổi lên nhiều, địa bàn hoạt động của Hưởng bị thu hẹp lại nên nguồn thu phi pháp và sự cạnh tranh cũng giảm đi. Lục lại trong ngăn tủ thấy có khẩu súng lục tậu được từ ngày đi lính, Hưởng nảy ra ý định rủ thêm một đồng bọn tên Trần Phước vào trung tâm Sài Gòn cướp. Sau nhiều lần trót lọt, đến pha cướp của một cặp vợ chồng thương gia thì bị sa lưới. Hưởng nổ súng bắn trả công an song cũng không thể thoát..
Thiền sư kể: “Trong nhà tù lạnh lẽo, tôi là đối tượng đặc biệt vì đã có nhiều tiền án nên bị giam riêng. Đến lúc này mới thấm thía được nỗi cô độc tận cùng. Vốn là một người cũng từng có nhiều năm ăn học, giờ thấy vì con đường sa ngã mà mình đã mất tất cả, gia đình, vợ con, cha mẹ. Khi gần mãn hạn tù, nghĩ chẳng còn gia đình thân thích nên tôi quyết định đi tu”.
Con đường tu hành đầy khổ hạnh đến nay cũng đã vài chục năm. Trong suốt những năm đó, ngoài việc giúp người dân và vận động Phật tử ủng hộ cho những người bất hạnh, thi thoảng thiền sư Thủy còn xin vào các trại giam để nói chuyện và khuyên nhủ những người lầm lỡ trong đó hãy hoàn lương, hãy nghĩ về gia đình để từ giã tội lỗi và những sai lầm của mình.
Khuôn mặt hằn đặc nếp nhăn đầy khổ hạnh, ông bảo còn phải tu và làm việc thiện cho đến chết mới có thể thảnh thơi chuộc lại những lỗi lầm.
Theo An ninh thủ đô
Lã Thị Kim Oanh và nỗi đau ly hôn sau bản án chung thân
Đi tù 13 năm, Lã Thị Kim Oanh, nữ giám đốc từng một thời 'thét ra lửa' vẫn dằn vặt về việc không làm tròn thiên chức một người vợ, người mẹ.
Người đàn bà từng một thời "thét ra lửa, ném cả chục tỷ đồng của nhà nước qua cửa sổ" Lã Thị Kim Oanh tại trại giam.
Tính đến nay, Lã Thị Kim Oanh đã có 13 năm cải tạo ở trại giam số 5 Bộ Công an. Phạm nhân này từng lĩnh án tử hình vì tội Tham ô nhưng được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống chung thân.
Trải qua thời gian dài tù tội và đau khổ, người đàn bà 58 tuổi ấy còn khá mặn mà, ăn nói lưu loát, có thể nhớ rõ được những công việc của mình ở ngoài. "Khi bị tòa tuyên án tử hình, tôi gầy rộc đi vì lo nghĩ. Tôi đã nghĩ đến chuyện hậu sự, căn dặn các bạn tù là nếu mình có đi trước, xin thắp cho nén hương. Còn nếu được ân xá, tha tội chết, nếu có một ngày được ra tù, tôi sẽ đến tận nhà thắp hương cho họ", Oanh kể.
Đến tháng 6/2006, theo chính sách khoan hồng của Nhà nước, Oanh được ân giảm xuống thành án chung thân, sau đó được chuyển vào Trại 5. Khi được hỏi trong thời gian làm việc lúc nào vất vả nhất, Oanh trả lời: "Đó là khi thành đạt. Khi tôi làm giáo viên ở Trường THPT An Dương dưới Hải Phòng, công việc nhàn hạ và thanh thản. Làm giám đốc là vất vả và khổ nhất vì suốt ngày phải chạy vạy, lo hết dự án này đến dự án khác. Xong dự án này thì đã có dự án kia gối đầu. Có vậy mới có tiền chi trả anh em công nhân. Nếu không có các khu nhà để kinh doanh thì tôi làm sao kiếm ra tiền. Cho nên làm doanh nhân là đau đầu nhất".
Theo hồ sơ vụ án, 5 năm làm Giám đốc của Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn, Oanh đã gây thiệt hại cho Nhà nước 75 tỷ đồng và khoảng 113.000 USD. Trong đó, một mình Oanh tiêu hết 72 tỷ đồng và 70.000 USD. Số tiền Oanh chi mỗi ngày là 40 triệu đồng.
Nhớ lại chuỗi ngày trước đó, Oanh băn khoăn: "Tôi không hề chối tội, thực sự là tôi có tội. Nhưng tội của tôi không phải là tham ô, mà chỉ là vi phạm luật kế toán thống kê. Mọi người đều biết là tôi chưa được học qua một lớp nào về kinh tế hay quản lý kinh tế, cho nên sai sót là chuyện dễ hiểu. Khi sai rồi, mọi người cũng nên nhìn những thành quả mà chúng tôi đã tạo dựng, tài sản hàng mấy trăm tỷ".
Điều khiến bà day dứt nhất là hai cô con gái phải chịu nhiều tai tiếng từ người mẹ phạm tội. Người ta thường nói người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp sẽ không giỏi quán xuyến gia đình. Lúc này, cùng với nỗi ân hận về những việc làm sai trái, bà Oanh còn một nỗi ân hận ngày đêm ám ảnh đó là không chăm lo cho gia đình tử tế.
Khi được hỏi mọi người có hay đến thăm không, Oanh cười cay đắng: "Không có ai cả. Chỉ có hai đứa con thôi. Tôi vào đây rồi, cũng chẳng dám oán thán những người trước đây từng là cộng sự, vì miếng cơm manh áo nên người ta chẳng dám dính dáng đến tôi nữa. Có thể trong thâm tâm người ta vẫn nhớ vẫn thương".
Bà Oanh nghĩ nhiều đến chồng và hai con. Chồng vốn là một công chức mẫn cán và nghiêm túc ở cơ quan Bộ Y tế, hai cô con gái ngoan và học giỏi. Phạm nhân này kể, sau khi nhập trại được mấy tháng thì nhận được tin chồng gửi đơn ly dị. "Khi nhận lá đơn ly hôn, tôi không giận chồng, chỉ buồn và khóc. Tôi xin gặp quản giáo nhờ nói giúp để chồng rút đơn vì thương hai đứa con, vì để chúng đỡ mang tai tiếng, chúng còn phải lấy chồng. Chúng đã mang tiếng bởi có một người mẹ tù tội, tôi không muốn chúng tiếp tục phải chịu cảnh bố mẹ bỏ nhau. Thế nên khi ban giám thị đưa tờ đơn đề nghị ly hôn của chồng thì tôi đã thực sự rất sốc. Dù phạm tội, dù đang là một phạm nhân nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ chồng mình sẽ bỏ để đi lấy một người phụ nữ khác", bà Oanh trải lòng.
Phạm nhân này mong muốn nếu được làm lại, bà sẽ chăm lo đến thiên chức của người làm mẹ và làm vợ. Ở hai chức năng này, bà Oanh thấy mình đều làm thiếu hụt và vô trách nhiệm. "Mọi chuyện với tôi là quá muộn rồi. Tôi có tỉnh ngộ thì cũng không giúp được mình nữa. Tôi mong những người phụ nữ khác không giẫm vào vết xe đổ của mình", bà nói.
Theo Xahoi
Hai chú cháu ruột cùng lĩnh án tử vì... cuồng yêu "Chỉ đến khi cùng bước chân vào khu biệt giam này, em mới được gặp chú..." - Hưng chia sẻ. Tử tù sám hối muộn màng vì cuồng yêu (Ảnh minh họa) Đầu tháng 11, khi chúng tôi đến thăm Trại tạm giam CATP (Hải Phòng), được biết trong số hơn 20 tử tù đang chờ thi hành án tại đây, có một...