Từ gã làm thuê thành ông chủ “Thanh long made in Nhị Hà”
Những ngày đi làm thuê trồng thanh long ở Bình Thuận, anh Hà Lê Minh Hùng (SN 1972, ở thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã có mong muốn đưa “đặc sản” này về xứ nắng gió quê mình.
Bắt đầu từ con số 0
Tiếp chuyện với anh Hùng, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là, anh rất hài hước và giản dị. Được mệnh danh “đại gia” của vùng đất Nhị Hà mấy năm nay, song điều khiến nhiều người cảm phục ở anh chính là sự mộc mạc, thật thà hiếm có. Trong bộ quần áo của người làm vườn cũ kĩ, anh kể về những ngày tháng khởi nghiệp của mình với đầy những gian truân.
Anh Hùng đang sử trụ thanh long mới trồng
Anh Hùng là con thứ trong gia đình thuần nông đông anh em. Nhà nghèo, từ lúc còn thanh niên, anh đã trải qua nhiều nghề làm thuê làm mướn khác nhau. Trong quá trình lái xe tải thuê cho những chủ vườn thanh long ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), anh Hùng đã học hỏi được nhiều bài học quý báu về kinh doanh.
Anh đã nảy sinh ý tưởng mua phân bón gia súc chở từ Ninh Thuận vào Bình Thuận bán cho những chủ thanh long kiếm lời. Lái xe thuê một thời gian vẫn không đủ trang trải cuộc sống, anh bỏ nghề chuyển sang làm thanh long thuê cho những chủ vườn lớn từ Hàm Thuận Bắc đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Nhờ đó, anh học hỏi được cách gieo trồng và chăm sóc thanh long thương phẩm.
Đến năm 2008, khi đã có một số kinh nghiệm căn bản về trồng thanh long, anh vào Thuận Bắc (Bình Thuận) vay mượn tiền rồi hùn vốn với một người bà con để mở trại thanh long thử nghiệm. Nhờ quá trình chăm bón cẩn trọng cùng với kinh nghiệm có được từ việc làm thuê trước đó, vựa thanh long đầu tiên của anh Hùng đã đem lại thành quả bước đầu.
Sau vụ thanh long này, anh Hùng liền nghĩ đến việc đem thứ quả đặc sản này về quê trồng thử. Ý tưởng này của anh gặp phải sự phản đối của nhiều người trong gia đình cũng như hàng xóm xung quanh.
Video đang HOT
“Khi đi làm thuê ở Bình Thuận, ý tưởng trồng thanh long trên chính vùng đất mình sinh ra đã nảy sinh trong đầu tôi. Nhiều người cho rằng, điều đó không thể nào thực hiện được, bởi lẽ khí hậu và thổ nhưỡng quê tôi không phù hợp với cây thanh long như ở Bình Thuận. Nhiều người còn cho rằng tôi mở trại thanh long ở Nhị Hà chẳng khác nào lấy tiền đổ ra sông ra biển”, anh Hùng kể lại.
Mặc dù vậy, sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 2012, anh Hùng vẫn quyết tâm vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trồng 1500 trụ thanh long ở thôn Nhị Hà 2. “Trong quá trình trồng thử nghiệm, tôi quan sát tỉ mỉ và ghi chép vào sổ sách từng ngày về quá trình phát triển của cây. Cũng may nhờ trời thương, cuối năm đó vợ chồng tôi thu lợi từ vựa thanh long đầu tiên được gần 400 triệu đồng, coi như thắng lợi ban đầu”, anh Hùng chia sẻ.
Từ khởi đầu này, anh Hùng tiếp tục lấy số tiền thu được từ việc bán thanh long vựa đầu tiên đầu tư vào mua thêm đất để trồng thanh long ở khu rẫy thuộc thôn Nhị Hà 3. Với diện tích đất trồng ban đầu khoảng 2,4 héc-ta, anh mạnh dạn đầu tư thêm mua thêm 3 héc-ta.
Ở khu vực thanh long mới trồng, giống thanh long được tuyển từ những cành tốt nhất của vườn thanh long trước đó. Anh Hùng thuê những người thợ từ Bình Thuận ra để tiến hành đổ trụ và tiến hành thả thanh long giống xuống. Khi được khoảng được hơn một tháng tuổi thì dùng dây mỏng buộc cho nhánh thanh long giống thẳng đứng theo hướng trụ. Khoảng 6 tháng thì thanh long bắt đầu trổ nhánh mới và phải gần hai năm sau mới có thể thu hoạch được lứa đầu tiên.
Anh Hùng cho biết, điều khó nhất chính là lúc đầu mới đưa vào trồng và đổ trụ. Sau khi đã gieo nhánh thanh long giống được một thời gian thì công việc chăm sóc cũng không quá mất nhiều thời gian.
Thương hiệu “Thanh long Nhị Hà”
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, vùng đất Nhị Hà có khí hậu nắng ấm quanh năm rất phù hợp với việc trồng thanh long trái ngọt có vị thanh, phù hợp với người tiêu dùng. Từ việc thành công trong trồng thanh long ruột trắng, anh Hùng đã mạnh dạn đưa giống thanh long ruột đỏ vào đầu tư trồng ở vùng đất Nhị Hà 3.
Mỗi kg thanh long có giá bán dao động từ 20 – 40.000 đồng. Vào những dịp lễ tết, giá thanh long có thể tăng gấp đôi. Hiện tại, anh Hùng đang đầu tư thêm khoảng 3 héc-ta thanh long ruột trắng trồng trái vụ bằng biện pháp chong đèn.
“Tôi đã cho áp dụng biện pháp chong đèn để tạo sự ấm nóng cho giàn thanh long khoảng hơn 1500 trụ cho mùa du lịch sắp tới. Hiện, vườn thanh long này đang sinh trưởng rất tốt và hi vọng sẽ thu được lợi nhuận cao từ vựa thanh long thử nghiệm này”, anh Hùng chia sẻ.
Từ thành công với mô hình trồng thanh long của mình, anh Hùng đã đầu tư vốn và kĩ thuật cho những hộ dân khác trong vùng phát triển cây thanh long ruột trắng ở đất Ninh Thuận. Tính đến nay, khu liên hợp trồng thanh long thương phẩm ở xã Nhị Hà đã lên gần chục héc ta đất với hệ thống thủy lợi chủ động. Với mỗi trụ thanh long vốn đầu tư khoảng 300 – 500 ngàn đồng, sau gần 2 năm có thể thu hoạch lứa đầu tiên.
Vườn thanh long của anh Hùng.
Thời gian gần đây, anh Hùng đã vận động những hộ dân trồng thanh long trong vùng hình thành mô hình liên kết cùng nhau sản xuất. Hiện nay mô hình này đã có trên 10 thành viên với diện tích đất được mở rộng hơn 20 héc -ta, hỗ trợ nhau về vốn cây trồng cũng như về kĩ thuật chăm bón.
“ Sản xuất thanh long nhỏ lẻ sẽ không thể nào cạnh tranh được với những người trồng thanh long thương phẩm có truyền thống ở Bình Thuận. Chính vì vậy, trong năm qua, tôi đã vận động người dân hình thành mô hình liên kết mang tên “Thanh long Nhị Hà” để cùng nhau hỗ trợ phát triển thương hiệu, giảm chi phí và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với nguồn thanh long sản xuất được ở địa phương”, anh Hùng cho biết.
Đến nay, phần lớn hộ dân trồng thanh long ở Nhị Hà đều đã thực hiện mô hình chong điện đem lại lợi nhuận cao hơn từ thanh long ruột trắng trái vụ. Theo dự tính, mỗi héc-ta thanh long khi thu hoạch trái mùa cho doanh thu khoảng 400 – 600 triệu đồng. Đầu ra thương phẩm đáp ứng được thị trường nên mô hình của anh Hùng và cộng sự đang thu được lợi nhuận tốt.
Thời gian qua, nhiều người dân xem truyền hình thấy giá thanh long rẻ bèo đến nỗi phải đem thanh long cho trâu bò ăn, nhưng đó là thông tin có phần thiếu chính xác. Thực tế thì thanh long trồng vẫn có giá thành phù hợp. Hình ảnh mà người dân thấy chỉ là một số ít trái thanh long bị loại nấm trắng nên người trồng phải hái bỏ chứ không phải vì giá thanh long rẻ bèo như đã đưa tin.
“Thực tế thanh long ruột đỏ đạt chênh lệch từ 12 – 20 ngàn đồng/kg và rất ổn định, trong khi đó thanh long ruột trắng thì có giá từ 20 – 50 ngàn đồng/kg. Vào những đợt trái vụ, giá thành có thể tăng cao hơn. Thị trường cây thanh long rất rộng lớn nên không sợ thiếu đầu ra”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Theo Minh Trường ( Pháp Luật Việt Nam)
Ông Ngọc "bao đồng" giỏi làm, giỏi vận động
Xuất ngũ về quê với thương tật , bệnh tật, ốm yếu, nhưng ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) không chỉ nỗ lực và biết cách làm giàu cho chính mình mà còn giúp nhiều hộ cùng vươn lên khá giả.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long rộng 8ha, ông Ngọc cho biết, mỗi năm thu nhập của ông khoảng 2 tỷ đồng. "Tôi đi lên từ nghề nông bằng hai bàn tay trắng. Tôi sản xuất đủ thứ vật nuôi, cây trồng, cơ cực lắm mới có được ngày hôm nay" - ông Ngọc thổ lộ.
Ông Ngọc đang ấp ủ "GAP hóa" vườn thanh long. Theo đó, sắp tới ông chỉ sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc ông Ngọc thành công với cây thanh long và trở thành tỷ phú khiến người dân địa phương rất khâm phục.
Ông Đoàn Trung Ngọc thu hoạch thanh long tại vườn. Ảnh: Trần Đáng
Trong thời gian tham gia Ban chấp hành Hội ND xã Hưng Thịnh, ông Ngọc đã vận động nông dân hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh tế giỏi, xây dựng nông thôn mới... "Ý thức được mình là cán bộ, hội viên nòng cốt của Hội, tôi đã vận động gia đình và người dân đi đầu trong các phong trào"- ông Ngọc nói.
Hiện ở ấp Bàu Cá đã hình thành con đường đá rộng 8m, dài 1.500m do ông Ngọc và người dân chung tay làm nên. Trước đây, chính quyền địa phương cũng đã dự định nâng cấp con đường này, nhưng thấy dân chưa đồng tình nên đành thôi. Khi nghe ông Ngọc nói sẽ triển khai mở rộng con đường này và trồng trụ kéo điện, hơn chục hộ dân sống dọc con đường đồng thanh phản đối vì sợ mất đất, tài sản... "Tôi phải đi vận động bà con vì lợi ích chung đưa đường, đưa điện vào xóm ấp để dân tiếp cận với văn minh"- ông Ngọc thổ lộ.
Bằng nỗ lực kiên trì vận động và uy, ông Ngọc đã cùng người dân mở đường và kéo điện chạy dọc con đường này. Từ chỗ người dân chỉ có đường mòn để đi, giờ đây bà con đã có con đường rộng thênh thang vận chuyển nông sản dễ dàng. Đường điện kéo đến thắp sáng tận các nhà. Những hộ nông dân nghèo quá, ông Ngọc còn trả tiền điện thay.
Làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ xã Hưng Thạnh, ngoài việc kết nối doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng thanh long, ông Ngọc còn hỗ trợ nông dân hàng chục ngàn hom giống, hiến tặng 1.000m2 đất để chung sức xây dựng chương trình nông thôn mới. Ông và gia đình còn ủng hộ kinh phí cho địa phương xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây tặng 5 sân cầu lông...