“Tứ đại luật sư” của bầu Kiên bào chữa thế nào trước toà?
Cả 4 luật sư tham gia bào chữa cho ông Kiên đều đưa ra những luận cứ, chứng cứ của mình. Tuy nhiên, có thể thay đổi được số phận của người đàn ông tóc bạc hay không vẫn phải chờ phán xét cuối cùng của toà án.
Bác bỏ tội Trốn thuế
Sáng nay (29/5), Phiên toà xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng các đồng phạm tiếp tục bước vào ngày xét xử thứ 9 với phần tranh tụng của các luật sư.
Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên có tới 4 luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Với những luận cứ và chứng cứ trình bày trước HĐXX, các luật sư đều cho rằng không thể khởi tố “bầu” Kiên 4 tội danh và ông này phải được vô tội.
Theo đó, Luật sư Ngô Huy Ngọc, thuộc Công ty luật TNHH Quang Minh Nam thuộc đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bác bỏ tội Trốn thuế với ông Nguyễn Đức Kiên.
Luật sư Ngọc trình bày, khái niệm trốn thuế được quy định tại điều 108, ông Kiên và B&B không vi phạm điều gì trong quy định này. Toàn bộ quá trình thẩm vấn và hồ sơ vụ án không có lời khai của ông Kiên về việc chuyển tiền cho Hương, lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân của Quốc hội để B&B không phải nộp thuế. Quá trình thẩm vấn cũng cho thấy điều đó.
4 vị luật sư tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Đức Kiên
Trong các quyết định về trưng cầu giám định về nghĩa vụ phát sinh thuế của B&B có nhiều thiếu sót (LS dẫn các chứng cứ đã đưa ra tại các phiên thẩm vấn trước).
“Tôi đã hỏi ông Kiên trong các năm qua, các DN của ông đã đóng thuế bao nhiêu? Các DN này đóng rất nhiều tiền thuế, động cơ nào để ông Kiên trốn 25 tỷ tiền thuế?” – LS đặt câu hỏi.
Các cơ quan thuế đều thừa nhận B&B không có sai phạm nào về thuế trong năm 2009. “Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị quy kết tội trốn thuế khiến rất nhiều người không ngờ. Ông Kiên là doanh nhân đóng góp cho đất nước rất nhiều thông qua việc đóng thuế. Không có căn cứ chứng minh tội trốn thuế của ông Kiên. Tôi đề nghị HĐXX bác bỏ quy kết này.”, luật sư Ngọc kết luận.
“Bầu” Kiên không thể là chủ mưu
Phần bào chữa của mình, luật sư Vũ Xuân Nam thuộc Công ty luật TNHH Quang Minh Nam, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “bầu” Kiên không thể là người trực tiếp chủ mưu phạm tội như cáo trạng quy kết.
Trong ban điều hành ACB, ông Kiên là phó chủ tịch hội đồng sáng lập, chủ tịch hội đồng đầu tư, giữ chức năng tư vấn chứ không thuộc cơ cấu bộ máy có tính chất pháp định. Ông Kiên không thể là người trực tiếp chủ mưu phạm tội như cáo trạng quy kết.
LS Nam cho biết, ông Trần Xuân Giá đã trình bày: “Trên thực tế không có áp lực nào với tôi về việc thường trực HĐQT phải ra quyết định đó”. Chi tiết Kiên gây áp lực đã được lược bỏ tại cáo trạng. Nếu không có hành vi gây áp lực thì không có căn cứ cho rằng ý kiến của Kiên trong cuộc họp là chỉ đạo để làm theo nhưng tại bản luận tội VKS lại đưa ý này vào.
Trong quá trình nắm giữ cổ phần Kiên chưa bao giờ tạo thành nhóm cổ đông chiếm trên 10% vốn điều lệ để thực hiện các quyền liên quan đến việc miễn nhiệm bãi nhiệm các thành viên HĐQT.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng, thuộc Công ty luật TNHH Hà Phạm thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Không thể quy kết việc ủy thác gửi tiền của ACB khi chưa có quy định của pháp luật là sai luật.Hoạt động uỷ thác gửi tiền không sai luật
Video đang HOT
Theo luật sư này, Đối với luật TCTD 2010, NHNN vẫn chưa ban hành hướng dẫn điều 55. Vì vậy không thể cho rằng việc ủy thác gửi tiền của ACB khi chưa có quy định của pháp luật là sai luật.
Luật sư Hùng trình bày 3 vấn đề để chứng minh cho quan điểm của mình:
Thứ nhất, ông Thảo (Phó chánh thanh tra, giám sát NHNN, đại diện NHNN tại tòa) chưa xuất trình được giấy ủy quyền của thống đốc NHNN ký công văn 30. Nếu không có, đó chỉ là quan điểm cá nhân của ông này.
Thứ hai, đại diện NHNN cũng xác nhận công văn 30 chỉ mang tính tham khảo nội bộ về việc ACB ủy thác gửi tiền sau ngày 1/1/2011. Chưa phù hợp không có nghĩa là vi phạm Pháp luật nên cáo trạng căn cứ công văn này quy kết tội là không đúng.
Thứ ba, về điều 90 luật TCTD, NHNN cho rằng ACB không được ủy thác khi chưa có sự cho phép của NHNN, điều này mâu thuẫn với chính công văn 30.
Theo quy định của NHNN, các hoạt động mà NHTM đang thực hiện và dự kiến thực hiện đã được thể hiện. NHTM có thể thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh không thuộc nhóm 6 hoạt động phải xin phép: thanh toán quốc tế, góp vốn mua cổ phần, kinh doanh hoạt động ngoại hối, kinh doanh hoạt động phái sinh…
Hoạt động ủy thác đang được thực hiện bình thường đúng Pháp luật từ nhiều năm qua, không phải chờ hướng dẫn, khi nào có hướng dẫn mới khác đi thì mới điều chỉnh.
Truy tố “bầu” Kiên thì có thể truy tố bất kỳ ai
Theo luật sư Nghiêm bào chữa cho ông Nguyễn Đức kiên: “Ông Kiên bị bắt và khỏi tố vì tội kinh doanh trái phép, 3 tội kia phát sinh sau khi bị bắt. Lẽ ra tội kinh doanh trái phép phải là căn cứ cho quá trình truy tố và xét xử. Thế nhưng tôi thấy CQĐT khi khởi tố tội kinh doanh trái phép không bắt đầu từ vi phạm trong hoạt động kinh doanh của ông Kiên. Có dấu hiệu cho rằng việc bắt giữ ông Kiên có những điều không hợp pháp”.
Luật sư Nghiêm cho rằng ông Kiên không phạm tội này vì những lý do:
Đối với các hành vi kinh doanh tài chính thông qua 5 DN, quyền góp vốn mua cổ phần của DN đã đươc quy định tại điều 13 Luật DN. Một chủ thể bất kỳ nếu đáp ứng điều 13 thì có quyền mua cổ phần mà không cần đăng ký kinh doanh.
Theo luật đầu tư 2005, 5 DN của ông Kiên là nhà đầu tư theo quy định, hoạt động đầu tư không phải là ngành nghề kinh doanh tài chính, theo đúng pháp luật.
Theo quy định, DN được phát hành trái phiếu, 5 DN phát hành trái phiếu để huy động vốn là đúng quy định. Các NH đồng ý mua các trái phiếu này dựa vào đánh giá chủ động của các NH.
Theo luật chứng khoán, phải tôn trọng quyền tự do mua bán kinh doanh chứng khoán. 5 DN đương nhiên có quyền mua cổ phiếu của các DN niêm yết trong đó có cổ phiếu NH. Đây là giao dịch dân sự tự nguyện tự chủ.
Sau khi tòa hoãn ngày 16/4, CQ công an đã có văn bản hỏi ông Bùi Quang Vinh – bộ trưởng Bộ KHĐT, và tôi thấy CQĐT chưa tìm ra căn cứ pháp luật để về hoạt động của DN trong đầu tư mua bán chứng khoán.
Như vậy, việc này không chỉ đe dọa hoạt động của 5 DN này mà còn đe dọa hoạt động của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ở Việt Nam cũng chưa có DN nào có thể đăng ký kinh doanh hoạt động tài chính. Cơ quan CA cũng chưa tìm được mã ngành đăng ký kinh doanh cho ngành đầu tư tài chính.
Luật sư Nghiêm cũng cho biết, luật sư Hoàng Đôn Hùng đã tìm ra chứng cứ nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước góp vốn mua cổ phần, cả cổ phần của ngân hàng nhưng giấy đăng ký kinh doanh của các tập đoàn này đều không có ngành nghề kinh doanh cổ phiếu.
Không những không tạo ra hành lang pháp lý cho DN làm việc mà còn tạo điều kiện cho cơ quan pháp lý hạch sách doanh nghiệp. Nếu ông Kiên bị truy tố tội kinh doanh trái phép thì về sau, cơ quan điều tra có thể khởi tố bất kỳ ai tham gia đầu tư chứng khoán trên thị trường và bất kỳ doanh nghiệp nào đã đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác.”, lời của luật sư Nghiêm.
Theo Dân trí
Mổ xẻ chiến lược Việt Nam làm "chùn bước" Trung Quốc trên Biển Đông
Theo các chuyện gia nước ngoài, có 2 chiến lược mà Việt Nam có thể làm "chùn bước" Trung Quốc, ngăn chặn dã tâm của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trung Quốc dùng "chiến lược tiêu hao" với Việt Nam
Theo giáo sư Carl Thayer của ĐH New South Wales (Australia), leo thang căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc trên biển Đông hiện nay là kết quả của ý đồ thay đổi hiện trạng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa cái mà Bắc Kinh gọi là " đường 9 đoạn" trên biển Đông.
Ông Thayer cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện "chiến lược tiêu hao" với Việt Nam. Theo đó, các tàu của Trung Quốc sẽ đâm các tàu Việt Nam từ 2 tới 4 lần khiến các tàu của Việt Nam bị hư hại, buộc phải sửa chữa.
Một số nhà phân tích cũng dự đoán: Nếu Trung Quốc tiếp tục chiến lược có tính chất phá hoại này, thì Việt Nam có thể không có đủ tàu để đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD981).
Với lực lượng tàu áp đảo, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng"Chiến lược tiêu hao" đối với lực lượng tàu Việt Nam.
Trước đó, nghiên cứu của nhà phân tích Scott Bentley (ĐH New South Wales, Australia) đã vạch trần cách Trung Quốc cố tình dùng vòi rồng để phá hoại cột ăng ten và hệ thống liên lạc trên các tàu Việt Nam. Các đoạn video được Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy, các cột ăng ten trên tàu Việt Nam bị thổi bay khỏi tàu. Khi đó, tàu Việt Nam sẽ không thể liên lạc với các tàu khác và buộc phải quay trở lại đất liền để sửa chữa.
Không dừng ở đó, chuyên gia Scott Bentley cho biết, gần như tất cả các tàu canh gác bờ biển của Trung Quốc đều được trang bị súng và chủ ý nhắm tới tàu Việt Nam trong các cuộc đối đầu hiện nay.
Việt Nam đối phó và làm thất bại dã tâm của Trung Quốc thế nào?
Việt Nam có những chiến lược gì để đáp trả lại những hành động hiếu chiến và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông, dù trên thực tế, tàu Việt Nam vẫn có mặt tại khu vực quanh giàn khoan; hàng ngày, các tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có mặt tại khu vực này, khẳng định chủ quyền của Việt Nam và kêu gọi tàu Trung Quốc rút lui khỏi vùng biển của Tổ quốc.
Theo chuyên gia Scott Bentley, Việt Nam vẫn hết sức thận trọng, không điều động tàu quân sự và điều đó cho thấy, Việt Nam đang thực hiện chính sách rất ôn hòa. Các tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Việt Nam vẫn đang nằm trong cảng, cách xa khu vực đối đầu hiện nay. Các quan chức Việt Nam liên tục kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Tuy nhiên, đáp lại thái độ ôn hòa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì thái độ hung hăng, hiếu chiến.
Khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở một số tỉnh thành Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục trật tự; đã bắt giữ và xét xử những người khuấy động bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Việt Nam cũng tìm tới các giải pháp ngoại giao thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam đang cân nhắc thực hiện "nhiều biện pháp phòng vệ" đối với Trung Quốc, bao gồm các hành động pháp lý. Theo đó, Việt Nam có thể đệ đơn kiện Trung Quốc hoặc ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa án Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược lâu dài để đối phó với những hành động hiếu chiến tương tự của Trung Quốc trong tương lai.
Giáo sư Thayer cho rằng, tâm điểm trong chiến lược của Việt Nam là tìm cách buộc Trung Quốc di chuyển giàn khoan và các tàu hải quân ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Có vẻ các nhà chiến lược Việt Nam đang nghĩ cách ngăn chặn Trung Quốc có các hành động tương tự trong tương lai.
Theo ông, hiện tại có vẻ Việt Nam đang xem xét 2 chiến lược đối phó Trung Quốc - thứ nhất là gián tiếp phối hợp cùng với Mỹ thông qua hai đồng minh của Washington là Nhật Bản và Philippines; thứ hai là chiến lược "đôi bên cùng thiệt hại" trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Theo một số nguồn tin, Việt Nam sẽ minh bạch chiến lược của mình để giảm thiểu sự tính toán sai lầm từ Trung Quốc.
Mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược mới này không phải nhằm tới đối đầu Trung Quốc, mà ngăn chặn điều đó bằng cách xây dựng hoàn cảnh buộc Trung Quốc phải quyết định chấp nhận hiện trạng, nếu không Biển Đông cứ "dậy sóng". Chiến lược này của Việt Nam sẽ khiến Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro bởi lẽ các lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ sát cánh cùng các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Trước khi vụ việc giàn khoan diễn ra, Việt Nam đã đề xuất tổ chức cuộc đối thoại ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù Tokyo tỏ ra dè dặt, nhưng với hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông thì có vẻ đề xuất này của Việt Nam là điều cần thiết, giúp tạo hành lang cho một chiến lược đa phương (đa quốc gia) nhằm ngăn chặn Trung Quốc .
Việt Nam cũng đã tiếp cận Nhật Bản và Philippines nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác của các lực lượng hàng hải bao gồm lực lượng canh gác bờ biển và hải quân. Việt Nam hi vọng cùng các đối tác tiến hành tập trận chung hàng hải, bao gồm các cuộc tuần tra chung, trên Biển Đông. Các cuộc tập trận này sẽ diễn ra cách xa khu vực đang căng thẳng hiện nay. Các cuộc tập trận sẽ được thực hiện ở các vùng biển xa và những vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trùng với khu vực mà Trung Quốc coi là "đường 9 đoạn".
Các sĩ quan Việt Nam đón tàu USS Blue Ridge của Hải quân Mỹ tiến vào cảng Đà Nẵng ngày 23/4/2012.
Việt Nam cũng đang cân nhắc tiếp cận Mỹ. Một trong các đề xuất được đưa ra là Việt Nam và Mỹ sẽ xúc tiến thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Có thể lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ sẽ được điều động tới vùng biển của Việt Nam để tham gia diễn tập chung. Hai bên cũng sẽ trao đổi quan chức tới quan sát hoạt động của lực lượng canh gác bờ biển.
Vừa qua, Việt Nam đã tham gia vào Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Điều đó sẽ khiến Mỹ có cơ hội giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực giám sát hàng hải.
Trước đây, Việt Nam từng bày tỏ mong muốn mua máy bay giám sát hàng hải của Mỹ. Do đó, có thể Mỹ sẽ điều động một máy bay loại này tới Việt Nam và các sĩ quan Việt Nam có thể trực tiếp tham gia vào các chuyến bay diễn tập.
Ngoài ra, một loại máy bay giám sát hàng hải phi vũ trang của Hải quân Mỹ đóng tại Philippines cũng sẽ được tạm thời điều động tới Việt Nam. Máy bay Mỹ sẽ cùng máy bay Việt Nam tham gia các hoạt động giám sát hàng hải. Các sĩ quan Mỹ sẽ có mặt trong máy bay của Việt Nam với tư cách quan sát viên và ngược lại.
Theo các quan chức và chuyên gia Việt Nam, Trung Quốc thường tăng cường các hoạt động hải quân trên Biển Đông vào khoảng thời gian từ tháng Năm tới tháng Tám hàng năm. Lịch hoạt động này sẽ giúp Mỹ và Nhật Bản có thể tổ chức các hoạt động hải quân chung cùng Việt Nam trên Biển Đông trước khi các lực lượng hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện.
Nội dung chi tiết của các hoạt động hải quân chung Mỹ - Nhật Bản - Việt Nam sẽ được thông báo công khai minh bạch cho tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.
Theo chuyên gia Thayer, chiến lược tiếp cận gián tiếp của Việt Nam giúp Mỹ hiện thực hóa lập trường phản đối giải quyết tranh chấp bằng hành động dọa nạt hay cưỡng chế. Chiến lược gián tiếp của Việt Nam không buộc Mỹ phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Thay vào đó, chiến lược này đẩy Trung Quốc vào thế phải quyết định có "dám" gánh chịu hậu quả của nguy cơ đối đầu với một "liên minh" giữa hải quân Việt Nam và hai đồng minh của Mỹ là Philippines và Nhật Bản và có thể, chính lực lượng Mỹ.
Các lực lượng hải quân và không quân của "liên minh" này sẽ hoạt động tại vùng biển và không phận quốc tế trên Biển Đông. Mục tiêu là thường xuyên duy trì hiện diện hải quân và không quân nhằm ngăn chặn Trung Quốc có hành động bắt nạt hay cưỡng chế đối với Việt Nam. Quy mô của các cuộc diễn tập chung cũng sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ căng thẳng trên vùng biển này.
Chiến lược "đôi bên cùng thiệt hại" sẽ chỉ được Việt Nam áp dụng trong tình huống mối quan hệ Việt - Trung tiến tới mức tồi tệ nhất là xung đột. Các chiến lược gia Việt Nam mong muốn các cường quốc sẽ can thiệp để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc.
Việc Việt Nam xem xét chiến lược mới này cho thấy các quan chức và các nhà chiến lược Việt Nam xác định tình hình căng thẳng hiện nay là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có tham vọng không chỉ thống trị biển Đông mà còn cả biển Hoa Đông ở phía bắc.
Theo chuyên gia Thayer, chiến lược gián tiếp này của Việt Nam sẽ giúp Nhật Bản, Philippines và cả Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ngay từ bây giờ.
Theo Kiến thức
Trung Quốc có thể chuyển giàn khoan tới khu vực khác ở Biển Đông Theo Reuters, một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang 981), từng được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gọi là "lãnh thổ quốc gia di động", sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa....