Từ Công Phụng mong đủ sức khỏe để sáng tác nhạc
Nhạc sĩ Từ Công Phụng hai lần vượt qua căn bệnh ung thư nên trân trọng từng phút giây được thở cùng âm nhạc.
Nhạc sĩ “Bây giờ tháng mấy” vừa trở về Việt Nam thực hiện đêm nhạc “ 50 năm tình ca Từ Công Phụng” vào tối 19/1, tại Nhà hát TP HCM.
- Lần thứ hai về nước, cảm giác của ông khác như thế nào?
- Lần này sự xúc động của tôi cũng giống như lần trước. Tôi vẫn bồi hồi khi nhìn lại thành phố cũ, những con đường xưa đầy dấu chân kỷ niệm của từng giai đoạn trong cuộc sống.
- Kế hoạch về nước của ông lần này là gì?
- Tôi về nước không ngoài mục đích gặp gỡ lại khán giả yêu thích những bản tình ca mà hàng mấy thập niên qua họ chưa được thấy và nghe lại chính tác giả trình bày. Đồng thời tôi cũng muốn ngỏ đôi lời cảm tạ đến khán thính giả đã quan tâm, nhất là các bạn trẻ yêu nhạc Từ Công Phụng, đã gửi hàng trăm bức điện thư chúc lành trong khi tôi nằm trên giường bệnh.
- Cơn bạo bệnh trên ảnh hưởng sao đến sức sáng tác của ông?
- Tôi có nhiều ước mơ âm nhạc, nhưng sau cơn bạo bệnh, cơ thể không cho phép tôi tàn phá nó vì những đêm phải thức thật khuya để viết nhạc. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ rơi khán thính giả khắp nơi yêu thích nhạc của tôi. Trong năm 2013 này, tôi sẽ cho ấn hành những bản tình ca mới trong tuyển tập “Cánh chim vùng hoang dại” và một album mới cùng tên. Ước mong tôi có sức khỏe tốt để thực hiện dự án này.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cùng vợ – bà Kim Ái (thứ hai từ trái sang) về nước sáng 12/1. Ảnh: H.D.
- Hiện tại sức khỏe của ông thế nào?
- Tôi bị ung thư gan rất nặng. Khi phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói với tôi chỉ còn sống được ba tháng nữa. Lúc đó là tháng 6/2010. Trước đó ba năm, tôi bị ung thư túi mật và bác sĩ đã cắt mật bỏ đi sau cuộc giải phẫu dài 6 tiếng đồng hồ. Trong vòng ba năm, tôi bị hai lần ung thư. Nhưng nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan bên cạnh thuốc men và hóa trị, cùng sự chăm sóc tận tình của nhà tôi mà tôi đã thoát được cơn bệnh trầm kha và trở về với đời thường.
- Các con của ông không về Việt Nam cùng ông lần này. Vì sao vậy?
- Cuộc sống gia đình của tôi tạm ổn định. Các con tôi đã khôn lớn, tách rời gia đình để xây dựng tổ ấm mới. Vợ chồng tôi đã hưu trí và sống một đời sống rất giản dị và lành mạnh trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Hàng ngày, chúng tôi tìm cho mình những thú tiêu khiển lành mạnh: đọc sách, nghe nhạc, sáng tác, tập thể dục và cùng nhau đi bộ.
Lúc này mấy đứa con của tôi không còn nhỏ nữa để dắt chúng theo về Việt Nam. Mỗi người đều có công ăn việc làm và tiếp tục học thêm nên chúng không có thì giờ để đi đây đi đó. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích chúng nghĩ về quê cha đất tổ và nghĩ đến một ngày về thăm quê hương.
- Những sáng tác phẩm của ông làm say mê nhiều thế hệ bởi ca từ phong phú, lãng mạn. Ông lấy cảm hứng từ đâu?
Video đang HOT
- Nguồn hứng khởi sáng tác của tôi chắc cũng không khác gì với tất cả anh chị em văn nghệ sĩ khác. Tôi có trái tim mẫn cảm dễ gây xúc động cho tâm hồn. Vốn liếng có từ kinh nghiệm bản thân, từ chuyện tình đẹp của chính mình hay của thân nhân, từ những bức xúc khi nghĩ ngợi về nỗi khổ đau của chính mình hay của những người chung quanh. Nói tóm lại mỗi nốt nhạc là một chọn lựa, mỗi ca từ được gắn vào nốt nhạc cũng là một sự lựa chọn hợp lý cho niềm suy tư về câu chuyện tình hay về một hệ lụy sau chuyện tình ấy. Ngoài ngẫu hứng, trong sáng tác vẫn phải cần đến sự suy nghĩ sâu sắc để tạo cho tác phẩm của mình một giá trị lâu dài, phù hợp với tâm tình của giới thưởng ngoạn.
- Nhạc ông vì sao lại mang sự hiu hắt vô tận?
- Niềm vui không thể tồn tại lâu dài với thời gian. Thời gian thì cứ trôi qua và niềm vui lùi dần vào qua khứ rồi trở thành kỷ niệm. Niềm vui càng rộn ràng bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu khi còn lại một mình. Niềm hiu hắt ấy đôi khi chính là nguồn cảm hứng cho người sáng tác. Có thể tôi là một trong những người nằm trong niềm thương nhớ ấy.
- Từ những nỗi buồn xa xưa của “Bây giờ tháng mấy” mấy chục năm về trước cho đến CD mới “Mưa trên ngày tháng đó”,nỗi buồn của ông trong âm nhạc xưa và nay khác nhau thế nào?
-Từ nỗi buồn bâng khuâng xa vắng của một chàng thư sinh chớm biết yêu ở đầu thập niên 60, cho đến nỗi buồn day dứt sâu xa của kẻ tình nhân nghĩ đến người yêu xa vắng và mối tình không trọn vẹn dĩ nhiên là có sự khác biệt, phải không?
Suy nghĩ của một chàng thư sinh mới lớn và người đàn ông già dặn theo thời gian khác nhau rất nhiều. Theo thời gian thì nỗi buồn trong âm nhạc càng đậm nét và nghĩ sâu sắc hơn về tình yêu, về những hệ lụy đớn đau trong cuộc đời.
Từ Công Phụng mệnh danh là nhạc sĩ của những bản tình ca đi vào lòng người. Ảnh: S.T.
- Nhiều ca sĩ đã thể hiện nhạc của ông khá thành công. Ông thấy ca sĩ nào thấu hiểu âm nhạc của ông nhất?
- Ca sĩ trình bày nhạc tôi không ít nhưng tiếng hát thấu hiểu và chuyên chở nhạc tôi trọn vẹn thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Khánh Hà, Ý Lan và nhất là Trần Thu Hà. Họ là những ca sĩ đã hiểu và chuyển âm nhạc của tôi đến khán thính giả một cách tuyệt vời. Lý do là họ có chất giọng tốt, truyền cảm, có kỹ thuật chuyển đạt âm vực trọn vẹn. Vì nhạc của tôi, có thể là bẩm sinh, tôi thích mở ra những âm vực rộng, khó có thể diễn tả nếu không có kỹ thuật.
- Không ít ca sĩ có tên tuổi cố tình biến tấu nhạc và đôi khi hát sai lời ca khúc, ông nghĩ gì về điều này?
- Không gì khó chịu cho một người viết ca khúc khi một ca sĩ trình bày sai lời. Chỉ cần một chữ sai có thể làm giảm đi ý nghĩa của bài hát hoặc làm giảm đi rất nhiều giá trị của ca từ. Tôi xin đưa ra một thí dụ về bài hát Mắt lệ cho người, ở điệp khúc có câu: “Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở, em thấy không cõi đời vô vọng” có một ca sĩ đã hát thành “Nỗi muộn phiền ngày đêm trông ngóng…”. Cũng trong bài này câu cuối cùng là: “Vàng câu tình cũ, gửi vời theo đời”, có ca sĩ lại hát: “Vài (hay ngàn) câu tình cũ gửi lại cho đời” thì ý nghĩa khác đi. “Vàng” và “vài” khác nhau ở chỗ: vàng là ố, theo thời gian màu trắng sẽ ố đi, nghĩa là tình đã cũ nhưng muốn ghi lại bằng ca khúc để lại cho người đời. Một ca sĩ hát sai thì hàng loạt ca sĩ về sau cứ nhai lại những ca từ sai ấy, lâu rồi người nghe tưởng thế là đúng không còn ý nghĩa sâu sắc của lời ca. Từ 5 thập niên qua tôi đã cho ấn hành 5 tập nhạc với lời ca rõ ràng, nên khi chọn nhạc tôi để hát, xin hát cho đúng lời. Trên đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều cái sai nữa của nhiều bài hát mà tôi chưa tiện nêu ra.
- Ông dự tính gì về việc sẽ hưởng tuổi già nơi “chôn nhau cắt rốn”?
- Có thể sẽ có một ngày. Hiện tôi chưa nghĩ tới vì các con các cháu của tôi đều ở bên Mỹ. Tôi không thể ghé mắt ngắm nhìn chúng nó được khi không gian quá xa vời. Giọt nước mắt nào cũng chảy xuôi, phải không?
Trong đêm nhạc tối 19/1, những tình khúc của Từ Công Phụng: Mắt lệ cho người, Trên tháng ngày đã qua, Như ngọn buồn rơi, Tình tự mùa xuân, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Kiếp dã tràng, Lời cuối, Đêm không cùng… sẽ được chính nhạc sĩ và hai ca sĩ Tuấn Ngọc, Ý Lan biểu diễn.
Chương trình do nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng làm đạo diễn với phần tham gia của nhạc sĩ Bảo Chấn (pianist) và hai ban nhạc Hoài Sa, Tiếng Xưa.
Hoàng Dung thực hiện
Theo VNE
Trịnh Thăng Bình giữ sự bình thản để sáng tác nhạc
Ở tuổi 24, sáng tác của tác giả "Lời chưa nói" luôn bao hàm sự nuối tiếc nhưng không oán hận tình yêu đổ vỡ. Anh chia sẻ chỉ khi nào nhận ra bản chất của cảm xúc trong lòng mới đem viết thành nhạc.
- Nhắc đến Trịnh Thăng Bình, mọi người quan tâm anh trong vai trò nhạc sĩ với nhiều ca khúc " hit" hơn là ca sĩ, anh nghĩ sao?
- Tôi rất thích ca hát, nhưng niềm yêu thích đó có đủ lớn để có thể gọi là đam mê chưa thì tôi không biết. Còn với những giai điệu thì lại khác. Từ thời đi học, tôi đã phát hiện mình có thể nghe nhạc và hát hò khắp mọi nơi. Ở đây không phải là hát những bài hát, mà hát những giai điệu do mình bất chợt nghĩ ra.
- Từ khi nào anh bước vào âm nhạc và chọn nó là đường đi cho tương lai?
- Gia đình tôi làm kinh doanh, nên sở thích nghe nhạc và hát giai điệu do mình tự nghĩ ra chỉ dừng lại ở trong lòng chứ chưa trở thành định hướng nghề nghiệp. Cho đến năm cấp ba, tôi quyết định chia sẻ với mẹ và được ủng hộ. Từ đó, tôi quyết định chọn âm nhạc làm mục tiêu sống và làm việc.
Tuy bắt đầu hơi muộn so với bạn bè đồng nghiệp, tôi tin với tất cả nhiệt thành dành cho giai điệu và cảm xúc thì tôi sẽ thể hiện được mình.
Ca khúc "Lời chưa nói" của Trịnh Thăng Bình nhận được sự đồng cảm lớn từ ca sĩ Phương Thanh nên cô liên tục chọn giới thiệu với khán giả trong nhiều chương trình.
- Nhiều ca sĩ có tên tuổi đặt hàng và chọn hát nhạc của anh, anh thấy thế nào?
- Vui chứ, một tác phẩm của mình được đón nhận thì không nhạc sĩ nào không vui mừng cả. Nhất lại là sự tín nhiệm của các ca sĩ tên tuổi và sự yêu mến của khán giả. Đó là tín hiệu lạc quan để tôi thấy hưng phấn làm việc hơn, cũng như cảm thấy trách nhiệm của mình ngày càng lớn hơn đối với chính mình và người tin tưởng mình. Sự tín nhiệm này cũng là động lực để tôi tiếp tục chinh phục giấc mơ âm nhạc.
- Ca khúc của Trịnh Thăng Bình nói về đổ vỡ trong tình yêu nhưng không quá bi lụy. Từ đâu anh có được tâm thế bình thản và cái nhìn đầy trải nghiệm như vậy?
- Thật ra, tôi không phải là người bình thản. Ngược lại, cảm xúc của tôi rất mạnh và khó kiểm soát. Tuy nhiên, những lúc cảm xúc mạnh mẽ, tôi lại không thể viết ra thành nhạc. Tôi phải đợi đến lúc thật bình tâm, nhìn nhận lại vấn đề và ít nhất phải thấy được rằng mình đã trải nghiệm đầy đủ cảm xúc đó thì mới viết. Khi đó, tôi có thể tự đánh giá mình đúng và sai đến đâu. Sự việc đó bi quan đến đâu và có gì để lạc quan. Tôi chắt lọc và viết lên dòng cảm xúc đó để bảo đảm nó đúng đắn nhất.
- Khi sáng tác một ca khúc, anh đặt tâm thế của mình ở đâu?
- Ở nhân vật. Nhân vật đó muốn chia sẻ gì, có cảm nhận ra sao, có góc nhìn như thế nào. Khi đó, người nghe mới hiểu được nội dung. Tôi quan niệm, nhân vật không được khắc họa rõ, không hiểu nổi chính mình thì chẳng ai có thể hiểu được khi nghe nhạc về họ.
- Anh hay viết nhạc về ai?
- Hiện tại, tôi vẫn muốn tự thể hiện một số ca khúc mà nhân vật chính trong đó là tôi như Đã biết sẽ có ngày hôm qua hay Đã lâu không gặp...
Có một số ca khúc tôi viết vay mượn từ cảm xúc của bạn bè, nhưng thường là sẽ tặng cho họ. Gần đây nhất là ca khúc Biến động trong album mới của ca sĩ Trà My.
Nam ca sĩ chọn con đường sản xuất âm nhạc là hướng phát triển lâu dài.
- Trịnh Thăng Bình ngoài đời khác gì nhân vật trong âm nhạc?
- Tính cách sống của tôi cũng giống như triết lý viết nhạc vậy. Tôi có thể rất nóng nảy thậm chí là cực đoan với mọi tình huống xảy đến, nhưng cũng có thể tự cân bằng rất nhanh khi nhìn nhận lại sự việc. Hoặc may mắn hơn là có một ai đó phân tích đưa ra những lời khuyên. Tôi sống và làm việc với một trái tim nóng, còn cái đầu tuy cũng nóng nhưng có thể làm nguội lại sau đó.
Tôi đang phấn đấu để cái đầu mình luôn lạnh, để tỉnh táo và bình tĩnh hơn trước một sự việc đến với mình.
- Nếu phải nhắc "một ai đó" thường cho anh lời khuyên, ai sẽ là người đầu tiên anh muốn nhắc đến?
- Đó là anh Quang Huy (nhạc sĩ, giám đốc Công ty Wepro). Tôi coi anh ấy như một người anh hơn là một ông bầu quản lý. Lúc trước tôi sống và làm việc theo ý riêng. Nhưng khi làm việc chung, anh Huy đã cho tôi rất nhiều lời khuyên tốt đẹp. Anh là người rất tâm lý và có kinh nghiệm sống nên những lời nói của anh đưa ra đúng thời điểm và hợp lý để tôi suy nghĩ và nghe theo.
Chúng tôi còn chung đam mê sản xuất âm nhạc. Tôi đang cùng công ty Wepro của anh Huy thành lập phòng thu Bi Studio để hợp tác sản xuất âm nhạc cho một số anh em ca sĩ thân thiết.
- Sáng tác, ca hát và cả sản xuất nhạc. Đâu là hướng đi chính của anh?
- Tôi bắt đầu học kỹ thuật phòng thu từ hơn một năm trước, nhưng vẫn đang mày mò và tập làm quen thôi. Đó là định hướng lâu dài, cho tương lai xa.
Thực ra, một người trẻ làm sản xuất sẽ gặp khó khăn ở việc quản lý và kinh doanh. Đó chính là lý do tôi cần sự hợp tác với anh Quang Huy để yên tâm làm việc chuyên môn là soạn nhạc, thu âm... Ngoài ra, tôi còn phải dành thời gian để sản xuất âm nhạc cho chính tôi. Khán giả vẫn sẽ thấy Trịnh Thăng Bình hát sáng tác của mình trên sân khấu.
Trịnh Thăng Bình, sinh năm 1988, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Năm 2006, nam ca sĩ gia nhậpnhóm La Thăng cùng hai thành viên Minh Tuấn, Việt Hải. Hai năm sau, anh tách nhóm và phát triển sự nghiệp hát solo. Sau khi tách nhóm, Trịnh Thăng Bình ra mắt album đầu tay mang chính tên mình để khẳng định lối đi riêng cũng như vai trò sáng tác nhạc. Năm 2011, nam ca sĩ phát hành album thứ hai "Summer love" với nhiều hit được bạn trẻ yêu mến như: Lời chưa nói, Đã biết sẽ có ngày hôm qua, Đã lâu không gặp... Hiện anh là ca sĩ của công ty Wepro do nhạc sĩ Quang Huy quản lý. Ngoài ca hát, Trịnh Thăng Bình còn tham gia đóng phim như: Có lẽ nào ta yêu nhau, Anh em sinh đôi, Blog và người đẹp....
Hoàng Dung thực hiện
Theo VNE
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp hôn mê Chiều 3/1, gia đình nhạc sĩ "Lá đỏ" cho biết ông đã được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định sáng 2/1 sau khi thấy triệu chứng ho ra máu. Hiện ông đang trong tình trạng hôn mê. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Anh Lưu Hà Xuyên, con trai của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, cho biết: "Sau tai nạn...